Open top menu
Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

(Kênh 13) – Chỉ vì không chuẩn bị máu cho bệnh nhân trước khi mổ mà sản phụ Trần Thị Lân (sn 1977, tại thôn Đồng Bai, xã Lạc Hưng, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã phải mất mạng.


Sau khi sản phụ Trần Thị Lân qua đời, em bé được nhà ngoại đem về nuôi

Sau khi sản phụ Trần Thị Lân qua đời, em bé được nhà ngoại đem về nuôi


Bác sĩ tắc trách hay làm sai quy định nghiệp vụ? 


Trong nỗi đau mất người em gái, chị Trần Thị Lanh (chị gái sản phụ Trần Thị Lân – PV) cho biết: “Những ngày cuối của thai kỳ, em tôi đến Bệnh viện huyện Yên Thủy để khám thai. Bác sỹ tiến hành khám, siêu âm, chụp chiếu đã kết luận em gái tôi bị nhau tiền đạo. Các bác sĩ tư vấn, trường hợp thai bị nhau tiền đạo thì nên mổ, không đẻ thường, nên nằm viện để theo dõi. Em tôi rất lo lắng và nhập viện nằm gần một tuần. Đến 14h ngày 24/06/2013, bệnh viện quyết định đưa em tôi lên bàn mổ, ca mổ thực hiện khi thai được 34 tuần tuổi, em bé sinh ra nặng 2,8 cân. Đến 14h30′, bác sĩ Dương Văn Tiến, giám đốc bệnh viện (người trực tiếp tiến hành mổ) thông báo với gia đình là ca mổ khó, bệnh nhân mất nhiều máu cần phải tiếp máu mà bệnh viện không có máu dự trữ. Sau đó, bệnh viện cho người đi xe máy sang bệnh viện đa khoa Ninh Bình lấy máu”.


Theo lời kể của chị Lanh, đến gần 19h cùng ngày, nhân viên y tế đi lấy máu về, vị giám đốc đã thông báo với gia đình là phụ sản Lân mất quá nhiều máu, xong mới lấy được 1,5 lít máu phải cần thêm 1,5 lít nữa thì mới đủ. Ngay lúc đó chị Lanh có hỏi: “Thế em tôi có còn nhận được máu nữa không?” ông Tiến trả lời: “Được”. Do gia đình sản phụ quá sốt ruột nên chị Lanh gọi điện đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì được thông báo có máu. Chị Lanh đề nghị người nhà đi lấy đem về thì ông Tiến lại bảo không được nữa, chị Lân đã chết rồi.


Tại sao chỉ khi người nhà đề nghị tự đi lấy máu để tiếp cho sản phụ thì vị bác sĩ này mới thông báo chị Lân đã chết, phải chăng bác sỹ đã lừa dối gia đình nạn nhân? thực sự sản phụ Lân đã chết lúc nào trong khoảng thời gian chờ đợi khá dài, kể từ khi ca mổ bắt đầu lúc 14 giờ đến tận 19 giờ mới có máu mang về để tiếp?


Chị Lanh còn cho chúng tôi biết thêm, sau khi biết em gái bị mất nhiều máu, mà bệnh viện không có máu để tiếp, gia đình chị đã xin bệnh viện chuyển sản phụ Lân lên tuyến trên cấp cứu, nhưng ông Tiến nói không đi được, đang cấp cứu, chị Lanh nói trong cơn uất ức.


Đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự


Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện huyện Yên Thủy, người trực tiếp mổ cho biết :”Khi mổ thì phát hiện phụ sản Lân không những bị “nhau tiền đạo” mà còn bị “nhau cài răng lược” nên đã mất rất nhiều máu. Mà bệnh viện chúng tôi không dự trữ máu nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy”.


Về vấn đề tại sao


Một bác sĩ sản khoa (xin được giấu tên) cho biết: ”Do gây chảy máu lặp đi lặp lại nên nhau tiền đạo có thể khiến thai phụ bị thiếu máu, chảy máu trong một thời gian dài và thậm chí gây sốc cho người mẹ. Vì tử cung bị co nên thường xảy ra xuất huyết sau sinh. Ngoài ra, nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau khi sinh bị bóc tách khiến cổ tử cung bị hở, vi khuẩn xâm nhập vào khiến cho bề mặt âm đạo dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy công tác chuẩn bị máu trước khi mổ là rất cần thiết để đảm bảo một ca mổ thành công”.


Theo luật sư Nguyễn Huy Long, Giám đốc công ty luật Minh Long và Cộng sự, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội nhận định: Có thể nhận thấy rằng, do việc thăm khám, chiếu, chụp không kỹ nên các bác sỹ bệnh viện huyện Yên Thủy không có sự chẩn đoán chính xác, không lường trước được sự việc dẫn đến sản phụ mất nhiều máu và bị tử vong. Tuy còn phải xét đến kết quả giám định tử thi, nhưng nếu thực sự sự việc như gia đình sản phụ phản ánh, cũng như bác sĩ Tiến đã thừa nhận, cơ quan điều tra huyện Yên Thủy hoàn toàn có thể điều tra, xem xét có hay không dấu hiệu vi phạm quy tắc khám, chữa bệnh của các bác sỹ bệnh viện huyện Yên Thủy để khởi tố vụ án với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” quy định tại Điều 99 BL Hình sự.


Luật sư Long nhấn mạnh :”Trong trường hợp này nếu việc khám nghiệm tử thi có phát hiện có sai sót chuyên môn, hoặc có dấu hiệu vi phạm quy tắc khám, chữa bệnh của các bác sỹ theo quy định tại Điều 6 Luật khám chữa bệnh năm 2009 thì các bác sĩ tại bệnh viện này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định trên”.


Cái chết tức tưởi của sản phụ Trần Thị Lân có phản ánh sự tắc trách của kíp mổ mà ở đây, bác sĩ mổ chính là giám đốc bệnh viện huyện Yên Thủy, ông Dương Văn Tiến hay không bởi bệnh viện không có máu dự trữ mà vẫn quyết định mổ đẻ cho phụ sản được chẩn đoán bị “nhau tiền đạo”? Hay bác sĩ đã quá tự tin vào trình độ chuyên môn nên không có sự chuẩn bị đầy đủ về các điều kiện cần thiết cho ca mổ dẫn đến hậu quả chết người? Hoặc có thể, ca mổ này vượt quá trình độ chuyên môn nên bác sĩ không thể nhận biết được sự nguy hiểm nếu thực hiện?


Vì vậy, các ngành hữu quan, nhất là ngành y tế tỉnh Hòa Bình cần khẩn trương làm rõ, kết luận sự việc khách quan, chính xác để trả lời những tố cáo có căn cứ của gia đình nạn nhân.


Người trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này có thể bị phạt tù 12 năm


Theo Điều 99 Bộ luật Hình sự quy định “Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp … thì bị phạt tù từ một năm đến 6 năm; phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.


Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh gồm: “….không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; … gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề…”.


Trường hợp người có hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải chịu trách nhiệm hành chính nếu có căn cứ.


Trách nhiệm hành chính được quy định tại Điều 30 nghị định 176/2013/NĐ-CP như sau:


“4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở.


5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:


a) Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, trừ trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh mà nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh;


b) Không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu.


6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.


7. Hình thức xử phạt bổ sung:


Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này”.


Chúng tôi sẽ thông tin thêm về vụ việc này….


(Trí Thức)



Cái chết tức tuởi của sản phụ vì kíp mổ không chuẩn bị máu cấp cứu

0 nhận xét