Open top menu
Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012



                                             (tiếp theo)




Tập “Ký sự  Cao Lạng” dầy hơn trăm trang hoàn thành ngay trong không khí chiến thắng của chiến dịch Biên giới tháng 9 năm 1950 bởi thế nó được coi như minh chứng mẫu mực về “lý thuyết sáng tác kịp thời” của Đảng. Quả thực đi sâu vào Ký sự Cao Lạng, người ta nhận thấy “tính kịp thời” của nó. Với cảm hứng “hồ hởi” phấn khởi, Nguyễn Huy Tưởng phác hoạ toàn bộ diễn biến chiến dịch từ chuẩn bị tới kết thúc lúc quân ta thắng lớn, đánh tan hai binh đoàn thiện chiến Pháp bắt sống hai quan năm của Pháp là Charton và Lepage giải phóng cả một giải biên giới từ Cao Bằng tới Lạng Sơn.
Ký sự Cao Lạng gồm 6 phần trong đó 2 phần đầu mô tả không khí chuẩn bị nhộn nhịp của quân dân Cao Lạng “tự vắt mình để dốc hết người và của vào trận đánh”, dù hết sức khó khăn gian khổ nhưng đâu đâu cũng “ thấy hiện lên tinh thần phấn khởi, hào hứng, đâu đâu nghe những tiếng hò hẹn, động viên nhau “quyết giật giải của Hồ Chủ tịch , quyết thi đua lập công, trận này phải thắng…”. Phần thứ ba ghi lại cuộc chiến đấu mở màn , trận tấn công đồn Thất Khê, nhiều gương anh hùng xuất hiện : Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, La Văn Cầu chặt tay bị thương khỏi vướng víu xông lên đánh bộc phá . Cho tới nay chuyện anh hùng La Văn Cầu tự chặt tay mình vẫn còn được nhắc tới, riêng chuyện Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai thì không, có lẽ vì sự tích phi thường này phải nhường cho anh Bế Văn Đàn người dân tộc, cho phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng trong khen thưởng thành tích chiến đấu. Điều này cho thấy những chất liệu Nguyễn Huy Tưởng viết trong Ký sự Cao Lạng  thường được lấy từ …báo cáo thành tích thi đua của các đơn vị bộ đội và vì phải  phục vụ cho công tác tuyên truyền  nên nó thường được thêm mắm muối và phóng đại.
Gương anh “Trần Cừ lấp lỗ châu mai” cũng tương tự như gương em bé đuốc sống Lê Văn Tám tẩm dầu vào người chạy vào đốt kho xăng Nhà Bè do nhà sử học Trần Huy Liệu “sáng tác” phục vụ công tác tuyên truyền theo sự xác nhận của Giáo sư Phan Huy Lê.
Phần 4 và 5 ghi lại cuộc vận động chiến của bộ đội đuổi theo và nghiền nát hai binh đoàn thiện chiến của Pháp tại vùng núi Khua Luông, Quý Châu. Phần 6 ghi lại không khí chiến thắng tại vùng Cao Lạng trong đó nổi bật hình ảnh Hồ Chủ tịch đến thăm bộ đội :
 “ Bác không đứng trên lễ đài. Bác đi thẳng xuống bãi cỏ. Bác không đội mũ. Mặt Bác sạm phong trần. Đầu hoa râm đã bạc nhiều. Bác mặc áo hở ngực. Quần bác nhàu, chân bác đi dép cao su trắng, đứt quai sau. Bác đến với bộ đội như cha đến với con : vui vẻ, thân mật, tạo một nguồn phấn khởi mạnh mẽ…”
Đọc tới chi tiết tác giả ca ngợi “chiếc dép cao su trắng đứt quai sau” của bác Hồ, người ta mới hiểu vì sao trong tất cả những bộ tuyển tập và toàn tập về Nguyễn Huy Tưởng và trong tất cả những bộ lịch sử văn học , bao giờ người ta cũng nhắc tới Ký sự Cao Lạng   như là một thành tựu không chỉ của riêng Nguyễn Huy Tưởng mà còn là của chung nền văn học cách mạng. “Hình tượng bác Hồ” không phải hiếm hoi trong sáng tác Nguyễn Huy Tưởng. Tháng 9 năm 1950 ông hoàn thành “Ký sự Cao Lạng” thì trước đó vài tháng vào dịp “sinh nhật Bác 19 tháng 5” ông có bút ký “Hồ Chủ tịch năm nay”  sau này cũng được đưa vào các bộ tuyển văn học. Bài viết kể lại nhân ngày sinh nhật Bác tác giả vinh dự được tới thăm nhà Bác trong rừng  chiến khu Việt bắc :
“ Một con đường sạch và dài dẫn tôi vào. Tôi có cảm tưởng đi giữa một công viên Hà Nội với rất nhiều péc-gô-la. Sự thực hai bên tôi toàn là rau rền, rền xanh, rền tía, rền đỏ; giàn toàn thị  là giàn mướp, giàn bầu. Một vài giàn mướp đã trổ hoa vàng, bướm lượn tíu tít . Máy bay không làm vẩn trước sau lễ chúc thọ. Chiều hôm nay bình tĩnh lắm. Sau một trận mưa, trời bắt đầu hửng nắng. Ánh hồng trên các thân cây…”
Sắp được vào nhà Bác, tâm sự tác giả thật phức tạp :
“ Tôi lâng lâng vui, đồng thời cũng ngài ngại, cái ngại dĩ nhiên của một người sắp đến trước một vĩ nhân. Tôi đã được gặp Cụ ở Bắc Bộ phủ , ở các cuộc mít tinh, ở mấy cuộc hội nghị, những buổi dạ hội tại Nhà hát Lớn  Thủ đô. Nhưng từ ngày kháng chiến, tôi không được gặp Cụ và bị kích thích mạnh mỗi khi nghe các bạn kể lại những chuyện về Cụ :” Cụ đánh bóng vô lê. Cụ tăng gia, Cụ đi kinh lý mặt trận . Cụ đem cái vui và niềm tin đến cho bao nhiêu hội nghị . Cụ tiễn chân các cán bộ tới thăm Cụ một buổi chiều lẫn lộn cây cối và mưa gió của chiến khu …Cho nên lần này  đi chúc thọ Cụ , tôi vẫn có cái náo nức của những buổi đầu tiên gặp Cụ…”
Rồi Nguyễn Huy Tưởng nhớ lại kỷ niệm một đêm ở hội nghị dân quân, các nhà văn, nhà báo xúm nhau viết chuyện anh hùng của bộ đội và nhân dân, chuyện tàn ác của giặc Pháp các đại biểu đã kể lại trong hội nghị. Mọi người hăm hở viết suốt đêm trắng, hoàn thành “năm chục truyện căm thù và anh dũng” để kịp tinh mơ sáng hôm sau đưa cho người du kích cưỡi ngựa chạy đi …dâng Bác.  Sau cùng Nguyễn Huy Tưởng cũng kể tới giây phút đặt chân vào nhà Bác :
Vườn rền dẫn đến một khu rất đông người , nhiều cây và rất nhiều khoảng nắng. Chỗ nào cũng có thiếu nhi . Chúng nhảy tung tăng. Chỉ nhìn theo chiều mắt lóng lánh của chúng cũng biết Cụ ở chỗ nào. Và tôi gặp Cụ. Một cái bắt tay. Chụp ảnh. Những nụ cười chung quanh. Tôi trở về với gia đình…”
Khi mọi cảm giác hồi hộp đã tan biến, Nguyễn Huy Tưởng đã tưởng như ở nhà mình, ông mới tả Bác :
“ Trán Cụ chiều nay không có nét răn. Nước da hồng sáng . Bộ áo kaki cũ và mềm, phơn phớt trắng hồng càng tôn nước da và làm cho cử chỉ thoải mái, thanh niên. Có một cái gì quyến rũ trong đôi mắt thẳm sâu, phản ánh những khóc cười của dân tộc…”
