(tiếp theo)
Pháp chiếm An Khê và các vùng xung quanh. Cán bộ cũng trốn mất hút luôn. Dân Kông Hoa lại “chờ hết một mùa lúa nữa mới có đê cán bộ của bok Hồ lên”. Anh cán bộ người kinh tên Cầm này cũng tay không lên bản và…kể chuyện bok Hồ :
” Bok Hồ chống Pháp từ khi còn nhỏ, cũng bị Pháp bỏ tù. Sau trốn ra được , đi khắp đất nước bày đất nước đứng lên chống Pháp, chống Nhật…”.
Í trời, chỗ này ông nhà văn quên cả tiểu sử Hồ Chủ tịch. Chẳng lẽ hồi đó Pháp bỏ tù bác ở…ngõ Compoint, thủ đô Paris bắt làm nghề thợ ảnh ? Rồi lại từ đó trốn ra bày cho dân “chống Pháp, chống Nhật”.
“Đất nước đứng lên” là tiểu thuyết lớn nhất thời chống Pháp, lầm lẫn thế mà bao năm Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng không phát hiện để cải chính thì thật đúng là “cơm chúa múa tối ngày”.
Từ ngày có cán bộ Cầm ở bản, tinh thần chống Pháp của lũ làng lên cao hẳn, cao nhất phải kể đến…bà mẹ của Núp. Một hôm Núp dẫn bộ đội đi đánh đồn Pháp, chạy về khoe mẹ :
“Mẹ ơi, Pháp chết mười lăm đứa…”
Thế là Mẹ Núp, giận luôn trong hai ngày ? Vì sao thế ? Nghe tin Pháp chết phải vui mừng chớ sao lại giận Núp ? Sau này Mẹ mới giải thích :
“Mày thương Pháp lắm sao? Mẹ có hỏi mày Pháp chết mấy đâu . Chết mấy đứa kệ Pháp, nó chết hết cũng được…Sao bộ đội chết mấy người mày không nói, mày thương Pháp hơn bộ đội rồi…”
Ối trời, Mẹ thương bộ đội thì Mẹ chỉ cần hỏi :” Thế ta chết mấy người ?” là…xong. Ép uổng Mẹ giận con những…hai ngày liền làm gì cho rắc rối cuộc đời ? Chắc ông nhà văn muốn xây dựng tính cách nhân vật cho “phong phú và đa dạng” đây mà. Chỉ tiếc, cảm hứng ca ngợi người dân tộc quá đà gây nên những cái “lỗi chính tả” như thế nhan nhản trong truyện làm người đọc cứ ngờ ngợ :” có nhẽ đâu thế?” .
Anh cán bộ Cầm và bộ đội ở bản ít ngày rồi lại rút đi, để Kông Hoa lại rơi vào thảm cảnh. “Nắng như cầm lửa đổ xuống. Dưới suối nước trốn gần hết, dân phải dỡ từng hòn đá ra mới tìm được nước.Rẫy muốn cháy. Cây lúa thấp lè tè, hột cứng ít, lép nhiều…”.
Kinh hoàng hơn cả là cái đói ….muối.
“ Con nít khóc kêu mẹ :” Mẹ ơi, mẹ ơi, cho con cái mặn…”. Nước da người nào cũng tái lét , bủng rẹt. Hai ông già không có muối ăn, thở không nổi, rồi chết…”
Trong cơn hoạn nạn, ông Chủ tịch Pok Pa và chỉ huy Núp muốn cứu dân thì chỉ việc cho phép lũ làng xuống phố An Khê làm thuê lấy tiền mua muối, đong gạo là vượt qua được mọi chuyện. Nhưng không, Núp khăng khăng ngăn không cho về :” Không được đâu.. Về càng chết…Thà chết thôi..”.
Ấy đấy, mới nho nhoe lên làm lãnh đạo, anh hùng Núp đã coi mạng người như cỏ rác ? Viết tới đây chắc ông nhà văn cũng cảm thấy cái lý do “ không cho dân xuống phố An Khê mua muối” là không được…chính đáng lắm, ông bèn cho mấy người trốn xuống núi và vài hôm sau họ trở về khóc to :
“ Pháp lấy dao cắt lỗ mũi, cắt lỗ tai, chặt tay, chết hết bốn người rồi, ba người sợ quá trốn về đây…”
Oi chao ôi, Pháp nào mà ngu quá, bỏ công bỏ sức ra vận động người Thượng về với mình ; khi dân trở về lẽ ra phải mở rộng cửa mà đón vào, tặng gạo muối chớ ai lại đi cắt tai, xẻo mũi , chặt chân … thì thực là chuyện chỉ có trong…tưởng tượng của ông nhà văn.
Bịa ra cái lý do “ đầy thuyết phục “ ấy rồi, từ nay tác giả tha hồ “nhốt “ dân Ba Na trên làng Kông Hoa để “xây căn cứ địa” chống Pháp bất chấp nạn đói đủ thứ. Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người xem ra cũng còn có giới hạn, khi chỉ huy Núp kêu gọi mọi người bỏ làng lên núi cao lập làng mới để chống Pháp cho chắc ăn bị bà con phản đối :
“Không có muối ăn làm sao ? Chân Núp thanh niên khoẻ, Núp leo núi được. Chân tôi không có muối, không biết leo núi đâu.. Ở đây không đi đâu cả. Đấy con nít đấy, đem nó lên núi, chết trên đó, chôn trên đó à…”.
