Open top menu
Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014
BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ - KỲ 114


                         (tiếp theo)



Cả nước có bao nhiêu xã ? Rồi thì các Ban bệ của đảng. Rồi Hội đồng chính phủ, các cơ quan ban ngành đoàn thể….Kể sao cho xiết ? Nếu coi cứ mỗi quan tham  là một con chuột thì cái đàn chuột đang đục khoét, gặm nhắm cơ thể đất nước Việt Nam này phải lên tới cả mấy chục vạn con. Oi chao ôi thử tưởng tượng cả mộtđàn chuột khổng lồ đông như kiến cỏ vậy, xúm lại đục khoét  thì có mà xác khủng long đi nữa rồi cũng chỉ còn xương với da.
Đó…đó chính là ý nghĩ của bác Ba Phi về bộ máy của đảng và Nhà nước là vậy. Nó phải khổng lồ hơn gấp trăm lần quan lại triều đình bất kỳ thời phong kiến nào. Ngày xưa chỉ có một vua ngồi mãi trên ghế cao ở triều đình, quan lại tham nhũng cũng chỉ có một số ở cấp trung ương, xuống đến tỉnh, đến huyện, đến xã thì số quan tham cũng chỉ là thiểu số so với số quan thanh liêm. Còn bây giờ…ôi chao ôi 16 ông Bộ chính trị là 16 ông vua…mấy trăm ông Uỷ viên Ban chấp hành là mấy trăm ông đại thần, rồi toả xuống tỉnh huyện xã…biết bao nhiêu là ông lớn nữa. Khổ thay trong cái đám quan lại của đảng và Nhà nước đó, khó kiếm anh nào không tham nhũng, không ăn cắp tiền của dân, chẳng thằng nào nào thanh liêm hết, thằng nào cũng chỉ nhăm nhăm móc tiền công quỹ.
Đó…đảng , Chính phủ trong con mắt bác Ba Phi là vậy . Chỉ có điều bác không nói ra . Bác cũng giống như đại đa số người trong nước, thừa biết đảng Nhà nước phần lớn tham nhũng, ăn cướp của dân cả thôi , nhưng nói ra có ích gì , có xoay chuyển được gì , có khi mang vạ vào thân, thôi tốt hơn hết là mặc kệ họ muốn làm gì làm, vận nước đã thậm cấp chí nguy vậy rồi, thôi thì mặc xác , muốn ra sao thì ra, đảng ăn cắp cũng được, đảng bán nước cho Tàu cũng được, mặc cha đảng, thằng dân cứ nhắm mắt kiếm sống, ngày ngày mang tiền về nuôi vợ con là được.
Tâm trạng bác Ba Phi y vậy. Nhưng sức mấy bác thổ lộ những ý nghĩ thầm kín cho “lão già” nghe.
“ Bác đánh giá thế nào về đảng và Nhà nước hiện nay ?”
“ Tôi không biết nha…Anh về nước mà hỏi mấy ông Nguyễn Phú Trọng , Trương Tấn Sang,  coi họ trả lời sao nha ?”
 “ Lão già” cười cười  :
“ Tôi muốn hỏi bác, một nông dân Nam bộ sau khi đi thăm Mỹ về, chứng kiến xã hội văn minh thì bác nghĩ gì về đảng và Nhà nước hiện nay ? Tôi muốn hỏi bác chớ ba cái thằng cha đó hỏi làm gì, vạch đầu gối ra hỏi còn có lý hơn…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Tôi có biết ba cái ông Đảng Nhà nước ở tận đẩu tận đâu mà nghĩ gì về họ. Hàng ngày tôi chỉ thấy ba ông cán bộ xã với mấy cha cảnh sát giao thông chứ có thấy ông đảng Nhà nước nào đâu ?”
“ Lão già” bật cười :
“ Đó đó…mấy ông đó chính là Đảng, Nhà nước đấy…”
Bác Ba Phi cười  theo :
“ Nếu mấy cha đó mà là Đảng Nhà nước thì phảithừa nhận đảng , Nhà nước ta ăn tiền như điên…”
“Lão già” còn muốn hỏi bác Ba Phi nữa , nhưng bác cứ lảng chuyện nên xoay sang hỏi câu khác :
“ Thôi được rồi, nếu không muốn nhận xét về đảng, Nhà nước ta thì thôi cũng được. Tôi chỉ muốn hỏi bác sau mấy tháng đi thăm Mỹ bác thấy xã hội Mỹ nó khác ta ở chỗ nào ?”
Bác Ba Phi ngẫm nghĩ rồi trả lời rụt dè :
“ Qua gần hai tháng ở bên này tôi thấy xã hội Mỹ có nhiều điểm văn minh tiến bộ hơn xứ mình nhiều lắm. Trước tiên là những mối quan tâm hàng ngày của họ  khác xa người mình. Người mình tối ngày chỉ lo chuyện con cá lá rau, đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Ngược lại bên này, người Mỹ ngày ngày chỉ tìm cách sống sao cho sướng . Nào sinh nhật, nào hội hè, nào du lịch…lúc nào cũng thấy họ nhảy nhót, ca hát, cười nói vô tư. Người Mỹ đối với mọi người xung quanh kể cả người nước ngoài rất thân thiện. Còn dân mình mặt mũi lúc nào cũng nghiêm trọng, đăm chiêu, lúc nào cũng như lo lắng chuyện gì đó. Nhất mấy ông trong chính quyền, mấy cô trong cơ quan Nhà nước. Mặt mũi lúc nào cũng như cái tủ lạnh, nhìn ai cũng như quân thù quân hằn. Lạ thế.  Mặc dầu tôi không biết tiếng Mỹ nhưng sang đây ngần ấy ngày mà chưa thấy cảnh khóc lóc, thở than nào trên tivi. Nước mình ngược lại, mở tivi ra là thấy cảnh  than trời, khóc đất . Nhân tiện tôi hỏi ông, sao trong cải lương, phim ảnh của mình khóc nhiều vậy nhỉ ?”
“ Lão già “ bật cười :
“ Bác nhận xét chí lý lắm, chẳng cứ cải lương với điện ảnh, ngay trong nhạc tiền chiến ngày xưa cũng toàn là “giọt mưa thu” với đêm đông”, còn nhạc bây giờ cũng toàn là “não tình” sướt mướt khóc than “mất em”, “mất anh” rồi…”
Chị Kelly Thi ngồi sau xe từ nãy chỉ nghe chuyện, giờ mới reo lên :
“ Hai bác phát hiện ta dân ta mau nước mắt là đích đáng lắm .Năm ngoái tôi về Việt Namcó ra Huế chơi. Buổi tối mấy chị bạn rủ xuống thuyền trôi trên sông Hương nghe ca Huế. Oh My God … suốt cả mấy giờ liền tôi bị tra tấn bởi đủ thứ đàn, phách, nhạc, lời  ca than mây khóc gió, người cứ nhão ra như bánh tráng trụng nước. Lúc lên bờ, tôi hỏi ông phụ trách : các bác hát hay thì thật là hay nhưng tối nào cũng cứ than mây khóc gió thế này thì còn tinh thần đâu mà “ hăng hái dũng cảm, thông minh, sáng tạo tiến lên hiện đại hoá, công nghiệp hoá” như khẩu hiệu to tổ bố ở trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố ?” Ong phụ trách nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh :” Tôi thấy chị cũng là người Việt Nam sao chị hỏi vậy ? Ca cổ là vốn quý của dân tộc, may mắn lắm mới được thưởng thức một đêm như thế này chị không thấy hạnh phúc sao ?”. Vài cô ca sĩ và các tay đờn nghe tôi hỏi vậy thì xúm lại. Tôi đang lo có thể bị kết tội  coi thường văn hoá dân tộc mà nếu không may, cái mảy nảy cái ung thì biết đâu tôi chẳng bị mời lên Sở công an  điều tra xét hỏi , chậm trễ ngày về Mỹ đi làm nhỡ mất job thì nguy.”
Rất may có một anh thanh niên đánh đàn kìm nhảy vào bênh tôi :
” Chị ấy nhận xét đúng đấy.Suốt cả buổi toàn nghe nỉ non, than khóc thì rũ ra là phải rồi, còn tinh thần đâu mà phấn đấu tiến lên nữa. Nhưng chị thông cảm, những bài ca nhạc này là do ông tôi để lại cho bố tôi, bố tôi truyền lại cho tôi, rồi tôi lại truyền cho con tôi. Cứ như thế sao mà thay đổi được…”.
Vớ được anh đờn kìm này tôi mừng quá, hỏi luôn :
“ Tôi có nói là cần thay đổi đâu ? Tôi chỉ muốn hỏi tại sao não nề, buồn thảm vậy thôi ?”.
Anh thanh niên cười buồn :
“ Chắc  do nước mình là nước nhược tiểu… cả mấy ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà không ngóc nổi đầu lên nên mới buồn rầu vậy…có thể gọi đó là nỗi buồn nhược tiểu …”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Nước mình so với khối nước trên thế giới đâu có thua kém gì, sao lại gọi là nhược tiểu được. Dân mình buồn chắc do đói kém, thiếu ăn thôi…”
“ Lão già” phản đối :
“ Dân đói kém thiếu ăn thì có hát hỏng gì đâu, chính lớp ca sĩ trẻ giàu có, ăn chơi xả láng vẫn hát nhạc “não tình”  khóc gió than mây kìa…Chẳng qua cái tình tự dân tộc mình nó vậy nên mới vậy …”
Chị Kelly Thi bật cười :
“ Ong lý giải theo kiểu “đánh bùn sang ao” vậy thì tác dụng gì. Theo tôi thanh niên bây giờ thích hát nhạc “não tình” là vì Đảng và Nhà nước khuyến khích tụi nó lao vào yêu đương nhăng nhít, hưởng thụ vật chất, ăn chơi sành điệu để quên đi những vấn nạn như mất dân chủ, tham nhũng, ngoại xâm đang rình rập…Quên hết những thứ đó đi, chớ có quấy rầy Đảng để đang lo vơ vét và ngấm ngầm bán nước cho Tàu…”
Bác Ba Phi than thầm, đó quay đi quay lại trở về chuyện chống cộng, chửi Đảng, chửi Nhà nước. Hình như mọi câu chuyện với chị Kelly Thi và “lão già” đều dẫn tới chỗ đó thì phải. Bác nghe rồi để ngoài tai cũng không được mà hùa theo với hai người đó sa đà vào chuyện chính trị chính em thì cũng không xong, bác đành đánh trống lảng :
“ Thôi ta về cho sớm, ăn chia tay với chủ nhà rồi chị Kelly Thi cho tôi về . Ut nhà tôi giờ này chắc cũng về rồi. Tôi phải bảo nó lấy vé cho tôi về Việt Nam sớm thôi. Ở bên này mãi sốt ruột quá…”
Chị Kelly Thi tròn mắt :
“ Ua sao kỳ vậy ? Người trong nước sang đây chỉ muốn ở lại càng lâu càng tốt để hưởng không khí tự do dân chủ, tiện nghi vật chất . Sao bác lại khăng khăng đòi về sớm vậy…”
Bác Ba Phi thở dài :
“ Ay cái tính tôi nó vậy…cả đời cứ phải loanh quanh xó nhà, chết khiêng ra đồng thì nhắm mắt mới yên. Còn cứ ở đồng đất nước người, xa xôi ngàn dậm vậy có cho tôi ăn yến tôi cũng chịu , chẳng ăn đời ở kiếp được…”
Chị Kelyy Thi gật đầu :
“ Tâm lý mấy ông bà già Việt Nam kỳ quặc thật. Ở bên này cũng có nhiều ông như vậy, vượt  biên bằng được , đào thoát khỏi chế độ cộng sản bằng được, sang bên này coi như được lên thiên đàng, ấy vậy mà sau hai, ba chục năm, trở về già, cha nào cha nấy cứ nhấp nhổm trở về quê sống mới kỳ chớ…”
“ Lão già” cười hềnh hệch :
“ Ay ấy…trừ tôi  nha…tôi có sống tới năm 90 tuổi bảo tôi về Việt Nam sống tôi cũng chịu…thà chết dấm chết dúi ở bên này còn sướng hơn chui đầu về cái địa ngục cộng sản đó…”


