(tiếp theo)
Trong lúc chàng Dư nửa điên nửa khùng, lầu phía đông dinh quan Thân Trụ Quốc, nàng Tuý Tiêu vẫn dựng “ thành đồng vách sắt “ cố thủ không cho quan xâm phạm “cái ngàn vàng”. Tới đêm thứ 100 nàng doạ treo cổ tự vẫn, quan mới dỗ dành :
“ Việc gì mà khinh sinh uổng mạng ?
có việc gì mà ta không làm được để chiều ý nàng ?”
Cho dù là gái có chồng bị quan bắt sống giữa ban ngày ban mặt ngay cổng chùa, nàng cũng phải nói thác :
“ Từ buổi đầu gặp Dư Sinh…vì lời thơ tiếng hát mà chăn gối mặn nồng…
“Nay lầm đường lạc lối sa vào cửa tướng công
Hoạ phúc hợp tan đều ở tay tướng công cả…”
Thân tướng công cười thâm hiểm :
“Ngỡ là chuyện gì, đêm nay ta sẽ xuống trát tìm “chàng bán thơ”, triệu về dinh này. Nàng ở mái đông, chàng ở mái tây, đông tây tha hồ… xướng hoạ…”
Nàng Tuý Tiêu được lời như cởi tấm lòng, nào trang điểm, nào thay áo mới , nào đòi tấu nhạc. Riêng cô hầu tên Thuý Bình cảnh giác :
“Chị tin rằng trát đòi “người thơ” sẽ đến ư ? Lại đoàn viên chăn gối ư ?”
Thật chẳng ngờ, được trát đòi vào dinh chàng Dư Sinh vội vàng khăn gói ra đi , chỉ có lão bộc nhận ra chân tướng quan Thân Trụ Quốc. Nhưng nỗi niềm riêng chẳng dám tỏ bày với ai, lão đành trò chuyện với con chim anh vũ :
“ Mình đổ máu đánh giặc , giữ giang sơn nhà nó, cho nó vợ đẹp con khôn, cho nó nhà cao cửa rộng. Đánh được giặc rồi, đứa nào đứa ấy phong ấp có hàng nghìn mẫu . Chú mày bay cũng xoạc cánh. Trốn đâu cũng là ấp chúng nó. Ruộng tay người ta canh phá ra, nó cướp làm ấp của nó…”
Lời lẽ này đặt vào miệng một cụ cựu chiến binh thời bây giờ xem ra vẫn còn tươi roi rói . Ông lão bộc lại vạch ra cái mặt quan nham hiểm :
“ Lại vợ người ta nó cướp làm vợ nó không cheo không cưới.Cái giống đó đã kẹp vào tay rồi đừng có hòng. Tao hỏi chú mày , có ai đời vào tận hàm con ly con long mà đòi lại ngọc trai? Thò tay vào, nó không ngoạm cả tay đó ư ?Ấy thế mà thấy trát đòi ba chân bốn cẳng chạy ngay vào trấn…”
Lão bộc thật sáng suốt và chí lý. Chỉ có điều ông không ngờ tới là chàng Dư vào dinh quan, được khoản đãi ở lầu tây, ngày đêm có cô Thuý Hường hầu hạ, nên chẳng có đòi “ngọc trai”, cũng chẳng yêu cầu trả vợ, chẳng đòi gì hết ngoài…uống rượu say tít cung thang suốt tháng ngày. Một tối, Thân tướng công sai Thuý Hường trang điểm thật lộng lẫy, bày tiệc chờ chàng Dư . Đi uống rượu về ngà ngà say, nhìn thấy cô hầu gái xinh đẹp, cầm lòng chẳng đậu, chàng “ôm đại “làm cô ta giãy nảy :
“Em đây mà. Thuý Hường đốt nến chờ chàng từ đầu hôm. Thuý Hường chớ nào phải ai khác. Chàng quá say nên lầm lẫn đó thôi…”
Lẽ ra chàng Dư phải xấu hổ, xin lỗi rối rít, vợ đang bị giam cầm mà lại “vồ “hầu gái còn gì đểu cáng cho bằng, nào ngờ chàng giở giọng tán tỉnh :
“Cho ta được giây phút lầm lẫn…”
Đến đây mới thấy văn chương chữ nghĩa như tấm gương hiện rõ chân tướng người viết, thi sĩ Lưu Trọng Lư cố vẽ cho được một chàng nho sinh tiết nghĩa, chung thuỷ nhất mực, khổ nỗi đôi khi cứ lộ ra chất “đểu giả”. Nghe vậy, Thuý Hường ỡm ờ :
“ Hà tất chơi trò lầm lẫn…”
Hoá ra đây là âm mưu hiểm độc của Thân tướng công, dùng sắc đẹp con hầu mê hoặc làm chàng mất mặt khỏi đi tìm vợ cũ. Mang rượu cho chàng uống, Thuý Hường lại báo trước :
“nửa đêm nay sẽ có tin mừng…”
Chàng Dư giả bộ ngây thơ :
“Tin mừng gì đây ? Nào ta uống nữa! Uống nữa đi !”
Quả nhiên tới nửa đêm Thân tướng công cho người mang tới tặng chàng một cành hoa quỳnh trong chậu nhỏ phủ khăn điều làm chàng Dư mừng rối rít :
“ Xin người về trình lại Tướng công, khách mái Tây muôn vàn cảm tạ tướng công…”
Ôi chao ôi, lẽ ra đúng tính cách nho sinh, chàng phải quăng trả chậu quỳnh, lớn tiếng chửi quân cướp ngày, đòi trả lại cô vợ yêu , ngược lại, đã không phản kháng còn ‘tri ân” rối rít khác gì lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn ca ngợi 16 chữ vàng trong khi thằng Trung Quốc bắn giết ngư dân ta trên biển Đông.
Đêm hôm đó Thuý Hường nào ca, nào đàn , nào dâng rượu cho chàng Dư ngắm hoa quỳnh nở. Đúng nửa đêm, nàng đến bên chàng suồng sã :
“ Hương quỳnh toả ngát trời
Nào chàng cùng em cạn chén …”
Rồi nàng dắt Dư Sinh “nửa tỉnh nửa say lên giường, vừa quạt màn cho chàng vừa hát ru :
Ru người tình, ấp người say
Hai tay đưa quạt đã rời cánh chim…”
Quạt mỏi tay rồi nàng xoay qua…tắt nến. Có 12 cây nàng đã tắt tới cây thứ 11 , chỉ còn một cây nữa thôi là sáng sớm mai chàng Dư chỉ còn nước khăn gói về quê, mặt mũi nào mà dám đòi vợ. May thay tới “phút 89” , nàng Thuý Hường lại nổi máu …lương tâm :
“Bốn điều Tướng công ra, ta đã làm xong ba
Duy còn một điều nữa, cuốn tóc trăm vòng
Ta xin chịu tội
Trời đất quỷ thần soi sáng lòng dạ này…”
Nói rồi nàng ra khỏi màn, gài cửa đi sang phòng khác. Vậy là nhờ lòng tốt của cô hầu gái, chàng Dư vẫn giữ được lòng “thuỷ chung son sắt “ với nàng Tuý Tiêu yêu quý chứ chẳng phải gan vàng dạ sắt gì . Rõ đẹp mặt “anh hùng”. Điều này hẳn ngoài ý định ông tác giả kịch bản, nếu không ông đã chẳng bôi bác “hình tượng nhân vật” của mình đến thế.
Gần sáng, thật bất ngờ, nàng Tuý Tiêu bên mái đông sốt ruột sốt gan, đang bệnh cũng liều mình đi tìm chồng bên mái tây. May mắn thay chắc vì “ miếng ăn đến miệng còn tuột mất”, sau lúc Thuý Hường rút khỏi màn, chàng Dư hẳn “tiếc của trời” chẳng ngủ được mới mò dậy làm thơ dán lên vách, chứ không, nàng Tuý Tiêu bước vào chứng kiến cảnh chồng mình đang ngủ với hầu gái chắc nàng tự tử thiệt chứ chẳng còn doạ.
