(Kênh 13) – Mỗi dịp Tết đến là chị em làm dâu lại phát mệt vì nghĩ đến chuyện mấy ngày ở nhà chồng, cơm nước cỗ bàn, lúi húi dưới bếp…
Em cũng làm dâu, nhưng nhàn lắm, vì học hỏi kinh nghiệm của các chị đi trước và đúc rút ra mấy mẹo nhỏ cho mình
1. Không bao giờ cố gắng thể hiện là “dâu đảm”
Các cụ đã dạy: biết nhiều khổ nhiều, suy ra biết ít hay không biết cho nó sướng thân. Em là dâu thứ, là gái Hà Nội, lại lấy chồng em khi anh ấy đã qua tuổi 30, cả nhà đang sợ ế vợ nên nhìn chung là “con đường làm dâu” bước đầu đã được “trải thảm đỏ”.
Tuy nhiên, đề phòng tất cả những mệt mỏi, vất vả có thể phải gánh chịu về sau, ngay từ cái Tết đầu tiên, em đã “chứng tỏ” cho cả bố mẹ chồng, họ hàng bên chồng thấy: em là dâu “lười”.
Đừng ai mong chờ chuyện em “xông pha” vào bếp đảm đang khi nhà có khách hay đến bữa cơm hàng ngày. Đừng mong chờ chuyện em nhanh nhẹn vắn tay áo bưng mâm, rửa bát dọn dẹp sau khi ăn xong…. Em chỉ giúp cất dọn nồi cơm chẳng hạn rồi lăng xăng cất bát nước mắm hay bát canh.
Còn đến giờ nấu ăn ở nhà bố mẹ chồng, em xuống bếp hỏi chị dâu: hôm nay nhà mình có ăn miến hay bánh chưng rán không chị, em chỉ thích ăn và biết nấu 2 món đó thôi, có thì để em nấu cho!! Làm giỗ ở quê thì em và chồng tranh thủ thời gian 1 năm về 1 lần để đi chúc Tết, tránh được đoạn nấu nướng.
Ăn xong thì con cháu đầy ra đấy, đi mà rửa bát, học đảm đang trước khi lấy chồng, đấy là mấy bà cô bà dì nói vậy, nên em cũng được nhờ…. Được cái là bà chị dâu lại chăm chỉ và bố mẹ chồng đang khỏe, mới ngoài 60, vẫn làm mọi việc tốt nên em cũng chả có gì phải băn khoăn, áy náy.
Với lại theo em nghĩ, muốn sướng cũng phải có mẹo một chút. Lúc cỗ bàn, chuẩn bị hay nấu nướng, em đi chơi Tết với chồng hoặc cố tình ngủ dậy muộn, mặc kệ chị dâu và mẹ chồng. Khi khách đến thì em mới bắt đầu lăng xăng vào bếp rán phồng tôm, bày đĩa các kiểu…..thế là vẫn được khen đảm đang.
Trong khi vào giờ đó, chị dâu đang bận cho con ăn, thành ra “có làm mà không có tiếng”! Ở đời, sống cũng phải biết mẹo 1 chút thì vẫn ổn mà không mất sức phải không các chị? Mà suy cho cùng, mình cứ phải vui, phải khỏe, phải nhàn trước tiên thì những người sống quanh mình mới vui theo! Chứ thử vất vả, cực nhọc rồi mặt mày bí xị xem, chồng con rồi bố mẹ có “yên” được không?
Năm nay em có con nhỏ mới hơn 6 tháng nên lại càng tiện, nhiệm vụ lớn nhất của em là chăm bản thân và chăm con, ai thích làm gì thì làm.
2. “Chỉ đạo” chồng đến nơi đến chốn
Cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm trên các diễn đàn và các chị, các bạn nên ngay trước khi lấy nhau em đã thỏa thuận tất cả mọi việc từ kinh tế tài chính đến quan hệ họ hàng…
Tất cả mọi thứ tiền nong, lễ lạt bên nhà chồng đều là em ra mặt, em tặng, em trao…., cấm chồng “vượt mặt”. Nên nhà chồng nể em một phép, không có ý kiến này nọ. Kể cả là chuyện “dâu lười” cũng “no comment” luôn.
3. Có tiền cũng phải ra vẻ khó khăn
Em thấy nhiều người tranh thủ dịp Tết để “khoe của” bằng quà biếu, hay tiền mừng tuổi…. Mấy chị bạn em còn bảo, mừng 50 nghìn thì người mình cũng sang, cũng quý hơn hẳn là 20 nghìn. Ừ thì đúng nhưng mà chưa sâu.
Các chị không nghĩ đến năm nay mừng 50 nghìn thì sang năm cũng phải mừng 50 nghìn thậm chí phải hơn. Năm nay biếu 5 triệu thì sang năm người ta mong 6 – 7 triệu. Đấy, tự dưng mang dây buộc mình. Rồi sau lại kêu sợ Tết vì tốn kém.
Em về nhà chồng đúng 4 ngày Tết, em mang chỉ 1 bộ đồ ngủ, 2 bộ đi chơi, quần áo rất bình thường, dù ngoài kia em có cả tủ đủ các loại. Lì xì Tết em phân ra 3 mức, thân thích lắm (tính ra khoảng 3-4 cháu) em mừng 50 nghìn, còn lại phổ biến là 5 nghìn, 10 nghìn.
Em không sắm sửa gì cho bố mẹ chồng (em thấy không cần thiết, với lại mẹ luôn bảo: các con về là mẹ vui rồi, không cần phải mua sắm gì), bánh kẹo mua vài gói, thêm ít quả bưởi Diễn, biếu thêm 1 triệu. Thế là xong 4 ngày Tết! Rất nhẹ nhàng, không phải vắt óc đau đầu nghĩ ngợi gì. Mà cũng đỡ phiền về sau này, mọi người cứ tưởng mình xông xênh lại hay nhờ vả, xin xỏ, mệt lắm!
Vì mấy mẹo nhỏ trên mà năm hết Tết đến với em cứ nhẹ như lông hồng!
(Khám Phá)
"Kế sách" dâu lười trốn việc ngày Tết
0 nhận xét