(Kênh 13) - “Tôi rất hiểu các anh trai mình. Tinh thần anh Trọng rất vững vàng nhưng bản án của anh Dũng đã ảnh hưởng sâu sắc và nó khiến anh bị trầm xuống rất nhiều.
Nếu không có việc ấy, anh Trọng không thể có một sắc thái như thế được”, bà Dương Thị Băng Tâm, em gái của hai người đàn ông làm dậy sóng dư luận suốt thời gian Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng chia sẻ.
Thời cất vó, đánh giậm của anh em Dũng-Trọng
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, gia đình vốn được coi là danh giá bậc nhất đất Cảng liên tiếp gánh kiếp nạn khi lần lượt hai người con trai rơi vào vòng lao lý.
Ông Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), người con cả của Đại tá Dương Khắc Thụ (nguyên Giám đốc Công an Hải phòng), lĩnh án tử hình vì tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản.
Còn người con thứ hai, ông Dương Tự Trọng (nguyên Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) lĩnh 18 năm tù vì tổ chức cho anh trốn ra nước ngoài.
Trao đổi với Đất Việt, trước việc chứng kiến hai người anh đứng trước vành móng ngựa, bà Tâm lại nghẹn ngào nhớ đến những ngày còn thơ bé, thuở bố bà suốt ngày đi công tác xa, số lần ghé qua nhà trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Một mình mẹ tôi gồng gánh nuôi 5 người con (một người anh của bà Tâm sau này mất vì tai nạn giao thông-PV). Thời trẻ mẹ vào du kích, đến khi lấy chồng, nhà nghèo, chẳng có đất nên phải bươn chải bao phen. Khi ấy, hai anh Dũng, Trọng cùng mẹ lo toan cho các em. Anh Dũng thì cất vó, anh Trọng đánh giậm…
Vậy mà hai anh lúc nào cũng yêu quý em, thường xuyên bế ẵm, bảo vệ em. Đi đâu có gì ăn được cũng mang về cho em, từ quả dừa đến tổ ong, nhiều khi còn nhịn cơm để phần em…”.
“Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thốn. Có giai đoạn mẹ tôi đi bán vải “sida” để các con có manh áo mặc. Nhà khó khăn như vậy nhưng chẳng bao giờ ngớt tiếng cười. Đến bữa cơm, chẳng có gì ăn, chỉ có cơm, rau và mắm nhưng mẹ tôi cùng anh Dũng, anh Trọng vẫn có những câu chuyện hài hước, cuộc sống lúc nào cũng tạo ra một sự thú vị trong mọi hoàn cảnh”, giọng bà Tâm nghẹn lại.
Chính vì thế, bà Tâm tin rằng, các anh trai mình không bao giờ bi quan dù hai bản án kia có nghiệt ngã đến đâu, bởi truyền thống gia đình bà không cho phép như thế.
Anh Trọng cũng là người rất yếu đuối
Trong gia đình bà Tâm, đại tá Dương Khắc Thụ là người định hướng cách sống, sự lạc quan, bứt phá cho các con trong khi vợ ông lại là người tạo nên bầu không khí hạnh phúc, dạy các con sống tình cảm.
“Bố tôi hay đi xa nhưng mỗi lần về rất nghiêm với các con. Ông cũng đánh con, dù rất ít thôi. Những lần dạy con, nhiều khi chỉ là tranh luận thôi mà ông không kiềm chế được. Lắm lúc bức xúc quá, ông cũng có thể ‘phát’ con vài roi, kể cả khi anh Dũng, anh Trọng đã lớn”, bà Tâm nhớ lại.
Con cái trong nhà đều rất nể và sợ đại tá Dương Khắc Thụ: “Quan điểm của bố tôi là: đã sinh ra làm người thì phải có mục đích, mà mục tiêu thì bao giờ cũng phải đặt cái chung lên trên, cái tôi cá nhân xuống dưới. Ông thực sự là con người của cách mạng, không chấp nhận buông tay trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối với ông, vấp ngã là phải đứng dậy, không bao giờ là muộn cả”.
Chính vì thế, “dù các anh Dũng, Trọng có thế nào thì với quan điểm giáo dục của bố tôi, các anh không bao giờ buông tay, luôn nhìn về phía trước.Tôi nghĩ chẳng bao giờ các anh bi quan đâu, bởi cái chất ấy đã ngấm vào trong máu thịt của mình rồi”, bà Tâm khẳng định.
Nhớ đến phút ông Dương Tự Trọng cười tươi vẫy chào và nói lời cảm ơn các cán bộ công an trước khi bước lên xe thùng về nơi tạm giam rồi nghiêm mặt lệnh cho người nhà “Không được khóc… Cứ bình tĩnh” sau bản án 18 năm tù, bà Tâm càng thấy thương anh trai mình nhiều hơn.
Bà nhớ khi ông Trọng chưa bị bắt, còn ông Dũng lưu lạc bên ngoài sau khi bỏ trốn, mỗi lần nhìn thấy người phụ nữ nào trong gia đình buồn, ông Trọng lại mắng át đi: “Làm sao lại phải buồn?!”. Bà Tâm biết đấy là ông Trọng đang kiềm chế:”Anh Trọng là người yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ gì đâu. Anh tạo ra vẻ bên ngoài cứng rắn nhưng thực ra lại rất tình cảm”.
Trong phiên tòa hôm 8/1, ông Trọng đã dành những lời nói sau cùng để nói về anh trai Dương Chí Dũng: “Anh Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Tôi luôn sống cùng với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Tôi vẫn thầm ước được chịu tội thay anh tôi. Tôi luôn cầu mong anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha của người đời. Tình cảm ấy tôi nghĩ rằng ở mỗi con người ai cũng có. Mong mọi người hiểu cho”.
Ông Dương Chí Dũng cũng bày tỏ: “Tôi rất thương em trai mình và sẵn sàng chết để cho em tôi sống”.
Hơn ai hết, bà Dương Thị Băng Tâm hiểu được những lời gan ruột ấy của hai người anh trai. “Giá như chịu tội được cho các anh, tôi cũng làm ngay. Thà rằng mình chịu còn cảm thấy đỡ đau hơn chứng kiến cảnh người thân của mình phải chịu”.
Có lẽ vì tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ của ông Dũng, ông Trọng như thế nên vợ của hai ông cũng có nét nhang nhác như vậy.
Bức thư gửi từ trại giam cho mẹ
Ngày 16/1, cựu đại tá Dương Tự Trọng đã chuyển lời nhắn của mình đến cho mẹ qua luật sư Bùi Quang Hưng, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo.
Ông Trọng nhắn rằng: Mẹ phải giữ gìn sức khỏe, con ở trong này điều kiện cũng rất tốt. Ở trong này biệt lập với thế giới bên ngoài nên an toàn hơn, không có xe cộ, hàng ngày không phải lo ra ra đường, xe cộ đông đúc, tai nạn giao thông. Rồi cũng không phải lo những lần đi đánh án, đối mặt với tội phạm nguy hiểm, với súng đạn…
Trong tình huống bi kịch, ông vẫn gửi đến mẹ mình những lời hóm hỉnh: Từ ngày vào đây con có cái rất hay là tránh xa được rượu bia, tránh xa được ăn nhậu nên không lo hại đến sức khỏe.
(Đất Việt)
Những chuyện chưa kể về hai anh em Dũng - Trọng
0 nhận xét