Open top menu
Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012


                                        (tiếp theo)    

        

 Một sức mạnh ghê gớm làm bà chồm dậy, nhoài lên ghế trước, vươn hai tay bóp chặt cổ thằng Bảy. Chẳng biết có phải do bà luyện nhân điện, bất thình lình thằng Bảy tru lên ằng ặc như gà bị cắt tiết. Nó cố vùng  khỏi hai bàn tay sắt nguội của bà phu nhân bất ngờ ăn thêm quả đấm trời giáng của tiểu thư ngồi bên.
Ghê gớm thay sức mạnh người đang chọi nhau với thần chết, bà phu nhân với cô tiểu thư yểu điệu thướt tha thế bỗng chốc biến thành hai ả nặc nô hung hãn, một ả cứ siết chặt cổ, một ả cứ “giã giò” mặt thằng Bẩy. Chiếc xe đang lao như con thú, bỗng chốc lảo đảo, thắng két quay ngang giữa đường. Oi chao, may mắn thay, xe cảnh sát ập tới bấm đèn sáng quắc, rồi mọi  người cậy cửa xe, lôi bà phu nhân với cô tiểu thư ra, thằng Bẩy mới  thoát chết không thì hồn lìa khỏi xác .
Tuy nhiên, có sống cũng thành tật, lôi được nó ra, mặt sưng vù, tím tái, hai tròng mắt nát nhừ. Đáng đời nó, cả gan động tới vợ con lãnh đạo tỉnh. Nó đi cấp cứu với thương tật…mất trí nhớ trăm phần trăm, được đưa thẳng vào khu đặc biệt của dưỡng trí viện…
Trong lúc đó đồng chí ông Chủ tịch đang điều hành cuộc họp phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. 
Nghe điện khẩn cấp của bà, ông vẫn cười nói như nghe bà đi coi cải lương về kể chuyện vui vậy. Ông vẫy gã thư ký lại gỉ tai. Ngay lập tức cảnh sát giao thông đã vinh dự lái xe đưa phu nhân và tiểu thư về tư dinh. Ong Mười lái xe sau cú đánh của thằng Bẩy bị ngất xỉu  đã tỉnh lại và được cởi trói. Vì kín miệng vốn là bản tính nổi bật nhất của ông, nên vẫn được giao nhiệm vụ lái xe cho Chủ tịch.
Câu chuyện đầy tính “hình sự” được bưng bít ngay lập tức, không ai hay biết, ngay cả ăng ten của ông Mười Vỉa, em trai ông Sáu Bí thơ,hiện đang làm Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ cũng tịt mít. Tất nhiên có bàn tay dàn xếp của chú Ba, Giám đốc Sở công an, từ nay thành người trong nhà và cánh tay phải của ông Chủ tịch. 
Vài tháng sau, để xóa tan ác mộng của vợ và con gái , ông Chủ tịch đổi xe khác, tuy vẫn Mẹcxêđéc nhưng đời mới hơn và sơn mầu khác.
Chuyện thằng Bảy qua đi, bà phu nhân cảm thấy phần nào có lỗi với chồng nên quyết thủ tiết thờ sống ông Chủ tịch, tề gia nội trợ đúng nghĩa hiền thê. Một tay bà quán xuyến hết, nào sai bảo gia nhân, nào trông nom xây cất nhà nghỉ bên sông Sàigòn, nào đôn đốc  việc trang trại, nào theo dõi các khoản thu nhập “ngoài luồng” của ông Chủ tịch. Cái việc sau cùng này mới thật khó khăn và phức tạp. Bì thư nào nhận được, bì thư nào phải chối phắt , khoản nào gửi ngân hàng trong nước, khoản nào “người ta” rót vào tài khoản nước ngoài …ôi thôi đó thực là một nghệ thuật phức tạp.
Lạ thay, gánh vác cho chồng bằng ngần ấy việc, năng lượng trong người bà vẫn xài chưa hết, vẫn dôi ra và hành hạ bà trong những đêm mất ngủ cạnh ông chồng ngáy khò khò.
