“Lão già” gật gù :
“ Như vậy chứng tỏ xã hội nào cũng thế, chỉ khác nhau cái giàu nghèo thôi. Nếu nhiều tiền như nước Mỹ thì ở Việt Nam người ta cũng đưa hết các cụ già vào viện dưỡng lão chứ chẳng để nhà làm gì khổ con khổ cháu.”
Chị Kelly Thi đồng tình :
“ Đúng là tất cả đều do cái túi tiền mà ra cả thôi. Ở bên này mình xài mấy ống kem gội đầu , kem rửa mặt vài lần rồi vứt là chuyện thường. Tôi có cô bạn ở Việt Nam sang chơi, lúc về tôi nói cô mấy ống kem gội đầu, kem dưỡng da chắc phải bỏ lại thôi, hải quan Mỹ nó không cho đem lên máy bay đâu. Cô bạn nghe lời bỏ lại hết. Cô về Việt Nam được mấy hôm , tôi lấy ống kem dưỡng da ra xài thử. Tôi bóp mãi, bóp mãi chẳng ra tý kem nào. Hoá ra cô bạn tôi đã bóp hết ruột cho vào túi ni lông mang theo về Việt Nam . Mấy ống kem để lại chỉ còn cái vỏ…”
“ Lão già” trợn mắt :
“ Í trời ơi…”kẹo” đến thế kia à ? Bóp cả kem gội đầu , kem dưỡng da mang về Việt Nam kia à ?””
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Ban đầu tôi cũng tức cười cô bạn rị mọ, “kẹo” quá. Nhưng sau nghĩ lại, nếu cô sẵn tiền như mình thì chẳng đến nỗi thế, chẳng qua ở nhà đồng tiền eo hẹp quá, mua được ống kem dưỡng da đâu phải dễ dàng gì. Bởi vậy cô ấy bóp kem cho bịch ny lông mang về Việt Nam kể cũng phải, cần cảm thông …”
Bác Ba Phi tán thành :
“ Chị Kelly Thi nói đúng đó. Ngay như ở nhà tôi , con vợ thằng Đậu có dám mua kem dưỡng da với kem gội đầu gì đâu. Có cục xà bông xài đủ thứ là sang lắm rồi.”
Bà chủ nhà cũng góp chuyện :
“ Đời sống khó khăn bạn cô làm thế phải rồi, đừng có cười người ta. Còn nhớ hồi năm 75-76 kẹt lại Sàigòn, nhà tôi có 4 người , mỗi tháng được 20 gam bột ngọt. Oi chao ôi, mỗi bữa nấu canh chỉ dám lấy cái tăm gảy gảy vài hạt , thật chẳng khác gì thuốc đau mắt của ông bà mình ngày xưa. Nhưng cô bạn của cô vậy là thuộc tầng lớp bình dân rồi. Còn các cô tiểu thư đại gia hay con ông cháu cha thì xài toàn hàng hiệu Chanel, Versace…vài chục ngàn đô cả thôi. Đến mình dân Mỹ cũng không dám sờ tới…”
Rồi bà chủ mời mọi người ngồi vào bàn ăn trưa. Bác Ba Phi nhìn quanh quẩn, thắc mắc :
“ Vậy còn ông nhà đâu ?”
Bà chủ cười buồn :
“ Ông nhà tôi mất được vài năm nay rồi. Cũng do mấy năm tù cải tạo dưới chế độ cộng sản phải làm việc cực nhọc ăn uống thiếu thốn nên ông bị lao phổi. Sang đây chữa chạy mãi cũng chỉ cầm cự được ít năm thôi…”
Bác Ba Phi nhìn quanh nhà từ phòng khách vào phòng ăn nhà bếp cũng chẳng thấy trang thờ có thắp nhang treo hình thờ ông chồng bà chủ quán. Không giống như bên Việt Nam, bước vào nhà là thấy cái trang thờ to tổ chảng với hình những người thân đã chết, bên Mỹ này hình như người ta không chú trọng chuyện thờ cúng, giỗ chạp cho lắm.