Quả thực những văn thi sĩ quán quân về ca ngợi Bác như  Tố Hữu “Bác ơi trán bác mênh mông thế ?” hoặc Chế Lan Viên gọi Bác là “ Người đi tìm hình của nước” …cũng chưa ai bằng được Nguyễn Huy Tưởng có một chi tiết thật đắt nhìn thấy “sự khóc cười  của dân tộc” trong đôi mắt sâu thẳm của Bác.
Tiếp đến Nguyễn Huy Tưởng tả phòng khách của bác :
Bao vây Hồ Chủ tịch là cả Việt Nam thu gọn do những đại biểu muôn vẻ muôn mầu….”
Trước hết phải kể đến cán bộ cao cấp : Cụ Tôn Đức Thắngngười công nhân lão đại”, ông Trường Chinh “ nhỏ nhắn nói chuyện vui vẻ”, ông Phan Anh thấp, vững “ đang nghĩ tới một tập Kiều tặng Cụ”,  ông Hoàng Quốc Việt nhanh nhẹn như một gia trưởng”…Rồi đến đại biểu thanh, công, phụ  trước hết là…thiếu nhi. “Thiếu sinh quân. Thiếu nhi nghệ thuật. Thiếu nhi địa phương. Cháu nhìn Bác không chớp mắt. Cháu bên vai bác nũng nịu. Cháu ngồi dưới chân Bác , nghểnh cổ há mồm. Cháu biếu bác một bài hát. Cháu dâng bác một cây sáo mộc…”. Rồi đến anh hùng lao động, anh hùng của vùng tạm bị giặc chiếm…”Lá cờ đỏ thêu chỉ vàng “vạn thọ vô cương” chói lọi gian phòng…”
Nguyễn Huy Tưởng tả Bác vui với thiếu nhi thì thấy Bác giản dị, gần gũi  nhưng khi nói tới lá cờ “ vạn thọ vô cương”  thì lại thấy Bác như một…Hoàng Đế. Không hiểu “ lá cờ đỏ thêu chỉ vàng “ này có thật không hay là NHT đã…bịa ra để “nịnh khéo” Bác, có điều từ đầu đã ca ngợi Bác là “giản dị vô cùng” vậy sao còn bầy đặt ở phòng Bác một lá cờ viết chữ Hán rắc rối vậy thì quần chúng công nông hiểu làm sao ?
Rồi cụ Hồ ngồi nói chuyện với một anh chiến sĩ cụt tay trong đại đoàn 308 viết :
Tôi không nghe rõ câu chuyện giữa Cụ và người chiến sĩ, chỉ thấy sau lưng Cụ, cửa sổ tròn, để lọt một mảnh trời sao lấp lánh…”
Tới đây người ta thấy được cái “thủ pháp nghệ thuật” hoặc nôm na là “cái mẹo ca ngợi “ của Nguyễn Huy Tưởng. Khi vẽ chân dung bác Hồ ông thường gắn với khi thì sự khóc cười  của dân tộc khi thì cả một trời sao…
Cuộc chúc thọ bác Hồ tạm lắng để nhà văn NHT có thể nhìn thấy cả một mảnh trời sao sau lưng bác, mãi đến khi “ông Trần văn Giàu  đọc những điện văn của các chính phủ, đoàn thể các nước bạn chúc mừng ngày lục tuần đại khánh của Cụ, phòng họp mới trở lại cái tíu tít ban nãy”. Lúc này người ta nghe thấy “ những tên Staline, Hồ Chí Minh quyện nhau trong một tinh thần quốc tế mà cảnh sum vầy ở góc trời này , hôm nay càng làm bật ý nghĩa thâm trọng”,  nghe thấy “ những lời hô khẩu hiệu “,” bài hát Hồ Chí Minh muôn năm cất lên vang lừng”…Hoá ra người vinh dự nhất được  cụ Hồ bắt tay trong buổi chúc thọ lại là linh mục Phạm Bá Trực, ngày đó  còn đang thay mặt quốc hội.
“Cụ bước lại bắt tay cha Trực rồi nói :
“ Tôi bắt tay Quốc hội tức là bắt tay toàn dân…”
Chỗ này mới thấy tính “mặt trận” của cụ Hồ – cụ bắt tay một linh mục làm hả dạ giáo dân nhưng cụ lại nói cụ bắt tay “quốc hội”; như vậy mấy ông “sư quốc doanh “ cũng không có gì phải ghen tị.

                         (còn tiếp)

Tagged

0 nhận xét