Cô áo đó vẫn thắc mắc :
“ Giúp vui thì trai gái bình thường vẫn hát xướng được sao cứ phải pêđê ?”
“Lão già” đoán :
“ Chắc phải có nguyên nhân gì không lẽ đám ma chỉ có pêđê hát …”
Cô mắt nâu sốt ruột :
“ Thôi đừng nói nữa ...nghĩ tới pêđê em phát khiếp …”
“Lão già” quay sang cô áo đỏ :
“ Vậy còn cô ? Sao lại vào làm cái nghề này ?”
Hoá ra cô áo đỏ cũng “ hoàn cảnh” lắm. Năm 1980, cô mới 8 tuổi , được tin ba chết trong trại cải tạo, má cô bán nhà vượt biên trong khi cả xóm ăn bo bo. Lênh đênh trên biển một tuần , hai mẹ con được tàu Mỹ vớt, ở trại tỵ nạn ít lâu rồi đi định cư Mỹ. Sống ở xứ Mỹ thật là sướng, cô được đi học, má cô nhận tiền trợ cấp hàng tháng, rồi vừa đi làm lén chuyên dọn nhà trông con cho người ta tháng cũng thừa tiền mướn nhà và mua trả góp xe hơi, tivi, tủ lạnh…
Năm năm đầu cuộc sống như thiên đàng, ngày nghỉ, chủ nhật bạn bè của má lại tập trung nấu nướng ăn uống, ôn chuyện cũ mấy năm sống dưới chế độ cộng sản, những gian truân trên biển và nôĩ may mắn khi gặp tàu Mỹ.
Quả thực chỉ có bấy nhiêu chuyện ngày này qua ngày khác, cứ tụ tập là lại hào hứng nhắc đi nhắc lại. Cô thì khác, sống dưới chế độ cộng sản cô còn nhỏ quá, chưa trải nghiệm kinh hoàng như má cô, ngồi trên tàu vượt biên có má lo lắng hết, bởi vậy cô chẳng nhiều ký ức như người lớn để nói đi nói lại . Cô có những chuyện mới về bạn bè, ở trường và cả ở nhà với mấy đứa trẻ hàng xóm.Khi người lớn trò chuyện, cô chui phòng riêng nghe nhạc hoặc đọc sách.
Cuộc sống tưởng toàn mầu hồng , bỗng dưng một sáng chủ nhật, mẹ đón một ông khách mới Việt Nam sang theo diện H.O. Theo lời ông, ngày trước là bạn tù với ba cô. Những chuyện ông kể rất phù hợp với ký ức của má khiến chẳng mấy chốc ông thành người thân thiết và tin cậy . Ông sống bằng trợ cấp HO , người cũng không được khoẻ sau nhiều năm tù tội nên chẳng đi làm đâu hết, hàng ngày cứ ngồi quán đọc báo, bàn chuyện thế sự và tham gia hội đoàn.
Thoạt đầu ông còn tới nhà vào ngày cô nghỉ học và mua cho cô rất nhiều quà. Sau đó ông tới cả vào những ngày thường, chỉ có mình má ở nhà. Và rồi một đêm, cô thức giấc xuống bếp lấy nước trong tủ lạnh , qua phòng má thấy vẫn sáng đèn và cô hoảng lên nghe có tiếng người rì rầm. Ai vậy nhỉ ? Không lẽ trộm ? Dù ở Mỹ xứ sở yên lành, nhưng đọc báo thỉnh thoảng vẫn thấy bắt cóc tống tiền, đột nhập vào nhà giết người cướp của mà thủ phạm có khi lại là những người đồng hương, đồng chủng với nhau. Bởi thế cô sợ run cầm cập , cố gắng nhẹ nhàng bò tới chỗ điện thoại định gọi 911. Vừa lúc đó cửa buồng má mở tung, bà chạy ào ra giật giọng :
“ Con gọi đi đâu vậy ?”
“ Con tưởng má bị cướp bắt trói nên tính gọi 911…”
“ Oh My God…cúp máy ngay…”bác ấy” đấy mà…cướp đâu mà cướp..”
Có tiếng gọi má . Dù không rõ mặt nhưng cô biết rõ chính ông ta - người bạn tù của ba cô. Bác ấy ra khỏi phòng má, ngồi an ủi cho cô bình tĩnh lại và tiện thể nói bác yêu mẹ cô , rất cảm thông hoàn cảnh mẹ con cô và bác mong được thay ba – người bạn tù của ba cô – lo toan cho hai má con cô.
