Open top menu
Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013



                                                  (tiếp theo)




“Lão già “ cười hềnh hệch :

“ Cộng sản đâu có cấm bia rượu ? Quanh năm ngày tháng liên hoan “mừng công “ , “mừng thắng lợi” , cấm bia rượu để mà hết khí thế hồ hởi , phấn khởi à ?”

Bác Ba Phi trợn mắt :

“ Ấy thế mà có một thời Bộ trưởng công an ra chỉ thị cấm công an uống rượu . Anh nào vi phạm lột lon luôn. Bởi vậy trong các tiệc của công an không có rượu đã đành mà đám cưới , đám hỏi phải giành riêng một bàn chỉ có toàn xi rô để giành riêng cho khách là công an.”

“Lão già” lắc đầu :

“ Cấm thế quái nào mà cấm. Thế nào tụi nó chẳng uống trộm…”

Bác Ba Phi cười  hề hề :

“ Chính thế…lệnh cấm chỉ nghiêm được một hai tháng, sau liên hoan, tiệc tùng, mấy cha công an làm ra vẻ chỉ uống nướt ngọt nhưng cha nào cũng có ly riêng nhậu rượu trong chai giấu dưới gầm bàn. Cứ mỗi lần cụng ly, các cha lại đồng thanh hô lớn :” Chúc sức khoẻ đồng chí Bộ Trưởng”.

Chị Kelly Thi thấy hai ông bạn già ngáp ngắn ngáp dài , thức nhắm không rượu chẳng ai buồn gắp, để thừa mứa trên bàn, vội giục :

“ Kìa…ăn mạnh đi chứ ? Ai lại cất công quay hai con gà từ tối mà chỉ mới gặm có cái lườn, còn bao nhiêu không khéo đổ đi…”

“Lão già” lắc đầu chán ngán :

“ Không có rượu bố ai nuốt được. Kiểu này lát nữa quăng sọt rác …”

Chị Kelly Thi bật cười , đứng dậy đi vào phòng trong. “Lão già” nhìn theo , mắt sáng lên :

“ Con mẻ này chắc nó đi lấy rượu…”

Bác Ba Phi trợn mắt :

“ Rượu đâu mà lấy. Cửa hàng nó cấm bán sau 11 giờ mà…”

“ Cấm bán ngoài cửa hàng thôi. Đâu có cấm trữ trong kho…”

Quả nhiên chị Kelly Thi quay ra xách theo một chai rượu , giơ lên cho mọi người thấy :

“ Chính hiệu…con nai vàng nha…lại thêm tuổi thọ của nó là những 20 năm kia đấy…”

“Lào già “ giật chai rượu , ôm vào lòng vuốt ve :

“ Oh My God… Scotland Whisky… 1 litter… Whisky này mới thứ thiệt đây. Cái anh Hennessy đắt  mấy trăm đô nhưng chỉ được cái sang…sánh sao thứ này…”

Bác Ba Phi khâm phục :

“ Ông chuyên gia rượu tây…”

“Lão già” cười hãnh diện :

“ Bác nói vậy cũng chẳng oan . Xin thưa với bác , trải qua 60 năm cuộc đời , tôi cũng đã nếm đủ mùi…”

Thế rồi “lão già” cất tiếng đọc làu làu như con nít đọc bài học thuộc lòng :

“ Courvoisier, Hennessy, Martel, Remy Martin, Bisquit, Hine, Camus, Denie Mounie, Monnet, Otard, Augier, Comandon, Delamain, Exshaw, Gautier Freres, Prunier, Salignac...”

Bác Ba Phi cứ ù cả tai đâu biết rượu nào với rượu nào. Chị Kelly Thi vội  xua tay cắt ngang :

“ Thôi thôi chuyện đó giành nói với các bợm nhậu. Cả tôi với bác Ba đây đâu có biết quỷ gì…rượu  nào cũng giống rượu  nào. Thôi rót ra …”

“Lão gìa”  mở nắp whisky, xóc xóc rồi rót từng ly. Lão rót rượu long trọng như thày chủ tế tiến hành nghi thức trước bàn thờ Chúa . Sau cùng lão nâng ly rượu lên nghiêm giọng :

“ Hôm nay kỷ niệm đúng 20 năm ngày chị Kelly Thi đặt chân lên đất Mỹ. Đó là một ngày cực kỳ quan trọng, chấm dứt chặng đời khổ ải sang chặng mới  chẳng khác gì địa ngục lên thiên đàng…Nào xin chúc mừng…”

Thật chẳng bù cho cái lúc ăn thịt gà nướng uống Coca, ai cũng uể oải nặng nề như người có bệnh, giờ có tý rượu vào , người nào người nấy phừng phừng, cười cười nói nói tưởng chừng bao gan ruột giãi bày ra hết.

