Trong lúc đó ở nhà, cô Út đang dặn dò bác Ba Phi mọi chuyện mai kia đi thăm Mỹ.
“ Tía cần nhớ sang bển đi một bước cũng xe hơi...”
Bác Ba Phi giãy nảy :
“ í thôi thôi...ngồi xe cuồng cẳng, tao hổng quen, tao cứ cuốc bộ ...”
Cô Út trợn mắt :
“ Sang Mỹ đường đâu ra cho tía cuốc bộ, đến xe máy cũng chẳng có nói gì đi bộ. Tía cứ ra khỏi cổng là leo lên xe hơi , mà lên xe hơi là phải “sít beo”.”
Bác Ba Phi giật mình :
“ Mày nói gì kỳ vậy ? “Đít beo là cái quỷ gì ?”
Cô Út lăn ra cười :
“ Không phải đít beo mà sít beo. Tức là lên xe tía phải quàng dây an toàn phòng tai nạn khỏi bẹp ngực, vỡ đầu ...”
“ Thôi thôi, ông thầy coi lá số tía rồi, năm nay đại cát, tuyệt nhiên không tai ương, tai nạn gì hết, khỏi sít beo sít cọp , vướng víu ."
Cô Út lắc quày quạy :
“ Không được, tía không "sít beo" cảnh sát Mỹ nó phạt chết."
Vừa lúc đó có người báo thằng Đậu đang say xỉn , quậy phá ầm ĩ ngoài quán. Lập tức cô Út lệnh vợ thằng Đậu lôi cổ chồng về ngay. Mãi cả tiếng đồng hồ sau hai vợ chồng mới dắt díu nhau về. Í mền ôi, trăm rưởi đô cô Út đưa đi nộp ngân hàng nó đã nhậu gần hết. Cô Út bực mình lấy tờ trăm đô khác đưa cho vợ nó, căn dặn phải đi thẳng về Sàigòn, nộp ngay cho ngân hàng Citibank lấy giấy hẹn phỏng vấn cho bác Ba Phi.
Con vợ thằng Đậu cũng chẳng nhanh nhẩu hơn thằng chồng . Về tới Sàigòn nó rông tuốt vào Chợ Lớn rửa bao tử luôn một tô bún bò o Rớt, chục cái bánh xèo, một đĩa pò pía và một ly sâm bổ lượng rồi mới hỏi đường tới ngân hàng. Bà bán hàng chỉ toà nhà to tổ chẳng ngay trước mặt :
" Ngân hàng đó chớ đâu. ..."
Con vợ thằng Đậu mừng rỡ , tưởng đâu xa, kề ngay bên vậy thì quá dễ. Còn sớm chán . Nghĩ vậy, nó kêu thêm ly cam vắt nữa mới chịu đứng dậy bước sang đường. Trời nắng chang chang nhưng bước chân qua cửa kiếng vào ngân hàng là mát rượi, con vợ thằng Đậu chưa kịp hỏi han đã có một ông mập ú đi tới vồn vã:
" Cái "lị" gởi không kỳ hạn hay có kỳ hạn ?"
Con vợ thằng Đậu chẳng biết "kỳ hạn" là cái quỷ gì, cứ đáp bừa :
" Khỏi kỳ hạn..."
Ông nhìn mấy tờ đô trong tay con vợ thằng Đậu , lắc đầu :
" Ở "lây" ngộ không nhận ngoại tệ, "lị" phải mang sang tiệm vàng bên kia đường đổi lấy tiền Việt..."
Con vợ thằng Đậu phải sang đường đổi tiền rồi quay lại ngân hàng móc túi ra tờ giấy có tên bác Ba Phi đưa cho ông mập làm giấy tờ . Mãi chiều nó mới về tới nhà, gọi ầm ĩ :
" Nội ơi, con gửi được tiền rồi nè..."
Bác Ba Phi khen rối rít :
" Giỏi...con này giỏi...mọi ngày cứ nói oan cho nó là ngẩn ngơ với chậm chạp..."
Cô Út hỏi :
" Giấy hẹn đâu ?"
Con vợ thằng Đậu la lên :
" Í mền ôi, cô Út kêu con đi lấy giấy, con lấy cho cô Út hẳn một cuốn sổ đây nè..."
Rồi nó móc cuốn sổ tiết kiệm đưa cho cô Út. Cô này mới liếc qua đã kêu trời :
" Í mèn ôi, tao bảo mày đi ngân hàng Citybank đóng tiền cho nội mày nhận giấy hẹn phỏng vấn lãnh sự quán Mỹ kìa. Ai biểu mày nộp tiền tiết kiệm ? Mà đây đâu phải ngân hàng Citybank, nó là ngân hàng Việt-Hoa kìa."
Con vợ thằng Đậu cãi :
" Ngân hàng nào là chả là ngân hàng ? Ngân hàng Việt –Hoa cũng là ngân hàng chớ bộ. "
Cô Út thở dài :
“ Con này đúng hết thuốc chữa . Mày nói ngân hàng nào cũng là ngân hàng thì tiền nào cũng là tiền chớ gì ? Vậy tao hỏi mày tờ trăm ngàn tiền Việt có bằng tờ trăm đô la Mỹ không ?”
Con vợ thằng Đậu ra vẻ hiểu biết :
“ Bằng sao được mà bằng ? Tờ trăm đô con đổi được hai triệu tám mươi ngàn tiền Việt lận ...”
Cô Út giật mình :
“ í chết mẹ, ai bảo mày đổi sang tiền Việt ?”
Con vợ thằng Đậu liến láu :
“ Ngân hàng họ yêu cầu chớ bộ. Họ bảo họ đâu có nhận tiền Việt...”
Cô Út thở dài ngao ngán quay sang bác Ba Phi :
“ Đó...tía thấy chưa ? Con bảo nó một đằng nó làm một nẻo. Con bảo nó đến Citibank đóng tiền cho tía đi phỏng vấn nó lại mang đi gửi tiết kiệm. Kiểu này sáng mai con đành tự đi nộp vậy...”
Sáng hôm sau cô Út đi ngân hàng, đến trưa mang về tờ khai gồm bao nhiêu khoản khiến bác Ba Phi hoa quả mắt. Bác ca cẩm :
“ Đù má…Xin đi thăm con gái mà nó bắt khai lý lịch còn hơn cả xin xóa đói giảm nghèo . Thôi tao chẳng đi nữa ...”
Cô Út giãy nảy :
“ Con đã nạp tiền vô ngân hàng rồi. Tía không đi coi như mất không trăm rưởi đô la ...”
Bác Ba Phi đành mặc con gái hí hoáy khai báo đủ thứ trong tờ khai . Hoá ra cũng không phức tạp lắm, cứ lấy bên hộ chiếu chép sang là được. Càng gần tới ngày phỏng vấn, cô Út càng hồi hộp. Cô bắt bác Phi bớt uống rượu, đi ngủ sớm, không đi đâu xa. Thằng Đậu muốn chuộc cái lỗi bữa trước say xỉn phá của cô Út tờ trăm đô nên tình nguyện chở bác Ba Phi lên Sàigòn phỏng vấn. Cô Út giãy nảy :
“ Í thôi thôi, để mày chở tuốt nội vô làng nướng Thủ Đức làm vài xị đế thì bằng giết tao...”
Con vợ thằng Đậu cũng mon men tới xin lập công chuộc tội :
“ Cô Út cứ để con chở nội đi. Con đâu có nhậu nhẹt gì . Con chở thẳng nội tới đó...”
Cô Út chắp tay vái dài :
“ Í thôi thôi, tao sợ cả hai vợ chồng nhà mày lắm rồi. Bữa đó cứ để tao lo...”
Hôm đó ngay từ sáng sớm cô Út đã bắt bác Ba Phi trở dậy sửa soạn tinh tươm. Cô nói người Mỹ lịch sự lắm, khi ra mắt họ, mình phải ăn mặc lịch sự, đầu tóc gọn ghẽ, chào hỏi cởi mở mới mong gây thiện cảm để họ cấp VISA . Bởi vậy mấy hôm trước cô Ut đã bắt bác Ba Phi đi cắt tóc, mua sơ mi, quần tây, cà vạt mới. Giấy hẹn 9 giờ sáng, mới 8 giờ cô Út đã đưa bác Ba Phi tới cổng lãnh sự quán Mỹ Sàigòn. Chờ bác Ba Phi trình giấy vào bên trong cánh cửa sắt to đùng , cô Út mới sang đường ngồi quán cà phê. Một cô gái tóc tém từ đâu xà tới :
“ Chị ngồi chờ người nhà phỏng vấn xin visa ?”
Cô Út gật đầu im lặng. Co gái tóc tém láu táu :
“ Em cũng đang ngồi chờ má xin visa sang Mỹ thăm chị Hai nè. Í mèn ôi, từ chối hai lần rồi, đây là lần thứ ba đó. Em biểu má em thôi đi nhưng bả nhất định xin đi bằng được coi con gái ăn ở sao ?”
Cô Út lo sợ :
“ Tưởng mấy ông bà già họ dễ cho đi chớ ? Có còn trẻ trung nữa đâu mà sợ ở lại bển không về...”
Cô gái tóc tém lớn tiếng :
“ í lầm chết. Chính mấy ông bà già mới hay ở lại làm người nấu nướng, dọn dẹp, trông trẻ cho mấy gia đình có tiền. Chị thấy ở VIỆT NAM mấy ông bà già chỉ ăn nhờ con cháu thôi. Sang bển đi làm giúp việc cho người ta vừa cơm ăn hai bữa vừa hàng tháng có tiền tươi khỏi đóng thuế...”
Cô Út chợt nhớ bà chị họ ở mãi trên Boston, hai vợ chồng cùng đi làm tối ngày lại có hai con nhỏ chẳng biết xoay xở sao, may có người giới thiệu một bà có tuổi nhưng tay chân còn cứng từ Việt Nam sang thăm họ hàng muốn ở lại đi làm vài ba năm kiếm ít dấn vốn về quê dưỡng già. Thế là bà già được bà chị họ cô Út thuê mỗi tháng ngàn rưởi đô la chỉ ở nhà quét dọn và trông coi hai đứa nhỏ.
Cô tóc tém lại nói :
“ Phỏng vấn vầy khó lắm, 10 người nó đánh trượt tới 8, 9 …”
Cô Ut lo sợ :
“ Sao khó vậy ?”
Cô tóc tém ra vẻ hiểu biết :
“ Thì nhân viên lãnh sự bao giờ chẳng nghĩ dân mình sang bển rồi ở lại luôn. Chừng nào mình chứng minh ngược lại, thuyết phục mình quay về thì họ mới OK…Em nghe người ta đồn ai mà gặp được ông Mỹ chính gốc còn có cơ may , còn gặp vận xui, vớ phải cô Mỹ gốc Hàn hay gốc Phi là rớt cái chắc. Mà nghe nói họ gài máy ghi âm với camera theo dõi đó. Kỳ trươc có ông bị nó quay suốt cả tiếng đồng hồ, sau nó cũng OK, cho giấy hẹn lấy VISA, ngờ đâu chả tức quá, lúc đi ra cổng chưởi thề, “ĐM con Mỹ đen, hỏi gì hỏi kỹ vậy ”, nào ngờ nó nghe được , gọi điện thoại, chặn ngay ngoài cổng, huỷ giấy hẹn mới ghê, thế là hư bột hư đường hết trơn…”
Cô Ut lè lưỡi :
“ Í mèn ôi, sao có người dại dột vậy. Mình đã đi xin thì phải luỵ người ta chớ. Mà này, tôi hỏi thiệt, liệu ... đi cửa sau được không ?”
Cô tóc tém tròn mắt :
“ Cửa sau là sao ?”
“ Là … mình đưa phong bì ấy mà…có phong bì chắc nó OK …”
Cô tóc tém la chói lói :
“ Ay chớ…ấy chớ…Mỹ là không có cái vụ “hễ có phong bì là nó thanh kiu ” đâu. Luật nó nghiêm lắm, nhận của ai cái gì dù chỉ cái kẹo thôi cũng bị đuổi việc ngay lập tức..”
Chuyện “không nhận phong bì” cô Ut ở bên Mỹ đã biết tỏng, nhưng cô tưởng ở cái xứ này , công cũng biến thành quạ, Mỹ cũng … đòi phong bì , “gần mực thì đen” mà. Bởi vậy cô đã dự tính nếu bác Ba Phi bị từ chối không được cấp VISA thì cô sẽ nhờ anh bạn luật sư ở Sàigòn “chạy”…cửa sau, giờ nghe cô tóc tém nói vậy, cô thở ra, chán ngán :
“ Phải chi nó chịu ăn tiền cũng đỡ . Mất vài trăm đô nhưng tía tôi được sang thăm Mỹ cũng đâu có sao.”
Cô tóc tém dài giọng:
“ Tôi nói chị nghe, nếu chịu mất tiền mà đi Mỹ được thì ở cái đất Sàigòn này có cả ngàn người. Có bà nọ vợ ông Giám đốc đó, phỏng vấn trượt lên trượt xuống vẫn xin phỏng vấn nữa, ba bốn lần rồi mà vẫn ham. Bả nói giờ mất cả chục ngàn đô mà được giấy đi thăm Mỹ bà vẫn chịu chi. Vài trăm đô ăn thua mẹ gì...”
Co Ut thắc mắc :
“ Sao báo chí cứ nói cái gì không mua được bằng tiền thì cũng vẫn mua được bằng nhiều tiền kia mà ?”
Cô tóc tém reo lên :
“ Chị ở Mỹ cũng biết câu này à ? Câu này của ông Năm Cam ngày xưa, chỉ đúng với người Việt đằng mình thôi…”
Cô Út lắc đầu thở dài. Cô vén tay áo coi đồng hồ. Mãi gần trưa bác Ba Phi mới xuất hiện ở cổng sắt. Nom bác đỏ mặt tía tai, mồ hôi mồ kê y như cầy đồng giữa trưa . Cô Ut vội vàng chạy tới, kéo bố vào quán cà phê, vừa quạt vừa hỏi dồn :
“ Sao tía ? Có được không tía?”
(còn tiếp )
0 nhận xét