 (còn tiếp)

         




Read more
Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014
no image




                                 (tiếp theo)

Đứng ngồi lố nhố từng đám nhỏ trong cái bến xe, chúng tôi trông thật khác hẳn với dân Khmer đang có mặt. Vài người Khmer ngồi trong quán gọi nhau nói chuyện mà ánh mắt, ngón tay họ chỉ trỏ về hướng chúng tôi. Tôi, Dũng và anh Tấn nhìn nhau lo lắng. Không người quen trên xứ lạ, túi rỗng tiền mà trời thì sắp tối đến nơi. Chúng tôi sẽ ở đâu, làm gì trong đêm hôm nay? Chợt có tiếng còi tu huýt ré lên cùng giọng nói lớn:

- Chết mẹ! Mấy cha kia bị công an Kampuchia bắt rồi kìa.

Tôi hoảng hốt đưa mắt nhìn. Hai người Khmer đồng phục kaki vàng nghệ như công an Việt Cộng đang chận một nhóm bốn người thằng Minh ở ngay vệ đường trước cổng bến xe. Anh Tấn quay qua nói nhanh với tôi và Dũng:

- Tản ra ngay thôi. Mình chia tay ở đây nghe các em. Tạm biệt Vũ, tạm biệt Dũng.

Mỗi người liền vọt ngay một hướng. Bến xe không có xây tường bao chung quanh và các xe tải, xe chở khách đậu sát trước cửa nhà dân tương tự bến xe trong vùng ngã bẩy Petrus Ký-Sài Gòn. Do đó khi cắm đầu đi thẳng được một khúc đường, gặp có một hẻm nhỏ, tôi vội rẽ vào và bước dọc theo con hẻm dưới ánh sáng của các ngọn đèn đường. Trời bây giờ đã thật tối. Hẻm nhỏ dẫn tôi đi lòng vòng qua các con hẻm khác nữa rồi lại quay ra ngay phía hông cái chợ trước bến xe. Tôi vào trong chợ. Người ra kẻ vô khá đông và cũng chẳng ai để ý đến tôi. Có những gian hàng, người chủ đang thu dọn để nghỉ nhưng có gian hàng khác mới bắt đầu dọn ra bán. Tôi băng ngang qua một khu bán thức ăn. Những xe thùng bán hủ tiếu, cơm, chè, món nhậu... tương tự như bên nước Việt. Mùi xào nấu bốc thơm lừng mũi. Vài người bán hàng vẫy tay mời tôi ghé vào quầy hàng của họ nhưng tôi lắc đầu, im lặng lầm lũi bước. Đi tới lui mãi, sau cùng tôi ra khỏi chợ. Nhìn chung quanh không còn bạn đồng hành trong chiếc ghe với tôi nữa. Chân rảo bước trên con hẻm dọc theo chợ mà trong tôi đang lo lắng nơi nào mình sẽ đi tiếp đây. Gặp một rạp chiếu phim Video nhỏ với các tấm pano quảng cáo hình bộ phim đang chiếu bằng loại chữ Khmer và chữ Tàu, tôi dừng lại đứng gần đám đông người trước cửa rạp chiếu phim. Vờ xem các hình quảng cáo nhưng tôi kín đáo quan sát và lắng nghe tiếng trò chuyện của người chung quanh xem coi có đồng hương Việt Nam không. Không gặp người Việt nào cả. Tôi bỏ rạp chiếu phim, quay ra đi thẳng rồi băng ngang qua một ngã tư vào một khu phố với khá nhiều cửa tiệm đèn sáng choang. Dân Khmer sống ở phố chợ cũng giống người Việt Namdùng mặt tiền nhà làm tiệm buôn bán. Dọc theo con phố, tôi đi ngang một tiệm cà phê có vài khách đang ngồi xem TV gắn ở trên tường. Tôi dừng chân nhìn các cảnh trên TV đang chiếu. Một cô gái trẻ ngồi ở chiếc bàn nhỏ ngay sát hàng hiên ngẩng đầu nhìn tôi, trong tay cô cầm một quyển sách khá dầy. Thấy tôi đứng nhìn vào quán, cô gái hỏi vài câu Khmer. Không hiểu lời cô gái, tôi mỉm cười với cô rồi nhìn xuống quyển sách. Những hàng chữ Việt trên các trang giấy. Tôi nhìn kỹ đúng là chữ Việt. Mừng quá đi! Buột miệng, tôi hỏi liền:

- Cô là người Việt Nam... Phải không? Cô là người Việt Nam?

Cô gái nghe tiếng tôi liền gật đầu, hỏi lại:

- Anh! Anh... thuộc nhóm người Việt vừa có mặt ngoài bến xe lúc chập tối. Phải không?

Tôi gật đầu nhưng thầm nghĩ tại sao cô ta lại biết tôi trong nhóm người Việt ở ngoài bến xe? Thấy tôi đứng yên, cô cho biết khách uống cà phê trong tiệm nói về một nhóm người Duôn vừa xuống xe tại bến đã bị công an Khmer bắt giữ. Công an Khmer bắt vì nghĩ người Duôn đến Kompong Som để tìm cách vượt biên sang Thái Lan. Khi nghe vậy, cô vội chạy ra chỗ bến xe để xem có người quen không. Bốn người đang bị giữ tại đồn công an ở gần cửa chợ còn các người khác bỏ chạy hết. Cô gái kéo ghế mời tôi ngồi, xưng tên Hường rồi tiếp:

- Mấy thằng công an em quen mặt cả. Họ lại đây uống cà phê thường ngày. Em vô đồn công an gặp bốn người bị bắt và nghe họ kể chuyện ghe vượt biên rồi. Em đã nói cho công an Khmer biết nhưng bọn nó nói phải liên lạc với lãnh sự quán Việt Nam trước đã. Em nghĩ họ sẽ thả hết bốn người bọn anh, đừng lo. Nói xong, cô gái quay vào phía trong gọi khá lớn: " Liên, Liên ơi! Ra đây có chuyện này hay lắm ". Một thiếu nữ từ bên trong quầy đi ra. Nhìn mặt hai cô gái, tôi đoán họ trạc tuổi với tôi. Hường nói qua loa với Liên về tôi rồi cả hai dẫn tôi ra phía đằng sau nhà. Ở đó có một phụ nữ Việt khá lớn tuổi đang ngồi ăn cơm tối. Hường, Liên nói là mẹ và giới thiệu tôi với bà. Bà cụ bảo tôi ăn cơm tối chung. Tôi vừa ăn vừa kể cho ba người nghe về chuyến đi bất thành. Sau bữa ăn, tôi xin đi tắm ngay vì từ lúc rời đảo Cô Tan không có nước để rửa ráy, thân thể rất bẩn. Tắm xong, Hường làm cho tôi ly cà phê đá. Uống nó thật ngon, nước lạnh chảy tới đâu tôi cảm thấy mát ngay tới đó. Bà cụ, mẹ của Hường và Liên kể thêm về hoàn cảnh:

- Gia đình tôi đi vùng kinh tế mới tại huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 1975 sau khi nhà nước đổi tiền mới. Lên đó được vài năm, nhà tôi chết vì sốt rét rừng. Mẹ con tôi chán nản hết sức, muốn trốn về Sài gòn nhưng nhà cửa thì không còn. Chưa biết làm gì thời may gặp cái vụ nhà nước xây cái đập thủy điện Trị An. Một số nhà hàng ở Sài Gòn lên hỏi mua những khu đất gần chỗ xây cái đập để mở hàng quán cho đám công nhân xây dựng. Lô đất nhà tôi lại ngay chỗ nhà hàng cần mua. Họ cho người đến thương lượng. Gặp dịp tôi bán liền lại bán được giá thật hời. Tiền bán khu đất, lúc đầu tôi định về Sài Gòn kiếm mua căn nhà nhỏ rồi liệu kế làm ăn nhưng mấy đứa trong nhà lại nghe lời họ hàng rủ nhau vượt biên. Đám tổ chức vượt biên đường bộ bằng ngã Kampuchia. Một hai bảo đảm sẽ sắp xếp gia đình tôi đi lọt trong vòng tuần lễ. Tính chuyện rất dễ nhưng khi đến được Kompong Som gia đình tôi bị lừa mất sạch vàng. Không vượt biên được nữa, phải ở nhà trọ rồi kéo nhau đi làm thuê kiếm miếng ăn qua ngày, thảm lắm cậu. Bà cụ ngừng kể, mắt khẽ nhắm như đang hồi tưởng những ngày cũ. Một thoáng trôi qua, bà tiếp: " Gia đình phải sống dựa vào đám bộ đội Việt Cộng đóng quân ở đây, tội nghiệp nhất là hai đứa con gái tôi... lúc đó đành phải... ", rồi bà cụ chợt im lặng. Hường ngồi gần tôi, tiếp lời mẹ:

- Cả nhà em dành dụm mãi mới đủ tiền sang lại nhà và mở quán bán cà phê suốt từ đó. Trước đây còn khá đông bộ đội người Việt tụi em buôn bán rất ngon. Bây giờ họ rút về hết rồi thêm người mở quán cạnh tranh làm gia đình em buôn bán cũng kém. Chưa biết sẽ phải xoay trở làm ăn cái gì khác đây? Hầu như người Việt mình từ quê nhà sang Kompong Som đều tính chuyện vượt biên cả nhưng thấy vậy mà đi khó lọt lắm anh. Bị đám tổ chức gạt, có khi còn bị bắt rồi hết tiền không về quê nhà được giống gia đình em nên đành chấp nhận sống ở đây luôn.

- Cái hồi gia đình tôi bị bỏ rơi ở Kompong Som may mắn bộ đội Việt Cộng không thèm bắt nữa. Mấy năm trước vượt biên sang đây đi lạng quạng ở các bến xe hoặc nhà trọ, công an Kampuchia bắt được giao cho bộ đội Việt Cộng giải về Việt Namtống vô tù liền. Bà cụ kể.

- Hồi đó gia đình em không bị bắt vì bộ đội Việt Cộng muốn nhiều người Việt mình sống ở nước Kampuchia trước khi họ phải rút về Việt Nam. Liên chen vào.

Hường kéo tôi trở ra một bàn trong quán, vài khách địa phương ngồi gần nhưng không ai buồn để ý đến ai. Mắt họ dán vào màn hình TV. Tôi ngồi im lặng, thỉnh thoảng ngó ra bên ngoài mong gặp được anh Tấn, thằng Dũng hay người trong ghe. Chợt Liên đến ngồi chung bàn, kể chuyện:

- Người Việt mình ở đây sống rải rác nhiều nơi nhưng ai cũng đều chung cảnh nghèo, đi làm thuê làm mướn cả. Chuyện quay về quê nhà lập nghiệp thật xa vời không ai nghĩ đến, do vậy mới lập hội Việt Kiều để tương trợ lẫn nhau. Chị Hường em nói sáng mai sẽ đưa anh đi gặp hội, xem coi họ có thể giúp gì cho anh được không?

Nói với Liên, tôi may mắn đã gặp được gia đình nàng chứ nếu không còn đang phải lang thang ở đâu đó. Trời về khuya quán sắp đóng cửa, Cao về tới. Cao là em trai út của Hường-Liên, làm thuê cho một tiệm ăn Tàu ở chợ và cũng vừa dọn dẹp ngoài đó xong xuôi. Nằm trong chiếc mùng Cao vừa căng cho tôi sát bên các bàn ghế trong quán, tôi hồi tưởng những chuyện xẩy ra trong ngày và câu Hường nói: " Anh đừng lo, những người bị công an bắt chập tối họ sẽ thả sớm sáng ngày mai ". Thằng Minh ở trong số người bị bắt này. Dầu sao, nó cũng có chỗ ngủ đêm nay. Chỉ lo cho thằng Dũng và anh Tấn giờ đang ở đâu, ra sao? 

Cũng y như tiệm cà phê bên quê nhà, quán của hai chị em Hường-Liên ngày nào cũng mở rất sớm và đóng thật trễ. Mới 6 giờ sáng cả nhà đã lục tục dậy để dọn dẹp chuẩn bị cho một ngày mới. Tôi thức dậy cùng với gia đình và định phụ một tay nhưng hai chị em Hường-Liên bảo tôi cứ ngồi yên uống cà phê. Cao vẫn đang ngủ say. Hường nói ngày nào cũng vậy, Cao bắt đầu đi làm lúc gần trưa cho đến tối khuya mới xong việc. Bà cụ cũng dậy sớm, đang lúi húi làm món cơm chiên cho mọi người ăn sáng lót dạ. Khách lai rai vào uống cà phê, họ là dân lao động phải dậy đi làm sớm đầu ngày nên ghé vào quán uống vội một ly cho tỉnh ngủ cho ấm bụng rồi bỏ đi ngay. Ở xứ nào, dân lao động cũng vất vả như nhau.

Khoảng xế trưa bớt khách, để Liên coi tiệm Hường dẫn tôi đi gặp các người Việt gần chợ Kompong Som. Đầu tiên, tôi và Hường đến nhà người đại diện hội Việt Kiều. Ông ta tên Hai, trạc ngoài 50 tuổi, khuôn mặt hiền lành đầy vẻ nhẫn nại. Sau khi nghe tôi kể vắn tắt lại câu chuyện của mình, ông yên lặng, thở dài rồi cho biết người Việt sinh sống ở Kompong Som rất nghèo vì hầu hết đã mất tiêu tài sản cho canh bạc vượt biên không thành. Lưu lạc xứ người lại không nghề nghiệp trong tay nên ai cũng phải làm thuê vác mướn sống qua ngày. Có người phải dành dùm rất lâu mới có đủ tiền để về lại Việt Nam. Đó là người còn gia đình bên quê nhà. Không thân thích ruột thịt, đành chọn Kompong Som làm quê hương thứ hai. Ông Hai nói đúng y lời Hường và Liên đã kể.

- Chúng tôi làm thuê bất cứ nghề gì mà người Khmer cần cậu à. Phu khuân vác, thợ hồ, thợ nề... Thậm chí làm cả người ở giúp việc trong nhà nữa. Nói ra cho cậu thấy hoàn cảnh chúng tôi. Sống ở xứ người nhưng có khấm khá gì đâu. Mong ngày đủ hai bữa cơm là tốt. Gặp cậu, thêm đồng hương tôi rất vui nhưng nói thật, muốn giúp cậu cũng chẳng biết phải giúp sao đây vì ai cũng nghèo túng cả. Cậu cứ tiếp xúc các người Việt khác đi rồi sẽ thấy. Gửi cậu 200 Riel mong cậu hiểu cho tình cảnh tôi.

Nhờ có Hường hướng dẫn, tôi mới gặp được nhiều gia đình người Việt Nam. Gặp nhiều Việt kiều nhưng đúng như lời ông Hai, người Việt sinh sống tại Khmer quá sức nghèo. Có gia đình, cuộc sống của họ còn khổ hơn lúc còn ở Việt Nam. Tôi cảm thấy áy náy khi phải gõ cửa lòng nhân ái của họ, những người Việt tha hương bất hạnh. Từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo vượt biên nên số Việt kiều tôi gặp dễ dàng thông cảm nhưng chính vì vậy lại đặt họ vào hoàn cảnh khó xử. Thật lòng họ muốn giúp nhưng túi không tiền. Mở miệng từ chối lại không nỡ. Có người thú thật trong nhà không còn một đồng bạc và đang chờ người thân đi làm về mới có cái mua đồ ăn. Có gia đình chỉ biết an ủi, giữ tôi và Hường ở lại ăn bữa cơm trưa. Thức ăn chỉ món mắm cùng canh chua bắp chuối hột nấu với ít cá lòng tong. Có nhà khi thấy tôi và Hường đến, họ liền đóng sập cửa không tiếp. Tới chiều tối, tôi và Hường mệt mỏi quay trở về quán. Toàn bộ tiền tôi xin được trong ngày hôm nay chỉ vỏn vẹn 1600 Riel. Hường cho biết từ Kompong Som về Nông Pênh bằng xe khách hạng bét là xe chở hàng Kamaz cũng phải mất 5000 Riel tương đương với 5 phân vàng y 24. Lạ một điều đi gặp Việt kiều suốt cả ngày, không nghe ai nói với tôi về những người khác trong chuyến ghe. Không lẽ chỉ có một mình tôi đi gặp họ? Tôi phân vân. Anh Tấn và thằng Dũng đã đi đâu sau lúc chia tay vội vã ở bến xe? Tôi lại nghĩ lúc còn ở trên ghe, anh Tấn, Dũng và các người khác đã nuốt kịp vàng vào bụng và nhờ vậy họ đã có cái để bán? Có tiền trong tay, thuê nhà trọ nghỉ chân và họ đã đón xe về Nông Pênh hết cả rồi. Có thể lắm! Mong họ được như điều tôi nghĩ.

Bữa cơm tối, bà cụ kể thêm cho tôi nghe những cơ cực của những ngày đầu phải lưu lạc tại vùng Kompong Som sau chuyến vượt biên không thành. Từng lâm cảnh khổ vì bị gạt vượt biên nên gia đình Hường-Liên đã cố sức giúp tôi có tiền để về lại quê nhà.

