Ong hoạ sĩ già trợn mắt :
“ Hoạ sĩ trong nước giờ giàu thế ? Dám bỏ tiền ăn cả tôm hùm ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Thực ra tụi tôi cũng bán được một số tranh nhưng cũng chưa thành đại gia để bỏ tiền túi ăn tôm hùm. Chẳng qua ăn ké quan chức Nhà nước thôi…”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Quan chức Nhà nước chịu bỏ tiền ra mời hoạ sĩ kia à ?”
Ong hoạ sĩ già trợn mắt :
“ Bác này ở trong nước mà lơ tơ mơ . Quan chức Nhà nước phải ăn tiêu bằng tiền Nhà nước chứ, đời nào các ông chịu móc tiền túi ?”
Cô hoạ sĩ gật đầu :
“ Đúng đấy ạ. Họ cứ lợi dụng nhân dịp này nọ tổ chức tiệc tùng liên miên. Chẳng hạn mấy ông Giám đốc Sở văn hoá thông tin, mấy ông Vụ trưởng hoặc Thứ trưởng văn hoá mở tiệc “nhân dịp” gì đó thường cao hứng mời một số văn nghệ sĩ tới ăn theo. Mà ở trong nước thì quanh năm “nhân dịp”…”
Bà chủ gallery cười cười :
“Thì có ba ngày nghỉ lễ nghỉ tết chứ mấy ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Không ạ…nhiều lắm ạ..nào thành lập đảng, nào sinh nhật bác Hồ, nào chiến thắng ĐiệnBiên Phủ, chiến thắng giải phóng Hà Nội, giải phóng Sàigòn…ôi trời tuần chay nào cũng có nước mắt, cứ gọi là quanh năm “nhân dịp” để tiệc tùng, đãi đằng…tất nhiên tiền Nhà nước cả thôi…”
Ong hoạ sĩ ngán ngẩm :
“ Có cái nước mình mới thế , các nước khác quan chức lợi dụng công vụ tiêu tiền nhà nước báo chí lôi ra mất chức sớm. Tôi còn nhớ có lần sang Thuỵ Điển du lịch đúng dịp báo chí khui chuyện một toán nghị sĩ quốc hội thăm Trung Quốc có tới xem một buổi kinh kịch bằng tiền Nhà nước thế là báo chí khui ra làm ầm ĩ…”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Lại còn thế nữa kia ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Vậy có dân chủ quá trớn không ? Nghị sĩ quốc hội đi coi kinh kịch bằng tiền Nhà nước có đáng bao nhiêu. Ở nước ta từ xã, lên huyện, lên tỉnh, rồi từ các Cục , Vụ , Viện cho tới trung ương đảng, chính phủ…đâu đâu cán bộ Nhà nước cũng tha hồ tiêu tiền vô tội vạ, tuy chính phủ cũng quy định tiêu chuẩn này nọ nhưng họ cứ tiêu ào ào, báo chí có dám nói gì đâu ?”
Câu chuyện quanh co thế nào lại trở về thời sự trong nước từ Hoàng Sa- Trường Sa cho tới bâuxite Tây Nguyên . Tuy nhiên chỉ ông hoạ sĩ già và chị chủ gallery hăng hái bàn luận, còn bác Ba Phi và cô hoạ sĩ Hà Nội cứ ngồi im hoặc đá sang chuyện khác.Tất nhiên chửi cộng sản và Nhà nước hăng hái nhất vẫn là ông hoạ sĩ già. Ong chửi từ chuyện tham nhũng tràn lan cho tới chuyện cộng sản bán nước, tay sai cho Trung Quốc , từ chuyện đàn áp tự do dân chủ cho tới tước đoạt ruộng đất của nông dân, tiếp tay cho tư bản nước ngoài bóc lột sức lao động công nhân. Rượu vào làm ông chửi mỗi lúc một hăng , xoe xoé vào mặt bác Ba Phi cứ như bác là đảng và nhà nước đang ngồi trước mặt. Chị chủ gallery chửi nhẹ nhàng hơn, xoay quanh chuyện nhũng nhiễu của công an tại sân bay, chuyện giao thông hỗn loạn ở Sàigòn, chuyện thanh niên mất dậy ở Hà Nội mở miệng ra là chửi tục.
Bất chợt ông hoạ sĩ già phát hiện ra chỉ có ông với chị chủ gallery nói thôi, còn bác Ba Phi và cả cô hoạ sĩ Hà Nội ngồi im , ông kêu lên :
“ Sao quý vị không tham gia ? Như cô hoạ sĩ này chẳng hạn. Cô là thanh niên trí thức văn nghệ sĩ, cô là tương lai đất nước, cô là bộ phận nhạy cảm nhất của dân tộc, cô phải lên tiếng đi chớ, phải bày tỏ những bức xúc trước tình hình đất nước hiện nay chứ ?”
Cô hoạ sĩ dường như đã bị nhiều lần hỏi như thế nên cô không hề bối rối, ngược lại nở một nụ cười tự tin :
“ Tất cả những chuyện bác và chị đây vừa nói, cháu biết hết chứ . Thời đại internet, tràn lan đủ thứ web, blog nói đủ thứ chuyện chửi đảng nhà nước, chửi Trung Quốc xâm lược . Bởi vậy người trong nước không mù với điếc cả đâu, họ lặng lẽ vào internet đọc tin tức. Chuyện VINASHIN dính dáng tới ai , chuyện ông nào khăng khăng đòi cho Trung Quốc vào khai thác Tây Nguyên, chuyện tàu bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển đông…họ biết cả đấy …”
Ong hoạ sĩ già nóng mắt :
“ Biết mà sao cứ im thin thít như đàn cừu cả thế ?”
Cô hoạ sĩ nhẹ nhàng :
“ Không im thít thì biết làm cái gì ? Tình hình đã thế rồi có bác Hồ sống lại cũng chẳng cứu vãn được. Như Trung Quốc đó, đông dân đến tỷ mấy người, tinh thần đấu tranh lại mạnh mẽ, vậy mà có làm gì được cộng sản đâu ? Lôi thôi nó mang cả xe tăng, đại bác ra bắn giết . Nó sẵn sàng giết cả triệu người để giữ lấy cái chế độ. Việt Nam cũng thế thôi. Cộng sản đã 70 năm thiết lập được một bộ máy chính quyền cho dù cốt lõi là tham nhũng nhưng lại vô cùng chặt chẽ, vững chãi . Bất kỳ sự chống đối nào cũng đều bị bóp chết từ trong trứng. Ngay cả mưu toan đảo chính lật đổ chế độ đi chăng nữa cũng vô phương. Quân đội Trung Quốc lập tức sẽ kéo sang bằng đường bộ, đướng sắt đã được mở thênh thang, nhân danh lời kêu gọi giúp đỡ của ông Tổng Bí thư qua đường dây nóng thế là mấy bác đảo chính bị bóp chết từ trong trứng…”
Ong hoạ sĩ cứ trợn tròn cả mắt nghe cô gái phân tích tình hình. Ong gật đầu lia lịa và lại còn bổ sung :
“ Cô nói rất đúng. Mai kia thằng Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Tây Nguyên , ở Trường Sa nữa thì thôi rồi, nó chỉ bóp một cái là Việt Nam đi đời…”
Cô hoạ sĩ gật đầu :
“ Đúng vậy đấy…tình hình đúng như bác nói đấy. Nước mình bị thằng Tàu nó trói không cựa được rồi.”
Chị chủ gallery sốt ruột :
“ Cô nói vậy chẳng hoá ra ta lại sắp bị Bắc thuộc à ?”