Phản đối thì phản đối, nhưng Núp nhớ lời anh Cầm dậy :
” Mình phải đứng dậy cầm giáo mác, cung tên đánh lại Pháp mới lấy lại đất nước được…”.
Bởi vậy dân đói cơm đói muối, con nít chết…mặc kệ, cứ phải là “lấy lại đất nước cái đã”, Núp quyết định cứ chuyển hết làng lên núi bất chấp “ bốn phía tiếng con nít đòi muối khóc ồn ào, tiếng bà già ông già chửi người xui bậy , tiếng thanh niên phản đối Núp nói to. Giải tán hết. Mỗi người đi một ngả…”
Lúc này mới thấy cái bản tính sắt đá, kiên quyết mục tiêu cách mạng dẫu hy sinh tính mạng của dân cũng cứ mặc kệ mà đê cán bộ Cầm gieo vào tâm hồn anh thanh niên người Thượng nay đã sớm đơm hoa kết trái, bám chắc vào cái đầu vốn nguyên sơ trong trẻo như nước suối đầu nguồn của anh ta. Thế là anh quyết không chịu nhân nhượng dân làng mà đi từng nhà vận động :
“ An tro tranh thay muối khổ lắm. Tôi cũng biết khổ. Nhưng ăn tro tranh khổ một đời mình thôi. Còn ăn muối của Pháp khổ hết đời mình, đời con mình khổ nữa , đời cháu mình khổ nữa…”
Kỳ lạ thay , cái triết lý “ sống cho tương lai”, “sống là để sửa soạn sống cho mai sau ” – cốt lõi của nhân sinh quan cộng sản chẳng hiểu đã thấm sâu vào anh thanh niên Thượng này từ bao giờ mà anh “vận dụng” xuất sắc đến như vậy ?
Ngay khi cán bộ còn chưa mang “ cái ánh sáng của Đảng “ tới cho lũ làng, chẳng hiểu sao, anh chàng Núp đã đứng lên kêu gọi vanh vách :
”Đánh đến khi hơn Pháp, hết Pháp ở đất nước mình mới thôi. Đánh đời mình chưa xong, thì đánh đến đời con, đời cháu mình nữa…”.
Ôi chao, cán bộ cao cấp cỡ Uỷ viên Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn dân trường kỳ kháng chiến chắc cũng chỉ hùng hồn bằng anh thanh niên người Thượng này. Với tinh thần đó, quyết không chịu sống trong vùng tạm chiếm, Núp kéo luôn cả bản Kông Hoa chạy tuốt lên núi cao lập làng “tự do” thiếu gạo, ăn tro thay muối, khoác vỏ cây thay quần áo, thiếu cả rìu dựa bằng sắt phải thay bằng đá để chặt cây, phá rừng dựng nhà làm rẫy.
Có ai chặt được cây lớn bằng đá không ? Có đấy, ông nhà văn kể :
” Đêm nay Núp phải ngả cho được cây này . Núp lại ôm hòn đá, lấy sức bửa vào gốc cây, hai cái, ba cái …làm mãi, làm mãi không nghỉ . Cho đến khi con gà thức giấc kêu ò ó o. Núp leo lên ngọn cây , cột một sợi dây rừng rồi ra sức kéo. Cây gẫy răng rắc, đổ ào xuống…”.
Ngày nay nếu trở lại Tây Nguyên, ông Nguyên Ngọc thử treo giải thưởng trăm triệu đồng cho anh thanh niên nào khoẻ nhất làng dùng hòn đá trong có một đêm mà chặt được cây lớn “gẫy răng rắc” thì mới thật là không…bốc phét.
Suốt ba năm 90 con người làng Kông Hoa sống trong khổ cực vậy để làm gì ?
Xin thưa rằng chỉ là để…”…chờ bộ đội Bok Hồ, chờ anh Cầm, dài không biết bao nhiêu.Hòn đá dưới suối Đất Hoa trước kia nhọn, bây giờ nước đã mài tròn cả đầu nó rồi. Chín mươi người vẫn lầm lì đi theo Núp”.
Sống cả ngàn ngày như trong thời đại đồ đá vậy mà không mong ăn no, không cầu mặc ấm mà lại chỉ “mong mãi lưỡi gươm ông Tú, mong mãi người Kinh, người của Bok Hồ lên” thì lũ làng Kông Hoa quả thực là mắc bệnh tâm thần cả rồi. Ấy thế nhưng chờ đợi trong khổ cực, mỏi mòn vậy mà cách mạng cũng vẫn chưa chịu lên cho, sau cùng anh chàng Núp đành phải tự mình đi tới rừng Ba Lang tìm gặp cán bộ chứ còn biết chờ tới bao giờ ?
(còn tiếp)
0 nhận xét