- Em chưa biết nếu ghe anh đi lọt sang được đất Thái sẽ ra sao chứ bằng đường bộ thì ai cũng phải vào mấy cái trại sát biên giới như Dongrek, Nong Chan hay Nong Samet... gì gì đó. Tuy mang tiếng trại tị nạn nhưng bọn lính Khmer và lính Thái ở đó coi mạng người vượt biên Việt không bằng một con gà. Đàn ông con trai người Việt mình, chúng muốn hành hạ hay giết thì tùy hứng. Đàn bà con gái thì thôi khỏi nói. Trước sau gì cũng bị... tay chúng hết. Gia đình em đi không lọt chứ lọt mà phải sống trong các trại tị nạn đó thì không biết số phận sẽ như thế nào. Người Việt mình sao thời bây giờ khổ quá anh, ở bên quê nhà đã khổ, sang đây cũng khổ. Hường buồn bã, chép miệng.

Liên thuật cho tôi nghe mấy tay công an Khmer đến quán uống cà phê lúc quá trưa cho biết họ đã thả bốn người Duôn bị bắt tối hôm trước. Thằng Minh vậy đã được tự do. Nó ra sao bây giờ? Biết hoàn cảnh tôi, bà cụ bảo nếu không muốn về Việt Nam ngay thì cứ ở lại đây rồi theo Cao ra ngoài chợ xin việc làm trong các tiệm ăn! Có nhiều tiệm ở chợ nếu họ nhận cho làm, chịu khó tằn tiện rồi tôi cũng góp đủ tiền. Hường, Liên phụ họa: " Anh ráng ở đây một thời gian ngắn làm việc, đừng ngại chỗ ăn chỗ ở ". Nghe vậy, tôi nghĩ mình không còn chọn lựa nào khác, tạm thời phải ở lại, đi kiếm việc làm. Ở trọ nơi quán cà phê được hai ngày, theo Cao đi hỏi các tiệm ăn trong chợ nhưng không ai cần thêm người làm, tôi đành quay về không. Tối nằm ngủ, tôi nghĩ phải tìm cách để về Nông Pênh. Gia đình Hường-Liên tuy tốt bụng nhưng tiệm cà phê khách chỉ có lai rai, ở nán lại trong nhà họ ngày nào coi như thêm gánh nặng ngày đó. Đường đi nước bước ở nơi miệng mình, chỉ kẹt tôi không biết tiếng Khmer. Tôi phân vân nhưng quyết định dứt khoát phải về. Trong lúc ăn cơm, nói điều mình định cho cả nhà biết, Hường và Liên liền giúp mỗi người 500 Riel nữa tổng cộng tôi có 2600 Riel. Tôi nhủ thầm, mình cứ liều thử đón xe xem sao. Có đi mới biết.


                                      (còn tiếp)
Read more
Ông Nguyễn Hùng Trương  và Nhà sách Khai Trí



Khi đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp định Geneve (2O/7/1954), nhà sách Khai Trí đã có mặt tại Sài Gòn từ hai năm trước đó. Tôi di cư sớm hơn, vào Đà Lạt năm 1953 và trong những chuyến về chơi thủ đô, nhà sách Khai Trí là một trong những địa điểm tôi thường lui tới để thỏa mãn tính tò mò, tìm hiểu về thế giới sách vở tại đây.

Dạo đó, mỗi chiều cuối tuần người Sài Gòn thường rủ nhau đi “bát phố” Bonard, hết đi lên rồi lại đi xuống suốt con đường từ Quốc Hội (sau này đổi là Nhà hát lớn) đến chợ Bến Thành. Kể từ thời Đệ nhất Cộng hòa Bonard được đổi tên thành Lê Lợi. Đặc biệt con đường này chỉ đông người phía bên phải theo hướng từ tòa nhà Quốc Hội đi đến cuối đường là chợ Bến Thành.

Đường Lê Lợi đông người “bát phố” vì trên suốt con đường có nhiều địa chỉ nổi tiếng… nhà hàng Givral nằm ngay góc đường đường Catinat (đường Tự Do, sau đổi là Đồng Khởi) và Bonard. Nơi này được mệnh danh là “Khu tứ giác Eden” gồm Passage Eden có rạp ciné Edencủa gia đính họ Huỳnh Phú, đầu kia của tứ giác, nhà hàng Givral (góc đường Tự Do và Lê Lợi)…

Khu tứ giác này ngày nay đã biến mất để lại cho những người Sài Gòn xưa nhiều nuối tiếc. Kiến trúc “hiện đại” đã làm mất đi những đường nét cổ kính từ thời Pháp thuộc của Sài Gòn. Vẫn biết cuộc sống là luôn thay đổi nhưng ở một chừng mực nào đó vẫn còn đọng lại đâu đây những nuối tiếc, hoài cổ.

Rồi sau này, năm 1962, có rạp Rex, “rạp cine đầu tiên có máy lạnh”, có “thang cuốn” của tỷ phú Ưng Thi được khai trương theo mô hình rạp Rex tại Paris. Rex nằm ngay ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Huệ lúc nào cũng dập dìu “tài tử giai nhân” đi xem phim hoặc không tiền thì… nhìn người ta xem phim!

Xuống đến ngã tư Lê Lợi-Pasteur có tiệm kem Mai Hương, ngày nay là kem Bạch Đằng. Đây là địa chỉ dừng chân của những người trung lưu, không đủ tiền ngồi Givral vốn dành cho giai cấp thượng lưu, “quý tộc”, kể cả những trai thanh gái lịch con nhà giàu.



Tiệm kem Mai Hương góc Lê Lợi-Pasteur

Đi thêm vài bước là đến tiệm sách Khai Trí, giang sơn của giới “mọt sách” bình dân vì nếu “trí thức” hơn, người ta ghé vào nhà sách Xuân Thu trên đường Catinat (Tự Do). Xuân Thu có gắn máy lạnh và chuyên bán sách báo nhập từ nước ngoài với giá cao và dĩ nhiên chỉ dành cho giới “quý tộc”.

Lần đầu tiên nghe đến tên Khai Trí không hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến Hội Khai trí Tiến đức ngày xưa tại Hà Nội (1). Nhà sách ở Sài Gòn cũng như hội đoàn ngoài Hà Nội đã cùng một mục đích “khai tâm mở trí” cho người Việt thời Pháp thuộc cũng như thời VNCH.

Đường Lê Lợi cũng có thể gọi tên là con đường “văn hóa” vì ngay cạnh Khai Trí, tại số 60-62 Lê Lợi, còn có nhiều nhà sách khác như Dân trí, Thanh Tuân và Phúc Thành nằm chen vai thích cánh bên nhau. Tuy cùng cạnh tranh trên đường Lê Lợi nhưng Khai Trí vẫn nổi bật vì chiếm hẳn hai căn nhà bề thế, hơn nữa việc nổi tiếng còn do tài lèo lái và quản lý của người chủ. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương nhưng người ta ít biết đến tên ông mà chỉ gọi là : “Ông Khai Trí”.
 



Nhà sách Khai Trí

Người ta nói ông Khai Trí khởi nghiệp buôn bán “sách vở” bằng 1 chiếc xe đẩy, hình như trước cổng trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự, nay là trường Lê Quý Đôn, đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trong cuộc phỏng vấn của Phan Hoàng tại Sài Gòn được đăng trên báo Tiền Phong năm 2001 mang tựa đề "Vua sách Khai Trí" trở lại TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Hùng Trương kể lại thời kỳ khởi nghiệp trên bước đường kinh doanh sách của mình:

“Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã mê sách hơn mọi thứ khác. Càng lớn lên thì niềm đam mê sách càng tăng. Tôi nhớ một ngày nọ có mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi mua giùm năm cuốn sách về văn học Pháp. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, nên gởi thư cho nhà xuất bản xin mua sáu cuốn. Ông giám đốc nhà xuất bản gởi thư hồi âm rằng, nếu tôi mua từ mười cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa. Nhẩm tính tôi thấy nếu mua luôn mười cuốn thì số tiền chẳng hơn sáu cuốn chưa chiết khấu là bao, nên mượn tiền gởi mua đủ.

Nhận sách, tôi đưa mấy anh bạn năm cuốn, tôi lưu một cuốn, còn bốn cuốn đem ký gởi. Khoảng ba ngày sau tôi ra thăm chừng, không ngờ sách đã bán hết, ông chủ tiệm trả tiền và nói rằng nếu có sách gì cần bán thì cứ đem đến ký gởi.

Từ đó, tôi nảy ra ý định tìm các loại sách báo có giá trị, quý hiếm đặt mua ngay tại cơ sở rồi mang ra hiệu sách ký gởi. Rồi khi để dành được số tiền kha khá tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện mở nhà sách. Năm 1952, sau một thời gian chuẩn bị vốn liếng và mặt bằng, tôi đã khai trương nhà sách Khai Trí”.







Ông Nguyễn Hùng Trương
Tài sản quý giá nhất của ông Khai Trí là sách báo. Sài Gòn khi đó có khoảng ba mươi tờ nhật báo, hàng chục tuần báo và nguyệt san, bán nguyệt san. Ông tìm mua hết và đóng bìa cứng để lưu trữ. Đặc biệt hơn cả, ông sưu tập được bộ Paris Match của Pháp từ số 1 cho đến ngày 30/4/1975, trong đó có nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

Ngoài ra, kho lưu trữ của ông còn 4.000 trang bản thảo từ điển tiếng Việt và gần 300 bản thảo sách nằm trong kế hoạch in thì bị “nửa đường đứt gánh”. Theo lời ông, thật đáng tiếc là kho sách báo ấy hiện bị thất lạc gần hết. Ông nói, tại Mỹ, bộ tạp chí Paris Match nếu còn giữ được thì giá không dưới nửa triệu đô-la.

Cũng từ trong nước, nhà văn quá cố Nguyễn Thụy Long, tác giả cuốn tiểu thuyết Loan mắt nhung, đã viết về ông Nguyễn Hùng Trương như sau:

“Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Phahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.


Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, "Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai". Ðúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng "đầu nậu" xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông”.

