Open top menu
Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012


                            
                                                           (tiếp theo)

“Quần chúng nhân dân” Hà Nội được Nguyễn Huy Tưởng  mô tả thành những con người yêu nước, nóng  bỏng lòng căm thù như vậy, còn giặc Pháp , ngược lại được mô tả như bọn thú dữ uống máu người không tanh :
Cánh cửa mở ra , giữa tiếng kêu hãi hùng của một người đàn bà và hai đứa con luống cuống trong một gian nhà nhỏ tối mờ mờ, đồ đạc đã thu dọn cả, chỉ còn trơ một cái giường. Tên lính Pháp hỏi Việt Minh, người mẹ không biết tiếng Pháp quỳ xuống  chắp tay vái lia lịa miệng van lậy :” Quan lớn làm phúc tha cho mẹ con chúng tôi…”. Tên lính hỏi dồn . Nó nắm lấy tóc người mẹ lôi dậy, gật gật đầu cười …”
Và cái cảnh sau đây, thật chỉ có trong phim…kinh dị :
“ Nhưng tên lính cười gằn , lật mặt người mẹ ngửa ra đằng sau. Cái cổ tròn căng thẳng, thoi thóp, gợn mấy đường gân xanh . Một bàn tay chới với nắm lấy cái bàn tay của đứa con trai chừng năm tuổi. Đứa con gái nhỏ mới hai tuổi giẫy đành đạch hờn với mẹ, hai tay bíu vào cái gấu quần lụa trắng :” Mợ ẵm con…mợ ẵm con…”. Tên lính tháo đôi hoa tai của người mẹ, thản nhiên đút vào túi. Mặt người đàn bà trắng như tờ giấy. , thân oãi cong lên. Môi tên lính rung rung. Nó tuốt lưỡi lê, đâm gọn vào cái cổ, tay nắm tóc buông ra. Đầu người mẹ gieo mạnh xuống sàn gạch . Không một tiếng kêu. Lưỡi lê lại vung lên . Đứa con lớn đứng bên xác mẹ vừa khóc vừa đưa hai bàn tay nhỏ bé lên đỡ. Một ánh chớp loáng. Hai bàn tay vụng dại nắm chầm lấy cái lưỡi  lê đâm mạnh, thọc sâu vào ngực nó…”
Cái cảnh chém giết rợn tóc gáy như trên còn kéo dài cả hai trang nữa khiến người đọc căm thù giặc Pháp đâu chưa biết chỉ thấy khiếp hãi cho ngòi bút của nhà văn dường như cũng đang chấm vào máu  mà viết nên những trang …kinh dị đến mức khó tin. Sau cùng, để “tố cáo tội ác giặc xâm lược ” sâu sắc hơn nữa, ông nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mô tả chi li một cảnh còn kinh hoàng hơn dưới địa ngục mà có lẽ trong văn chương kim cổ chưa ai dám viết :
“ Lưỡi  lê đỏ máu của tên lính hung ác dứ dứ mấy cái rồi đâm phập vào cổ ằng ặc của người thanh niên. Nó xoay nghiêng cái cổ cho máu  ồng ộc chảy xuống cái âu trầu. Mấy ông già run rẩy ngồi thụp xuống nhắm nghiền mắt. Một ông cụ râu tóc đều bạc xô một thằng Pháp đứng sau để chạy. Bên xác người mẹ, đứa con gái khóc bằn bặt không thành tiếng. Bỗng tên lính giết người kéo ông già râu bạc lại. Nó cầm cái âu đầy máu ngầu bọt kề vào miệng cứng đờ của ông cụ nói :” Mày húp đi. Mày húp trước đi. Rồi chúng mày thay nhau mà húp…”. Những tiếng cười  của bọn giết người lại nổi lên trong cái gian nhà lênh láng máu…”
Sự thực tội ác của giặc Pháp ở phố Yên Ninh vào tháng 10 năm 1945 dã man đến đâu rồi đây các nhà sử học sẽ làm rõ, riêng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thật đáng mặt bậc thầy về phương pháp sáng tác tự nhiên chủ nghĩa và xứng đáng được tặng một…cây bút vấy máu.
