Open top menu
Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013




                                                                        Nhà văn NHẬT TIẾN

                               

                                             (tiếp theo)




Mấy vị trong Chi hội Nhà giáo Yêu nước vốn đã có óc sáng chế ra nào Tổ đồng hồ, Tổ ấn loát, Tổ sửa quạt máy, bàn ủi v.. v…  thấy thế cũng chẳng tỏ ra vẻ gì gọi là tiếc nuối công lao sắp xếp của mình. Chắc họ cũng thừa biết là chính mình cũng chỉ là thứ đèn cù, vẽ vời ra chỉ cốt phục vụ cho những nhu cầu nhất thời.

Nhưng chuyện lao động "giả" thì tém dẹp, chứ lao động thứ thiệt thì không đâu đấy nhé. Thằng Tửu, qua năm học mới tuy đã ngồi vào lớp cấp 3, nhưng nó với thằng Sơn vẫn xoắn xuýt lấy nhau. Tửu bầy cho Sơn một công tác lao động rất kiếm ra tiền, trước thì chỉ cốt cho tiền túi của Sơn có thêm đồng ra đồng vào, nhưng sau công việc khấm khá đến độ kéo theo luôn cả mẹ của Sơn vào việc nữa. Đó là công việc sản xuất thuốc lá cuộn bằng tay cho đám trẻ lau nhau đem bầy lên mẹt, bán ở ngay trên hè phố.

Sau vài năm Sài Gòn đổi chủ, các loại thuốc lá còn tồn đọng từ xưa, nay đã được dân nghiền tiêu thụ hết. Trên thị trường bắt đầu xuất hiện đủ loại thuốc sản xuất từ miền Bắc. Loại rẻ tiền thì có Trường Sơn, Hoa Mai, Công Nhân, Lao Động. Loại đắt tiền hơn thì có Thăng Long, Tam Đảo, Sông Cầu. Ngoài ra còn có thuốc lá sợi Lạng Sơn mầu vàng óng, khi hút phải cuộn bằng tay thành điếu thuốc, khói tỏa ra mùi thơm, được dân ghiền rất ưa chuộng.

Qua uy lực của ông cán bộ cấp cao, tức bố của Tửu, nên Tửu móc nối được những mối hàng chở thuốc sợi từ Bắc vào. Tửu không mua đi bán lại mà bầy cho Sơn cách cuộn thành điếu với một dụng cụ đơn giản nom như  một lá cờ có cán dài. Thuốc cuốn xong, lấy kéo xén hai đầu cho gọn ghẽ là có thể đem bó lại thành bó như  bó củi. Tùy theo giá tiền, mỗi bó có thể là 5 điếu, 10 điếu, 20 điếu. Cứ bó chung lại và cột bằng một sợi thung cao su. Dân ghiền bấy giờ gọi chung là thuốc củi. Thuốc củi bán rất chạy, vì có đủ loại mặt hàng. Thuốc thơm có. Thuốc vừa có. Mà thuốc đắng nghét như hút lá cây phơi khô cũng có, tuy loại này rẻ tiền, chỉ bán cho mấy bác phu xe ba gác hút thuốc suốt ngày như  một thứ ống khói mà thôi.

Chỗ cư trú của mẹ con Sơn biến thành một "cơ sở sản xuất", chỉ trong thời gian ngắn lại có thêm cả vài cô gái hàng xóm ghé vào tiếp tay, cô thì ngồi xé từng tờ giấy quyến to bằng cả tờ nhật báo thành ra những mảnh nhỏ cuốn vừa một điếu thuốc, cô thì thoăn thoắt nhồi thuốc vào dụng cụ cuốn đế làm thành những điếu nom cũng rất đều tay.

Thằng Tửu rất láu cá. Theo nó kể lại thì trước khi khuân những bó thuốc sợi về nhà Sơn, Tửu đã dụ khị được  tay Tổ trưởng Dân phố cũng như  Công an khu vực đi nhậu một chầu thịt chó ở  đường Trương Minh Ký. Rồi nó lại mời nhị vị ghé nhà nó chơi cho biết.

