Open top menu
Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

(Kênh 13) – Ngọc Hoàng giả bị Nam Tào, Bắc Đẩu đánh đòn, dọa nhúng đầu vào thùng nước giống chi tiết trong video bảo mẫu bạo hành trẻ, gây bức xúc dư luận thời gian qua.


Tối 19/1, VTV bắt đầu buổi ghi hình đầu tiên của chương trình Táo Quân. So với mọi năm, điểm khác biệt lớn nhất của Gặp nhau cuối năm lần này là sự phân thân của Quốc Khánh trong vai Ngọc Hoàng thật – Ngọc Hoàng giả. Vì Ngọc Hoàng thật ăn quà bị ngộ độc thực phẩm không thể điều hành buổi chầu nên Nam Tào, Bắc Đẩu đã thuê anh trông xe – Tèo – ở hạ giới lên thiên đình đóng thế. Để Tèo có thể đóng giả Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu đã nghĩ đủ cách ra hiệu cho Tèo nhằm đối đáp lại các Táo. Các tình huống hài không chỉ diễn ra từ các Táo như những năm trước mà còn xuất phát từ sự ngây ngô, rập khuôn cứng nhắc của Ngọc Hoàng giả.


Có lúc, vì không nghe lời, Ngọc Hoàng giả bị Nam Tào, Bắc Đẩu đánh vào mông, dọa bắt ăn lại thức ăn nôn ra và nhúng đầu vào thùng nước lớn. Xuân Bắc trong vai Nam Tào còn đeo kính giống cô bảo mẫu bạo hành trẻ em để dọa Ngọc Hoàng giả. Tèo khi bị đánh đòn cũng lườm lại hai quan thiên đình với lý do “em lườm cho giống thằng bé trong clip”. Tình tiết này khiến hàng trăm khán giả cung Hữu nghị Hà Nội không nín được cười.


Cảnh Ngọc Hoàng giả bị dọa nhúng đầu vào thùng nước.

Cảnh Ngọc Hoàng giả bị dọa nhúng đầu vào thùng nước.


Là một người còn nhiều thói xấu như tham lam, trộm vặt nhưng Tèo ở phần cuối chương trình đã dũng cảm đứng lên, nói tiếng nói của nhân dân, bức xúc trước các vấn nạn. Thậm chí Ngọc Hoàng giả còn quyết định “trảm tướng”. Điều này khiến Ngọc Hoàng thật phải bày tỏ sự khâm phục.


Nếu những năm trước vai diễn của Quốc Khánh ít màu sắc nhất thì năm nay, Quốc Khánh lại trở thành diễn viên trụ cột của chương trình, thỏa sức thể hiện khả năng chọc cười khán giả. Nam diễn viên khi là một Ngọc Hoàng thật thâm trầm, kín kẽ, khi lại chuyển sang thái cực đối lập với hình ảnh anh Tèo ngây ngô, hành động quê mùa. Giữa Quốc Khánh, Công Lý và Xuân Bắc luôn cho thấy sự kết hợp ăn ý, tung hứng nhịp nhàng. Nhưng phần Nam Tào, Bắc Đẩu dạy Tèo bắt chước Ngọc Hoàng hơi dài dòng khiến mở đầu Táo Quân phần nào bớt đi tính hấp dẫn.


Góp phần làm nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả là phần Táo Kinh Tế Quang Thắng ngồi kiệu, quấn khăn, đeo kính, dán râu làm “trai đẹp bị trục xuất” Omar Borkan Al Gala. Chàng “Mũi To” thu hút với màn múa bụng và câu nói “muốn múa tiếp phải đưa thêm tiền” khiến khán giả nhớ đến việc Omar đòi thêm tiền mới diễn dưới mưa. “Trai đẹp” còn bị cô Đẩu chê khi dỡ bỏ lớp hóa trang để lộ khuôn mặt thật vì chuyên “chụp ảnh bằng camera 360 độ” để đăng trên Facebook.