Tất nhiên vào thời điểm đó vì “yêu cầu chính trị” phải kích động nhân dân Hà Nội căm thù giặc Pháp, những người làm công tác tuyên truyền có thể bịa đặt hoặc thổi phồng vụ tàn sát  để trương biểu ngữ  Trả thù cho 23 đồng bào bị giết ở ngõ Yên Ninh” trên ô tô chạy khắp Hà Nội, nhưng cả 15 năm đã qua đi, yêu cầu tuyên truyền bôi đen quân xâm lược không còn đặt ra nữa, nhà văn khi  đặt bút viết tiểu thuyết cần phải trả lại sự thực cho các sự kiện. Tiếc thay Nguyễn Huy Tưởng không làm được  điều đó, ông vẫn viết đầy hứng khởi theo kiểu…tuyên truyền  y như một nhà báo của đảng đang hoạt động vào tháng 12 năm 1946 chứ không phải nhà văn viết tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” mười hai năm sau đó. Chính vì vậy những sự kiện ông đưa ra có vẻ thiếu xác thực vì  người đọc đã có độ lùi 15 năm sau để nhìn nhận nó.
Chẳng hạn câu chuyện ông kể về nỗi khao khát của đồng bào miền Nam được trốn ra Bắc sau khi thực dân Pháp trở lại chiếm đóng :
Cái hồi vỡ mặt trận Ninh Hoà, quân Pháp sắp kéo đến. Đồng bào không ai lại. Từng đoàn người lũ lượt tản cư, theo nhau băng rừng lội suối đi tìm miền tự do. Có một cụ già tám mươi tuổi cũng chống gậy đi. Mọi người bảo cụ :” Cụ đã già nua tuổi tác, nó dù có tàn ác đến đâu cũng không giết cụ làm gì. Cụ đừng đi cho vất vả . Đường đi nhọc nhằn, cụ sẽ chết dọc đường mất…”
    Cứ tưởng bà lão tám mươi gần kề miệng lỗ, lúc này ham muốn tột  bậc chỉ  là được chết ở quê nhà gần gũi với ông bà, tổ tiên, nào ngờ cụ lại hăng hái :
“ Bà cụ nói: ” Cảm ơn các ông các bà tỏ lòng thương . Nhưng tôi không ham sống làm gì nữa. Chỉ muốn đến những nơi nào không có giặc Pháp , những nơi nào còn có ngọn cờ đỏ sao vàng…”
Rõ khổ, đã “không ham sống làm gì” lại còn bỏ làng bỏ xóm để đi tìm …   ” cờ đỏ sao vàng” thì quả thật thế gian này..chưa hề thấy. Hư cấu quá đà  vậy , ông nhà văn vừa làm khổ “bà cụ” vừa làm khổ cả người đọc. Chưa hết , ông Nguyễn Huy Tưởng vẫn chưa tha cho “bà cụ”, ông bắt :
Thế rồi bà cụ cứ đi. Sau mấy ngày bà cụ đi trong rừng, cụ đã kiệt sức quá. Cụ đã nằm chết ở bên cạnh đường mòn, lối lên đèo Cả. Cụ đã chết trên con đường đi tới tự do…Nhưng nét môi đã rụng hết răng như bằng lòng mình đã thở cái hơi cuối cùng ở trên một miền đất trong sạch , không có dấu  chân quân Pháp…”
Than ôi một bà cụ tám mươi, cái quà tặng nhân đạo nhất ông nhà văn cần mang tới cho cụ lúc đó là một bát cháo nóng cho đỡ đói lòng chứ đâu phải thứ “tự do” ở trên trời và lá cờ đỏ sao vàng ở tận đẩu tận đâu. Mà rồi lúc thở hơi cuối cùng bà lão tám mươi sao còn nghĩ được nơi bà nằm xuống không có dấu  chân quân Pháp ? Lúc đó hoặc chẳng nghĩ gì hoặc nghĩ tới ông bà cha mẹ chớ ? Ông nhà văn tính ca ngợi mà hoá ra lại thành mỉa mai bà cụ . Thế rồi để biến cụ thành “tượng đài của lịch sử”, ông nhà văn “ đắp một nấm mồ chôn cụ, cài  một mảnh giấy chẳng biết bây giờ có còn không , đề mấy dòng :” Mồ một bà cụ đã đi tìm tự do. Đèo Cả ngày 8-2-1946…”
Câu chuyện “bà cụ đi tìm tự do” chẳng biết có được mấy phần trăm sự thực, chỉ tiếc  cuốn truyện của ông nhà văn chưa tới được tay mấy ông trong Viện bảo tàng cách mạng tỉnh Trị Thiên-Huế, nếu không vào cái thời buổi “rút ruột công trình này” họ đã tìm tới tận nơi thực hiện ngay một dự án đúc tượng và xây mộ bà cụ để cho tỉnh có thêm một điểm tham quan du lịch trên đèo Cả.
