1.
) (tiếp theo)
CHƯƠNG 2
Tờ báo của chúng tôi thấm thoắt đã ra được đến số 5. Kiểm điểm lại thành tích hoạt động thì tôi đã viết được sáu bài thơ, ba truyện ngắn và một lô chuyện chọc cười trong lớp. Hòa cũng say mê không kém. Sách vở của hắn hồi này độ dầy bị lép hẳn đi vì hắn chuyên xé ở giữa để lấy giấy làm bản thảo thơ chọc cười và viết truyện kiếm hiệp.
Hậu quả chung cho cả hai đứa là trong bảng xếp hạng, đang từ hạng trên 20 tụt xuống khoảng dưới 40. Hôm cuối tháng xin chữ ký chứng nhận "đã coi" của gia đình, tôi bị ông cụ thân sinh xỉ vả cho một mẻ tối mắt, tối mũi. Còn Hòa thì hình như bị nặng hơn. Hắn không nói ra, nhưng ít lắm thì cũng bị nọc nằm ra giường lãnh vài thanh củi vào mông (ngày trước ở Hà Nội, mọi nhà thường hay nấu bếp bằng củi nên tụi trẻ thường bị đòn bằng thanh củi).
Rồi chủ nhật tuần ấy, ngu dại thay, tôi vẫn vác mặt lại "tòa soạn" tức nhà của Hòa để làm báo. Khi vào đến cửa tôi mới hay là hắn đang bị bố nặng. Thì ra hắn đã mang đồ nghề làm báo ra tô vẽ trong khi chờ tôi tới. Bà cụ của Hòa tuần lễ trước vẫn để cho tụi tôi lúi húi với nhau, nhưng lần này bà đã khám phá ra cái nguyên nhân khiến cho Hòa tụt hạng. Thế là chẳng báo với bổ gì hết, bao nhiêu hồ sơ bản thảo của chúng tôi bị bà xáo tung lên, xé xoàn xoạt. Vừa lúc đó thì tôi thò mặt vào. Lập tức tiếng quát tháo ào ra làm tôi khựng lại :
- Cậu về đi ! Tôi cấm cửa cậu ! Cậu làm hư thằng Hòa. Báo với bổ cái gì…muốn đi ăn mày cả lũ hả ?
Hòa cay cú lắm, như sợ mẹ nên mặt cứ cúi gằm xuống không dám ngẩng lên. Còn tôi thì hết mở được mồm, cứ đứng như chôn chân một chỗ để chịu trận. Rồi thừa lúc bà mẹ Hòa cúi xuống gầm giường kiếm cái ống nhổ, thế là tôi co giò cút thẳng, không một lời chào.
Hôm ấy tôi vừa xấu hổ vừa buồn vô hạn. Cả một buổi sáng chủ nhật tôi đã đi lang thang hết phố này tới phố khác, rồi cuối cùng tôi ngồi một mình trên chiếc ghế đá trong sân tòa án Hà Nội (hồi đó ở đây có một khu vườn rất rộng rãi, lại có một con đường xuyên qua vườn để khách bộ hành có thể đi từ mặt tiền ở phố Rolland qua con đường Gambetta ở phía sau tòa án). Quanh tôi vắng ngắt không một bóng người. Tòa nhà to lớn trước mặt đóng cửa im ỉm. Quanh vườn, những hàng cây trơ trụi lá in hình dáng khẳng khiu trên nền trời đầy mây xám. Gió trong vườn lạnh ngắt thổi xì xào mang theo cái hơi băng giá của mùa đông đang chớm về.
Hà Nội đối với tôi bao giờ cũng đẹp nhất vào lúc tàn thu. Bầu trời mầu chì như thấp xuống. cành cây như vươn cao hơn vì lá đã rụng nhiều. Khung cảnh bốn bề không sáng quá dưới ánh nắng thoi thóp của mùa thu sắp hết. Mọi vật chung quanh, từ những chiếc ghế đá trong công viên im vắng đến những cánh lá úa vàng lượn xào xạc trên thảm cỏ và những hàng cây cao đã xẫm mầu thêm ra, một mầu nâu điểm những vết mốc lốm đốm bạc, tất cả như đang xao động nhẹ nhàng để đón lấy cái lạnh gây gây nhẹ nhàng của mùa đông đang lén tới.
Trong khung cảnh ấy, giữa nỗi buồn đè nặng trong tâm tư, tôi càng cảm thấy mình tách lìa thực tế để thả hồn theo tiếng gọi thơ mộng của văn chương. Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện đã xẩy ra. Tôi thấy coi thường cái "nhân tình thế thái" ở nhà Hòa vừa qua ! Bà mẹ của Hòa thì đã đành đi rồi. Một bà cụ nửa quê nửa tỉnh làm sao biết giá trị của văn chương. Nhưng thái độ cúi gằm mặt xuống của Hòa không dám ngẩng lên biện hộ giùm tôi lấy một lời, làm tôi thấy coi thường hắn quá.
Tôi đâu có làm hư hắn. Chính hắn tình nguyện hợp tác với tôi để ra báo đấy chứ !
Ừ ! Ít ra thì hắn cũng phải nhìn tôi, cũng phải chia sẻ với tôi cái sự nhục nhã mà tôi bị bà cụ hắn giáng xuống. Hoặc ít lắm thì cũng phải là một ánh mắt nhìn tôi với một vẻ như ngụ ý : "Mình gặp hoạn nạn chung. Cụ tớ nói gì thì nói, đằng ấy đừng để bụng nhé!". Thế thì mới được chứ ! Đàng này hắn sợ quá. Mặt hắn cắm xuống, bỏ mặc cho tôi chịu trận. Những câu : "Cậu về đi ! Tôi cấm cửa cậu ! Báo với bổ gì ! Muốn đi ăn mày cả lũ à ?", ôi chao, đối với tôi còn nặng hơn cả những thanh củi mà bà cụ phang lia vào mông của Hòa.