Thế rồi “cái gì phải tới đều sẽ tới” . Một hôm sau bữa ăn chiều, má mở đầu rất khó khăn, nói năng ấp úng, thiếu mạch lạc đại ý sắp tới “bác ấy” tới nhà chung sống với má, sẽ thay ba chăm sóc cả hai mẹ con và dĩ nhiên từ nay “bác ấy” trở thành người đàn ông cột trụ trong gia đình – điều bao năm nay kể từ khi ba cô trong trại cải tạo, gia đình cô vẫn thiếu vắng cái đó.
Nghe má nói , cô không phản đối và cũng chẳng vồ vập, nhưng dấy lên nỗi lo mơ hồ nào đó. Thế là nếp sống an bình, vui vẻ , đầy yêu thương giữa hai mẹ con sắp chấm dứt. Người đàn ông lạ hoắc sẽ chen vào giữa và tương lai chưa biết sao ?
Tuy nhiên, có vẻ cô lo hơi thừa, “bác ấy” tới mọi thứ trong nhà khác hẳn. Các thiết bị điện gia dụng sắp đặt lại gọn ghẽ, ngăn nắp, cái nào hư sửa ngay . Chẳng bù trước đây, cái ấm đun nước siêu tốc cháy có cọng dây bên trong mà vứt đi cả cái ấm Rồi thì nhà cửa lúc nào cũng bóng loáng, không gợn một hạt bụi, bếp núc nhà vệ sinh sáng choang, sạch sẽ, thơm tho.
Để chính thức hoá “quan hệ”, tuy họ hàng chẳng có , má cô cũng làm một bữa linh đình mời bạn bè thân thiết ra mắt người chồng không hôn thú .
“Bác ấy” ứng xử tuyệt vời. Bất kỳ ai, chỉ qua mấy câu, đã nắm được sở thích người đó để liệu bề ứng xử . Chẳng hạn với cô, lần nào đi siêu thị bác cũng mua về cho cô những thanh cheese chính hiệu của Ý mà cô rất thích hoặc những DVD ca nhạc vừa mới ra lò mà cô rất mê.
Tất nhiên, trong “sự kiện” này má cô hạnh phúc nhất. Suốt thời gian dài má cứ như đi trong mơ. Hình như bù đắp lại những thứ trong suốt 5 năm ba đi tù, không mang tới được cho má, “ bác ấy” đã thay ba đền bù xứng đáng khiến mắt má lúc nào cũng ngời ngời, rừng rực ngọn lửa dường như bị nhốt lâu ngày, nay bùng lên.
Thế rồi hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi má cô …có bầu.
Đó là ngày “bác ấy” - từ nay đã trở thành dượng cô, mừng phát điên. Dượng tổ chức một party nho nhỏ, mời vài người bạn thân HO tới chia vui. Má cô rạng ngời hạnh phúc, khi nâng ly chúc tụng trước khi ăn , má nghẹn giọng xúc động :
“ Đội ơn đức thánh Cha, đức thánh Con và đức Chúa thánh thần đã mang tới cho tôi con của người hạnh phúc quá đỗi lớn lao, cảm ơn nước Mỹ đã hào hiệp cho chúng tôi dung thân ở xứ sở tự do…”
Mọi người đứng cả dậy, xô ghế tới cụng ly chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng. Cô cũng vui mừng ôm lấy má, vỗ vỗ vào bụng má :
“ Má ráng sinh cho con một brother nghen má…”
Dượng cô cười :
“ Dượng lại muốn má con sinh một baby gái sau này cũng xinh đẹp như con kìa…”
Má vui vẻ gạt đi :
“ Thôi thôi …không lẽ nhà lại có tới hai con vịt trời…một con đủ rồi…nuôi cho đẫy diều rồi vỗ cánh bay đi…”
Sau này nhớ lại, cô lấy làm lạ sao má lại nói một câu dự cảm đúng vào lúc vui vẻ thế. Lúc đó thật nằm mơ cũng không nghĩ tới câu nói của má sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian không xa nữa.
Dường như biến cố nào, dù đột ngột đến đâu, cũng đều có dấu hiệu báo trước. Đó là vào một buổi tối khá khuya cô đi party sinh nhật bạn về. Suốt cả buổi tối nhảy nhót la hét, về đến nhà cô cất xe, không kịp gõ cửa phòng má “thưa má con về” như mọi ngày mà nhào ngay vào phòng tắm . Cô vội đến mức quên cài chốt , cứ mặc cánh cửa mở hé, mở khoá cho dòng nước mát mẻ phun lên tấm thân trần trụi. Cô khoan khoái chẳng còn giữ gìn gì nữa cứ thế xoay trở thân hình không một mảnh vải che chắn.
