Open top menu
Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012


                                               KÝ SỰ GIẢ TƯỞNG 


                  Đôi lời về bác Ba Phi :

            Bác Ba Phi trong văn học dân gian.

            Ngày xưa, bác Ba Phi thường kể chuyện :

“Gần tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng thứ nếp dẻo của đất U Minh. Do tôi bổ mạnh tay, bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì cái miệng của nó bị dính trong miếng bột ấy, toàn thân nó treo lên xà nhà như cá mắc câu. Nó la hoảng và giãy rất dữ. Cuối cùng nó rớt xuống đất nghe một cái “bịch”. Coi kỹ lại cái đầu của nó còn dính lại trên xà nhà”.
Chuyện bác Ba Phi là thế, chuyện nào cũng nói “dóc”, cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, trào lộng, ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thiên nhiên và con người.
Tương truyền nguyên mẫu của Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964), vốn là nông dân huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tuy sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc, nhưng ban đêm, ông thường  tụ họp đờn ca, đặc biệt ông có khiếu kể chuyện vui rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích. Lúc đầu ông làm tá điền cho Hương quản Tế, nhờ chịu thương chịu khó,  được chủ ruộng yêu thương và gả con gái  cho. Bà này không có con, vài năm sau đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà vợ hai sinh được một người con trai sau này lấy vợ cũng sinh con trai tức cháu đích tôn của bác Ba Phi và chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng trong những câu chuyện của bác Ba Phi. Từ đó sinh ra thành ngữ "tệ như vợ (thằng) Đậu" để chỉ những người vụng về.
Bác Ba Phi qua đời năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của bác được đặt giữa hai ngôi mộ của hai bà vợ và được xây dựng thành tuyến du lịch văn hoá của tỉnh .
Những câu chuyện kể của bác Ba Phi được truyền miệng trong dân gian và người đời  thêm thắt nhiều chuyện mới làm cho bác Ba Phi trở thành nổi tiếng không khác gì Trạng Quỳnh ngoài Bắc.




Bác Ba Phi nào đi thăm Mỹ ?

