Open top menu
Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

                (tiếp theo)




Thế rồi cái ngày má cô mong đợi cũng đã tới. Vào một tối má cô chuyển dạ và lập tức đi tới bệnh viện phụ sản và sanh ngay một bé trai. Những ngày má nằm viện, cô tới ngủ với má. Ông dượng mừng cuống queo cứ chạy ra chạy vào hết nhìn bé sơ sinh lại tới ngồi gần bên má tíu tít hỏi han dường như quên bẵng sự có mặt của cô.
Ngày bé đầy tháng dượng tổ chức ăn mừng rất lớn, khách khứa phần lớn là các ông già diện HO ngồi chật cả hai chiếc bàn kê giáp nhau.
Một ông hỏi dượng trong những ngày còn nằm ở Đầm Đùn có bao giờ tưởng tượng ra được cảnh ngày hôm nay không ?
Cô ghé tai má hỏi nhỏ :
“ Đầm Đùn là ở đâu má ?”
Câu hỏi của cô lọt vào tai một ông ngồi kế bên, ông này cao giọng giảng giải :
“ Đầm Đùn là trại cải tạo nằm trên đường Thủ Đầu Một đi Đồng Xoài , Bình Phước đó…”
Thế là câu chuyện nổ ra rôm rả xoay quanh những ngày mọi người còn bị nhốt trong cái “địa ngục trần gian” đó. Nào là đói ăn, vồ được con cóc con nhái gì cũng nhét vô miệng , nào là lao động khổ sai, đào đá cuốc đất, nào là sốt rét vàng da, bụng ỏng …Nào là chết đủ mọi cách : chết bệnh, chết kiệt sức, chết vì đòn vọt…
Hoá ra chủ đề của bữa tiệc là ăn mừng ngày đầy tháng của bé sơ sinh chẳng ngờ lại xoay sang chuyện “tố cộng”. Mấy lần má cố lái về chuyện sanh con trên đất Mỹ mà không xong, cứ câu trước câu sau, khách khứa lại bàn sang chuyện hồi ấy ở Đầm Đùn. Tuy thế má vẫn rất vui, mặt má vẫn ngời ngời hạnh phúc.
Tất nhiên người nói nhiều nhất là dượng.
Mở đầu, dượng long trọng tuyên bố :
“ Hôm nay, các anh em tụ họp ở đây để chúc mừng một công dân mới  ra đời – một công dân của thế giới tự do, một công dân của xứ sở thiên đường . Sự ra đời của cháu đánh dấu một kỷ nguyên mới  - vĩnh viễn nó không bao giờ phải trải qua những năm tháng địa ngục trần gian như bố mẹ nó hồi trong nước. Nó sẽ thành công dân Hoa Kỳ và lớn lên nó sẽ về nước ở địa vị một thương gia triệu phú, một nhà khoa học lỗi lạc mà cộng sản phải trải chiếu long trọng đón nó…”
Tiếng vỗ tay râm ran. Tất cả mọi người đều vui vẻ tột độ.
Một ông ước chừng ngoài năm chục quá hứng khởi đứng lên quát lớn
:“ Không được…ông nói như vậy không được. Thằng bé này lớn lên phải hơn hai chục năm nữa. Vậy lúc đó có còn cộng sản nữa đâu mà ông đòi tụi nó trải chiếu long trọng đón con ông…”
Dượng cười ha hả :
“ Oh sorry…I’m sorry…Tôi sai…tôi sai…Chiến hữu nói đúng…lúc đó thì làm gì  còn cộng sản…Lúc đó đã là nước Việt Namcộng hoà chào đón tất cả những dứa con lưu lạc trở về Tổ quốc…”.
Dượng như trẻ lại cả chục tuổi. Taycầm ly rượu, dượng đi tới từng người cụng ly và với ai dượng cũng nói :
“ Nào…chúc mừng công dân xứ sở thiên đường…”
Những lúc như vậy thực sự cô thấy dượng rất đáng mến. Đó là một người đàn ông lịch lãm, nói năng có duyên, và nói những lời tử tế, yêu thương làm bất kỳ ai nghe cũng phải dưng dưng cảm động.
