Open top menu
Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012




                                        (tiếp theo)

Được “bác Hồ bắt tay”, cha Trực sướng quá, “hát ngay một đoạn thánh ca mừng Cụ “:
“O Remus
Pro Domino notio Ho Chi Minh…
Dominus conservet eum, et
Vìvifice sum et Beetam…”
Ông nhà văn dịch :
Hỡi các giáo hữu ta hãy nguyện chúc cho vị Chủ tịch quý mến của chúng ta Hồ Chí Minh, xin Thiên chúa hằng gìn giữ cho Người, xin Thiên chúa hãy ban cho Người hưởng trường thọ và được hạnh phúc thật trên cõi đời , xin Thiên Chúa hằng hộ vực và che chở Người cho khỏi mọi mưu chước của kẻ thù của Người (cũng là kẻ thù chung của Nhân loại).
Chẳng hiểu tiếng tây tiếng u ra sao, chỉ thấy dịch ra thành bài “lãnh tụ ca” bốc Người lên tầm cỡ  thay mặt nhân loại mới ghê. Nhiệt tình ca ngợi lãnh tụ của cha Trực  đã được  đền đáp kịp thời, được “Cụ nắm  tay rất lâu” vậy hẳn là một ân sủng lớn .
Sau cùng “ân sủng của bác ” cũng tới với nhà văn :
“ Buổi chiều tôi đang ăn cơm, Cụ đến sau lưng, đặt tay lên vai hỏi :
“ Chú ăn được mấy bát ?”.
Chúng tôi hỏi lại Cụ, Cụ nói :
” Tôi ăn được  hai bát…”
Tôi se se trong lòng…”
Nhà văn ngậm ngùi thương Bác “ăn có hai bát cơm” . Rồi cụ Hồ nhắc nhở 4 điểm thi đua giữa các …báo : “ đúng chính trị – văn chương  hoạt bát – ít tếu – hình thức giản đơn”
Cho tới ngày nay, hơn 60 năm sau, báo chí Việt Nam vẫn  tuân theo những chuẩn tắc trên, đặc biệt là “đúng chính trị” – tức tránh né chuyện nhạy cảm, tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, chỉ được phép đưa tin có lợi cho Đảng, cho “ổn định chính trị” .
Sau cùng đã tới lúc nhà văn phải chia tay cụ Hồ với cảm giác :” Nhiều tiếng nói  trong tôi một lúc : Phố Lu – Bắc bộ phủ – Ba Đình - Bác – Chú – Tổng phản công – Tôi ăn được hai bát. Cụ sáu mươi. Cụ đã sáu mươi…”.
Ôi ước gì, Cụ sống lâu vài trăm tuổi. Đó là mơ ước trong sâu thẳm nhà văn  .
Bài “ Hồ chủ tịch năm nay  được Nguyễn Huy Tưởng ghi ngày viết đúng vào sinh nhật lần thứ 60 của cụ Hồ : “19-5-1950”. Hoá ra ở cụ Hồ cái gì cũng vĩ đại, cũng kiệt xuất, cũng thiên tài, chỉ trừ mỗi tuổi thọ là cũng như người đời. Ông nhà văn hình như cũng cảm thấy điều đó nên kết thúc bài viết thật xót xa .
Trong sự nghiệp văn học của Nguyễn  Huy Tưởng, vở kịch Bắc Sơn công diễn năm 1946 và được  báo chí rối rít khen  ngợi : “ Bắc Sơn ra đời đã đặt nền móng cho một nền kịch mới …Bắc Sơn đã cảnh tỉnh cho những người còn nghi ngờ kịch cách mạng  và xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay …”  ( Báo Vì nước – 1946).
Kịch Bắc Sơn viết thế nào mà ca ngợi ghê gớm vậy ?
Kịch lấy cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn làm bối cảnh, thời gian vẻn vẹn có mấy tháng từ lúc khởi nghĩa nổ ra (27-9-1940) cho tới lúc du kích thất bại phải bỏ Vũ Lăng rút lên rừng ( đầu 1941). Diễn tả cuộc xung đột giữa hai phe cách mạng và phản cách mạng qua đó khẳng định cách mạng nhất định thắng, báo hiệu cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám sẽ nổ ra.
Câu chuyện kịch “Bắc Sơn” xoay quanh “ hai phe” đối nghịch trong gia đình người dân tộc Tày - ông cụ Phương , vợ, con trai, con gái và con rể. Cụ Phương và con trai là Sáng hăng hái tham gia cách mạng. Cô con gái là Thơm và mẹ thuộc phe lừng chừng đứng giữa. Chàng rể, chồng của Thơm là Ngọc thuộc phe đối lập, từ chỗ chế giễu cách mạng đến chỗ dẫn đường cho Pháp đàn áp du kích và trở thành một tên Việt gian nguy hiểm. Sáng bị Pháp bắn chết gây cho cụ Phương hiểu lầm bà vợ dắt Pháp về bắn con bèn rút súng bắn vợ. Rất may cô con gái Thơm xông vào gạt ra cứu sống mẹ. Cụ Phương sau khi bắn chết một tên Pháp cũng bị tử thương. Có hai cán  bộ cách mạng  là Thái, Cửu chạy vào nhà Thơm trốn Pháp được cô dấu trong buồng , chờ chồng bỏ đi, Thơm mới chỉ đường cho cán bộ chạy thoát. Sau Thơm theo cách mạng, lên căn cứ tiếp tế muối và báo tin Pháp sắp vây lùng. Vừa lúc đó Ngọc, chồng Thơm mò tới bị Thơm dõng dạc tố cáo bộ mặt Việt gian của chồng. Ngọc rút súng bắn vợ. Nhờ Thơm , quân du kích diệt được giặc Pháp….