Khá khen thay chàng nho sinh, Tuý Tiên vừa xuất hiện trong màu áo xanh, tay cầm bông sen, chàng ca ngay được bài ca thương nhớ :
“ Chết lòng trong ngóng đợi
Người vẫn đến bất ngờ
Đúng màu xanh đêm trước
Đối mặt vẫn là mơ…”
Vợ chồng gặp lại chưa kịp hàn huyên , bên ngoài đã có tiếng dặng hắng rồi hầu gái của Tuý Tiêu là Thuý Bình chạy vào báo :” Kiệu tướng công đã xịch trước cổng, xin chàng…”. Rồi cô ta nhìn Dư Sinh như cầu khẩn chàng đưa vợ trốn ngay. Lạ thay chàng cứ đứng như bụt mọc, cô hầu gái thương chủ quá khóc nấc lên. Chàng Dư vẫn trơ mắt ếch đứng nhìn; hai người đành dắt díu nhau trở về mái đông. Vợ đi rồi chàng mắm môi mắm lợi cầm bút làm thơ dán lên vách :
“ Trăng đến tận giường múa
Chưa hát trọn bài ca
Nỗi đau không câm mãi
Tức nước phải vỡ bờ…”
Ái chà chà, có áp bức là có đấu tranh đây, tinh thần quật khởi hẳn đã thức dậy, phen này chắc chàng đâm chết tên quan dâm đãng đã phá tan hạnh phúc đời chàng. Nào ngờ khi Thân tướng công bước vào, chàng lại cung kính :
“ Cũng là duyên đưa đẩy
Đêm trăng lại quá nhàn rỗi. Đang mong ân nhân đến…”
Ôi chao ôi, chàng “tri ân” con cọp dữ đã cho rượu, cho hoa quỳnh, cho gái đẹp mà quên mất thù bị cướp mất vợ sao ? Tính cách này phải chăng bộc lộ từ phẩm chất tác giả dễ dàng “hoà đồng với cái ác” miễn sao được yên thân, tiềm ẩn sâu bên trong con người thi sĩ họ Lưu ? Nó cũng chính là “chủ nghĩa cầu an” , sao cũng được miễn cứu được “bộ da” của chính mình, căn bệnh trầm kha của “trí thức Bắc Hà “.
Cái hành động phản kháng cao nhất chàng Dư có thể đạt tới là rụt rè mời ông quan :
“ Vào dinh tướng công lâu ngày
Hôm nay cũng như ngày hôm trước
Quá nhàn rỗi, có bốn câu thơ
Xin trình tướng công …”
Đọc liếc câu thơ “tức nước phải vỡ bờ” Dư Sinh “trình” lên, ông quan coi như tiếng muỗi vo ve, cười khảy :
“ Chị Hằng từ cung Quảng sa xuống để chú Cuội trơ thân Cuội một mình, nhưng chú Cuội có giận người giận mình mà chặt mất cành đa thì cũng chỉ thiệt mất cành đa thôi…”
Rồi bất chợt phát hiện ra mùi hương quen thuộc của Tuý Tiêu, vợ chàng Dư phảng phất đâu đây, lão sầm mặt, phảy tay ra lệnh :”mãn trà”. Đây là giây phút cuối cùng để chàng Dư có thể bộc lộ sự kiên cường phản kháng của mình, vậy mà không ,” Dư sinh tiến vội đến trước mặt Thân, cung kính bái biệt”. Thật đúng là một cử chỉ hèn đớn khán giả ai cũng nhận ra, chỉ riêng ông tác giả kịch bản là không thấy.
Chờ cho viên quan đi khuất , chàng Dư mới dám “cởi áo, xé thơ” theo đúng phép “thắng lợi tinh thần” của dân Mít chỉ dám xì xào sau lưng người ta, chàng cầm bút làm bốn câu thơ khác dán lên tường và ngâm lớn :
“ Đọc hết vạn kinh sách
Mà nhân nghĩa vẫn cúi đầu
Hỏi thần thánh ở đâu ?
Hay đã bị vùi dưới đất…”
Nghe thơ chàng Dư, hốt nhiên nhớ tới mấy câu thơ chân dung hoạ phê bình gia Hoài Thanh của nhà thơ Xuân Sách :
“ Bình thơ đến thủa bạc đầu
Cũng chưa thể tất nổi câu nhân tình…”
Vâng, ngày nay có biết bao sĩ phu đọc vỡ tới cả vạn cuốn sách , liệu đã có mấy ai ngẩng cao đầu đòi cho được chữ “nhân”, chữ “nghĩa’ cho đám dân đen con đỏ ?
(còn tiếp)
0 nhận xét