Khai Trí là nhà sách bán lẻ nhưng cái tên Khai Trí còn xuất hiện như một nhà xuất bản, nhà phát hành và đồng thời là nhà xuất nhập cảng sách. Ngoài việc xuất bản sách, ông còn chủ trương in tuần báo Thiếu Nhi (Chủ nhiệm: Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên: Nhật tiến) rồi tập san Sử Ðịa (2) do Nguyễn Nhã làm Chủ biên.

Ông tâm sự với Phan Hoàng:

“Trong tất cả các loại sách, tôi đặc biệt nặng lòng với sách thiếu nhi. Từ năm 1971 tới 1975, tôi chọn lọc xuất bản 300 đầu sách trong bộ Tuổi thơ dành riêng cho các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, tôi còn xuất bản tuần báo Thiếu nhi với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo có uy tín và tâm huyết với trẻ em. Đây là công việc mà tôi thích thú nhất!”.




Nhà văn Nhật Tiến giới thiệu ông Nguyễn Hùng Trương

trong buổi ra mắt tuần báo Thiếu Nhi

Trên diễn đàn Talawas, tác giả Làng Đậu bày tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam với “tuần báo giải trí và giáo dục Thiếu nhi” như đã ghi trên bìa mỗi số:

“Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kĩ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ. Trang bià thường in hình vẽ cuả hoạ sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả hoạ sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.

Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney... Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh hoạ một số truyện tranh Việt Nam.





Tuần báo Thiếu Nhi số ra mắt
Tờ Thiếu Nhi không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kì thi “đố vui có thưởng”, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các bài thơ, văn, nhạc, họa cuả nhiều tác giả, cả già lẫn trẻ. Mục “Truyện cổ tích” cũng thu hút người đọc bằng các truyện của Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Đặc biệt thú vị là hai mục: "Trả lời thắc mắc" và "Tay ngọc bên bếp hồng".

Cũng xin nhắc lại vài câu thuộc loại “hoa thơm cỏ lạ” được giới thiệu trong vô vàn danh ngôn mà tờ Thiếu Nhi đã cho phổ biến trên mặt báo:

“Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”
 (Đức Phật),

“Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghiã thắng hung tàn”
 (Nguyễn Trãi)

hay “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”...


Làng Đậu, “độc giả nhí ngày đó”, viết: “Tiền lời của nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử "bù lỗ nhiều hơn"; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn”.




Bìa báo Thiếu Nhi với bức tranh Ông Đồ của họa sĩ Vi Vi

nhân kỷ niệm lễ Khổng Tử “Đặc biệt nhớ ơn thầy”


Đối với độc giả người lớn, ông Khai Trí “bảo trợ” tập san Sử Địa của một nhóm giáo sư và sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc năm 1966 và số cuối cùng năm 1975 mang chủ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”, một đề tài nóng bỏng sau sự kiện ngày 19/1/1974 hải quân Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracells) khi ấy đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.




Tập san Sử Địa số đầu tiên
Tập san Sử Địa phát hành 3 tháng một kỳ, ra được tổng cộng 29 số báo cho đến ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975. Đây là nguồn tài liệu phong phú trong việc khảo cứu, sưu tầm về sử ký và địa lý Việt Nam. Tác giả những bài viết trên tập san Sử Địa là những nhân vật nổi tiếng của miền Nam như Hoàng Xuân Hãn, Phan Khoang, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í…




Tập san Sử Địa số cuối cùng
Khai Trí còn là một nhà xuất bản chuyên in tự điển của miền Nam. Nếu nhà xuất bản Thời Thế in cuốnViệt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị dầy 1069 trang thì Khai Trí đã phát hành một loạt từ điển nhưPháp Việt Tự Điển của Đào Đăng Vỹ với độ dầy lên đến 1276 trang; Anh Việt-Việt Anh Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn…




Ông chủ nhà sách Khai Trí và nhà làm tự điển Nguyễn Văn Khôn

Thậm chí có những cuốn tự điển rất cần cho việc nghiên cứu nhưng lại khó tiêu thụ trên thị trường nhưng Khai Trí vẫn mạnh dạn xuất bản, chẳng hạn như bộ Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu hay Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng.

Nguyên tắc của kinh doanh nói chung là nhắm vào tiền lãi thu về nhưng một nhà kinh doanh có “tâm” hay có “đạo đức kinh doanh” là biết dung hòa giữa một bên là “lợi nhuận” và phía bên kia là “lợi ích” của xã hội. Ông Nguyễn Hùng Trương là nhà kinh doanh biết kết hợp cả hai cái “lợi” để đóng góp cho nền văn hóa của miền Nam.

Ông còn giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua tác phẩm của họ, dù chưa in nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Ngoài ra, ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn, chẳng hạn như tờ nhật báo Sống của Chu Tử.






Nhật báo Sống của Chu Tử

Theo Kaviti, ông Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức nhưng cũng có người nói ông sinh tại Biên Hòa. Thời thơ ấu của ông rất cơ cực, thường nhịn ăn sáng và dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên trung học ông vào trường Petrus Ký với một chiếc xe đạp cũ.

Báo Thanh Niên viết về ông Khai Trí:

“Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam”.


Trong những ngày đầu Sài Gòn đổi chủ, có người thấy ông chủ Khai Trí trải tấm nylon lớn trên vỉa hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại. Tờ Thiếu Nhi vốn là báo khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét nhưng vẫn giữ nguyên tôn chỉ và mục đích.

Năm 1976, chính quyền mới mở đợt "cải tạo văn hóa" tiếp theo sau đợt cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”. Nhà sách Khai Trí bị truất hữu và tịch thu, kho sách 60 tấn bị tiêu hủy. Chủ nhân Nguyễn Hùng Trương bị bắt trong chiến dịch tháng 4/1976 và đưa đi cải tạo tại trại Z30C Hàm Tân vì tội "biệt kích văn nghệ".

Một số nhân vật khác trong ngành phát hành sách báo như ông Nguyễn Văn Chà, chủ nhân nhà tổng phát hành Nam Cường, ông Tư Bôn (Paul) chủ nhân cơ sở phát hành Thống Nhất rồi ông chủ các nhà phát hành Ðồng Nai, Ðộc Lập cũng cùng chung số phận vì đã hoạt động trong lãnh vực sách báo “văn chương đồi trụy”…

Năm 1991 ông Khai Trí xuất cảnh sang Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng gia đình. Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Nguyễn Hùng Trương dự định mở lại nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu là hầu hết các tác phẩm của Khai Trí đã “được” một số nhà xuất bản hải ngoại in lại mà không hề nghĩ đến chuyện... bản quyền!

Theo Phạm Phú Minh, một điểm khó khăn nữa là ông Khai Trí vừa thiếu vốn lại thiếu cả nhân lực để gây dựng lại nhà xuất bản tại Mỹ:

“Ông Võ Thắng Tiết, Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, đã tiếp xúc nhiều với ông Khai Trí thời gian ông mới qua Mỹ, cho biết rằng các con của ông Khai Trí nói thẳng rằng họ có thể góp ít vốn cho ông theo khả năng của họ, nhưng hoàn toàn không thể giúp được gì ông, vì ai cũng có công việc cả rồi, không thể nào bỏ việc để cùng cha phiêu lưu theo giấc mộng của ông”.


Hình như ông Khai Trí có gặp ông Nguyễn Tấn Đời để bàn việc góp vốn cho chương trình văn hóa nhưng không đạt được kết quả. Ông Võ Thắng Tiết cho biết, trong số sách vở ông Khai Trí đã chuyển được sang Mỹ có rất nhiều thứ rất giá trị, như bộ sưu tập đầy đủ của báo Tri Tân và báo Nam Phong, tập san Sử Địa thời VNCH cũng không thiếu một số nào, tất cả sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học.

Sau năm năm sống tại Mỹ, ông Nguyễn Hùng Trương biết rõ là mình chẳng làm được những gì mong ước cho nên năm 1996 ông Khai Trí về lại Việt Nam để sống luôn tại đây. Nghe nói nhà nước Việt Nam có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu năm 1975, ông về nước với đề nghị nhà nước trả lại các cơ sở cho ông, và ông sẽ cùng nhà nước thực hiện các nhà sách tân tiến theo lối Mỹ, trong đó có gian uống cà phê xem sách, có gian thiếu nhi để các em thoải mái tìm tòi…

Nhưng những gì ông “nghe nói” đã không đúng với thực tế. Nhà sách Khai Trí của ông đã thành nhà sách quốc doanh Sài Gòn. Nhà khác của ông thì chia chác cho cán bộ đã 20 năm qua, họ bán đi bán lại nhiều lần, giá cả càng ngày càng cao. Cuối cùng người ta “cho lại” một phòng trong một căn nhà cũ của ông, và ông sống ở đó, cho đến ngày qua đời, với giấc mộng lớn không bao giờ thực hiện.

Con người có niềm đam mê mãnh liệt với sách báo ấy đã ra đi lúc 5 giờ 15 ngày 11/3/2005, linh cửu quàn tại nhà riêng số 237 Ðiện biên Phủ (đường Phan Thanh Giản cũ). Nguyện vọng của gia đình là tiền phúng điếu sẽ tặng cho quỹ từ thiện thành phố.

Lúc còn sinh thời ông Nguyễn Hùng Trương đã có lần chán nản khi được hỏi bao giờ người ta trả lại nhà sách Khai Trí cho ông. Câu trả lời của ông là… “năm 3000”! Chẳng khác nào khi diễn tả một chuyện không bao giờ có thể xảy ra, người Sài Gòn thường nói chờ đến… “Tết Congo”!






Ông "Khai Trí" Nguyễn Hùng Trương


***

Chú thích:

(1) Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l'Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945).

Hội Khai Trí Tiến Đức được thành lập ngày 2/5/1919 với học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký, Cử nhân Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Đại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội

Năm 1922, Hội mua được căn nhà ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ngay phía tây bờ hồ Gươm để làm hội quán. Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như "Giải thưởng văn chương năm 1925" (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật), truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học, v.v... Có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại hội quán tuy chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải chính trị. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, Hội bị giải tán vì bị cho là "công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn hoá của thực dân".