Vở kịch “Bắc Sơn” chia đôi hai loại người rạch ròi : cách mạng và phản cách mạng – ngay cả trong quan hệ vợ chồng, người ta cũng có thể bị phân hoá thành hai phe :
Thơm ( nói với chồng) :” Thôi, đến lúc này tôi cũng chẳng còn úp mở làm gì nữa. Vợ một thằng chó săn ( khóc). Sao tôi lại theo anh kia chứ ? Sao tôi với anh ở lại Bắc Sơn kia chứ ? ( khóc nức nở) Anh có phải là người nữa không ? Phải, tôi giúp quân du kích đấy; tôi biết tin anh dắt Tây đến đánh úp, tôi đi báo quân du kích đấy. Tôi đố anh phá nổi quân du kích. Mở mắt ra! Nó sai như con chó, nó khinh như con chó mà không biết đời à ? Các ông đồng chí đâu! Bắt lấy nó. Nó đây rồi…Nó đây rồi…đừng thương nó…”
Thế là cô vợ hô hoán lên cho du kích chạy tới bắt chồng…
Thơm ( lăn xả vào Ngọc hú lên) : Anh em ơi, nó đây rồi. Chú ơi…ông Thái ơi…”
Thế là chồng rút súng bắn vợ và liền đó bị Tây…bắn nhầm chết. Tuy nhiên, sau đó cô vợ – Thơm, không chết , cô vẫn sống để chỉ vào xác chồng mà căm thù :
  Không biết nó đã thấy nhục chưa ? Chỉ tiếc là mình không được xử tội nó…”
Rồi quên cả đau đớn và cũng chẳng hiểu sao lúc này cô nàng lại nghĩ tới…bộ đội :
Tôi chết mất…Quân ta thế nào ?”
Và rồi cô nàng như mê sảng hướng ra mặt trận :
Cho tôi đi xem đi. Chú tôi với em Sáng đang bắn chúng nó đấy. Trường Vũ Lăng ta lại chiếm được kia. Đi mau lên các ông. Các ông cố lên nhớ. Mau lên, có phải cờ ta đấy không ? Được thật rồi…”
Than ôi, ông Nguyễn Huy Tưởng ép uổng “bông hoa rừng” giác ngộ  cách mạng và bày tỏ cái sự giác ngộ ấy một cách lố bịch đến thế . Giữa đôi vợ chồng chẳng hiểu sao không mảy may chút nghĩa tình  phu thê mà chỉ có “cách mạng” hoặc “ phản cách mạng”. Giả dối đến thế . Kịch “Bắc Sơn” đặt “nền móng  cho kịch cách mạng”  như thế đấy . Nó được bốc lên mây xanh . Nguyễn Đình Thi reo hò :
Viết Bắc Sơn, Nguyễn Huy Tưởng muốn bày giãi lòng tin chắc của mình ( vào cách mạng). Không, nghệ thuật với cuộc sống không thể nào rời nhau, nhất là trong lúc này. ..Kịch Bắc Sơn đưa lên sân khấu những sự việc mới, những đám đông, những con người mới của cách mạng : người cán bộ, ông già nông dân khẳng khái, anh du kích, bà cụ coù tấm lòng yêu nước trung thực. Đấy là điều đáng chú ý nhất và cần nhấn mạnh nhất…” .
Nhà phê bình mác xít hơn cả ông Trường Chinh  là giáo sư Hà Minh Đức cũng bốc thơm :
Qua vở kịch Bắc Sơn, lần đầu tiên Nguyễn Huy Tưởng xây dựng thành công những con người mới xuất thân từ quần chúng lao động. Phần lớn họ là những người nghèo  khổ  bị áp bức, vùng lên làm chủ vận mệnh mình…”
Sự thực, đó là một bước lùi vĩ đại, trong khi kịch nói thế giới từ thời Shakespeares đã đưa lên sân khấu những nhân vật khổng lồ với tính cách phong phú và phát triển phức tạp, thì ở Việt Nam vào những năm sau đại chiến thứ hai, người ta mới bắt đầu xây dựng một thứ sân khấu mà tính cách nhân vật bị vót nhọn chỉ còn nhân vật “ta” hoặc “địch”. Nền kịch cách mạng  với “phương pháp sáng tác “ như vậy, nhất định sẽ đưa sân khấu tới…tắc tị. Quả nhiên một loạt vở kịch dẫm theo vết Nguyễn Huy Tưởng như “Chị Hoà” của Học Phi, “ Bức tranh mùa gặt” của Trần Vượng, “Tiền tuyến gọi” của Trần Quán Anh sau này …đều mau chóng vứt vào sọt rác của lịch sử.

                              (còn tiếp)

Tagged

0 nhận xét