Tất nhiên người này không phải bác Ba Phi ở Cà Mâu vì bác đã mất cách nay gần 50 năm. Bác này cũng thứ ba, cũng tên Phi nhưng không phải họ Nguyễn Long, quê lại ở miền Đông Nam bộ. Bác Ba Phi miền Đông này có cô con gái tên Út vượt biên qua Mỹ từ năm …lâu lắm, lấy chồng Mỹ, định cư luôn bên đó. Vài năm trước, nghe nói cô làm ăn rất khá giả , vốn liếng cả chục triệu đô la,  về VN thăm quê và cứ khăng khăng mời bác Ba Phi qua chơi Mỹ một lần cho biết.
Lúc đầu bác giãy nảy:
“ Í mèn ôi, tao dân chính gốc miệt vườn, sang bển là xứ  tây đen, biết ăn làm sao, nói làm sao ? “
Cô Út bật cười :
“ Chèn ôi, tía nằm mãi xó vườn hổng biết gì hết trơn, nước Mỹ không phải xứ tây đen mà đen, đỏ, trắng, vàng lẫn lộn tùm lum. Vậy mới kêu bằng Hợp chủng quốc, là xứ văn minh nhất thế giới, tự do cá nhân được bảo đảm hết cỡ, giả tỷ như tía muốn nằm ăn vạ trước cửa Nhà Trắng, giương biểu ngữ lên chửi Tổng Thống Obama cũng không sao. Còn ở Việt nam, chẳng may tía vọt miệng chửi bác Hồ là công an còng tay liền. Vậy sao gọi tự do ?”
 Bác Ba Phi mặt đỏ tía tai, cãi lấy cãi để :
“ Tao có dỗi hơi cũng chẳng điên rồ nằm ăn vạ trước Nhà Trắng để chửi Tổng thống Mỹ và cũng chẳng ngu gì lớn  tiếng chửi ông Hồ cho công an nó nhốt vô trại . Tao cứ ở nhà cũng tự do chán rồi. Này nhé có tiền muốn tiêu gì tiêu, muốn chơi gì chơi, ăn nhậu xả làng, mèo mỡ chim chuột thoải mái chẳng ai cấm đoán. Vậy tao cần tự do nào nữa ?”
Cô Út la chói lói :
“ Ba cái thứ đó cũng gọi tự do. Con nói tía biết, bên Mỹ họ văn minh lắm, đàn bà và chó được tôn trọng bậc nhất , giả tỉ ai cả gan đánh phụ nữ dầu chỉ bằng một nhánh hoa hồng thôi , cũng bị cảnh sát Mỹ còng tay liền, còn chó hả, được cưng chiều có khi còn hơn cả…chủ kìa, “tía” sang đó thì khỏi xơi cái món cày tơ 9 món, một món cũng tuyệt nhiên không có ạ.”
Bác Ba Phì cười ha hả :
“ Tao đâu cần ba cái món “cờ tây” đó, Mỹ cấm vậy chớ cấm nữa cũng chẳng nhằm nhò gì tới tao. Tao lo là lo tao quen ăn cơm ta rồi, bữa ăn phải có cơm nấu cho dẻo, ngoài canh chua cá lóc ra còn phải có khô quẹt chấm xoài xanh tao mới chịu, còn sang bển sớm tối ăn kiểu Mỹ , rặt bánh mì, thịt bò với bơ sữa thì bố ai mà nuốt cho được. “
Cô Út lại gân cổ lên cãi :
“Tía hổng có biết gì hết trơn. Nước Mỹ là xứ khắp nơi đổ về cái gì cũng có toàn loại hảo hạng. Nào khô cá lóc, cá ngừ, cá tra, cá mập…khô nào cũng có, nào mắm tôm, mắm tép, mắm bồ hóc…mắm nào cũng dư , nào gạo nàng hương, gạo tám, gạo Đài Loan, gạo Mỹ…gạo nào cũng ngập tràn siêu thị hết. Từ VN mang sang không thiếu thứ gì, từ của ngon vật lạ cho tới cóc, ổi, gì cũng bán , ngay cả xoài xanh chấm “khô quẹt” cũng có cho tía” nữa.”
Bác Ba Phi cười  ha hả :
“ Mày nói vậy thì tao cũng muốn đi một chuyến cho biết...”
Cô Út vỗ tay vui vẻ :
“ Phải đó, phải đó....tía nên đi một chuyến sang bển coi...tư bản nó giãy chết ra làm sao !”
Bác Ba Phi bật cười :
“ Chuyện xưa rồi, còn nhắc lại làm gì ? Ba thằng tư bản chết đâu chẳng thấy, chỉ thấy ở tỉnh ta vẫn trải thảm đỏ mời tụi nó dzô cấp kỳ kìa...”
Muốn đi Mỹ trước hết phải lo khâu giấy tờ, bác Ba Phi ngoài giấy chứng minh nhân dân ra chẳng có cái giấy gì hết. Cô Út sai con ông anh Hai , cháu đích tôn bác Ba Phi, tức thằng Đậu chở bác lên phố Nguyễn Du, Sàigòn lấy hộ chiếu , bác giãy nảy :
“Tao có cái thẻ căn cước này là đi khắp nước rồi, khỏi cần hộ chiếu hộ giường rách việc ...”
Cô Út lại phải la lên :
“ Căn cước của tía chỉ đi trong nước thôi , sang Mỹ tía phải có hộ chiếu để lãnh sự quán người ta đóng dấu visa  lên đó mới được dzô. Thẻ căn cước bé tí xíu chỗ đâu mà đóng dấu...”
Bác Ba Phi giở chứng minh nhân dân ra coi thấy kín mít hết cả chẳng còn chỗ nào đóng dấu, bác thở dài :
“ Cái thằng nào làm căn cước sao trùm sò quá vậy. Giả tỉ nó làm rộng ra, thêm mấy tờ nữa cho người ta đóng dấu có phải tao khỏi đi thành phố lấy hộ chiếu không . Rõ rách việc...”
Cô Út dỗ mãi bác Ba Phi mới miễn cưỡng ngồi sau xe máy thằng Đậu trực chỉ phố Nguyễn Du, Phòng quản lý xuất nhập cảnh để xin hộ chiếu . Sáng đi, trưa mới tới , mà đi một lượt đâu đã xong. Nào lấy tờ khai, nào mang lên công an xã chứng, nào chụp hình...trở đi trở lại mấy lần bác Ba Phi mới cầm được tấm hộ chiếu mầu xanh, mới cứng. Cô Út cầm lên coi đi coi lại, gật đầu :
“ Rồi, đúng hộ chiếu phổ thông rồi. Giờ tía  có thể đi ra nước ngoài thoải mái...”
Bác Ba Phi vui vẻ :
“ Vậy chớ chừng nào đi Mỹ ?”
Cô Út lắc đầu :
“ Chưa...chưa đủ giấy tờ...tía còn phải xin VISA vào Mỹ do lãnh sự quán cấp nữa. Nếu kịp thì cùng đi với con, nếu không kịp , con sẽ gửi vé máy bay về cho tía đi...”
Nói rồi cô Út gọi thằng Đậu tới đưa cho nó tờ 100 đô la Mỹ, dặn  phải tới nạp ngay cho ngân hàng ngoại thương ở bến Chương  Dương trên Saigòn để lấy giấy hẹn cho bác Ba Phi vào lãnh sự quán phỏng vấn.
Ngay sáng hôm sau thằng Đậu xách xe tính chạy về Sàigòn, lúc phóng qua quán nhậu chợt có tiếng gọi ơi ới vào “gây độ”. Thằng Đậu ngập ngừng, việc cô Út sai phải hoàn thành ngay trong sáng nay để kịp cho nội đi phỏng vấn, nó tính rồ máy xe chạy đi nhưng tiếng gọi lại cất lên riết róng . Nó tắc lưỡi, mặc kệ, muốn ra sao thì ra, nhậu cái đã. Thế là nó quẳng xe ngoài cửa quán, ung dung bước vào trong tiếng vỗ tay rầm rầm của đám bạn nhậu.     

                   (còn tiếp)                                                                              
Tagged

0 nhận xét