Mà khi biết ra thì hai vị thấy hoảng hồn. Cổng ngoài nhà Tửu có anh lính ngồi gác trên cái ghế kê sát tường. Bên sân trong lại thấy có cái xe con đang có một anh cần vụ cặm cụi lau chùi mặc dù nó đã bóng loáng. Khi hai người rụt rè tiến vào phòng khách thì thằng Tửu cứ rống lên gọi cái ông đang ngồi nghiêm nghị sau cái bàn buya-rô to tổ chảng đến mấy lần để nói huyên thuyên “ Hôm nay con . . . thế này ", “ Hôm qua Bố . . . thế kia ". . .

Nghĩa là cứ bố bố, con con ngậu sị lên làm mắt các vị cứ tròn hết cả lên, thấy rõ là có sự thán phục rằng nó là một thằng con cưng của một ông lớn !

Trình diễn như  thế, sau này thằng Sơn có bầy đủ thứ trong căn nhà thế nào thi cũng chẳng thấy ai còn hó hé kiếm chuyện. Sau đó chừng hơn hai tuần, bà mẹ của Sơn tổng kết vốn liếng, chi phỉ để tinh toán tiền lời. Bà đẩy hẳn một nửa đống giấy tiền sang phía Tửu:

- Bác cám ơn cháu rất nhiều. Không có cháu giúp cho thì chắc chuyến này nguy cả mẹ lẫn con.

 Tửu vội vã xua tay :

- Cháu đâu có chia lời của bác. Mấy tay đầu mối không bán thuốc sợi cho bác thì bác mua của người khác, thiếu gì.

Bà mẹ nhìn Sơn cầu cứu :

- Thì cháu cứ cầm lấy đi. Cứ coi cái cơ sở làm ăn này là của chung, lỗ cùng chia, lãi cùng hưởng.

Sơn cũng tiếp lời :

- Không có đằng ấy thì tụi nó hốt sạch ngay từ đầu rồi . Không chừng còn phải đi kinh tế mới nữa ấy chứ. Thôi cứ cầm lấy đi. cho mẹ tớ yên tâm.

Tửu cười :

- Thôi bác cứ giữ cho cái vốn nó nhiều hơn một tí đi Mai mốt nhà này biến thành hãng sản xuất thuốc củi có trang bị máy móc hiện đại thì cháu sẽ xin chia lời.

Nói vừa xong, chưa ai kịp trả lời thì Tửu lại tiếp ngay:

- Cháu lại vừa xúi dại bác rồi. Ham gì cái cơ chế này mà tính mở hãng sản xuất. Cong cổ lên làm, khi có tí máu mặt là nó tịch thu hết.

Bà mẹ của Sơn chỉ biết nhún vai, thở dài.



                           *

                         * *



Tình cảnh gia đình của Sơn, bọn chúng tôi ai biết cũng mừng. Chỉ ái ngại cho cô Tổ trưởng Tổ thêu may tức cô giáo Hường mà tôi đã có dịp nói đến trong một chương  trước . Hôm ấy, ngoài vẻ bình dị ngày thường với đôi vành môi khô héo không được thoa son, vẻ mặt vẫn thấp thoáng một vẻ phập phồng, e ngại như  lúc nào cũng sợ chuyện gì bất trắc xảy ra với mình, nhưng tôi lại thấy trong khi dọn dẹp đồ đạc của mình, mắt cô hôm nay đỏ hoe như đã khóc nhiều lần. Căn phòng lúc đó có nhiều người ra vô  nên tôi không tiện hỏi, nhưng chiều hôm sau, tôi hỏi thăm một nữ giáo viên đồng nghiệp thì được biết cô không bị ai trong trường chèn ép cả. Cô chỉ vào gặp Ban Giám Hiệu để xin nghỉ việc !