(2) Về Tập san Sử Địa, xem thêm các bài viết

· Báo chí thời VNCH (3)
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/bao-chi-thoi-vnch-3.html

· Tập san Sử Địa với chủ đề Hoàng Sa-Trường Sa
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/tap-san-su-ia-voi-chu-e-hoang-sa-truong.html
Nguồn: chinhhoiuc.blogspot online
Read more
Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014
no image

                                               
                                            (tiếp theo)

                                          NGOẠI CẢNH

Đại lộ tận cùng bằng những thềm đá bước lên ngưỡng cửa hí viện. Con đường rộng mênh mông hun hút chay dài nom như một căn hầm tối. Vào giờ ấy, bốn bề vắng ngắt. Những chiếc xe xếp thành dẫy dài ở phía xế cửa hí viện nằm im lìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng một bác tài ngủ gục, cựa mình đập vào sườn xe kêu lục cục. Trời đã về khuya.
Bỗng từ xa, bóng của hắn hiện ra như một vật đen dưới ánh sáng héo úa của những ngọn đèn đường. Điếu thuốc đỏ rực trên vành môi. Tiếng giầy của hắn vọng lại âm vang hai bên hè phố. Hắn đi ngất ngưởng. Bộ quần áo xô lệch, nhầu nát. Chiếc cravate xoay ngược nằm vắt vẻo trên vai. Ở một bên túi, có chai rượu thò ra, cử động lúc lắc. Hắn đi về phía hí viện.
Một lát hắn đặt chân lên thềm đá. Bóng  dáng cô đơn của hắn in trên nếp tường trắng xám. Chung quanh hắn, khung cảnh trải rộng bao la. Mắt hắn nhìn xuống những đại lộ từ ba phía đổ về. Tay hắn giơ lên cao ẻo lả. Hắn tưởng tượng như mình đang đứng trước một đám đông quần chúng. Mộng của hắn là có thể lôi cuốn được họ bằng những tác phẩm do hắn viết ra. Nhưng càng viết hắn càng thấy mình cô độc. Sự cô độc làm hắn đớn đau dằn vặt mà hắn chỉ có một cách giải thoát độc nhất là lại quay về làm bạn với ngòi bút của mình trong những đêm dài khắc khoải. Thật là một cái vòng lẩn quẩn giam hãm hắn suốt cả cuộc đời. Một lát hắn quay lại nhìn lên những nóc nhà cao bằng đá xám. Dẫy đèn trên bảng đề tên hí viện đã tắt từ lâu. Nền trời thăm thẳm thấp thóang hiện ra mấy vì sao mù mờ yếu ớt. Bên cạnh hắn, những tấm biển quảng cáo vở kịch đứng chen chúc xô lệch. Dưới ánh sáng vàng úa từ ngọn đèn ở trong hành lang hắt ra, hắn đọc thấy :
                       
                      Ban Kịch ÁNH SÁNG
                   lần đầu tiên long trọng trình diễn :
                         NGƯỜI KÉO MÀN
                   kịch phẩm bất hủ ...................

Đọc đến hai chữ “bất hủ ” thì hắn nhão miệng ra cười ! Hắn tự nghĩ sao mà thiên hạ dễ bịp nhau đến thế. Cái gì mà bất hủ. Đành là thứ ngôn ngữ quảng cáo, nhưng lãnh vực văn nghệ mà cũng phải dùng đến ngón quảng cáo ngoa ngôn như một món hàng thì cái nghiệp văn nghệ mà hắn đang theo đuổi sẽ là cái thứ gì ? Bất giác, hắn xòe bàn tay của mình lên chỗ có đề tên của tác giả rồi mắm môi xóa toẹt đi. Vừa đúng lúc đó thì hình như có ai vừa giật tay lên phía gấu áo đằng sau của hắn. Hắn giật mình quay lại. Một thằng bé  chừng lên sáu lên bẩy, quần áo rách rưới, mặt mũi vêu vao, chân dẫm đất, một tay đang xòe ra còn tay kia thì khoèo xuống như bị ai bẻ ngoéo một lần rồi vĩnh viễn nằm yên theo vị trí đó. Thằng bé cất tiếng :
- Con lậy ông, con lậy bà. Con tàn tật.
Hắn nhún vai, thò tay vào lục túi. Chẳng còn đồng bạc lẻ nào sót lại. Hắn móc cái bóp phơi ra. Toàn những tờ giấy chẵn. Hắn ngần ngừ. Bỗng nhớ đến cái kẹo chanh còn nằm trong túi, mặt hắn tươi lên. Hắn móc cái kẹo ra và dúi vào bàn tay của thằng bé. Hai mắt của nó chợt sáng rỡ. Nó quặp ngay mấy ngón lại để giữ chắc cục kẹo rồi lủi ngay vào một góc tối. Chưa chi nước dãi của nó đã ứa hết ra cả mấy cái chân răng.
Rời chỗ mấy tấm biển quảng cáo, hắn tiến lại phía cửa chính của hí viện. Qua song sắt của cánh cửa, hắn thấy người soát vé ngủ gục trên chiếc ghế gỗ. Rác rưởi, giấy vụn và những mảnh chương trình tràn ngập lối đi. Hắn chán nản quay ra ngồi xệp xuống thềm đá. Hai chân của hắn rã rời. Đầu hắn váng vất. Hắn có cảm giác mình đang là một con quay đã hết đà và sắp đổ xuống. Một lát, hắn mở nút chai rượu rồi đưa lên tu. Những giọt rượu chẩy lấm tấm trên lớp áo sơ mi trắng. Hắn thấy mát ở ngực. Hắn lại nhìn ra chung quanh. Lần này hắn có cảm giác như mình đang ngồi trên boong một con tầu trôi trên biển cả. Bóng tối chung quanh đầy mưu mô và đe dọa, nhưng sự đe dọa nếu có thì hẳn cũng không kéo dài như chính cuộc đời của hắn.  Ngày mai, lúc trời sáng, đại dương lại hiện ra với những vẻ hùng vĩ xua tan đi những bất trắc của bóng đêm. Hắn ước ao được ngồi trên boong tàu. Hắn sẽ cố quên tất cả mọi kỷ niệm đớn đau mà hắn đã dự vào một cách nhơ nhớp. Hắn rút trong túi ra tấm ảnh thằng bé đem soi dưới ánh sáng mờ nhạt. Hắn muốn được ôm nó vào lòng và hôn lên hai má bầu bĩnh của nó. Bây giờ thì hắn thấy chính nó mới thực là do hắn tạo ra mà còn ở lại vĩnh viễn trong lòng hắn .

Hắn cố gợi lại những ngày đến với Hằng. Những kỷ niệm như âm thanh mà hình ảnh chỉ như cây đàn đứt dây bị lãng quên trong một góc tối. Hắn không thể tìm thấy gì nữa hết. Lúc này tất cả như đều tan loãng ra và chỉ thấm vào lòng hắn một nỗi niềm đau xót. Hắn thổn thức với mình. Ngày hôm nay, hắn đã uống rất nhiều rượu. Nhiều hơn cả ngày vui nhất của hắn khi hắn thành hôn với thiếu phụ áo đỏ. Hắn đưa tấm ảnh lên môi. Nước mắt hắn long lanh trên hai hàng mi, ứa ra, rồi lăn  chậm chạp trên đôi má hốc hác. Lòng hắn thổn thức  “Con ơi ! Con ơi !” Hắn có cảm giác như chỉ lúc ấy hắn mới nhìn rõ lòng hắn nhất.
     
Một lát, hắn loạng choạng đứng đậy. Chai rượu lúc lắc trong túi. Men rượu đưa đầu hắn đi vòng quanh. Hắn lảo đảo tiến lại gần dẫy cửa sắt. Bên trong những tiếng vỗ tay rào rào vọng ra. À, thiên hạ đang ca tụng hắn. Hắn xòe bàn tay lên vuốt má bức hình của vai Nga vẽ trên tấm biển. Bột sơn dính vào năm đầu ngón tay. Khuôn mặt xinh tươi của thiếu nữ nhoẹt đi. Hắn vụt thấy như mình đang hành hạ cái mà hắn nghĩ trong đầu vốn có tên Sự Thực. Hắn muốn cấu xé. Hắn dùng sức xô mạnh vào tấm biển khiến cho nó đảo đi một vòng rồi đổ sập xuống. Ở bên trong, gã soát vé chợt choàng dậy. Hai người đối điện nhau. Ở giữa là những gióng sắt.

Gã soát vé : Ai thế ?
Tác giả : Tôi đây.
Gã soát vé: Muốn cái gì ?
Tác giả  : Mở cửa ra !
Gã soát vé : Thôi bước đi ! Đã buồn ngủ bỏ mẹ lại còn cứ ám quẻ !
Tác giả :Thì cho đây vào một tí !
Gã soát vé :Muốn ngủ thì tìm chỗ khác. Đây không phải cái chợ.
Tác giả: Không, tôi muốn vào xem  kịch. Vở kịch có vẻ hay đấy chứ.

Tiếng vỗ tay trong rạp lại vọng ra làm hắn hứng chí hơn. Hắn định đẩy cánh cửa sắt sang một bên, nhưng gã soát vé đã gạt phắt tay hắn ra rồi du mạnh hắn như xua một thằng điên. Hắn nói : “ Ô! Tôi là tác giả vở kịch đây mà”. Nhưng gã soát vé đã trả lời hắn bằng cách lùa chiếc khóa đồng vào hai cái móc sắt rồi bấm mạnh. Những cái bản lề ăn khớp vào nhau reo lên một tiếng cách khô khan.Vừa làm công việc ấy, gã vừa càu nhàu những câu thô tục. Gã nhìn vào mặt kẻ mới đến với một vẻ đầy khinh bỉ.
Đứng im một lát, tác giả nhún vai bỏ đi. Đằng sau hắn, tiếng ồn ào của khán giả vẫn còn vẳng lại. Đế giầy của hắn lê sền sệt trên thềm đá. Hắn ngất ngưởng đi vòng sang lối sau để vào hậu trường. Lúc bóng dáng của hắn vừa khuất sau dẫy hành lang tối hun hút thì ở đâu đó phía ngoài mặt tiền hí viện bỗng lại có cái giọng the thé cất lên :
- Cưng ơi! Cưng ơi! Tiên sư cha thằng nhãi con lại mất biến đi đâu rồi ! Cưng ơi !