Bà chủ dọn món ăn ra , giới thiệu :
“ Đây là món canh dưa nấu cá trê, món ông nhà tôi rất thích. Món này là món Bắc, ông ấy nói ngày xưa ở ngoài Hà Nội cứ khi chớm rét mẹ ông lại nấu món này cho cả nhà quây quần ăn cho ấm người…”
Chị Kelly Thi nếm thử khen rối rít :
“ Oh My God…ngon quá…vừa chua vị dưa lại vừa ngọt vị cá…một hương vị rất đặc biệt chắc chỉ có ở món ăn Việt Nam…chị chỉ cho em cách nấu coi sao !”
Bà chủ nhà sung sướng :
“ Món này tưởng đơn giản mà hoá ra cầu kỳ lắm…Trước hết phải có sườn lợn chặt khúc, nấu lên cho sôi rồi đổ bỏ nước đầu . Đun đến đâu hớt bọt tới đó. Ninh chừng 45 phút bắc ra chắt lấy nước để nấu canh. Xào dưa với cà chua cho chín dưa rồi đổ nước dùng vào đun thật sôi mới cho cá. Cá trê làm sạch nhớ lấy ra hai cái cục tanh ở hai bên mang. Rán cá lên khử mùi tanh. Ninh cá trên trong canh nhỏ lửa chừng 45 phút là ăn được. Canh dưa cá trê thường ăn với rau diếp . Ở đây thay bằng xà lách…”
Bác Ba Phi ăn thử, quả thực ngon hết biết. Thật chẳng ngờ lần đầu tiên được thưởng thức món Bắc rất nổi tiếng này không phải ở Hà Nội mà lại ở Mỹ. Kỳ này về nhất định bác phải nói cô Ut nấu thử món canh dưa cá trê này coi sao. Bà chủ quán lấy trong tủ lạnh ra món mới :
“ Đây là món thịt đông ăn với dưa chua chính hiệu Bắc kỳ…”
Chị Kelly Thi kêu lên :
“ Bà này đúng là thổ công Hà Nội thật, đãi khách toàn món 36 phố phường không à ?”
Bà chủ lắc đầu :
“ Ong nhà tôi truyền nghề cho đấy chớ. Tôi sinh ở Sàigòn sau năm 54 làm gì có dịp ra Hà Nội để học nấu món Bắc. Món này cần có bì lợn, nấm mèo tức mộc nhĩ và thịt lợn ba chỉ. “
“Lão già” lúc này mới lên tiếng :
“ Hoá ra ông xã nhà chị là Bắc Ký 54 hả ? Ong ở quân chủng nào mà tù cải tạo lâu dữ vậy ?”
Bà chủ cười buồn :
“ Ong nhà tôi là sĩ quan tâm lý chiến, toàn ngồi văn phòng biên soạn tài liệu , có bao giờ cầm súng bắn giết ai đâu ?”
