Open top menu
Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

(Kênh 13) – Nếu mức giá mới được chấp thuận, theo tính toán, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu hơn 255 tỷ đồng (12 triệu USD).


Ngày 12/1, các doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho tăng cước gọi di động và cố định quốc tế chiều về từ 6,1 cent lên 8,1 cent một phút, nhằm thu về khoảng 12 triệu USD mỗi năm. Nếu mức giá mới được chấp thuận, theo tính toán, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu hơn 255 tỷ đồng (12 triệu USD).


Theo đại diện VNPT, 8,1 cent là mức cước hợp lý so với mặt bằng chung của quốc tế và khu vực. Một đơn vị khác cũng xin Bộ cho áp dụng chung và ổn định giá trong khoảng 5 năm tới. Viettel cho hay đang gửi đề xuất lên Cục Viễn thông đề nghị nâng giá lên cùng mức trên kể từ ngày 1/2/2014.


Ngay lập tức, đề xuất này đã bị người tiêu dùng (NTD) phản đối kịch liệt. Bởi lẽ, không ít người cho rằng các nhà mạng lại tiếp tục bắt tay nhau “làm giá”, độc quyền nhằm chèn ép NTD.


Một độc giả có nick name Bong bức xúc: “VNPT và Viettel đã bóp chết các doanh nghiệp nhỏ bằng chiêu cắt kết nối. Giờ là lúc họ bắt áp dụng quyền lực độc quyền từ 3G, quốc tế về và rồi đây sẽ là gì nữa?”.


Tăng giá cước viễn thông:


Hình minh họa


“Chủ trương này hoàn toàn đi ngược với xu hướng chung trong khu vực và quốc tế. Lấy đơn giản một ví dụ: Gọi bằng điện thoại cố định từ châu Âu về các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái lan, Singapore, ngay cả Lào đều hoàn toàn miễn phí nhưng về Việt Nam thì phải trả tiền”, độc giả Tố chia sẻ.


Cùng quan điểm đó, độc giả Nguyễn Vinh cho hay: “Không hiểu mấy ông viễn thông nghĩ gì khi tăng giá cước lên như vậy, đã từ lâu rồi tôi không còn sử dụng phương thức liên lạc truyền thống về Việt Nam nữa. Giờ có rất nhiều phần mềm gọi điện miễn phí trên điện thoại di dộng và nhiều phần mềm trả phí mà giá cước rất tốt có thể gọi điện về Việt nam. Thay vì chỉ nghĩ đến tăng giá cước hãy nghĩ đến làm sao mở rộng phát triển và tăng chất lượng dịch vụ đi các bác ạ”.


“Rất đơn giản! Tăng doanh thu bằng cách tăng giá! Khách hàng không có sự lựa chọn. Tăng hẳn 100% hay 200% đi, tăng ít thế một thời gian nữa lại mắc công tăng tiếp. Nếu chất lượng dịch vụ đi đôi với cước phí, thì có tăng cũng chẳng ai ý kiến. Đằng này…”, Đạt Lê không giấu nổi bức xúc.


“Đang thời buổi khó khăn lại đòi tăng giá. Tăng cũng được nhưng đồng hành với đó là nhà mạng phải nâng cấp hệ thống truyền tải. Từ trước tới giờ, mỗi lúc đàm thoại nghe cứ bì bà bì bỏm, không rõ. Mong rằng sẽ đừng giống như 3G hiện tại. Nói đến mà thấy chán. Tăng giá cước, người dùng sẽ đào thải nhà mạng”, độc giả Mạnh Đan cho biết.


Tăng giá cước viễn thông:


Hình minh họa


Lý giải về sự cùng nhau có suy nghĩ tăng giá này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Khó mà giải thích về chuyện cả mấy nhà mạng đều có ý nghĩ tăng giá nếu không có sự liên kết. “Tuy nhiên điều này trái với quy luật cạnh tranh. Bởi theo quy luật này nếu anh tăng giá thì tôi sẽ tìm cách giảm để hút khách hàng, đằng này cùng nhau tăng thì phải xem lại. Đây là điều không bình thường”, TS Doanh nhấn mạnh.


Trước đó, tháng 10/2013, 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobifone và Viettel đã đồng loạt tăng cước 3G lên 40%, thậm chí 300% đối với một số gói dịch vụ. Động thái này đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng và truyền thông không chỉ do việc áp đặt tăng giá mà còn vì chất lượng dịch vụ hiện quá kém.


Để giải thích cho việc tăng giá cước, các nhà mạng cho rằng, mức giá cước của dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới khoảng 35 đến 70%, do vậy dù điều chỉnh tăng giá cước tuy nhiên tính trung bình hiện giá cước dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung giá cước 3G tại các nước trên thế giới.


(Trí Thức Trẻ)



Tăng giá cước viễn thông: "Hoàn toàn đi ngược với xu hướng chung"

0 nhận xét