                                             TRONG HẬU TRƯỜNG

Tiếng gõ cửa.
Lão kéo màn : Ai đấy ?
Tác giả :  Tôi!
Lão kéo màn: Tôi là ai?
Tác giả : (Khựng lại).

Bây giờ hắn lại cảm thấy mắc cỡ nếu tự xưng mình là tác giả.
Sau một giây im lặng, cánh cửa gỗ bật mở. Hắn lầm lũi tiến vào. Ánh sáng làm hắn chói mắt. Hắn ngồi xệp ngay xuống đống vải dùng làm biển ngữ chất bên cạnh lối đi. Toàn thân hắn mỏi rã rời. Hắn  muốn được ngủ ngay ở chỗ ấy.

Thằng bé : A! Ông tác giả đã đến xem phông cảnh mấy lần đây mà.
Lão kéo màn : Mời ông vào trong này. Từ chập tối người ta tìm ông đến mấy lần rồi.
Tác giả : Mặc kệ! Tôi thích ngồi đây và có lẽ tôi ngủ luôn tại đây không chừng.
Lão kéo màn: Kể ông cũng lạ. Kịch do chính ông viết ra mà ông lại không muốn vào xem.
Tác giả: Khôngphải không muốn mà là không dám thì đúng hơn.

Nói xong câu ấy hắn chợt cảm thấy xấu hổ. Thật ra từ chập tối, hắn cũng đã nài nỉ người bạn đường của hắn đến cạn lời để vào xem trình diễn đó thôi. Nghĩ thế, hắn bỗng thấy lợm giọng với chính mình. Tayhắn thò vào cổ chai rượu. Hắn lấy ra giơ lên ánh đèn. Lão kéo màn bật thành tiếng cười khành khạch.

Tác giả: Chúng ta đồng ẩm nhé !
Lão kéo màn: Thế thì còn gì bằng! Để tôi đi kiếm cái ly.
Tác giả: Ồ ! Khỏi cần, chúng mình tu !
Lão kéo màn: Chính thế ! Tu mới đã!
Tác giả: Tri kỷ! Tri kỷ! . .
Lão kéo màn: Ấy, tôi đâu dám.
Tác giả : Thật đấy ! Tôi  mà nói tri kỷ với cụ thì cụ ngượng chứ tôi đâu có ngượng.
Lão kéo màn : Vâng, có thể là thế. Tôi có cái tính hay xấu hổ.

Tác giả rúc lên cười. Hắn vỗ lia lịa lên vai lão già như mới tìm ra được một tri kỷ thực thụ. Lão kéo màn cũng cười theo một cách sung sướng. Lão đỡ chai rượu trên tay người đàn ông rồi đưa lên miệng. Những cọng râu của lão rung rung. Lớp da sần sùi trên khuôn mặt như căng lên. Hơi rượu như toát ra từ những kẽ chân lông lỗ chỗ.
Thằng bé : Ông cho cháu mượn cái hộp quẹt .

Tác giả quay lại chú mục nhìn nó rồi móc túi ném cho nó một bao diêm. Nó châm một mẩu thuốc thừa. Hai má nó hóp lại, cặp mắt lim dim. Hai luồng khói tuôn cuồn cuộn ra từ hai lỗ mũi. Sự khoan khoái làm nó toét miệng ra cười. Hắn nhìn thấy hai hàm răng của nó sún và nhỏ như răng chuột. Ngắm nghía nó một lát, bỗng hắn móc túi lấy ra bao thuốc lá hút dở và ấn vào bụng nó. Mắt thằng bé vụt sáng lên. Nó mở to mắt như muốn thu lấy hết cả hình ảnh của gã đàn ông. Rồi nó chồm dậy cầm gói thuốc nhẩy quẫng qua những cái rương đồ. Trong một chớp nó đã nằm vắt vẻo trên chiếc ván gỗ bắc qua xà ngang. Nó móc một điếu thuốc mới rồi truyền lửa từ điếu thuốc giở qua thuốc mới bằng mấy đầu ngón tay. Lần này nó nằm ghếch chân lên xà gỗ để thưởng thức điếu thuốc như một anh ghiền chuyên nghiệp.Tác giả nhìn theo nó, nhếch một nụ  cười.

Lão kéo màn :  Coi chừng cháy đấy, ranh con ạ.
Tác giả : Con cụ đấy à ?
Lão kéo màn: Không, nó là một đứa con hoang.
Tác giảû: Bố  nó là ai ?
Lão kéo màn: Kép hát !
Tác giả: Còn mẹ nó ?
Lão kéo màn: Đào hát !
Tác giả : Hơ !Rõ ra là một sự kết tinh của mối tình nẩy nở trong nghệ thuật.
Lão kéo màn: Ông nói sao ?
Tác giả: Ồ, không. Tôi muốn nói rằng trên đời này không thiếu gì những đứa như nó.
Lão kéo màn : Chính thế .
Tác giả : Mà bố mẹ chúng là những kẻ yêu nhau.
Lão kéo màn : Chính thế .
Tác giả: Thật là phi lý.
Lão kéo màn: Ông nói sao ?
Tác giả : Tôi thấy buồn nôn.
Lão kéo màn : Coi chừng ông trúng gió. Để tôi dẫn ông vào nằm nghỉ trong kia. . .
Tác giả: Không! Tôi không muốn ngồi một mình. Tôi muốn nói chuyện .
Lão kéo màn: Vậy ông đừng uống thêm nữa.
Tác giả : Tôi chưa thấy say.
Lão kéo màn : Uống như thế là tới độ lì.
Tác giả.: Tại sao thiên hạ im lặng quá thế nhỉ ?
Lão kéo màn: Thì người ta đang theo dõi vở kịch của ông. Mà đến đâu rồi nhỉ ? Coi chừng mải chuyện tôi quên mất cả kéo màn. Kìa ông đạo diễn đang tới. Ông ta thật là một người khó chịu. Hình như ông ta lại bực mình vì một cái gì đó đang xẩy ra trên sân khấu.

                                        (còn tiếp)


Read more
Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014
YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU - KỲ 135

                   (tiếp theo)  