“Lão già” trợn mắt :
“ Sĩ quan tâm lý chiến mới nặng tội đấy ạ. Tụi cộng sản ngán nhất là công tác tuyên truyền chống cộng sản, chống chiến tranh xâm lược miền Nam . Vậy chắc ông nhà bị tụi nó tra hỏi, hành hạ, tẩy não dữ lắm…’
Bà chủ quán gật đầu :
“ Chuyện đó còn phải nói. Nó hành hạ ông ấy tưởng chết mới tha về. Cũng may nhờ gia đình cũng còn giấu được chút ít tiềnbạc nên mới thuốc thang chữa chạy, bồi dưỡng suốt cả năm trờiông ấy mới sống được…”
“Lão già” trợn mắt :
“ Vậy chắc ra tù ông nhà căm thù cộng sản đến xương tuỷ …”
Bà chủ quán lắc đầu :
“ Tôi cũng không biết nữa. Chẳng bao giờ thấy ổng nhắc tới cộng sản với Hồ Chí Minh cả. Cũng chẳng bao giờ ổng nhắc tới những ngày trong lao tù. Có ai hỏi tới ông hoặc là im lặng hoặc là lảng sang chuyện khác…”
Bác Ba Phi vui vẻ :
“ Bỏ qua quá khứ vậy mới hay đó ạ…”
“Lão già” quắc mắt “:
“ Bỏ qua sao được ? Cả mấy trăm ngàn binh sĩ và sĩ quan cộng hoà bị giam cầm tra tấn trong nhà tù, cả triệu người chết trên biển vì trốn chạy cộng sản, rồi bao nhiêu tài sản, ruộng đất, nhà cửa bị cộng sản cướp bóc, phá tán, rồi cả bao nhiêu triệu chiến sĩ cộng hoà hy sinh trên chiến trường mấy chục năm nay có được chôn cất trong nghĩa trang, có được thắp nén nhang nào...tội ác tày trời như vậy bỏ qua sao được ? Bao năm nay cộng sản cứ kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc. Hoà giải sao được nếu chưacó một cuộc thanh toán sòng phẳng ?”
Bà chủ cười cười :
“ Thanh toán bằng cách nào ? Không lẽ nợ máu phải trả bằng máu để rồi lại diễn lại cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt nữa ?”
“Lão già” lắc đầu :
“ Không nhất thiết máu phải trả bằng máu. Mà thật ra là phải như vậy.Nhưng thôi, dân tộc này không cần phải đổ máu nữa. Chỉ cần Đảng cộng sản công khai nhận mọi tội lỗi và công khai xin toàn thể nhân dân cả trong nước lẫn nước ngoài tha thứ , phục hồi danh dự cho những liệt sĩ quân lực công hoà….Lúc đó may ra có hoà giải, hoà hợp…”
Bác Ba Phi nghe mấy nguòi bàn chuyện chính trị nhức đầu nhức óc quá nên cơm xong lẻn ra vườn ngồi một mình dưới gốc một cây xum xuê, râm mát. Bác ngửa cổ nhìn lên thấy những chùm quả lắc lẻo và nhận ra ngay quả vú sữa. Vừa lúc ấy bà chủ nhà đi tới đon đả :
“ Kìa…sao bác Ba Phi không ngồi trong nhà uống trà mà lại ra ngồi đây ?”
Bác Ba Phi ngập ngừng :
“ Tôi ra đây…cho mát…”
Bà chủ nhà ngạc nhiên :
“ Ở trong nàh có máy lạnh mát hơn nhiều chứ ? Ngồi đây mới nóng…”
Bác Ba Phi đành thú nhận :
“ Tôi ra đây ngồi cho các vị ấy tranh luận chuyện chính trị…nghe mãi ..nhức đầu lắm !’
Bả chủ nhà bật cười :
“ Tôi cứ tưởng bác sống lâu năm dưới chế dộ cộng sản vậy thì phải hay nói chuyện chính trị lắm chứ ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Không ạ…ngược hẳn lại…bà con cứ bảo thôi ba cái chuyện chánh trị chánh em để Đảng và Nhà nước người ta lo…mình có xía dzô cũng chẳng nhằm nhò gì…”
Bà chủ nhà hỏi gặng :
“ Tôi hỏi thật bác nhé. Vậy bác có tin vào Đảng và Nhà nước sẽ điều hành thật tốt công việc quốc gia xây dựng đất nước thnàh một siêu cường không ?”
Bác Ba Phi ngập ngừng rồi lắc đầu :
“ Tôi không biết…tôi không biết…tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó…:”
Bà chủ nhà gặng :
“ Bác chưa nghĩ tới hay là bác không tin vào Đảng và Nhà nước sẽ chí công vô tư điều hành đất nước ?”
(còn tiếp)
0 nhận xét