Sáng sáng trở dậy, cái năng lượng dôi ra ấy để lại trên mặt bà vẻ cau có và giận dữ vô cớ và bà trút nó lên đầu ông Chủ tịch tỉnh để đến lượt ông lúc tới cơ quan ông lại trút nó xuống đầu  đám nhân viên.
         Chẳng ai hiểu được nguồn cơn những cơn giận “vô căn” ấy của đồng chí Chủ tịch tỉnh kiêm Phó Bí thơ tỉnh ủy ngoài gã thư ký ranh mãnh. Vốn là dân Bắc kỳ di cư, hồi sinh viên cũng có xuống đường “hát cho đồng bào tôi nghe”, nên sau năm 1975 được xếp vào hàng ngũ cán bộ cách mạng, được học tiếp và ra trường với mảnh bằng kỹ sư kinh tế.
Vốn trời cho chút thông minh và láu cá, gã hiểu ngay thân phận mình không quốc tịch “Nam kỳ quốc”, cũng chẳng phải “con anh Sáu, cháu anh Ba” nên con đường tiến lên tốt nhất là hầu hạ mấy anh Hai. Mấy anh này ghế cao chức trọng, quyền lực tiền tài chẳng thiếu gì, chỉ thiếu mỗi cái….trình độ văn hoá.
Chuyện này ta có thể thông cảm với lãnh đạo. Vốn xuất thân cày thuê cuốc mướn, lần hồi kiếm sống qua ngày, bởi vậy cách mạng hô là theo liền, chẳng mất gì, chỉ mất cài cày cái cuốc mà lại được cả thiên hạ, các đồng chí chỉ thiệt thòi mỗi cái …thất học.
Cái đó cũng do  bận công tác, nào khai hội, nào vận động quần chúng, nào phát động phong trào này nọ…còn thời gian đâu sách bút học hành. Vả lại đầu óc lãnh đạo vốn toàn “bã đậu”, dẫu có đốt sách thành tro hoà nước cho các đồng chí uống thì cũng lại tiêu tiểu ra hết, bụng chẳng còn chữ nào. Gã thư ký ranh mãnh nhằm ngay vào cái chỗ thiếu ấy của lãnh đạo. Nào hầu bút thảo nghị quyết, kế hoạch, diễn văn, bài nói chuyện, …nào sắp xếp công việc thứ tự trước sau, nào quân sư quạt mo chuyện che chắn, chia chác. Từ  thư ký một Bí thư huyện, lọt mắt xanh Chủ tịch, gã thăng một phát lên tỉnh. Chỉ hầu hạ vài năm , gã đã lộ rõ tài năng "hầu hạ” hiếm thấy. Gã cúc cung tận tuỵ, lo trước thủ trưởng, ăn sau thủ trưởng, quán xuyến từ việc triển khai nghị quyết thường vụ tỉnh uỷ, tổ chức các huyện quán triệt chủ trương của Uỷ ban nhân dân … cho tới theo dõi quan hệ trai gái nhăng nhít của tiểu thư Kim Anh,  giải quyết êm xuôi vụ cậu Cả, con trai bà thủ thư, vụ thằng Bảy lái xe . Bởi thế, sáng sáng cứ thấy ông Chủ tịch vác bộ mặt bí rị tới cơ quan, gã thư ký hiểu ngay chuyện gì rồi.
“ Thủ trưởng không trả được bài cho vợ đây mà…”, chuyện thằng Bảy lái xe còn sờ sờ ra đó ? Tất nhiên, gã nghĩ bụng vậy thôi tuyệt nhiên không hé răng , ngay với ông Chủ tịch, chuyện gì cũng có thể “báo cáo thủ trưởng “ chứ chuyện tế nhị này thì…đâu dám.
Gã thư ký vắt đầu vắt óc tìm kế sách giúp thủ trưởng. Nghe nói trên Sàigòn đã có mại dâm nam, nhưng mà ấy chớ, chuyện đó vô cùng phức tạp và nguy hiểm, lộ ra có trốn lên trời cũng chẳng tránh được đòn trừng phạt của ông Chủ tịch.