Táo Y Tế năm nay tiếp tục được giao cho Vân Dung. Phần thể hiện của nữ diễn viên Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ là tiết mục đáng xem trong Táo Quân 2014, điểm được những sự việc nhức nhối của ngành Y tế trong năm 2013 như: tiêm nhầm vacxin, ăn bớt vacxin, nhân bản giấy xét nghiệm, vụ bác sĩ Cát Tường, bác sĩ giả mạo người Trung Quốc hay sự khổ sở của người nghèo khi van xin bác sĩ khám chữa bệnh. Tuy nhiên màn tấu của Táo Y Tế sa đà nhiều vào chuyện phong bì, vốn đã được khai thác nhiều ở những mùa trước. Trong chương trình, Vân Dung có phần đấu võ với Xuân Bắc khá ấn tượng, phần hátY Tế xinh (chế theo Con bướm xuân) cùng Xuân Bắc, Công Lý hấp dẫn người xem.


Nam Tào đeo kính giống cô bảo mẫu bạo hành trẻ em để dọa Ngọc Hoàng giả.

Nam Tào đeo kính giống cô bảo mẫu bạo hành trẻ em để dọa Ngọc Hoàng giả.


Chí Trung không đóng Táo Giao Thông mà chuyển sang đóng Táo Điện Lực. Anh chứng tỏ khả năng “diễn như không diễn”, tỉnh bơ chọc cười khán giả. Thay Chí Trung đóng Táo Giao Thông, Tự Long thoát khỏi cái bóng của đàn anh và đưa được “chất Tự Long” vào vai diễn. Đạo diễn biết cách điều chỉnh vai để hợp với diễn viên khi khai thác tối đa khả năng ca hát của Tự Long. Anh khoe chất giọng với đủ loại hình ca hát, từ các làn điệu Bắc – Trung – Nam, các ca khúc chế hiện đại đến cả opera. Đúng như Chí Trung tiên đoán, Táo Giao Thông năm nay yếu về chất liệu, chỉ xoay quanh chuyện xây cầu vượt và quanh quẩn tìm cách nhận lỗi.


Trong khi đó, Táo Giáo Dục và Táo Văn Hóa chỉ xuất hiện thoáng qua vào màn cuối, không để lại nhiều ấn tượng.


Chương trình kéo dài trong ba tiếng rưỡi. Theo đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam, sau khi quay hình, Ban tổ chức sẽ biên tập nội dung để phù hợp với thời lượng phát sóng.


Táo Y Tế trên chiếc cân y đức.

Táo Y Tế trên chiếc cân y đức.


Trước đó, chiều 17/1, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Vương Duy Biên đã gửi công văn tới Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình Gặp nhau Cuối năm – Táo Quân 2014 với lý do: “Bên cạnh mặt tích cực, chương trình cũng bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục như nghệ sĩ, diễn viên sử dụng động tác diễn xuất, lời thoại thô tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức, thực hiện chương trình”.


Có mặt trong đêm ghi hình đầu tiên của Táo Quân 2014, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết, chương trình không có gì vi phạm về pháp luật. Sáng nay (20/1), Hội đồng của Cục sẽ họp bàn xem xét đánh giá nội dung chương trình và có công văn góp ý với Đài Truyền hình Việt Nam nếu có “yếu tố thô tục” trên sân khấu.


Năm nay, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trương không bán đĩa Táo Quân nên người dân, trừ những người được xem trong ba buổi quay hình, đều phải chờ xem trong đêm Giao thừa. Để có hơn hai tiếng đồng hồ mua vui cho công chúng trên sóng VTV, các nghệ sĩ đã phải thức đêm thức hôm tập luyện trong hàng tháng trời với số tiền cát-xê chỉ dao động từ 7 đến 10 triệu đồng.


Sau 10 năm tổ chức, Táo Quân vẫn có sức hấp dẫn lớn. Dân phe vé tụ tập rất đông trước cửa Cung Hữu nghị để chào khách những cặp vé mời. Người xem đứng chật các lối đi trong khán phòng biểu diễn và hầu hết đều ở lại đến cuối chương trình.


(Vnexpress)



Táo Quân tái hiện cảnh bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non

0 nhận xét