Càng nghĩ tôi càng giận đời. Tôi tự thề trong lòng là phải trả lời những tiếng nhiếc móc ấy bằng công việc. Tôi sẽ viết những truyện thật lẫy lừng. Tôi sẽ in tác phẩm của tôi. Rồi một ngày huy hoàng nào đó khi sự việc ấy xẩy ra, tôi sẽ trịnh trọng đến thăm bà, biếu bà tác phẩm của tôi trong có lời đề tặng đi kèm triện son đỏ chói: " Kính tặng cụ, viên gạch đầu tiên trên đường sự nghiệp của cháu."
Ối chà chà ! Chỉ cần nghĩ như thế là tôi đã thấy nhẹ tênh như chính mình vừa chống trả một cách oanh liệt những câu riếc móc đến rứt thịt vừa qua. Thế là lòng tôi lại tràn ngập cảm hứng. Tôi muốn được viết ngay lúc đó. Và giả sử nếu có sẵn giấy mực, tôi sẽ ngồi đây cả ngày để khởi thảo "viên gạch đầu tiên" của mình.
Hôm ấy tôi về thật trễ. cả nhà đã ăn xong bữa trưa. Tôi gặp ngay ông cụ thân sinh của tôi đứng xỉa răng ở đầu hè. Ông nhìn tôi bằng cái nhìn xoi mói từ đầu đến chân. Cặp mắt của ông nghiêm trang đến như có vẻ dữ dội. Rồi ông hỏi tôi:
- Đi đâu về ?
Tôi cố lấy giọng thản nhiên:
- Thưa, con ở nhà bạn về.
Lập tức ông đổi giọng quát tháo :
- Bạn với bè gì đi lang thang bỏ cả giờ cơm. Muốn trở thành du thủ du thực hả ?
Tôi vội vàng chối lia:
- Không ạ ! Con lại đằng thằng Hòa hỏi nó bài toán, rồi nhà nó có giỗ, nó giữ con lại ăn cơm luôn.
Ông cụ lại nhìn tôi từ đầu đến chân một lần nữa. Rồi như có vẻ xuôi tai về cái lý do tôi vừa nêu ra, ông liền quay vào sau khi nói sõng một câu:
- Liệu cái thần hồn đấy, không thì chết đòn.
Tôi thở ra một hơi khoan khoái. Chưa kịp hết mừng thì bà chị của tôi đã reo lên:
- A ! Cậu Tiến ăn cơm khách rồi hả ?
Tôi nhìn theo thấy ông cụ vẫn chưa bước vô nhà, đành nói to:
- Em ăn rồi ! Nhà thằng Hòa có giỗ !
Chị tôi cười ròn rã :
- Thế thì may cho cậu rồi. Ở nhà hôm nay cũng không có để phần cơm. Cụ vừa ra lệnh đứa nào bữa ăn không về, cho nhịn đói luôn !
Tôi thấy cơn tức đầy ứ lên cổ, lại thêm cái đói bắt đầu hoành hành, nhưng tôi vẫn vênh váo:
- Em việc gì phải nhịn đói. Giỗ nhà nó to, giết cả mấy con gà, ăn căng bụng không hết.
Nói rồi tôi vùng vằng đi vào. Cái sự nhà không để phần cơm cho tôi làm tôi đói thêm lên. Bụng tôi cồn cào. Hai chân, hai tay bắt đầu thấy run. Trong tình thế này muốn hết run thì chỉ có cách là đi pha một ly nước trà đường. Nhưng xui xẻo thay, lúc sờ tới hũ đường thì chỉ còn thấy mấy con kiến đen chạy nhốn nháo ở dưới đáy lọ, y hệt cái cảnh nhà vừa dọn đi, đồ đạc trống rỗng, trẻ con nhẩy múa huỳnh huỵch từ phòng này qua phòng khác một cách tự do như gió trời.
Ngày hôm sau đi học lại, tôi đã chờ đợi cái giây phút bi thảm mà tôi biết là nó sẽ tới. Quả nhiên vừa gặp tôi, Hòa đã nói bằng một giọng buồn rầu:
- Mẹ tớ ra điều kiện là trong 3 tháng liền nếu đứng từ hạng 5 trở lên thì mới được cho cậu tới chơi. Còn từ nay tới đó thì…thì…
Tôi tức giận, nói ngay:
- Tớ đếch cần….Sẽ không bao giờ tớ tới nhà cậu nữa.
Hòa cười gượng gạo:
- Tớ sẽ cố. Tớ sẽ vượt tụi nó để lên hạng 5…
Câu nói của Hòa làm tôi thương mến hắn. Cơn giận vừa ùa đến đã vụt tan đi. Dẫu sao thì Hòa cũng có nhiều tình cảm với tôi. Những lời hứa của Hòa là một cách biểu lộ cái tình cảm ấy. Còn khả năng của Hòa thì tôi dư biết. Trong suốt mấy tháng đầu của niên học, chưa bao giờ tôi và Hòa đứng hạng trên 20. Thường thường, Hòa ở vào khoảng từ 25 đến 30. Còn tôi thì tệ hơn hắn nhiều, không biết sao con số 42 cứ có duyên với tôi hoài, có khi hai tháng liền tôi đứng ở hạng 42. Có tháng tôi lên được thứ 37, nhưng tháng rồi lại tụt xuống 45. Đó là kết quả của những ngày tôi bỏ học bài, bỏ làm toán để ngồi sáng tác đến 2, 3 giờ đêm.
(còn nữa)
0 nhận xét