Đấy là nhận định của Tạp chí The Diplomat qua một loạt sự kiện các nước Đông Nam Á ký hợp đồng hoặc để tâm tới việc mua sắm tàu ngầm.
Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản cho biết, từ những năm 1960, Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có khả năng tác chiến dưới nước, khi đó nước này đã trang bị một lô tàu ngầm do Liên Xô đóng. Sau năm 1978, Indonesia lại tiếp tục mua thêm 2 tàu ngầm phi hạt nhân Type 209 của Tây Đức. Năm 2012, Bộ quốc phòng Indonesia tuyên bố, nước này có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở rộng biên đội tàu ngầm lên 12 tàu.
Hiện nay, công ty đóng tàu STX của Hàn Quốc đang hợp tác với công ty công nghiệp quốc phòng của Indonesia, đóng 3 tàu ngầm kiểu Type 209 cho Indonesia. Những tàu ngầm kiểu Type 209 này dự kiến sẽ được bàn giao trong thời gian từ năm 2015-2016.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng Indonesia quan tâm tới lớp tàu ngầm Kilo Project 636 của Nga.
Sau Indonesia, Singapore là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á mua tàu ngầm từ đầu những năm 1990. Quốc gia này hiện sở hữu 6 tàu ngầm phi hạt nhân thuộc lớp Challenger và Archer mua từ Thụy Điển. Tuy nhiên, 2 lớp tàu ngầm này đều có tính năng kỹ chiến thuật chiến đấu hạn chế.
Với tham vọng tăng cường sức mạnh tàu ngầm, cuối tháng 11/2013 Singapore tuyên bố nước này đã ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type 218SG mới từ công ty ThyssenKrupp của Đức. Điều khoản của hợp đồng này bao gồm việc bảo dưỡng và đào tạo thủy thủ tàu tại Đức. Tàu ngầm của Singapore sẽ được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2020.
Bên cạnh Singapore, Hải quân Malaysia vào năm 2002 đã ký một hợp đồng mua 2 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene của Pháp. Hai tàu ngầm này đều được biên chế sử dụng trong Hải quân Malaysia vào các năm 2007 và 2009. Tháng 5/2012 Malaysia cho biết, bất kỳ kế hoạch mua tàu ngầm tiếp theo nào sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính. Cùng năm, Malaysia đã ký hợp đồng mua tàu phục vụ cứu hộ tàu ngầm, tàu này được đóng tại Singapore.
Và gần đây, quốc gia tiếp theo ở Đông Nam Á chính thức có tàu ngầm trong biên chế là Việt Nam. Cuối tháng 12/2013, tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Kilo Project 636 đầu tiên trong đơn hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga (mang tên HQ-182 Hà Nội) đã được bàn giao tại cảng Cam Ranh. 5 tàu còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trước năm 2016.
Ngoài Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, The Diplomat cho biết các quốc gia còn lại cũng đang “nhăm nhe” muốn có tàu ngầm trong biên chế.
Tháng 6/2013, Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tuyên bố nước này đã có cuộc đàm phán với Nga về việc mua 2 tàu ngầm lớp Kilo. Cùng thời điểm, 20 lính Hải quân Myanmar bắt đầu được huấn luyện tàu ngầm cơ bản tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Bahadur, Pakistan. Trước đó có báo cáo cho rằng, Myanmar dự định xây dựng lực lượng tàu ngầm vào năm 2015.
Tháng 4/2011, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tàu sân bay – Thái Lan đã nêu lên ý định chi 220 triệu USD mua 2-6 tàu ngầm cũ Type 206A của Đức. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ không lâu sau.
Tới tháng 10/2013, Hải quân Thái Lan tuyên bố, có kế hoạch mua 3 tàu ngầm trong 10 năm tới. Đồng thời, nước này đã bắt đầu xây dựng một trung tâm huấn luyên tàu ngầm và căn cứ tàu ngầm tại Sattahip, tỉnh Chonburi. Căn cứ này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2014, sẽ trang bị một đội huấn luyện chỉ huy tàu ngầm.
Với Hải quân Philippines, từ khi chính quyền ông Beniqno Aquino lên nắm quyền, Bộ quốc phòng Philippines đã có kế hoạch mua tàu ngầm. Nhưng hiện tại vẫn chưa có gì rõ ràng.
The Diplomat nhận định, trong 5-10 năm tới, khu vực biển Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông sẽ thấy được số lượng tàu ngầm phi hạt nhân tăng mạnh. Điều này khiến khu vực Biển Đông càng trở lên sôi động. Lực lượng tàu ngầm sẽ giúp hải quân các nước có khả năng tác chiến khu vực tăng lên 4 chiều (trên không, đất liền, mặt nước và dưới nước). Tàu ngầm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ như trinh sát thu thập tình báo, triển khai thủy lôi, chống hạm và thậm chí tấn công đất liền.
(Kiến Thức)
Đông Nam Á đang chạy đua phát triển tàu ngầm
0 nhận xét