úi cha? Chuyện động trời ? Chen một chân làm giáo viên ở thời buổi này đâu có dễ, lại với cái vỏ nhà giáo thì Phường, Khóm nể vì, ít có lui tới hoạnh họe. Vậy làm sao mà cô xin nghỉ ? Mỗi hoàn cảnh riêng tư tất bao giờ cũng cỏ những lý do riêng không thể cứ đem ra chỗ công khai mà phơi bầy. Cho nên, cô chỉ nói là xin nghỉ việc để dễ bề trông nom con cái. May là cô chưa được biên chế vì còn chồng đang học tập cải tạo, nên không bị ràng buộc theo quy chế nhà nước. Chứ biên chế rồi, cô đâu có thể xin ra, xin vào như  đi mua vé vô một rạp hát. Ban Giám Hiệu, sau nhiều lần khuyên nhủ, cũng đành chấp thuận để cô ra đi. Mấy cô giáo bạn bè thân thiết thì cứ theo cô sát nút để khuyên can. Nhưng cô chỉ lạnh lùng buông gọn một  câu :

 - ý tôi đã quyết rồi. Tôi phải để dành nhiều thì giờ cho con cái mình hơn.

Sau này tôi lại được nghe thêm chi tiết vì sao cô đã bỏ trường ra đi. Thì ra mọi sự chỉ là do câu chuyện xảy ra vào cái hôm cô thay mặt chồng đang trong trại cải tạo  làm giỗ ông bố chồng. Cô nói với mấy con nhỏ:

- Các con vái ông nội đi. Cầu xin ông nội phù hộ  cho bố mau được trở về.

Đứa nhỏ nhất cất tiếng hỏi :

- Bố đi đâu mà sao lâu quá vậy hả mẹ ?

Con chị của nó giành trả lời :

- Bố đi học tập cải tạo. Phải lâu mới về.

Rồi nó quay sang phía mẹ cất giọng rành rẽ:

 - Mẹ khuyên bố nên học tập tốt, lao động tốt, nhà nước sẽ khoan hồng cho mọi tội lỗi để mau mà trở về.

Mặt chị Hường bỗng tái nhợt đi. Chị nhìn đứa con gái của mình như  một thứ quái vật rồi quắc mắt lên hỏi :

- Ai bảo với con rằng bố có tội lỗi chờ nhà nước khoan hồng.

Con bé cãi :

 - Cô giáo nói ! Cô giáo bảo Mỹ Ngụy gây nhiều tội ác nên phải đi học tập cải tạo. Bố cũng là lính Ngụy phải không mẹ .

Chỉ thiếu điều chị Hường hất tung mâm cơm khi đó còn đang đặt trước ban thờ có khói hương nghi ngút.

Nhưng chị đã dằn được lòng nên chỉ chạy tuột vô buồng trong nằm khóc lên rưng rức.

Đối với chị, niềm hy vọng to tát nhất trong lúc này là lo lắng cho con cái được cắp sách tới trường, mong chúng học hành chăm chỉ để gây dựng tương lai. Lại vì quá lo toan trong cuộc sống, chị chỉ có thể gửi gấm chúng nó đến trường chứ ít khi nào có thể tự mình đích thân dạy dỗ chúng nó. Nhưng cứ cái cung cách khoán trắng cho nhà trường thế này, có ai dè là chúng nó sẽ bị nhồi nhét đủ mọi thứ ra ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Hèn chi mà trong thực tề đầy dẫy những chuyện con cái thản nhiên quay ra dè bỉu, nhục mạ, có khi cả đấu tố cha mẹ nữa không chừng.

Chúng tôi nghe chị kể lại mà lòng ngao ngán, chỉ lặng lẽ nhìn nhau không ai nói lên lời. Mà cũng chẳng biết an ủi hay khuyên nhủ chị được điều gì hơn. Chúng tôi hoàn toàn cảm thông nỗi phẫn uất của chị trong hoàn cảnh chồng thì vẫn cứ kéo lê kiếp tù năm này qua năm khác tại các trại cải tạo, mà con cái thì hằng ngày vẫn cứ bị nhồi nhét lòng khinh miệt ngay cả đối với bố của chúng nó, ké đã xả thân cho sự an nguy của gia đình cũng như  của toàn xã hội.

 Sao cái thời buổi này lại nẩy sinh ra nhiều chuyện nhếch nhác đến thế !



                                                      ( còn tiếp )


0 nhận xét