Open top menu
Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014



                                               (tiếp theo)


Việc sắp xếp như thế kể là tạm xong. Ngay hôm ấy tôi về nhà thảo ngay một bài Lời Phi Lộ cho tờ báo, với chủ trương :

1) Bắc một nhịp cầu thông cảm với Thiếu Nhi Việt Nam "trên toàn quốc" (!) , mặc dù báo của chúng tôi chép tay có mỗi một bản.

2) Lập một diễn đàn văn nghệ để các bạn trẻ có cơ hội trau giồi khả năng sáng tác cũng như phát triển những ý tưởng của mình, hầu xây dựng một thế hệ ngày mai tươi thắm !

3) Đả kích những tệ đoan (?), những chướng ngại vật cản đường ngăn lối cho sự phát triển của thế hệ Thiếu Nhi V.N.

Riêng về mục thứ ba này sở dĩ tôi đưa vào đường lối của tờ báo là vì trong báo có mục phiếm luận. Mục này theo Hòa nói, thì hắn sẽ sử dụng như một lưỡi kiếm báu (lại kiếm !) để diệt trừ những "sâu mọt" trong làng Thiếu Nhi.

Tôi tin hắn lắm. Và quả nhiên trong bài phiếm luận ở số ra mắt, ông lão gác cổng trường là "con mọt" trước tiên bị kiếm báu của Hòa vung nhát mở đầu.

Số là, đối với toàn thể bọn học trò chúng tôi, lão gác trường là một nhân vật đáng ghét vô cùng. Hầu như chưa bao giờ chúng tôi thấy lão ta nhỉnh lên được một nụ cười. Vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lẽo như băng, cặp môi cứ mỏng dính lại, đôi mắt thì tráo trưng như sẵn sàng gây gổ với bất cứ đứa học trò nào lai vãng tới gần. Hai giờ chiều trống đánh vào lớp, hai giờ năm phút, cổng trường khóa kín, công việc đó lão ta đã làm như một cái máy tinh vi không biết mệt mỏi, không sai lệch. Bọn chúng tôi hận lão vô cùng vì cái bản tính tôn trọng nguyên tắc bất di bất dịch đó. 

Đã nhiều lần trong năm học, tôi đến trễ chỉ chừng vài giây, và khi tôi trông thấy lão ta đang từ từ đẩy hai cánh cổng gỗ với vòng xích cầm trên tay thì tôi, một tay ôm cặp, một tay xốc quần, chạy chối chết, cố nhịn thở để la lên:

- Chờ cháu với…chờ cháu với !!!

Nhưng như một khối đá vô tri, lão già phải gió ấy không thèm chậm tay lại và vừa đúng lúc tôi nhào tới với quần áo lếch thếch tả tơi, mồ hôi nhễ nhại thì cũng vừa vặn nghe được tiếng khóa kêu lên một tiếng tách khô khan móc trên vòng xích. 

Qua song cánh cổng gỗ, lão nhìn tôi bằng ánh mắt khoái trá, lại đầy vẻ ngạo nghễ. Hẳn trong bụng lão mừng lắm đấy vì đã thắng được thằng nhãi trong một cuộc đua ngắn ngủi và bất ngờ này. Rồi lão quay đi, bước chân chậm chạp, những vệt nắng xuyên qua mái lá in từng vệt lốm đốm trên lưng áo đã bạc mầu. Ở đằng sau, tôi mệt lử cò bợ, mặt đã tái mét lại thêm cơn tức trào lên đầy ứ cổ họng, nước mắt cứ muốn ứa ra ở hai bờ mi.

Bọn trẻ trong lớp của tôi hầu như đứa nào cũng được "sơi" món đòn chạy đua đó. Tất nhiên chúng nó cũng trả đũa lại bằng đủ thứ trò độc địa khác. Và cứ như thế, mối oan khiên ngày càng chồng chất, thật không có phương cách gì có thể san bằng đi cho được.

Riêng với Hòa thì mối thù của hắn đối với ông lão lại còn sâu đậm hơn. Tôi còn nhớ một hôm Hòa suýt trễ học nên không kịp ra cầu tiểu trước khi xếp hàng vào lớp. Giờ học hôm ấy lại có mấy đứa không thuộc bài làm thầy Huỳnh giận dữ hơn bao giờ hết. Vì lẽ ấy, Hòa không dám hó hé viện cớ này cớ nọ để chạy đi phun vòi rồng. Hắn ta ấm ách suốt giờ học. Đến giờ ra chơi, cầu tiểu đông khách quá, thiên hạ đứng vòng trong vòng ngoài. Hòa chen vào không kịp, đành vắt vòi rồng ở ngay gốc cây bàng cuối sân mà tưới xối xả.