Thế rồi cơ may sau cùng đã đến, trong dịp theo sếp về công tác tại thành phố Hồ Chí Minh , gã gặp ông chú họ xa tên Ba Tạ vốn làm nghề lang băm , bốc thuốc rởm nhiều lần bị xử phạt nay chuyển sang nghề “nghiên cứu và ứng dụng nhân điện nhằm phục vụ lợi ích của con người”.
Ấy , danh xưng to tát thế, nhưng trụ sở hành nghề chỉ có căn buồng xép tồi tàn trong hẻm và cơ sở dữ liệu chỉ có mỗi cuốn “Giới thiệu nhân điện học” mỏng dính của một Nhà xuất bản tỉnh lẻ ông vẫn dùng làm kim chỉ nam và gối đầu giường.
 Nhìn đồ nghề ông chú, gã thư ký thở hắt ra. Trời đất ơi, ngay thầy bói dạo cũng phải tráp, kiếng mát, gậy rồi thì ba đồng chinh, đĩa, nhang, đèn…huống hồ hành nghề “khoa học huyền bí” có cái tên rất kêu “ nhân điện học” mà có mỗi cuốn sách nát thì…”bịp” sao được thiên hạ ?
Lập tức gã chạy ra siêu thị sắm cho ông chú một loạt sách gáy mạ vàng nào là “ Thuyết tương đối của Einstein”, “ Cõi tâm linh”, “Những năng lượng siêu nhiên”…nào là “Sinh học áo bí”, “ Tử vi đẩu số”…ních chặt  cặp “Giám đốc” có khoá số hẳn hoi.
 Ong chú trợn cả mắt nhìn thằng cháu bày la liệt những cuốn sách  ngay cái tên cũng nhức óc. Mẹ ôi, của này có đến giáo sư tiến sĩ cũng chưa rờ tới, huống hồ ông mới qua lớp mười. 
Gã thư ký phải trấn an chỉ cần học thuộc ba cái tựa sách, còn trong đó viết gì kệ mẹ nó, miễn sao loè được thiên hạ. Từ hôm đó ông Ba Tạ trút bỏ bộ vó cũ, khoác đồ mới, áo sơ mi “bỏ thùng”, cổ đeo cà vạt, giương mục kỉnh gọng vàng, tròng không số, đi đứng nói năng nhất nhất theo đạo diễn của ông cháu, nom rõ là dân “trí thức” nghiên cứu. Tân trang xong, gã thư ký chờ dịp ra mắt phu nhân.
         May thay một hôm ông Chủ tịch tỉnh than thở :
” Bà nhà tao đốc chứng sao đó hồi này thích đi đền coi lên đồng. Mai mốt bả đòi lập điện trong nhà thì còn ăn nói sao với thường vụ ?”.
Gã thư ký biết tỏng phu nhân năng lui tới đó chẳng qua tại mấy gã cung văn , chứ bả cũng đảng viên cộng sản, cũng duy vật biện chứng, cũng qua trường Đảng Nguyễn Văn Cừ đâu có tin ba cái chuyện đồng cô bóng cậu , nhân dịp này đưa ông chú “nhân điện” ra chẳng dễ lọt tai hơn mấy anh cung văn sao ?
Thế là gã thư ký sốt sắng nhận trách nhiệm “chặn ngay cái vụ mê tín dị đoan “ kẻo  ảnh hưởng tới uy tín đảng viên. Trước tiên gã bốc điện thoại “truyền đạt ý kiến đồng chí Chủ tịch” tới công an phường nhắc nhở “ phòng chống mê tín dị đoan, xây dựng ấp văn hoá” , yêu cầu dẹp ngay đám con nhang đệ tử tối ngày chập choeng ảnh hưởng trật tự trị an lối xóm. Không đầy tuần sau, bà phu nhân tới lễ đền thấy vắng hoe cả điện trong điện ngoài, chẳng còn thấy mấy bác cung văn gảy đàn lừng phừng, miệng hát líu lo “ cô bắn súng lục cô bơi thuyền rồng” như trước nữa.

                               ( còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét