Nhà văn Vũ Huy Quang
(Hoa Kỳ)
(tiếp theo)
Lần trang sử cũ, thì đây là đời sống thợ thuyền trong xã hội thời đó:
“Trong các hãng xưởng người ngọai quốc làm chủ ở Quảng Châu (Canton), Thượng Hải, Hán Khẩu, Thiên Tân cùng các thành phố khác, công nhân ở đó sống và lam lũ trong những điều kiện không khác công nhân ở Anh vào thời kỳ mới chớm của cách mạng kỹ nghệ. Đàn ông, đàn bà, cả trẻ con lao động, cho đến bây giờ (H.R.I viết lúc ở Thượng Hải 1931), họ vẫn làm 12, 14 và 16 giờ với đồng lương thấp là 8 jin (chinh - xu) 1 ngày, không có chút bảo đảm an tòan nào cho mạng sống hay vệ sinh tối thiểu. Một hệ thống ác độc cung cấp không ngừng cho hãng xưởng sinh lợi bằng cách thu dụng cả trẻ con lao động thường nhật là 18 tới 20 giờ một ngày, để đổi lấy bát cơm và mảnh ván để ngủ […] và không ai biết số tử vong của những người này.”(nếu người ta nhớ vật gía thời đó: 5 jin (chinh-xu) mua được 1 qủa trứng. 10 chinh là một hào (fen). Mười hào (fen) là một yuen. (nguyên - đồng). Gía thuê 1 căn hộ lúc ấy là 5 yuen/tháng.)
Đấy là vật giá Thượng Hải (và các tỉnh kỹ nghệ) trong thập niên ’30: Thượng Hải là thành phố có 3 triệu dân, với dân số từ thôn quê khổ cực đổ về không ai thống kê được. “Hàng năm số tử thi hài nhi, con trẻ vứt ra đường là 50,000, là số xác nhặt được trên đường phố Thượng Hải. Lưỡi cày gỗ vẫn có cùng với đường xe lửa. Xe người và súc vật kéo chạy cạnh xe hơi. Cùng lúc, tăng trưởng kỹ nghệ tạo nên giai cấp vô sản mới. Cuối 1916, có gần 1 triệu công nhân kỹ nghệ toàn quốc, số lượng tăng gấp đôi vào năm 1922. Tại các mặt trận Âu châu, có tới 200,000 lao động Trung quốc hiện diện ở đó. Họ học đọc, viết tiếng ngoại quốc cũng từ đó. Điều quan trọng, là họ thấy tận mắt đời sống công nhân Âu châu, cùng mức sinh hoạt của những người này.” Đó là mầm mống nổi dậy tại Trung Quốc. (The New Awakening, H.R.I, trang 41-2)
Cuộc nổi dậy của công nhân bị Tưởng giết tàn nhẫn không tưởng tượng được tại Thượng Hải (4-1927), NHL cho là vì lỗi Cộng Sản:
1/ Cộng “nổi dậy sớm qúa”.
Trước khi có nổi dậy Thương Hải, công nhân đã nổi dậy khi chưa có Cộng. 1905 tẩy chay hàng Mỹ, 1919 sinh viên công nhân nổi dậy chông Hòa Ước Vesailles ở Bắc Kinh…đã có Cộng sản ra mặt đâu? (Năm 1921 Trần Độc Tú mới lập Đảng CS).1926 công nhân tẩy chay bốc rỡ hàng Anh ở Quảng Châu, “Hương Cảng” thành “Thối Cảng” rồi thành “Tử Cảng”…đã có Cộng nào xúi bẩy đâu:
“Chiếm lĩnh Nhượng địa Anh ở Hán Khẩu là hành động đột xuất của công nhân, ngày 3 tháng Giêng 1927. Họ nổi dậy “không có lãnh đạo, dù từ chính quyền, dù từ Quốc Dân Đảng, hay từ đảng chúng ta…” (Lettre de Shanghai, Paris do Nassonov, Fokine, và Albrecht, Paris, 1927.)
2/Khen Tưởng “có tài cầm quân”.
NHL dẫn chứng Tôn Văn bảo,”Mất 100,000 quân không thiệt hại bằng mất con người ấy (Tưởng)”. Nhưng năm 1923, Tưởng qua Moscow học quân sự. Năm 1924 về, là lúc trường Hòang Phố thành lập, được làm chỉ huy trường. Tôn Văn mất 1925, cho đến lúc đó Tưởng đã đánh trận nào đâu để Tôn Văn phải khen,”có tài cầm quân”? Để đánh Mao có 140,000 quân gốc nông dân trang bị chắp vá, Tưởng có 900,000 quân, dùng chiến thuật gọng kìm với cố vấn là tướng Đức Von Seeckt cùng 300 oanh tạc cơ…không kết qủa gì!
3/ “Học gỉa nào ở Tây phương cũng nhận rằng Tưởng có nhiều đức, có tư cách”.
Thực ra, Tưởng là con rắn 3 đầu:
Rắn Cerberus canh cửa Địa ngục có 3 đầu.
Đầu 1 quay sang phải, trông như Thái Kỷ Đạo, chủ trương bảo thủ của QDĐ ở Quảng Châu, vừa tán thành thuyết cộng tác Quốc Cộng của Borodin, vừa chống cánh Tả QDĐ của Uông Tinh Vệ, vừa sát hại ngầm đại diện Cộng sản Trung quốc. Thuộc nhóm “Tây đồi” của Tôn Văn, chỉ “theo thuyết Tam Dân”, không nhìn nhận Macxít, cho là ngoại lai.
“Tháng Năm 1926, Tưởng Giới Thạch đến trước Đại Hội Lao Động Tòan quốc ở Quảng Châu, nơi có 500 đại biểu của 400 nghiệp đòan cùng đại diện của 1,240,000 tổ chức công đòan, trong đó có 800,000 thành viên đã tham gia hàng trăm họat động chính trị kinh tế từ tháng Tám năm ngóai, Tưởng trơ trẽn đứng trước các đại biểu công nhân, y tự xưng là “tiểu đệ” (shun ti) với công nhân. Y la to, “Thời này, công–nông nên kết đòan tại Quảng Châu, cùng đánh đuổi bọn phản-cách-mạng, củng cố nền tảng chính quyền quốc gia. Nếu thế, ai cũng thấy là công nông sẵn sàng cùng chiến đấu chống đế quốc, bằng sức mạnh của chính các đại ca ở đây, chẳng cần quân đội.” (“Tragedie of Chinese Rev.” tr. 88)
Đầu 2, giống Tưởng, to tiếng tuyên bố cách mạng quốc gia, cách mạng theo thuyết Tam Dân, và cách mạng vô sản thế giới…là một. Đây là cách lấy lòng Comintern mà Stalin là tiếng nói tối hậu. Nhưng Tưởng chỉ muốn làm cách mạng ngoài miệng, thực tâm chỉ thích tàn sát mỗi khi công-nông nổi dậy. Công nhân bị tàn sát vì họ không phòng bị, bị lừa rằng Tưởng ủng hộ họ làm cách mạng. Tưởng tàn sát họ để làm gì? Bảo vệ họ khỏi “họa Cộng sản”?
Đầu 3, Ngoài chủ trương nịnh nọt lừa đảo công nhân, Tưởng xin tham gia làm hội viên Quốc tế Cộng sản, nhưng mục đích chỉ cốt được trợ giúp tài vật cùng súng ống viện trợ của QTCS để tạo sức mạnh quân sự cho y. Tưởng đảo chánh ngay trong tả phái Quốc Dân Đảng để củng cố độc tài quân sự. Thấy Liễu Chung Khải bị ám sát, Uông Tinh Vệ, Tống Khánh Linh…phải bỏ chạy. Súc mạnh Tưởng chiếm được, chỉ để cho mình, dùng để ủng hộ giai cấp tư sản mại bản, buốcgioa Trung quốc.
“Đức” của Tưởng? Xin hỏi các xác chết công nhân ở Hán Khẩu, Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải. (Xác chết công nhân nổi dậy, chỉ ở Quảng Châu (Canton, thủ phủ Quảng Đông) đã đếm được, là 5,700 xác, bó lại như bó củi trên xe bò, đem đi chôn sau tàn sát của QDĐ - Lý Tế Thâm ngày 20 tháng Ba, 1926).
“Tài” của Tưởng? NHL viết,”Ngay kẻ thù của Tưởng, một tướng Nhật, cũng khen:”Tưởng Giới Thạch hơn hai nhà độc tài châu Âu là Hitler và Mussolini nhiều (sic) rất nhiều (sic). Mặc dầu ông ấy chống lại Nhật muốn giải thoát Mãn Châu để ngăn cản sự bành trướng của Nhật, nhưng chúng tôi không thể không nhận rằng ông ấy có tài, giỏi (sic).”(tr.613 Nguyễn Hiến Lê,“Sử T.Q”).
Có lẽ câu này là một câu nịnh sơ hở nhất, dù là tướng Nhật hay tướng Mỹ nào đó mà NHL viện dẫn. Hitler và Mussolini đều hùng biện, có tài vận động quần chúng, thành cao trào một thời. Tưởng làm sao so sánh nổi? Tưởng chỉ đi đêm và được sự ủng hộ của các Bố Gìa trong Xã Hôi Đen, được tay chân chúng là đám du côn Thượng Hải, Quảng Đông họat động cho, để làm Mật Vụ khủng bố cho Tưởng. Tưởng cũng chỉ khéo lấy lòng Tôn Văn…Có vận động nổi cao trào quần chúng bao giờ? Tưởng có bao giờ muốn chống Nhật? - Nếu có, sao có sự biến Tây An? (là vụ Trương Học Lương đã bắt cóc Tưởng, làm Tưởng phải thề thốt kháng Nhật.)
“Tư cách” của Tưởng? Xin hỏi các bố gìa Hòang Ứng Vĩnh, bố già Đỗ Đại Nhĩ, các xóm ăn chơi…cùng các băng đảng ngầm buôn thuốc phiện, các găng tơ chứa thổ đổ hồ ở các thành phố kỹ nghệ, nhóm “Thanh đảng” giúp Tưởng thanh toán Nghiệp đòan, lùng bắt thanh niên tham gia cách mạng cho vào các nhà tù, như nhà tù Long Hoa. Cũng xin hỏi các chủ nhà băng, các tư sản mại bản đã đóng góp tiền cho Tưởng ra sao. Chuyện xảy ra ở khách sạn Majestic đêm 18 tháng Ba, 1926, gọi là “Majestic dinner”, một đêm đánh dấu thỏa thuận của Tưởng với giới tài phiệt Thượng Hải, Tưởng đã được chia chác thế nào, lấy được bao nhiêu tiền đóng góp của tài phiệt. Sau đó, Tưởng ra lệnh cấm công nhân tranh đấu, đình công!
Sự thê thảm của Cách mạng Trung quốc là gì?
Là một cuộc cách mạng vô sản kiểu Mao, vừa theo QTCS, vừa không được Stalin ủng hộ (Stalin chỉ ủng hộ Tưởng). Mao bị Tưởng đuổi chỉ có trường chinh…đến Diên An; chạy xong thì Tưởng chạy ngược ra Đài Loan…thành Mao chiếm được cả Trung quốc. Mao theo thuyết Stalin, “xã hội chủ nghĩa trong 1 xứ” - xứ nào theo thuyết Mácxít theo kiểu riêng nước ấy…tùy địa phương, tình tự dân tộc của mình một cách tài tình - vừa theo thuyết cộng tác giai cấp (4 giai cấp), để đẻ ra chính quyền Mao từ 1949 cho đến nay.
Chính quyền Mao này, chả phục vụ “giai cấp” nào cả, chỉ phục vụ “giai-cấp-Đảng” thôi; khởi đầu chủ trương lấy nông dân làm sức mạnh, (nông thôn bao vây thành thị). Nhưng sức mạnh nông dân đóng góp không cho nông dân hưởng kết qủa, nên đời sống nông dân không thay đổi gì; đến nỗi thời Đặng Tiểu Bình, ở Trung quốc số phận họ vẫn là, “nông dân thật nghèo, nông dân thật khổ, nông dân thật nguy hiểm.”
(còn tiếp)
0 nhận xét