Open top menu
Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012


                                (tiếp theo)

Ngay sáng hôm sau, quan Thân Trụ Quốc lôi ngay gã “mật vụ phòng” ra đánh đòn tan xương nát thịt về tội không kịp thời báo cáo việc nàng Tuý Tiêu lẻn tới tìm chàng Dư . Quan vứt ngay bộ mặt giả nhân giả nghĩa, nói toẹt ra rằng :
“Ta đón hắn về mái Tây này chẳng phải là để chúng lén sau lưng ta. Sao trong dinh ta , việc lớn việc nhỏ lại dám để  lọt khỏi tai mắt ta ? Ta cho hai đứa được gần mà chẳng được xáp mặt. Thể như con mèo trước bóng mỡ chớm mãi mà không bắt được. Hoa mắt sùi mép mà phải buông…”
Nói xong làm liền, quan bày trò dã man, đêm trước ngày Dư Sinh bị đuổi về “địa phương”, quan cho chăng một sợi dây ngay trước cửa phòng nàng Tuý Tiêu, cho phép chàng Dư tới từ biệt vợ nhưng cấm … bước qua dây và chỉ được tới khi đèn  phòng thắp sáng. Thắt buộc nhau vậy khác nào “ đặt mỡ miệng mèo mà chỉ cho ngửi”. Lẽ ra đạo làm người quân tử đời nào chịu làm phận ‘con mèo”. Ấy thế mà đêm đó chàng Dư  vẫn vâng lệnh quan theo chân con hầu Thuý Bình mon men tới phòng Tuý Tiêu ở “mái đông”. Vừa nhìn thấy đèn còn sáng chàng đã hí hửng : “Đèn còn sáng, hẳn nàng có ý đợi ?”. Con hầu lắc đầu: “ Việc đường đột này tuyệt nhiên chị tôi không được báo trước. Ngày mai chàng về nơi cũ, đêm nay quan cho giáp mặt người xưa…”. Gọi là “giáp mặt” nhưng chỉ đến chỗ căng dây mà ngó lên thôi, chàng Dư đâu dám trái lệnh quan vượt qua, đành đứng bên “giới tuyến” ngước cổ than vãn :
          “ Ôi người bước trước cửa buồng
          mà chân đành chôn đất lạnh”
Khi vợ xuất hiện cửa sổ, chàng Dư  cũng chỉ dám đứng bên dây thừng mà kêu :
          “ Tuý Tiêu ! Tuý Tiêu !
          Dẫu đất trời tan tác
          Nàng ơi ta không thể nào quay bước
          Về nhìn đôi gối đêm nay, buốt lạnh..”
          Về nhìn đôi gối đêm nay, buốt lạnh..”
          “Tuý Tiêu! Tuý Tiêu ! Người khuất đâu rồi ?
          Khoan đừng lay động , ngọn đèn ơi…”
Vậy là chàng chỉ sợ bên trong vợ tắt đèn phải quay lui theo đúng lệnh quan mà thôi, không hề dám có ý định  vượt qua “vạch dây thừng” mà lao tới với nàng. Đến khi con hầu báo tin :
          “Chàng trông ! Đèn đã lụi dần
          Dám xin chàng hãy kịp lui chân…”
Cũng đành, chứ biết làm sao ? Chơi cái trò “ mỡ quệt mũi mèo” này, quan Thân Trụ Công quả là cao mưu . Chàng Dư  cam tâm làm “chú mèo ngoan”, đứng bên sợi dây chăng mà vuốt bụng thở dài :
          “ Đau lòng thân nam tử
          Chân cóng giữa vòng vây…”
Tấm thân ngọc ngà của vợ yêu chỉ trong gang tấc mà người “quân tử” ngày xưa của Lưu Trọng Lư cũng chẳng dám vượt rào đón lấy huống hồ ngày nay, các bậc hiền nhân quân tử  “ chân ấm giữa tiền dự án, tiền tài trợ” Nhà nước rót dài dài, đời nào dám “vượt dây thừng” nói chuyện đa nguyên  đa Đảng ?
Quay về nhà, chàng Dư  mang lòng căm thù, trút giận vào..đôi chim Anh Vũ, quà tặng cưới của quan Nguyên soái, người đã tác hợp Tuý Tiêu với chàng :
          “ Chém cha cái giấc mộng
          Tưởng đôi chim nhỏ chết rồi
          Thế mà vẫn nguyên đó
          Nhảy đi hót đi…”
Thật đúng y tính cách “trí thức lưu manh ” khi “mộng không thành” chẳng dám vạch mặt kẻ phá thối mà chửi ngay mộng tưởng đẹp đẽ của chính mình. Rồi đến đêm, nằm mơ thấy quan Nguyên soái, ân nhân ngày trước, chàng vội vàng kể lể sự tình, nhờ quan ra tay giải cứu nàng Tuý Tiêu. Thực chẳng ngờ khi nghe xong, Nguyên soái cũng chân giò lảng ra :
          “ Ta chỉ biết điều tác hợp
          Còn như giữ trọn lứa đôi
          Là tự ở các ngươi
          Quả điều ta không liệu nổi…”          
Vậy là vô phương cứu…vợ, chàng Dư chẳng còn biết trông đợi vào ai, lại đành chỉ ngồi nhà kêu trời :
          “ Thần thánh hết thiêng khôn
          Chữ nghĩa văn chương như của thiu đốt sạch
          Trăm sách muôn nghìn sách
          Hỏi còn sách nào hơn ?”
Trời Phật, thánh thần, văn chương chữ nghĩa rồi cả quan Nguyên soái chẳng cứu được chàng, rốt cuộc chính những người dân đen lại ra tay nghĩa hiệp. Ông lão bộc đã tuyển mộ được hơn 20 nghĩa sĩ, móc nối với con hầu của nàng Tuý Tiêu hẹn ngày hội đốt cây bông nàng sẽ mặc đồ trắng nhường cho con hầu mặc đồ xanh, khi kiệu đi vào đám đông, thừa cơ lộn xộn  sẽ cướp nàng Tuý Tiêu trả về cho chàng Dư. Kế hoạch sắp xếp xong xuôi , chàng Dư chẳng mất công mất sức gì, cứ ngồi nhà chờ nghĩa sĩ khiêng kiệu nàng Tuý Tiêu trở về :
          “ Lòng ta bồn chồn
          Rối rít tiếng chim Anh Vũ
          Canh đà chuyển sang canh
          Sao kiệu nàng chưa về tới
          Hay đường đi nhiều trở ngại ?”
Rồi đang nước sôi lửa bỏng, chẳng nghĩ gì tới những người vì mình xả thân nơi đao kiếm, chàng chỉ nghĩ tới nỗi sung sướng gặp lại vợ :
          “ Hót inh lên anh vũ ơi
          Kiệu hoa đã đến rồi
          Nến ơi bừng sáng
          Đào ơi, khoe hết màu tươi…”
Thế rồi đúng ý nguyện của chàng, kiệu hoa đã đến, nàng áo xanh  cũng bước xuống, chàng Dư mừng rỡ :
          “ Tuý Tiêu…Tuý Tiêu…”
Nhưng hỡi ôi không phải Tuý Tiêu vợ chàng mà là con hầu mặc áo của nàng theo kiểu “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Cô ta cho biết :
          “ Chị Tuý Tiêu trong cơn xô xát hỗn loạn
          Bị một nhát thương
          Qua dòng nước trong
          Chị gieo mình tuẫn tiết…”
Hay tin dữ, chàng Dư chưa kịp thắp cho nàng nén hương đã vội vàng khăn gói  xuống đò theo chân lão bộc chạy trốn khỏi địa phương. Kết thúc vở kịch tác giả ca ngợi :
          “ Tuý Tiêu! Tuý Tiêu! Ngọn đèn không tắt
          Lửa hồn đốt kiếp
          Trao nhau trọn xác trọn hồn…”
Còn nhân vật chính, chàng Dư Sinh, dẫu có làm cả ngàn bài thơ nghĩa khí, rút cuộc vẫn lộ ra chàng nho sinh hèn nhát và hám gái.
Rút cuộc Lưu Trọng Lư cố tô vẽ chân dung người quân tử nhưng vô tình cứ lộ ra chân tướng kẻ tiểu nhân. Mô tả người anh hùng lắm khi cứ thò ra tính cách một “ thằng đểu” thực ra chẳng phải căn bệnh của riêng thi sĩ Lưu Trọng Lư  mà là cố tật chung cho mọi văn nhân thi sĩ  một  khi đã cam chịu viết văn chương phải đạo, răm rắp tuân thủ những yêu cầu tức thời của chính trị.
Trên trang thờ thi sĩ Lưu Trọng Lư tại nhà lưu niệm ở ngoại thành Sàigòn có treo bài thơ di cảo tự tay ông viết  :
          “ Đi dưới vườn nhân dạ ngẩn ngơ
          Vì thương người lắm mới say thơ
          Phên thưa đã có bàn tay đỡ
          Đêm lạnh phăng lần những mối tơ

          Đẹp lắm trên đời những vấn vương
          Chao ôi thiên lý một con đường
          Đi trong trời đất từ duyên ấy
          Sớm tối không rời một chữ thương…”
Vậy là chẳng sám hối quyết liệt được như Chế Lan Viên trong bài thơ “Bánh vẽ”, Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất”…đến tận cuối “con đường thiên lý” thi sĩ họ Lưu vẫn thương trời, thương đất, thương người chung chung mà chẳng dám buông một tiếng thở dài , tự vấn về con đường mình đã đi.
Cũng trong nhà lưu niệm này, có treo một tấm liễn ghi bút tích Lưu Trọng Lư  :
“ Tôi thà bị lừa còn hơn không tin vào con người…”
Than ôi, bằng chữ nghĩa và sự nghiệp lãnh đạo văn hoá văn nghệ  của mình, chính ông đã lừa biết bao thế hệ độc giả mà ông đâu có biết . Bởi thế, nhiều năm qua, thân nhân và tỉnh uỷ Nghệ An  cố dựng lên “Giải thương văn học Lưu Trọng Lư” mà chẳng mấy ai biết tới.
          “ Con nai vờ ngơ ngác
          Nó ca bài cải lương…”
Lưu Trọng Lư chẳng  ca “cải lương” đâu ông Xuân Sách ơi, ông ấy ca bài “khôn ngoan” đó…

                                HẾT PHẦN LƯU TRỌNG LƯ
Tagged

0 nhận xét