Thế rồi bất ngờ cô bỗng cảm thấy như có ai đang nhìn mình. Cô bỗng giật bắn người khi thấy một nửa khuôn mặt của …dượng lấp ló sau cánh cửa mở hé. Cô như người chết đứng, toàn thân như bị cả một thùng nước bẩn dội lên mình. Sau cùng cô cũng thốt lên được, giọng run bắn :
“ Kìa…dượng…dượng …sao đứng đó ?”
Dượng cô lui ra, khuôn mặt biến mất sau cánh cửa. Oh My God… không còn lòng dạ nào tắm táp nữa, cô quàng vội khăn tắm cuốn quanh người tông cửa chạy vội về buồng riêng nằm vật ra giường khóc tấm tức. Phải nói kể từ khi mới lớn, thân thể cô vẫn là một bí ẩn với mọi người, chưa hề lộ thể cho bất kỳ ai, kể cả má . Vậy mà trời ơi, thật không thể tưởng tượng nổi, bí mật thiêng liêng của cô đã lộ ra trước mắt một người già là chồng của má cô, sắp làm cha của em ruột cô.
Sáng hôm sau cô vẫn dậy sớm như mọi ngày và chuẩn bị đi học. Cô cứ tưởng sau vụ bị “bắt quả tang” tối qua, dượng xấu hổ, nằm lì trong phòng chờ cô đi học mới dám chường mặt . Không ngờ cô vừa bước chân vào phòng ăn, má và dượng đã ngồi chờ sẵn. Cô chưa kịp tỏ thái độ, dượng cô đã lên tiếng ào ào :
“ Sao ? Đêm qua con gái ngủ ngon không ? Dượng đoán tối qua con mải vui không ăn được mấy nên sáng nay phải làm cho con miếng bít tết to gấp rưỡi thường ngày …”
Cô chưa kịp trả lời sao, má cô đã đẩy tới đĩa bít tết thơm phức với những thanh cheese trắng ngần. Cô tắc lưỡi , ăn cái đã, xong rồi tính. Vừa ăn cô vừa sắp xếp trong đầu câu nói cô định huỵch toẹt chuyện đêm qua ; ba mặt một lời cho cả má nữa biết.
Tuy nhiên khi cô ăn xong dượng đã bỏ vào phòng mất tiêu. Chắc sửa soạn ra ngồi quán cà phê. Ngày nào cũng thế, nắng cũng như mưa, dượng cô cứ ngồi cà phê hè đường, đọc bằng hết mấy tờ báo miễn phí rồi quay sang bàn chuyện thế sự với mấy ông bạn HO, chuyện chán quay sang cờ tướng rồi trưa trưa về ăn cơm, má đã nấu sẵn. Dượng sướng nhất nhà, chẳng phải lo kiếm tiền, chính phủ Mỹ đã cho hưởng phụ cấp cho tới chết, tiền bạc không nhiều nhưng đủ sống thong dong. Ðến má cũng phải “ghen ” với dượng :
“Dượng con là sướng nhất …nhà cao cửa rộng, đi một bước là lên xe hơi, cơm no bò cưỡi , ốm đau đã có bảo hiểm, chẳng phải lo…”get money”..”
Rồi má lại bênh dượng :
“ Lậy Chúa lòng lành, sau mấy năm khổ cực trong tù cộng sản, bây giờ Chúa đền bù cho ổng vậy cũng xứng đáng…”
Cô cãi mẹ :
“ Chúa nào đền bù cho ổng ? Có nước Mỹ thì có…không có Mỹ có khi dượng chết mất xác tận đẩu tận đâu…”
Cô cứ ngồi nhâm nhi ly cà phê chờ mãi không thấy dượng trở ra . Cô tắc lưỡi tính nói toẹt ra cho má biết nhưng nhìn vẻ mặt ngời ngời hạnh phúc của má, cô lại không nỡ. Có tiếng xe hơi ngoài cổng.
“ Đến giờ đi học rồi con…” – má cô giục.
Thế là cô đành cắp cặp ra xe . Thôi để đến chiều vậy, đến chiều cô lại hoãn đến tối . Buổi tối vừa cơm xong má đã vào phòng ngủ. Rồi những ngày sau đó cô lao vào hoạt động ngoại khoá, về nhà mệt phờ, má dượng không chờ được ăn trước và rút vào phòng ngủ. Dần dà cô quên béng chuyện tối hôm đó. Nói cho má biết chỉ tổ má buồn. Còn ông dượng, mỗi lần giáp mặt, ông cứ cúi mặt hoặc quay đi nhìn chỗ khác. Thôi tha cho ổng, chắc sau lần đó ông tởn tới già tuyệt đối không còn có ý định nhìn trộm nữa.
(còn tiếp)
0 nhận xét