Cô hoạ sĩ cười cười :
“ Không phải sắp bị Bắc thuộc mà là bị Bắc thuộc rồi…”
Chị chủ gallery kêu lên :
“ Bị Bắc thuộc rồi, cô nói gì kỳ lạ quá vậy ? Việt Nam vẫn còn là một quốc gia độc lập mai kia còn làm Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nữa kià…”
Cô hoạ sĩ điềm nhiên :
“ Thì Việt Nam vẫn có tên trên trưòng quốc tế chứ sao ? Thời đại ngày nay thằng Trung Quốc chẳng ngu gì mang quân sang chiếm đóng , đổi tên nước ta thành Quận Giao Chỉ như ngày xưa. Ngược lại, nó cứ để yên cho đảng và Nhà nước tồn tại , cứ giữ nguyên cái tên Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Chỉ có điều nó dùng chính sách “dùng người Việt trị người Việt”. Dùng tay sai xây dựng nên bộ máy Đảng và Chính phủ suốt từ trung ương xuống tới địa phương. Bất cứ cán bộ nào còn rơi rớt lại một chút máu Đại Việt là nó loại bỏ hết. Nó cần một bọn tay sai ngoan ngoãn vâng lời để nó tha hồ vơ vét, cướp bóc tài nguyên, sức lao động của dân Việt Nam , thực chất đó là một thứ thực dân mới…”
Lạ chưa kìa, cái cô nữ hoạ sĩ xinh đẹp đến từ Hà Nội suốt từ lúc gặp tỏ ra nhu mì, nói năng từ tốn nhất là khi ông hoạ sĩ già và bà chủ gallery chửi bới đảng và Nhà nước, cô cứ tảng lờ như không nghe thấy, chỉ lúi húi coi tranh bỗng dưng như có ma nhập , cô như biến thành người khác, xổ ra một tràng những nhận định chính trị làm ông hoạ sĩ già cứ há cả miệng ra nghe.
Ong nghĩ bụng đừng có vội coi thường trí thức Bắc Kỳ nhé. Bề ngoài cứ tưởng họ bị đảng nhồi sọ nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn như gà công nghiệp, hỏi gì cũng không biết, nhất những chuyện “nhạy cảm “ như Trường Sa – Hoàng Sa, như bâuxite Tây Nguyên, như các vụ án tham nhũng đang chìm xuồng. Họ tránh xa những chuyện cấm kỵ đó, thường chỉ nói ba câu chuyện tầm phào về các loại rượu, các tua du lịch, các món ngon ở các cửa hàng đặc sản. Những câu chuyện “lề phải” – tức những chuyện được nhà nước cho phép cứ nổ như pháo rang ở bất cứ nơi nào có vài ba ông bà trí thức tụ tập. Câu chuyện tào lao đó đang rôm rả . Nhưng rồi bất chợt có người lên tiếng hỏi Trung Quốc bắn giết ngư dân sao chính phủ không lên tiếng phản đối . Thế là như có chiếc đũa thần gõ vào bàn rượu, lập tức mọi người im lặng, mắt lấm la lấm lét liếc ngang liếc dọc như có ai rình mò. Chủ quán đi ngang qua nhìn không khí bàn rượu và vẻ lo lắng của các trí thức Bắc Kỳ hiểu gay nguồn cơn, vội vàng bước tới uốn giọng ngọt như mía lùi :
“ Hôm nay các anh tới quán em thật vui quá…Hôm qua em mới mua hàng xách tay từ Mỹ về một chai Henessy chính hãng, để em mang ra mây anh uống thử coi nhé…”
Như có đũa thần gõ vào bàn nhâu, lập tức các “nhậu sĩ” quên phắt ngay chuyện thàng Tàu bắn giết ngư dân Việt Nam xoay sang bàn luận sôi nổi vì sao ở Mỹ người ta lại khoái uống Hennessy hơn là Johny Walker.
Trí thức Hà Nội trong con mắt ông hoạ sĩ già đại để là vậy. Bao nhiêu năm sống trong xiềng xích cộng sản, nỗi lo lớn nhất của họ là vỡ nồi cơm vốn là vật thiết thân nhất và cũng là cái đảng nắm giữ chặt nhất. Bởi vậy cứ khi nào tụm năm túm ba họ lại lấm lét chỉ sợ có tai mắt “nhân dân” chuyền về cơ quan thì tên trong sổ lương bị gạch là cái chắc.
Cô hoạ sĩ Ban Mai này tưởng vậy mà không phải vậy . Thoạt đầu cô giống y sì văn nghệ sĩ quốc doanh , tránh thật xa nhưng chuyện “tàu ta “, những chuyện tham những “nhạy cảm”. Bằng chứng suốt cuộc nói chuyện giữa ông hoạ sĩ và chị chủ gallery cô ta cứ nín thinh, tảng lờ như không nghe thấy. Vậy mà rút cuộc, vào phút chót cô ta mới tự bộc lộ, phát ra những quan điểm còn chống đảng và Nhà nước hơn cả ông hoạ sĩ. Tại sao thế nhỉ ? Ong hoạ sĩ cố moi óc ra để tự trả lời mà đành chịu. Ong hỏi dè dặt :
“ Những điều cô nói rất đúng, vừa có lý luận lại vừa có dẫn chứng thực tế nữa, nhưng cô cho tôi hỏi cô nghe hoặc đọc nó ở đâu vậy ?”
Cô hoạ sĩ nở một nụ cười rất tươi “
“ Bác còn lạ gì báo chí trong nước. Cả 700 tờ báo đều một giọng như nhau, đều đưa tin giống nhau và toàn đưa những tin do Ban tuyên giáo yêu cầu . Hàng tuần họp giao ban giữa báo chí và Ban tuyên giáo để kiểm điểm coi tuần qua có báo nào phạm vào cấm kỵ không ?”
Ong hoạ sĩ tò mò :
“ Những điều cấm kỵ là điều gì ?”
Cô hoạ sĩ thốt lên :
” Oi trời ôi…nói ra thì dài dòng lắm mà thực ra quanh quẩn chỉ có mấy chuyện cấm nói xấu bác Hồ và lãnh tụ Đảng, cấm nói tới Hoàng Sa – Trường Sa , cấm nói tới những vụ tham những có dính dáng tới các VIP “
Ong hoạ sĩ lắc đầu :
“ Cấm đoán ngặt nghèo thế thì báo chí còn gì mà đọc . Chẳng bù cho báo chí bên này. Tha hồ muốn nói gì thì nói, chửi cả Tổng Thống Mỹ vẫn được. Vậy nếu cô không lấy trên báo thì những chuyện cô vừa nói đó, cô lấy tin ở đâu ?”
Cô nữ hoạ sĩ cười rất tươi :
“ Cháu toàn lấy tin ở vợ mấy ông lớn thôi. Bây giờ các bà ấy dư tiền dư của. Nào đi tua du lịch, nào đi spa làm đẹp, nào đi thẩm mỹ nước ngoài…mãi rồi cũng chán. Vừa rồi nổi lên phong trào thuê vẽ chân dung. Bà nào cũng muốn có một tranh chân dung treo phòng khách để doạ…mấy cô mon men tới dùng vốn tự có nhờ vả chồng. Thế là dịch vụ vẽ chân dung bà lớn trở nên đắt hàng. Tất nhiên mấy bà chỉ thuê hoạ sĩ xịn thôi. Đắt mấy cũng thuê miễn vẽ mấy bà thành hoa hậu thì xin gì cũng cho. Vẽ mấy bà cho đẹp thì dễ quá, chỉ tội mấy bà mồm miệng ngứa ngáy, trong lúc ngồi để hoạ sĩ vẽ, cứ trò chuyện liên tục. Mới đầu còn chuyện nữ trang, chuyện đi spa, sau rồi lân la sang chuyện đấu đá cung đình, chuyện tàu ta, chuyện tham nhũng…Oi trời ơi…vừa vẽ vừa phải nghe đầy một tai đến là khổ. Nhưng được cái vẽ xong bà lớn trả hậu hĩ lắm có khi còn hơn cả Việt kiều bên này mua tranh nữa kìa…”
Chị chủ gallery dường như bị chạm nọc bĩu môi :
“ Chuyện…mấy bà ấy trả công cho cô toàn bằng tiền ông chồng móc của dân chứ phải tiền túi mấy bà đâu. Bởi vậy những người mua tranh bên này bì sao được vì tiền họ bỏ ra phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được…”
(còn tiếp)
0 nhận xét