Ong Sáu Thượng chỉ còn nước rụt cổ , im lặng nghe vợ mắng mỏ. Ba ngày sau, đang giờ ông làm việc, bà Kiểm tra gọi điện báo tin ông thành uỷ vừa thở hơi cuối cùng. Mặc dầu cái chết này ông đã biết trước, nhưng ông vẫn giật mình , ông hỏi giật giọng  :
“ Cô nói cái gì ? Ai chết ?”
“ Ong thành uỷ chứ ai ? Hôm trước em với anh vào thăm đó. Sáng mai sẽ thông báo chính thức trên báo đài. Sáng ngày kia sẽ tổ chức lễ viếng …Mà anh đã biết tin gì chưa ?”
Lại còn tin gì nữa đây, hay trước khi chết ông thành uỷ đã kịp viết đơn tố cáo ông. Không phải, ông ta đã mất tri giác ngay sau khi được  đưa vào bệnh viện cấp cứu mà. Ong hỏi giọng lo lắng :
“ Lại còn chuyện gì nữa ?”
Giọng bà Kiểm tra trầm hẳn xuống :
“ Nói chuyện điện thoại không tiện đâu … Tối anh ghé nhà em đi…”
Chưa kịp để ông hỏi thêm, bà đã cúp máy. Ong Sáu Thượng ngồi ngây người trước bàn làm việc. Ong đang bấn lên sửa soạn vài ngày nữa sẽ dẫn đoàn đại biểu của ngành đi thăm Cuba, lẽ ra phải tập trung hết tâm trí vào việc đó, chẳng ngờ cú điện thoại của bà Kiểm tra làm đầu óc ông bấn loạn, không nghĩ ngợi được gì . Ong hiểu rằng có ngồi đây mãi cũng bằng thừa, cũng chẳng làm được gì , nên nhấc điện thoại gọi lái xe .
Không đầy mười phút sau chiếc xe con của ông do người lái xe già , tay chân thân tín của vợ đã đưa ông chạy trong các phố đông nghẹt xe cộ. Ong đưa mắt nhìn hai bên đường mà đầu óc ông để đâu. Ong đang mải nghĩ không hiểu đã có chuyện gì xảy ra mà bà Kiểm tra hẹn ông tới nhà mới cho ông biết. Cái chết của ông thành uỷ hiển nhiên là do vợ ông gây ra nhưng nếu vỡ lở, chắc chắn ông bị liên luỵ.
Người đàn bà này ghê gớm thật, ông cứ bị bà lôi đi sềnh sệch suốt từ cái ngày ông chấp nhận với gã cán bộ Ban tổ chức cưới cô ta về làm vợ. Chung sống với bà, ông phải lao theo những cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm và trắc trở.  Những năm tháng đã qua, ông đã theo bà vượt qua được rất nhiều chặng đường gian nan , phạm vào rất nhiều tội lỗi. Bản chất cầu an và nhát sợ khiến nhiều lần ông đã dừng lại, muốn buông bỏ hết mọi thứ để về quê sống cho yên ả nhưng bà đâu có chịu. Ong đành cứ nhắm mắt để bà lôi ông đi theo những âm mưu, những tham vọng bất chấp mọi  thủ đoạn.
Nhưng tới lúc này , quả thực ông bắt đầu sợ. Những tội ác hai mẹ con bà lôi ông theo càng ngày càng chồng chất, càng ngày càng nặng hơn khiến ông gần như rơi vào hoảng loạn. Ong muốn trốn đi thật xa, lên tận miền Tây Bắc hoang vu, ở đó biết đâu ông sẽ gặp lại cô bồ nhí, cô sơn nữ tên Gái và biết đâu cô đã chẳng đẻ cho ông một đứa con trai ? Ong cứ lan man nghĩ ngợi làm người lái xe bất chợt cất tiếng hỏi :
“ Thưa thủ trưởng…thủ trưởng muốn đi đâu ?”
Ong giật mình trở về với thực tại. Đi đâu nhỉ ? Ừ bây giờ biết đi đâu ? Bỗng dưng ông sợ về nhà. Về nhà ông sẽ phải nhìn thấy bộ mặt của mụ vợ lúc nào cũng quàu quạu khiến ông luôn luôn cảm thấy mình đang có lỗi gì đó. Bà sẽ hạch hỏi và nghe ông trả lời lúc nào bà cũng gắt gỏng. Những lúc đó ông chỉ muốn gọi lái xe đưa ông trở lại cơ quan và ngủ luôn trong phòng làm việc. Tất nhiên không đời nào vợ cho ông vắng mặt dù chỉ một đêm trừ những đi công tác. Nhưng không về nhà thì biết về đâu ? Ong nóng lòng muốn tới nhà bà Kiểm tra nhưng bà lại hẹn mãi đến tối . Chẳng còn nơi nào để đi nữa, ông đành ra hiệu cho lái xe chở ông về nhà.
Xe  gần cửa, ông bỗng tròn xoe mắt nhìn thấy một xe tải nhỏ, người ta đang khiêng từ trên xuống lỉnh kỉnh nào bát nhang khổng lồ, nào tượng Phật nào trang thờ…Gì thế ? Ong đang nằm mơ chăng ? Một cán bộ cao cấp như ông mà lại thiết lập ở trong nhà hẳn một điện thờ với lắm thứ vậy sao ?
Ong xuống xe hỏi như quát :
“ Ai cho chở những thứ này tới đây ?”
Một người đàn ông gầy nhom nom dáng vẻ như người nhà chùa chạy tới :
“ Dạ thưa những thứ này bà nhà đặt mua đấy ạ…bà đang ở trên chùa để còn bàn với thầy ngày làm lễ hô thần nhập tượng đấy ạ ?”
Ong Sáu Thượng kinh ngạc :
“ Hồ thần nhập tượng là cái gì ?”
Gã đàn ông lên giọng uốn éo :
“ Dạ ..thưa ông chả là bà nhà đặt mua tượng đức Ngài lớn lắm ạ. Sáng mai bà sẽ cho chở về rồi mời thày tới lễ để đưa thần vào ngự trong tượng thì tượng mới linh đó ạ…”
Ong thở hắt ra, chán ngán chẳng muốn nhìn ngó gì nữa, cứ để mặc mấy người khuân đồ lên gác kê dọn làm điện thờ. Bà vợ ông có gọi điện về nhưng không phải nói chuyện với ông mà với gã nhà chùa để cắt đặt công việc . Càng tốt, sau cái chết của ông thành uỷ viên, ông sợ không muốn nhìn mặt vợ nữa, ít nhất là trong lúc này.
Tối hôm đó, mãi gần 8 giờ bà vẫn chưa về. Yên tâm rồi, ông đi đỡ bị bà hỏi han, cật vấn. Ong lại điện cho xe tới đón đưa ông đến nhà bà Kiểm tra. Vừa tới cửa nhà, bà đã chạy ra tíu tít :
“ Sao anh tới muộn thế ? Ong nhà em chờ không được đã lên buồng ngủ trước rồi. Đấy , cứ chập tối là ông đã díp mắt lại rồi…”
Bà đưa ông vào phòng khách, chưa kịp uống nước, ông đã hỏi ngay :
“ Có chuyện gì thế ?”
Bà Kiểm tra chậm rãi :
“ Gớm…sao ông anh sốt ruột thế ? Uống nước đi đã. Thế việc của em sao rồi ?”
Ong Sáu Thượng hấp tấp :
“ Xong rồi…tôi huỷ  quyết định không ký nữa, thằng Sáu Phó Bí thư đang lồng lộn chạy chọt cửa trên kìa…”
Bà Kiểm tra tái mặt :
“ Vậy rồi liệu lão có chạy được không ? Anh mà không ngăn, lão lên làm quyền Bí thư  là nó giết em đấy…”
Ong Sáu Thượng an ủi :
“ Yên trí, cô cứ yên trí…tôi mà đã ra tay thì nó có mọc ba đầu sáu tay cũng chẳng ngoi lên được. Có chuyện gì cô nói ngay ra tôi biết đi…”
Bà Kiểm tra tươi mặt :
“ Anh nói vậy em yên tâm rồi. Em muốn  báo ngay cho ông anh biết chuyện về bà vợ ông thành uỷ …”
Ong Sáu Thượng giật mình :
“ Bà vợ ông thành uỷ ? Bà ấy làm sao ? Bà ấy có nghi ngờ cái chết của chồng không ?”
Bà Kiểm tra bật cười :
“ Chưa chi mặt anh đã tái xanh tái tử kià ? Thảo nào bị vợ xỏ mũi là phải. Anh yên tâm đi, bà vợ ông thành uỷ hoàn toàn không nghi ngờ gì cái chết của chồng bà. Bà ấy cũng có còn biết gì nữa đâu ?”
Ong Sáu Thượng giật  mình :
“ Bà ấy cũng sống thực vật như ông chồng sao ?”
Bà Kiểm tra lắc đầu :
“ Không không, bà ấy vẫn đi lại, ăn uống, nói cười chỉ có điều sáng nay người ta đã đưa bà ấy vào bệnh viện tâm thần rồi. Họ bảo bà ấy nổi cơn điên từ cả tháng nay rồi.”
Ong Sáu Thượng há hốc mồm, thốt lên :
“ Ghê gớm thật…ghê gớm thật…”
Bà Kiểm tra ngạc nhiên :
“ Anh bảo ghê gớm….ghê gớm cái gì kìa ?”
Ong lắc đầu không trả lời. Lúc trở về nhà, bà đã đang đợi ông ở phòng khách. Vừa nhìn thấy ông bà đã hất hàm :
“ Ong đi đâu về ? Tối rồi không ở nhà trông coi tụi nó giúp tôi bày biện cái điện thờ ?”                                                                            
Ông  lẳng lặng bỏ vào buồng nằm không trả lời. Ông chợt thấy ghê ghê khi nhìn mặt bà. Nó có một vẻ gì đó rất lạ trước nay ông chưa hề thấy. Cái vẻ đó dường như xoá đi hết dấu vết của giới tính trên mặt bà. Lúc này nom bà không phải đàn bà, cũng chẳng ra đàn ông. Rõ nhất là một vẻ hung ác lộ ra từ đôi mắt khiến ông rùng mình khi bà đặt tay lên trán ông :
" Ông có làm sao không ?"
Ông hất tay bà ra :
" Không...không làm sao cả..."
Bà tưởng ông giận bà thiết lập điện thờ ngay trong nhà nên hạ giọng :
" Có thờ có thiêng ông ạ. Tôi biết nhà mình là cán bộ cao cấp, người ta nhìn vào thấy cúng kiếng sẽ dị nghị , đơm đặt này nọ, nhưng tôi không sợ. Chẳng có sợ thằng nào hết..."
Ông khẽ khàng :
" Vẫn có thứ bà phải sợ chứ ?"
Bà cau mặt :
" Tôi chẳng sợ thằng chó nào cả ..."
"  Bà không sợ người đời thì bà cũng vẫn sợ thần Phật chớ. Nếu không sợ  bà cúng kiếng làm gì ?"
Bà gật đầu :
" À thần Phật thì phải sợ chớ ."
" Thế bà có sợ người dưới cõi âm không ?"
Bà cau mày :
" Người dưới cõi âm là ai ?"
Ông nhìn thẳng vào mặt bà rồi rụt rè :
" Là ông thành uỷ đó...rồi mai mốt cả vợ ông ấy nữa..."
Bà giật  mình :
" Ông nói vậy là sao ?"
Ông cười nhạt :
" Bà còn dấu tôi nữa. Bà cho tay chân tiêm chết hắn rồi phục thuốc cho vợ hắn ta điên dại phải nhốt vào bệnh viện tâm thần đó..."
Bà vợ kêu lên :
" Sao ông biết rõ thế ? Đứa nào đã nhỏ to vào tai ông phải không ?"
Rồi mắt bà chợt quắc lên, đầy vẻ hung ác :
" Phải con mẹ Kiểm tra thành uỷ nó hớt lẻo với ông không ?"
Ông Sáu Thượng sợ thót tim, ông sợ không khéo vì ông, một ngày nào đó  bà Kiểm tra cũng chui gầm ô tô cũng nên. Ông vội vàng :
" Không phải, không phải nó. Hôm nay tôi ghé văn phòng thường vụ nghe anh em người ta kháo nhau vậy thôi...".
Bà im lặng thôi không truy ép ông như mọi ngày nữa, ngược lại bà nhỏ nhẹ :
" Bởi vậy tôi mới tính lập đàn cầu siêu cho những oan hồn rồi tối tối tôi sẽ tụng kinh gõ mõ ..."
Ông ngạc nhiên đến ngây cả người , không tin tai mình nữa, vội hỏi lại :
" Bà nói cái gì ? Ai tụng kinh gõ mõ ?"
Bà Sáu Thượng chợt cười gằn :
" Tôi chứ còn ai . Cả đời mình làm nhiều chuyện lẽ ra cũng...không nên không phải, về già tụng kinh gõ mõ cho xả bớt nghiệp chướng đi càng tốt chứ sao ?"
Ông cười nhạt :
" Tụng kinh gõ mõ mà xoá sạch hết tội hết nợ thì chẳng cứ gì bà, cả tôi, cả anh Năm , cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất cũng đều chăm chỉ tụng kinh gõ mõ hết..."

                                 (còn tiếp)



Read more