Chị Kelly Thi ngậm ngùi :

“ Từ trại tỵ nạn ở đảo Bidon Mã Lai lần đầu tiên tôi đặt chân xuống phi trường San Francisco trên đất Mỹ mà vẫn tưởng mình nằm mơ. Thôi thế là hết những ngày phơi mặt trên đường Huỳnh Thúc Kháng mua bán đổi chác đủ thứ hàng lạc xoong mong kiếm về được  ký gạo, chai nước mắm, chút bột ngọt. Thôi thế là chấm dứt nỗi sợ giáp mặt công an phường mỗi lần vô nhà kiểm tra hộ khẩu   cứ giương mắt lom lom nhìn vào người mình lạnh cả xương sống. Thôi thế là hết…hết…tất cả những đắng cay tủi nhục phải nếm trải trong suốt 5 năm  sống trong chế độ vừa nghèo khó vừa cay nghiệt. Từ nay một cuộc sống mới đã mở ra tuy chưa biết cụ thể ra sao nhưng chắc chắn cả trăm lần tốt đẹp hơn cái cuộc sống tôi vừa trốn khỏi…”

Giọng nói và vẻ mặt chị Kelly Thi làm bác Ba Phi ngạc nhiên. Nó không phải chỉ bừng rạng lên bởi thứ rượu whisky chị đang uống mà bởi một thứ men nào đó còn làm say hơn cả rượu khiến chị như người nhập đồng khóc đấy cười đấy chẳng khác gì ngọn nến bập bùng trong cơn gió thoảng.

Lúc này đã về khuya, trăng muộn lừng lững nhô lên trên ngọn những cây táo, chuỗi đèn mầu ở đài phun nước vẫn loang loáng toả sáng, dưới mặt nước hồ bơi có tiếng táo rơi tõm nhưng vẫn không phá vỡ không khí tĩnh lặng của khu vườn. Khung cảnh ở đây có cái gì đó rất giống mà lại rất khác với cảnh đêm trăng nơi quê nhà. Nếu như không có tiếng còi xe cảnh sát chợt vẳng tới, bác Ba Phi ngỡ mình đang ở miệt vườn Nam bộ chứ chẳng phải đang trên đất Mỹ nghìn trùng xa cách.

Chị Kelly Thi kể xong tới lượt “lão già” tâm sự  về cái ngày đầu tiên đặt chân tới đất Mỹ :

“ Đặt chân xuống phi trường Los Angeles nhìn thấy mấy anh bạn ra đón cầm trong tay một lá cờ vàng nho nhỏ, tôi biết mình đã thoát cộng sản. Và cả chục năm qua, lần đầu tiên tôi lại được đứng nghiêm hát “Này thanh niên ơi quốc gia đến ngày giải phóng…”. Thôi thế là hết …hết ác mộng khủng bố, hành hạ dưới một chế độ bịt mọi đường sống những con người như tôi. Hết những ám ảnh bị dồn đuổi tới bước đường cùng của những số phận mang nặng quá khứ đen tối và tương lai bít bùng. Tôi vừa hát quốc ca xưa vừa muốn hét toáng lên vang trời : tôi đã thoát…tôi đã thoát khỏi địa ngục trần gian…”

Bác Ba Phi kinh ngạc nhìn những biểu lộ rất xa lạ đối với bác của những con người mà bác tưởng như đã hoà hợp , đã hiệp nhất trong tình đồng bào, đồng chủng.

Hoá ra không hoàn toàn giống như bác nghĩ, những con người như “lão già”, như chị Kelly Thi , những con người đã đào thoát khỏi đất nước để tới xứ Mỹ xây dựng quê hương mới, trong sâu thẳm họ có chung một nỗi niềm mà bác không có, nỗi niềm đó tiếc thay lại là những ám ảnh sâu nặng, gốc rễ khó bề hoá giải được. 

Khám phá mới đó gây nên một nỗi buồn da diết đè nặng trong lòng bác. Bác đứng dậy rời bỏ bàn tiệc và đi sâu vào vườn, ngửa mặt lên trời nhìn ông trăng tròn và căng ngực hít một luồng khí mát rượi.

Bác chợt nhớ tới cô Út, thằng rể, đứa cháu ngoại…lúc này hẳn say sưa giấc nồng. Bỗng nhiên bác hiểu ra vì sao họ đều là gia đình ruột thịt với bác mà trong giao tiếp vẫn có một khoảng cách nào đó mà trước nay bác vẫn chưa nhận ra  khiến bác cứ day dứt, đau đớn mãi . Hoá ra cũng như chị Kelly Thi, cũng như “lão già”, gia đình cô Út cũng có những đặc trưng của cộng đồng cho dù là ruột thịt bác cũng khó lòng mà bước qua để  hoà nhập.

Có tiếng chân lạo xạo trên lá khô.” Lão già” tay cầm ly, tay ôm chai rượu đang chuếnh choáng bước tới. Lão vỗ đánh bốp vào vai  bác Ba Phi, cất giọng lè nhè nhưng vẫn rõ mồn một  :

“ Sao lại bỏ ra đây ngồi một mình ? Ngắm trăng hả ? Không phải ? Không phải ngắm trăng mà…nghĩ ngợi , đúng không ? Tôi biết bác nghĩ gì rồi ? Bác nghĩ về những lời tâm sự của tôi với chị Kelly Thi đúng không ? “

Bác Ba Phi lắc đầu, cười như mếu :

“ Không không…tôi ra đây hóng gió thôi…có nghĩ ngợi  gì đâu…”

“Lão già” lắc đầu :

“ Bác không giấu được tôi đâu. Câu chuyện của tôi với cô Kelly Thi làm bác lạ lẫm chứ gì ? Bác tuyệt nhiên không có tâm trạng đó đúng không ? Bởi vậy bác cảm thấy xa cách với tụi tôi và bác bỏ ra đây ngồi một mình chứ gì ?”

Bác Ba Phi vội vàng :

“ Không không…tôi đâu có nghĩ chuyện đó… mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh chứ ? Ai cũng như ai sao được  ?”

“ Lão già” trợn  mắt :

“ Bác đừng giả đò lảng chuyện . Ở đây không phải chuyện “mỗi nhà mỗi cảnh” , ở đây là sự khác biệt giữa người trong nước và người định cư nước ngoài.  Nhà nước Việt Nam của bác cứ kêu gọi hoà giải hoà hợp, gọi chúng tôi là khúc ruột phương xa … ha ha…khó lắm…khó lắm…may ra tới đời con cháu chúng ta sẽ thực hiện được điều đó. Còn ở tuổi tôi với bác…còn lâu nhé…khó lắm…khó lắm…”

Bác Ba Phi nhìn chằm chằm vào “lão già” cười cười :

“ Rượu nói hay ông nói đấy ?”

“Lão già “ trợn mắt :

“ Rượu nói sao được. Tôi nói để bác rõ nha…một chai Scotland này với tôi đã nhằm nhò quái gì . Mà tôi càng uống càng tỉnh, càng sáng suốt chứ tuyệt đối không nát rượu đâu nhé…”

“ Lão già” rót rượu ra ly ấn vào tay bác Ba Phi :

“ Thôi…uống…uống cái đã…mặc mẹ sự đời…muốn ra sao thì ra…mình là dân đen …là phó thường dân …tôi với bác đâu có lỗi gì đâu…lỗi là ở những thằng lãnh đạo…những thằng quan lớn lèo lái đất nước kìa…tôi với bác vẫn là bạn bè…vẫn là đồng bào đồng chủng…nào…uống…”

Bác Ba Phi cầm ly rượu dốc ngược vào cổ họng. Nỗi buồn làm rượu thêm đắng chát. Bỗng dung bác nhớ tới chuyện dời xưa mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng sinh trăm con – năm mươi đứa lên rừng, năm mươi đứa xuống biển. Bác buồn nhói lên nghĩ rằng  nếu những người ở quê nhà như bác, như vợ chồng thằng Đậu thuộc những “những đứa con lên rừng” thì phải chăng những người như “lão già”, như chị Kelly Thi... lại thuộc về những “đứa con xuống biển” ?

Tuy nhiên khác với chuyện đời xưa, “50 đứa con xuống biển” ngày xưa đã đi mất hút không quay về thắp cho mẹ lấy một cây nhang, còn những đứa con theo bố xuống biển ngày nay hàng năm vẫn về thăm mẹ. Họ về không phải chỉ để thắp nhang mà còn vui chơi, tiêu xài giá rẻ và cái hố ngăn cách trong đàn con của Lạc Long Quân và Âu Cơ không  vì thế mà thu hẹp, ngược lại có vẻ càng ngày càng thêm xa cách.



                                      (còn tiếp)


0 nhận xét