Để tăng thêm tính lãng mạn cách mạng cho những người tình nguyện ở lại Hà Nôi chiến đấu chống Pháp, ông tác giả đưa ra nhân vật Hiền, nữ sinh năm thứ nhất thành chung, là người yêu của Nhật Tân , một anh tự vệ thành luôn bày tỏ lòng căm thù giặc Pháp. Cô này đã đưa bố mẹ đi tản cư, ra tới bến sông, cô quăng cả xe đạp lẫn các bậc sinh thành để trốn về Hà Nội. Giữa khi phố xá hỗn loạn, xung quanh đầy hòn tên mũi đạn, cô nữ sinh này bỏ bố mẹ bơ vơ quay lại Hà Nội làm gì vậy ?
“ Đứng trên sập, Hiền đang soi vào một cái gương lớn. Hiền là một cô gái mới lớn, mặt bàu bàu hơi to so với khổ người tầm thước.. Chị mặc chiếc áo nhung đỏ , quần xa tanh là , chân đi hài con bướm vàng rung rinh. Đầu Hiền vấn một chiếc khăn nhung lam ,cổ đeo kiềng vàng trơn . Chung quanh Hiền treo lủng lẳng chiếc áo nhung lam,  chiếc măng tô màu tím sẫm và các áo len hoa mùa hoa dâu, màu vàng, màu đỏ….”
Trời đất đang loạn lạc, cô Hiền trốn tản cư  quay về nhà tưởng làm chuyện gì ghê gớm hoá ra để mặc … bộ đồ cưới mà nếu chiến tranh không xảy ra chỉ một tuần lễ nữa thôi cô sẽ mặc nó lên xe hoa. Vừa lúc đó anh chồng sắp cưới là Nhật Tân ghé đến. Chẳng hiểu sao một con người  trí thức tiểu tư sản Hà Nội như anh mà lại hỏi vợ sắp cưới đang mặc đồ cô dâu một câu lãng xẹt :
“ Hiền nghĩ thế nào mà lại thắng bộ cưới vào thế ? Buồn hay vui ?”
Thế rồi lẽ ra trong khung cảnh đầy phập phồng của nỗi chết đang rình sẵn, trong căn nhà giưã khu phố vắng vẻ, đôi tình nhân phải ghì chặt nhau, che chở cho nhau, và đốt cháy nhau trong ngọn lửa của tình yêu trước lúc…tận thế. Đằng này không, ông nhà văn không mảy may cho hai con tim rung động và thổn thức, ngược lại ông chỉ cho hai cái miệng bàn chuyện…chính trị. Nàng thì thổn thức :
Không có gì quý bằng tự do anh nhỉ. Em không thể nào quên được những ngày Quốc Khánh vừa qua, bày tiệc ra đường ăn uống. Em không thể nào quên được những ngày biểu tình hồi cách mạng, đoàn nữ sinh chúng em có hàng nghìn, đều để tóc thề, mặc toàn trắngg, xinh lắm, đi đến đâu người ta hoan hô đến đấy…”
Còn chàng thì cao giọng :
“ Đúng rồi. Đồng bào miền Nam khao khát ngoài này lắm mà họ gọi là đất tự do. Anh kể cho Hiền nghe cái hồi vỡ mặt trận ở Ninh Hoà, quân Pháp kéo đến…”
Rồi cứ thế chàng thao thao bất tuyệt về tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do “ của dân ta khiến cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ đang yêu trong khung cảnh đầy  bi tráng biến thành một cuộc “bày tỏ lập trường yêu nước” giữa hai con người đang căm thù giặc Pháp đến quên cả…yêu.  Những trang viết thế này bộc lộ chất “tuyên huấn” đậm đặc gấp nhiều lần chất “nhà văn” mà Nguyễn Huy Tưởng được mệnh danh và trên hết, nó phơi bày một tài năng văn học không lấy gì làm xuất sắc.

                    ( còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét