Chị Kelly Thi vui vẻ gật đầu :
“ Đúng vậy đó. Như tôi kỷ niệm sâu sắc nhất khi cộng sản vào Sàigòn là bao nhiêu quần ống loe cắt đi hết . Rồi thì cả nhà có cái Honda Dame chỉ dám đổ xăng để vài ba ngày mang ra đạp máy cho nổ ít phút khỏi hư máy. Rồi thì ngày ngày sợ nhất là tiếng loa cứ eo éo suốt từ lúc mờ sáng cho tới nửa đêm. Cứ mỗi lần có tiếng “chú ý…chú ý…” là giật mình thon thót bởi lẽ nó chẳng báo hiệu điều gì tốt lành ngược lại toàn mang tới tai ương …”
“ Lão già” tiếp lời :
“ Còn tôi ớn nhất hai tiếng “ thông báo…thông báo…” đọc trên loa. Nào thông báo nộp sách báo nô dịch, nào thông báo kê khai tài sản…thông báo ngày giờ địa điểm tập trung đi học tập…Oh My god… tới tận giờ nghĩ lại vẫn sởn gai ốc. Mà sao tụi nó khéo chọn cái con phát thanh viên, con nào con nấy giọng xoe xoé, chua như giấm mà lại cố làm ra vẻ oai vệ, hách dịch…”
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Bây giờ Saìgòn còn chịu nạn loa phường nữa không ?”
“Lão già” cướp lời :
“ Có chớ sao không ? Còn chế độ cộng sản là còn có tuyên truyền, hăm doạ, còn có loa phường ậm oẹ suốt ngày, đúng không ?”
Bác ba Phi gật đầu :
“ Loa phường loa xã tất nhiên vẫn còn chứ hết sao được ? Chỉ có điều bây giờ thời gian phát thanh ít hơn ngày chỉ một hai tiếng …”
Chị Kelly Thi kêu to:
“ Oh My God…mỗi ngày nó hét vào tai người ta một hai tiếng thì sao sống ? Mà thường thường nó phát cái gì vậy ?”
“Lão già” cười ha hả :
“ Thì lại toàn ca ngợi công ơn đảng bác với chủ trương chính sách chứ còn cái gì ? Có đúng vậy không ?”
Bác Ba Phi ngập ngừng :
“ Có mỗi cái lịch cúp điện là tôi chú ý nghe thôi…Còn chuyện khác nghe đâu mà biết ?”
“ Lão già” trợn mắt :
“ Mình không muốn nghe nhưng nó cứ chọc vào tai bắt nghe. Phải nói cái hệ thống loa của nó rất tinh vi. Nó bố trí sao cho nhà nào cũng bị tiếng loa chõ vào, xói vào tai, không muốn nghe cũng phải nghe…”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Mỹ nó giỏi nhỉ ? Tôi đi khắp nơi cấm có thấy cái loa công cộng nào. Mà ở bên này nhà nào nhà nấy cách xa nhau , xung quanh tường kín mít loa nào cho xuể ?”
Chị Kelly Thi giải thích :
“ Bên này mọi thứ cần thiết như dự đoán thời tiết, tình hình giao thông, kẹt xe…đều phát qua radio…ai thích nghe thì mở , không thích thì thôi…”
Bác Ba Phi reo lên :
“ Vậy mới gọi văn minh đó ạ. Còn cứ hét vào tai người ta bằng cái loa công cộng thì chỉ có mấy nước nghèo nàn lạc hậu…”
Trời đã tối mịt. Chị Kelly Thi tắt hết điện thắp toàn nến làm bàn tiệc bày giữa sân trở nên lung linh . Bất chợt “lão già” la lên thất thanh :
“ Thôi chết…quên không mua két bia rồi…”
Chị Kelly Thi thở hắt ra :
“ Cái lão già này vua đãng trí…quên mua bia lấy gì nhậu đây ?”
Lão già cười hềnh hệch :
“Yên trí…yên trí…tôi chạy ra siêu thị mua loáng cái xong .”
Bác Ba Phi chạy theo :
“ Tôi đi với…Hai người mua cho chắc ăn…”
Chị Kelly Thi bật cười :
“ Bác cứ làm như ở Sàigòn không bằng. …”
Mặc kệ, bác Ba Phi vẫn theo “lão già” leo tót lên xe. Hoá ra đã 10 giờ đêm , xe cộ thưa thớt , đường phố vắng hẳn , siêu thị người Việt đã đóng cửa, “lão già” phải chạy qua mấy dãy phố mới tìm được một siêu thị fiesco của người Mễ. Lẽ ra chỉ cần tới quầy bán bia xách đi một thùng Heinecken hoặc Tiger là xong. Đằng này các mặt hàng thực phẩm bày ê hề, ngổn ngang làm bác Ba Phi nổi máu ham, nhặt mua nào thịt heo xông khói, nào filê bò, nào cánh gà…chở đầy một xe ra chỗ tính tiền.
Cô gái Mễ bán hàng nở nụ cười thân thiện và lần lượt đưa các mặt hàng vào máy rọi giá. Nhìn thịt thà , cá mú xếp thành một đống, “lão già” toét miệng cười :
“ Bác định mua trữ thực phẩm phòng bão Katrina hay sao ?”
Bác Ba Phi hồ hởi :
“ Rẻ quá…thịt gà, thịt bò, thịt heo…ê hề mà giá tính ra cũng không mắc hơn ở Việt Nam là mấy…tội gì không mua ăn cho đã…”
Mọi thứ đã tính tiền xong, cuối cùng đến két bia Heinecken được đưa lên bàn . Píp…từ trong máy vang lên một tín hiệu, lập tức cô Mễ bán hàng đẩy két bia trở lại xì xồ một tràng tiếng Anh với “lão già”. Bác ba Phi vội vàng :
“ Chuyện gì vậy ? sao cô ta lại đẩy két bia của mình ra ?”
“ Lão già” nói như mếu :
“ 11 giờ rồi…hết giờ bán bia rồi…máy nó không cho bán nữa…”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“ Rõ rách việc …sao lại quy định kỳ quặc vậy ?”
“ Người ta sợ dân nhậu say xỉn la hét làm mất giấc ngủ bà con ..”
Bác Ba Phi thất vọng :
“ Giờ làm sao đây. Mua một đống mồi mà lại không bán bia, vậy bằng giết người ta. Mà cái con nhỏ Mễ này thiệt kỳ, đã biết có cái luật đó mà không chịu tính tiền bia trước cho mình…”
“Lão già” cười hề hề :
“ Tại mình không bảo nó thì bố nó cũng chẳng biết…”
Bác Ba Phi cố nài :
“ Ông chịu khó tán nó…ông bảo thông cảm đi…nếu không bán bia thì trả lại hết các thứ đã tính tiền, thôi không mua nữa….”
“ Lão già” xì xồ một tràng, cô gái trả lời, “lão già” lắc đầu :
“ Con nhỏ nó bảo các mặt hàng này đã ghi vô máy rồi thôi không trả lại được nữa….”
Bác Ba Phi cố vớt vát :
“ Bác nói với nó mình mua bia trả tiền mặt, lại có tiền “bo” cho nó khỏi dzô máy rách việc…”
“Lão già” la lên :
“ í không được . Làm vậy là gian lận, cố nội nó cũng không dám …”
“ Thì chỉ có nó với mình biết thôi. Chủ đâu có biết mà sợ ?”
“ Không được…bên này nó tự giác hơn bên mình nhiều. Chuyện gì khuất tất là người ta không làm đâu ?”
Bác Ba Phi cười hề hề :
“ Lạ nhỉ ? Bên này có đảng giáo dục học tập theo gương bác Hồ vĩ đại đâu mà sao dân nó tự giác vậy. Chẳng bù cho dân mình, học đi học lại đủ điều “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” mà sểnh ra là ăn cắp …”
“Lão già” gật rối rít :
“ Bác nói đúng đấy…dân Mỹ này chẳng cần học tập trau dồi lòng yêu nước , chẳng cần động viên nhắc nhở con mẹ gì mà ngày lễ ngày hội nhất ngày quốc khánh cứ đua nhau treo cờ chẳng cần ai đôn đốc kiểm tra. “
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Tôi nghe nói dân Mỹ là dân tứ xứ , Hiệp chủng quốc, không “đồng bào”, ”đồng chủng” gì với nhau nên không có lòng yêu nước như người Việt Nam…”
“Lão già” cười hô hố :
“ Nhầm chết…bình thường người Mỹ ít khi nói tới lòng yêu nước … nhưng khi lâm chuyện kiểu như vụ 911 khủng bố cướp máy bay lao vào toà tháp đôi, hoặc thiên tai lớn như bão Katrina…những lúc đất nước bị thử thách vậy mới thấy người Mỹ họ biểu lộ tinh thần yêu nước như thế nào ? Họ siết chặt hàng ngũ xung quanh Tổng Thống của họ, biểu lộ tinh thần “tổ quốc hay là chết”, và tình tương thân tương ái trong cộng đồng…”
Mặc dầu “lão già” hùng biện về lòng yêu nước của người Mỹ nhưng khi phải “nhậu” thịt gà nướng với …coca cola, lão cũng vọt miệng chửi :
“ Tiên sư anh Mẽo…máy móc đến thế là cùng…”
Bác Ba Phi cũng hưởng ứng :
“ Đúng đúng..cứ đúng 11 giờ đêm không bán bia rượu nữa thì thiệt quá máy móc, quá tàn ác…”
Chị Kelly Thi cười rũ :
“ Không quy định vậy để mấy ông bợm nhậu làm loạn cả đêm à ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Như ở Việt Nam bia rượu bán thoải mái, không hạn chế số lượng , không hạn chế độ tuổi, không cấm bán rượu ban đêm, vậy mà có xảy ra chuyện gì đâu ?”
“Lão già” lắc quày quạy :
“ Ối thôi thôi …bác không đọc báo không biết . Thanh niên nó tụ tập uống rượu say sỉn rồi kéo đàn kéo lũ vác mã tấu đi chém nhau loạn cả đường phố kia kìa…”
Quả thực gà nướng, thịt bò rán mà phải “đưa cay” với nước ngọt thì thiệt đúng là cơm tám chan …nước cà. Bác Ba Phi thở dài sườn sượt :
“ Cấm đoán vậy còn nghiệt ngã hơn cả…cộng sản…”
“Lão già “ cười hềnh hệch :
“ Cộng sản đâu có cấm bia rượu bao giờ ? Quanh năm ngày tháng nó mở liên hoan “mừng công “ , “mừng thắng lợi” , cấm bia rượu để mà hết khí thế hồ hởi , phấn khởi à ?”
(còn nữa)
0 nhận xét