(Kênh 13) – Việc tướng Chung “trảm nóng” phó trưởng CA phường ngay tại hội nghị gây xôn xao dư luận, làm nhiều người nghĩ đến những lần “trảm tướng” khác trước đây.
Tướng Chung “trảm” phó trưởng CA phường ngay tại hội nghị
Quyết định bất ngờ này được Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra vào sáng ngày 16/1, tại Hội nghị sơ kết 1 tháng thực hiện cao điểm tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.
Tại Hội nghị, Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45) đã báo cáo về những thủ đoạn phạm tội mới, trong đó có vụ 3 tên trộm dùng dây cáp và xe ô tô liều lĩnh kéo đổ máy ATM của Maritime Bank ở 187 Giảng Võ, quận Ba Đình vào rạng sáng ngày 10/1.
Lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự cho biết, dù đây thủ đoạn phạm tội mới, nhưng một người dân đã nhìn thấy hành vi phạm tội trên và đã đến công an phường Giảng Võ để báo cáo, song phường lại không báo cáo lại nên quá trình điều tra gặp khó khăn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu ông Đinh Bá Pha, Phó trưởng công an phường Giảng Võ báo cáo cụ thể tại sao khi tiếp nhận sự việc lại không báo cáo để phối hợp.
Ông Pha giải thích, “do hôm đấy người dân vào trình báo, nhưng không nhớ rõ số nhà và hai cán bộ đi dọc đường Giảng Võ nhưng không thấy…”
Ngay lập tức, Giám đốc Công an Hà Nội đặt câu hỏi: “Tại sao các đồng chí không chở người dân đó ra chỉ tận nơi hiện trường vụ án?”.
Trước lý do đưa ra không thuyết phục của ông Pha, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Trưởng Công an quận Ba Đình điều chuyển ông Đinh Bá Pha, Phó Công an phường Giảng Võ về Đội Thi hành án ngay trong tuần.
Bộ trưởng Đinh La Thăng “trảm tướng” ngay tại công trường
Tư lệnh ngành Giao thông vận tải luôn nổi tiếng với những lần “trảm tướng” rất mạnh mẽ, những quyết định rất “rắn” của mình.
Là Bộ trưởng nổi tiếng với các quyết định “trảm” tướng giữa trận tiền, ông Đinh La Thăng không chỉ “trảm” chủ đầu tư làm ăn chậm chạp, không hoàn thành dự án đúng tiến độ mà còn mạnh dạn tuyên bố sẽ thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Một trong những lần “trảm tướng” được dư luận chú ý nhất đó vụ thay tổng chỉ huy công trình tại sân bay Đà Nẵng.
Ngày 4/10/2011, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình. Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng việc thi công ì ạch đã khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm.
Sau khi yêu cầu Ban quản lý dự án và Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng trì trệ mà không có biện pháp xử lý, ông lập tức gọi điện cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng không miền Nam yêu cầu ngay trong trưa hôm đó điều động một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng.
Từ sau vụ “trảm tướng” đó dù Bộ trưởng Thăng chưa cần ra uy, thì ngay sau đó đã có 2 tổng giám đốc ngành giao thông tự nguyện đem chức vụ của mình để đánh cược với Bộ trưởng trong trường hợp không hoàn thành tiến độ làm đường, họ sẵn sàng chấp nhận mất chức.
Ông Trương Đình Tuyển 9 lần “trảm tướng”
Nổi tiếng là người cương trực, thẳng thắn và rất quyết đoán trong giải quyết công việc, Ông Trương Đình Tuyển sau khi rời ghế Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, chỉ trong 3 năm, đã kịp “trảm” đến 9 Bí thư huyện ủy quan liêu, năng lực kém. Đặc biệt trong đó có cả ông Bí thư huyện ủy huyện Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân tình, nhưng vì việc chung, ông vẫn kiên quyết không có ngoại lệ. Từ đó ông đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người cán bộ liêm khiết, hết lòng vì quốc gia đại sự.
Ông Trương Đình Tuyển.
Kiên quyết là thế nhưng Trương Đình Tuyển cũng là người rộng lượng, vị tha. Thời gian ông Tuyển giữ chức có giám đốc một công ty thương mại nổi tiếng (có mối quan hệ rất rộng ở Vinh), khi giám đốc này treo một khoản nợ “khó đòi” 47 tỷ đồng với đối tác thì vẫn không ai dám cách chức ông ta thì Bí thư tỉnh ủy Trương Đình Tuyển đã đình chỉ công tác ông giám đốc này để thu hồi công nợ. Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ cho vị giám đốc này phục chức. Và sau khi kết thúc vụ việc, ông Tuyển đã giữ đúng lời hứa đó của mình.
Chính sự liêm khiết, cương trực và quyết đoán ấy của ông Tuyển đã trở thành những giai thoại sống mãi trong lòng người dân.
Nếu “trên bảo dưới không nghe”…
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu 4, cũng là một người con của Nghệ An đã quyết liệt đến mức không ngại va chạm “nảy lửa” ngay cả với thượng cấp.
Câu chuyện trong một kỳ họp Quốc hội, tướng Thước đã nói những lời gần như không ai dám nói với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười khiến đến giờ các đại biểu tại kỳ họp ngày đó vẫn còn ấn tượng và nhắc tới.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Khi Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe, tướng Thước đã đứng lên phát biểu như sau: “Kính thưa anh Mười, tôi làm tư lệnh quân khu, tôi nói mà các Sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các Sư trưởng, thì tôi sẽ xin từ chức. Anh nên cách chức Bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được, thì anh nên từ chức”.
Sau những lời phát biểu gan ruột đó, những gì tướng Thước nói đã được ông Đỗ Mười lắng nghe và nhiệt thành lĩnh nhận.
Câu chuyện của Bí thư Tuyển và tướng Thước đến nay vẫn là bài học đáng nể về thái độ liêm chính, dám nói và dám làm.
(Đời Sống Pháp Luật)
Những vụ “trảm tướng” nóng nhất Việt Nam
0 nhận xét