Open top menu
Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012


                                         (tiếp theo)

Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhớ tới Nguyễn Đình Thi trước tiên người ta  nhớ trường ca “ Người Hà Nội “ bất hủ, dường như nó đã trở thành “ bài hát chính thức” của bao nhiêu thế hệ người Hà Nội dù còn ở lại thủ đô hay đã đi khắp bốn phương trời. Nhớ tới Nguyễn Đình Thi, người ta nhớ tới “Đất nước“,“Lá đỏ”, “Nhớ”…. Và chắc còn ít người biết tới lời nhắn gửi của ông qua bài thơ để lại trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng :

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khoá
Tất cả cửa nhà tôi đó
ngổn ngang qua tạm cuộc đời

      
                     (HẾT PHẦN NGUYỄN ĐÌNH THI )

       Người “Sống mãi với…Hội Nhà văn

                             Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng 
        
 Hoạ chân dung Nguyễn Huy Tưởng , nhà thơ Xuân Sách hạ mấy câu :
                        “ Anh chẳng còn Sống mãi
                          Với Thủ đô – Luỹ hoa
                          Để Những người ở lại
                         Bốn năm sau khóc oà…”
Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Tưởng viết sau cách mạng nếu kiên nhẫn đọc cho hết, tuy không “khóc oà “ thì cũng…sụt sịt.
Trên bầu trời văn học của Đảng, Nguyễn Huy Tưởng được coi là vì sao sáng, trên chiếu văn của nước Cộng hoà XHCN VN, Nguyễn Huy Tưởng ngồi dãy đầu, trên cả Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…chỉ dưới có Trường Chinh và Tố Hữu.
Ông quê ngoại thành Hà Nội, sinh 1912, xuất thân nhà nho, 30 tuổi mới viết được Đêm hội Long Trì - tiểu thuyết “feuilleton” ( đăng báo nhiều kỳ) ( 1942-43 ), Vũ Như Tô, kịch lịch sử “feuilleton”( 1943-44), An Tư , tiểu thuyết cũng “ feuilleton” ( 1944-45).
Đêm hội Long Trì”  xoay quanh tội ác Đặng Mậu Lân, em trai Đặng thị Huệ , vợ yêu của chúa Trịnh Sâm.  Chúa có con gái yêu là Quỳnh  Hoa cũng phải ép gả cho tên dâm tặc này khiến quận chúa buồn phiền mà chết. Nguyễn Huy Tưởng “ hư cấu “ ra một viên tướng tài là Nguyễn Mại vào tận phủ giết Đặng Mậu Lân và được chúa chẳng những tha bổng mà còn khen thưởng trong tiếng hoan hô của nhân dân. “Đêm hội Long Trì”  thực ra là truyện dã sử, viết vội đăng theo kỳ báo, thiếu hẳn  tầm khái quát để thành  tiểu thuyết lịch sử có giá trị văn chương.
Kịch lịch sử Vũ Như Tô  còn có chất tư tưởng hơn . Kiến trúc sư Vũ Như Tô bị tên hôn quân Lê Tương Dực bắt vào cung ép xây “Cửu trung đài” cho hắn cùng lũ cung nhân vui chơi. Thoạt đầu Vũ Như Tô khước từ  vì không muốn mang nghệ thuật  phục vụ bạo chúa.  Thế rồi Vũ Như Tô gặp nàng cung nữ Đan Thiềm , nàng xui rằng :
Đây là lúc ông nên mượn tay vua mà thực hành mộng lớn của ông. Vua và đám cung nứ kia sẽ mất đi nhưng tác phẩm của ông sẽ còn lại đến muôn đời. Dân ta nghìn thu được  hãnh diện . Hậu thế sẽ xét công cho ông và nhớ ơn ông mãi mãi…”.
 Nghe lời Đan Thiềm, Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài với niềm say mê nghệ thuật không kể đến bao nhiêu đau thương chết chóc của hàng vạn con người. Rồi nhân dân nổi lên trừng trị hôn quân, đốt cháy Cửu Trùng đài đẩy Vũ Như Tô vào cơn mê hoảng :” Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm !Ôi Cửu trùng đài…”. Bi kịch của Vũ Như Tô thực ra chỉ là bi kịch của một kiến trúc sư muốn mượn tay bạo chúa xây công trình nghệ thuật lưu hậu thế, lấy cứu cánh là “cái đẹp”  biện minh cho phương tiện “dã man”. Bởi  thế hình tượng Vũ Như Tô chỉ là một “ca đặc biệt” của người kiến trúc sư  chứ chưa khái quát được thân phận người nghệ sĩ khao khát sáng tạo trong một xã hội hà khắc, tự do bị bóp nghẹt ; giá trị nghệ thuật của kịch Vũ Như Tô chính vì thế  hạn chế.
Tiểu thuyết lịch sử An Tư  lại mở ra một không gian rộng hơn. Đó là thời vua Trần Thiệu Bảo , quân Nguyên sang cướp nước ta. Cuốn truyện đề cập tới hầu hết các nhân vật lịch sử : Hưng đạo vương Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản …các sự kiện lịch sử như Hội nghị Diên Hồng, trận chiến trên sông Bạch Đằng…về phía quân Nguyên thì có Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi…và hai nhân vật chính là công chúa An Tư và tướng Chiêu Minh Vương Trần Thông. Hai người này vốn yêu nhau và đã đính hôn nhưng Thoát Hoan mang 50 vạn sinh mạng tù binh để đánh đổi lấy An Tư. Triều đình buộc phải chấp thuận. Thế là nàng công chúa tuyệt sắc , tài hoa và giàu lòng yêu nước đành gạt nước mắt vĩnh biệt người yêu sang trại quân Nguyên làm vợ kẻ thù. Tướng Trần Thông trúng tên chết ngay trước ngày quân ta đại thắng, công chúa An Tư hổ thẹn không muốn nhìn mặt ai lẳng lặng nhảy xuống sông tự vẫn. Cuốn truyện dầy có 115 trang mà dàn trải đủ các nhân vật, các sự kiện trong một thời kỳ chống ngoại xâm hào hùng nhất của dân tộc đồng thời lại muốn đi sâu vào bi kịch cá nhân của công chúa An Tư, và tướng Trần Thông , bởi thế người đọc thấy rõ sự sơ lược và tuỳ tiện trong việc đưa các tình tiết lịch sử vào truyện – dường như có cũng được mà không có cũng không sao. Cuốn sách lại vẫn dừng ở truyện dã sử hơn là một pho tiểu thuyết lịch sử như các nhà phê bình quốc doanh gán cho nó.
Vậy là sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng trước cách mạng chỉ có 3 tác phẩm loại “thường thường bậc trung “ , thiếu hẳn “một cuốn để đời” như  Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan…hoặc một sự nghiệp đồ sộ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…
Tham gia cách mạng rất sớm, năm 1942, Nguyễn Huy Tưởng gia nhập Văn hoá cứu quốc , năm 1945 dự Đại hội Tân Trào, năm 1946 kết nạp Đảng, vào quốc hội , năm 1949 vào Tiểu ban văn nghệ trung ương của Đảng…Tham gia cách mạng vậy, Nguyễn Huy Tưởng gần với nhà chính trị hơn là nhà văn.
Ấp ủ chủ đề tài Hà Nội kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng viết khá nhiều nhưng thất bại. Năm 1948, ông viết kịch “ Những người ở lại ” kể gia đình bác sĩ Thành với quan hệ tình ái giữa bác sĩ Thành và Ngọc Cẩm  rồi Ngọc Cẩm lại “quan hệ với” Phủ Dương…làm người đọc thấy kịch của ông chịu ảnh hưởng quá rõ kịch Lôi Vũ của Tào Ngu . Chính Nguyễn Huy Tưởng sau này cũng thừa nhận giá trị của vở kịch Những người ở lại :” Những chuyện nhỏ gia đình , công chúng ngày nay đi xem đều thờ ơ lãnh đạm. Kịch Những người ở lại chỉ nói lên được cái băn khoăn của vài cá nhân không nói lên được  những băn khoăn  của quần chúng cho nên đối với công chúng bấy giờ, kịch của tôi đã đặt ra những vấn đề không quan thiết tới vận mệnh của số đông…”
Không nói được những băn khoăn của đám đông tức là gián tiếp thừa nhận thiếu sự khái quát. Chính vì căn bệnh đó mà chỉ một năm sau viết  “chuyện nhỏ gia đình” trong “ Những người ở lại” , năm 1950, Nguyễn Huy Tưởng đã mở rộng đề tài sang viết về cả một vệt  chiến trường . Tập “ Ký sự Cao Lạng”  nhằm phản ánh “Chiến dịch Biên giới “ từ lúc chuẩn bị chiến trường , chiến dịch mở màn, các trận đánh quyết định, những ngày truy kích giặc và niềm vui chiến thắng của quân và dân. Tất cả diễn ra khá gấp rút nên Nguyễn Huy Tưởng đành phải dùng lối viết “ghi chép” chứ chưa hẳn đã là “ký sự”. Chẳng hạn bức tranh về tinh thần anh dũng của quân ta :
Những báng súng đập nhau chan chát. Lực dằng  khẩu súng trong tay một thằng Đức cao lớn trên miệng hầm. Cả hai ngã lộn xuống hầm, ôm nhau, đấm nhau, cắn nhau. Lực gỡ ra được, ngồi trên ngực nó, nghiến răng bóp cổ thằng giặc nhầy nhụa mồ hôi…”
Hoặc cảnh đoàn dân công tải đạn ra chiến trường được khắc hoạ nặng về “ca ngợi tình đoàn kết giữa các dân tộc chung một quyết tâm tiêu diệt kẻ thù” :
Mấy chị Mán đỏ khăn áo sặc sỡ, trán cạo nhẵn, nhễ nhại mồ hôi  đang còng lưng đeo sọt đi giữa đám đông. Những chị Nùng áo ngắn tay rộng. Những chị Thổ tay chẽn áo dài. Những anh Mán cao lớn để hồng mao. Số đông áo chàm. Khi tản, khi chụm, khi lố nhố dưới thung lũng , khi thoăn thoắt lên đèo cao , khi tản vào rừng cây chuyển động, khi xoá đi, hoà vào những hàng dài đá xám lởm chởm bên đường, thỉnh thoảng bật lên vải chàm trắng của người đàn bà Mán Lài áo pha mầu đất ,váy nhiều nếp xùm xoà…”
Các chị đi hành quân , dài và lủng củng, ngoằn ngoèo, nối rừng nọ với rừng kia, đèo này với đèo khác , ngày đêm không nghỉ…”
Cứ như thế, toàn bộ tập bút ký giống như những “ký hoạ” thiên về  phục vụ chính trị chứ  ít đi sâu vào tâm tư, tình cảm cá nhân để từ đó phảng phất sắc mầu ‘thân phận con người trong chiến tranh”.

                         (còn tiếp)








Tagged

0 nhận xét