Xui xẻo cho hắn là khi ấy lão gác trường lại đang lúi húi mài dao ở ngay đằng sau phông ten nước gần đó. Nên vào lúc "sở cứu hỏa" đang hoạt động mạnh mẽ nhất thì Hòa bị lão ta lén lại gần, rón rén vừa đủ để cho Hòa không nhận biết, rồi bất thình lình lão giơ một thanh tre lên, khện cho cu cậu một roi vào mông quắn đít. Hòa tá hỏa, la lên một tiếng chói tai rồi vừa ôm vòi rồng vừa bỏ chạy. Báo hại, vòi nước ấm cứ xối vung tàn tán, văng bên này vẩy bên kia, làm nguyên một bên ống quần của Hòa bị ướt như chuột lột.

Hòa căm vụ ấy vô cùng ! Hắn vẫn thường đe sẽ cho lão này một vố nhưng chưa có dịp nào thi thố cho đích đáng. Cho nên, lý do thật dễ hiểu khi bài phiếm luận đầu tiên trong số báo ra mắt, kẻ "sâu mọt" trong làng thiếu nhi đầu tiên bị lưỡi kiếm báu của Hòa hạ xuống chính là lão gác trường. Tôi không nhớ Hòa đã viết những gì để mạt sát kẻ sâu mọt ấy, nhưng Hòa đã kết luận bài báo bằng đoạn thơ lục bát dưới đây mà sau này bọn trong lớp chúng tôi đều truyền tụng.

Đoạn thơ mở đầu bằng một câu cũ rích vẫn thấy nhan nhản trên các bài văn, bài báo thời đó : 
" Người đời sau mới có thơ rằng", và "thơ" ấy như sau :

Trần gian có một không hai
Da sành, mặt sứa, đôi tai bú dù (bú dù là một loại khỉ nhỏ)
Răng hô, mũi vọ, lưng gù
Chân tay lẻo khoẻo, mắt mù thấy ai
Nho phong nghĩa khí ở đời
Tam tòng, tứ đức (!) ôi thôi biết gì
Sinh ra nào để làm chi
Gươm thiêng một nhát, chặt đi cho rồi !

Hạ địch thủ bằng đoạn thơ ấy, Hòa đắc ý lắm. Hắn đem đọc cho mấy tên khác nghe. Một đứa trong bọn chợt óe lên: "Bú dù ! Bú dù !". Thế là lão gác trường được trao tặng cái danh hiệu mỹ miều "Bú dù" kể từ đó.

Nhưng con đường nghệ thuật thật lắm chông gai. Trong trường văn, trận bút không phải cứ vung kiếm báu lên chém thiên hạ vô tội vạ rồi được ngồi cười hả hê. Nhiều phen phù thủy không cao tay ấn, lũ âm binh có khi quay về phản phúc chính mình. Hòa đã học được bài học kinh nghiệm đó ở ngay những bước dò dẫm khởi đầu. 

Số là khi bài thơ ngắn của Hòa vừa được truyền đọc, và Hòa đang hiu hiu tự mãn vì "đường gươm trác tuyệt" của mình, thì đùng một cái, có chuyện động trời xẩy ra ở lớp Nhì phòng dưới. Một anh học trò vô danh nào đó, chắc là hận thầy giáo lớp mình dữ đòn (hẳn cũng tương đương với mối hận của Hòa với ông lão gác trường), nên một hôm đã lén vô lớp sớm, dùng phấn trắng viết lên bảng một chữ tổ bố : THẦY H., rồi hai chấm xuống dòng, chép lại hai câu thơ :

Trần gian có một không hai
Da sành mặt sứa, đôi tai bú dù ! 


Ôi trời đất ơi ! Có lẽ khi trời sập thì chắc cũng không thể nào náo loạn hơn là cái lúc thầy H. bước vô lớp học và phát hiện trên bảng đen những hàng chữ ấy. 

Thầy là người nổi tiếng vừa thâm vừa nghiêm khắc. Bọn lớp Nhì kể rằng hình cụ của thầy thường có ba món ăn chơi. Trước hết là món "trao đổi văn nghệ" áp dụng khi trong lớp có hai đứa cãi lộn với nhau. Thầy bắt cả hai lên trình diện trước "khán giả". Thầy giới thiệu với mọi người là thầy mới mượn được ở vườn Bách Thú về hai con bú dù. Bú dù hay đánh lộn nhau lắm. Rồi thầy bắt hai đứa đóng vai bú dù tát vào nhau cho mọi người coi chơi. Được xem màn kịch bất ngờ ấy, cả bọn trước còn bò ra cười. Nhưng đến khi thấy hai đứa vả nhau đến đỏ vù cả má lên thì cả lớp đều xanh mặt lại. Tiếng cười trước còn ròn rã, sau thưa dần rồi im phăng phắc. Chỉ còn có mỗi một âm thanh sắc và nhọn của thầy đều đều vang lên : Nữa !...Nữa !...Nữa !....

Món ăn chơi thứ hai của thầy là món "trồng cây chuối" áp dụng cho những đứa không thuộc bài. Nạn nhân bị gọi lên bảng, xây lưng vô tường, rồi biểu diễn một màn chổng mông lên, hai chân ghếch lên tường, đầu chúc xuống, dưới đất để quyển vở bài học, và cứ ở tư thế đó mà học bài cho đến khi thuộc ! Thường thì chẳng bao giờ tụi trẻ có thể thi hành được đúng như lệnh của thầy đã ra cả. Tường thì trơn, lúc chúc đầu , máu dồn xuống làm mặt nặng như dưới lớp da có dằm chì nên cứ phải đánh vật với cái tường suốt buổi, lâu lâu lại thấy té cái "huỵch", té xong lại phải lóp ngóp bò lên, làm lại. Họ hàng nhà lười rất sợ cái món ăn kỳ dị, quái ác này mà chỉ có thầy H. thâm trầm mới nghĩ ra nổi. Thầy còn nói : " Ở nhภchăn ấm, nệm êm ngồi học tử tế không chịu, thì cho học kiều này sau mới nhớ !"

Món thứ ba của thầy, tụi lớp Nhì gọi là món "đội đèn", áp dụng cho những tội nhân nói chuyện trong lớp, không nghe giảng bài, bắt nhắc lại lời giảng mà không nhắc được, hay có khi bị bắt quả tang đọc truyện trong lớp….Nạn nhân bị kêu lên bảng, co một chân lên như kiểu cò bợ, người phải đứng thẳng tắp, quyển vở thì đem đội lên đầu, cấm được đánh rơi xuống. Mỗi lần mà quyển vở rơi xuống là thầy lại tiến tới xoắn tai một vòng, giật qua giật lại vài ba "phùa" và nói với giọng chì chiết :

- Ăn hại hả ? Đội có quyển vở không xong thì học hành cái gì. Nhặt lên, đội lại !

Tất nhiên là dù có tài Thánh thì quyển vở cũng phải rơi vài ba lần, và những cú xoắn tai, giật qua giật lại vài ba phùa lại tái diễn. Cu cậu nào đã từng trải qua, ắt phải nhớ đời.

Một ông thầy nghiêm khắc và thâm hiểm như vậy mà lại bị gán cho hai câu thơ bất hủ như trên thì thật không còn trời đất nào nữa. Cả buổi học hôm ấy, lớp Nhì B náo loạn cả lên. Thầy không bắt được quả tang thủ phạm nên "hành" cả lớp và đe dọa sẽ còn điều tra thủ phạm trong suốt cả năm học còn lại.

Tin ấy đến tai bọn tôi làm cả hai đứa, tôi và Hòa xanh mặt. Lại có tiếng xì xào :

" Hai câu thơ ấy thằng Hòa khoe là của nó đấy !"

Nghe được, Hòa chỉ muốn độn thổ ngay và ước gì mình chưa bao giờ dính dáng chút xíu gì đến văn nghệ, văn gừng cả. Và sau đó dĩ nhiên, tờ báo Bút Học Trò số ra mắt đang lưu hành trong lớp lập tức được chúng tôi thu hồi ngay về, đem giấu biến. Cũng may, được cái cả bọn học trò lớp Nhất sợ bị liên lụy nên cũng không đứa nào dám hó hé gì với nhân viên trong nhà trường cả.

Cả tháng sau, nghe chừng đã êm ả, chừng đó Hòa mới lại mạnh mồm huyênh hoang:

- Năm ngoái tớ học ông ấy rồi. Tụi nó tặng hai câu thơ ấy thì kể cũng đáng !!!

(còn tiếp).

0 nhận xét