Dượng nói về cái nền tảng căn bản để gia đình đứng vững trong mọi  phong ba mọi thời đại để trở thành một bến đỗ tin cậy, an toàn , hậu phương vững chắc cho mọi thành viên trong gia đình chính lại là … sự gương mẫu của bố mẹ.
Các cụ vẫn có câu “nhà dột từ nóc” là vậy, câu đó đúng với ngày xưa, đúng với cả ngày nay và mai sau nữa.
Dượng cao giọng lên tiếng rằng nếu các bậc phụ mẫu nêu gương sáng đạo cao đức trọng thì con cái  trong nhà dẫu có muốn hư cũng chẳng được và một trong những nét cao đẹp nhất trong gương sáng đó chính là sự thuỷ chung, son sắt,  trước sau như một của tình nghĩa vợ chồng.
Chao ôi, cô thấy má cô như uống từng lời của dượng, hai mắt má dưng dưng ngấn lệ, ngay cả cô nữa, cô cũng thấy trong lòng dâng lên một niềm tự hào vô bờ bến khi có một người cha – dẫu rằng chỉ là cha dượng – như thế.
Thật hạnh phúc biết bao khi số phận lấy đi của cô người cha ruột trong lao tù  cộng sản, thì ngay tại thế giới tự do này, dường như trời có mắt, đền bù lại cho cô một người cha dượng đức độ, lịch lãm, hiểu biết và giàu tình thương, giàu lòng vị tha , sẵn sàng hy sinh tất cả cho gia đình đến như vậy.
Dường như cô quên biến cái cảm giác ghê ghê khi ánh mắt dượng quét lên tấm thân trần trụi của cô trong lúc tắm buổi tối hôm nào. Không, hôm đó chắc  dượng chỉ tình cờ đi qua rồi cửa cô quên đóng nên vô tình ghé mắt nhìn vào  không ngờ  có cô đang tắm trong đó nên vội vàng ngó lơ vậy thôi.
Qua cung cách ứng xử của dượng, nhất từ ngày có đứa bé ra đời, cô hoàn toàn tin tưởng ở dượng sẽ là một người cha hoàn hảo, bảo ban, lo toan cả cho cô lẫn đứa em nhỏ xíu mới ra đời.
Cuộc sống gia đình thuận hoà , đầy ắp tình yêu thương cứ như vậy trôi theo ngày tháng. Hoá ra khi đời sống khó khăn, con người phải chật vật  mưu sinh hàng ngày, phải tính đếm “con cá lá rau” chặt chẽ mới đủ sống sót qua ngày như thời kỳ còn kẹt lại Việt Nam thì tình cảm con người mới trở nên chật hẹp, ích kỷ, khó mà có sự san sẻ, nhường nhịn  nhau.
Vậy nhưng khi chuyển sang một xã hội đầy ắp tiện nghi , vật dụng và thực phẩm, hàng tháng không còn phải lo “kiếm bạc lẻ”, “chạy gạo” như sống ở xứ Mỹ, con người ta lúc đó “sướng rồi” thì  lại quan tâm tới việc sống sao cho “tốt hơn” .
Khi đó cái gọi là “uy tín” của mỗi con người bỗng trở nên quan trọng bội phần. Uy tín là cái bao gồm cả tài sản vật chất lẫn giá trị tinh thần, là cái cần phải quan tâm bồi đắp và bảo vệ nó còn hơn cả bảo vệ con ngươi trong mắt.
Bởi vậy để giữ gìn không khí vui vẻ, hội hè, những lời khen lao, ca ngợi thường được hào phóng ban phát và sự chê bai, nhận xét thường bị chốt chặn lại ngay cổ họng không cho thoát ra ngoài miệng sợ gây nên những va chạm không cần thiết đôi khi dẫn tới những tổn thất lớn lao .
Một khi tai đã quen nghe những lời ngọt ngào, miệng đã quen nói những lời tốt đẹp, ai cũng cảm thấy mình đã trở nên các bậc “anh thư”, “quân tử” cả thì lạ thay, con người ta dường như bỗng trở nên tốt hơn, yêu thương gắn bó nhau hơn,  dễ dàng “từ bi hỉ xả” hơn là khi còn sống trong nước.
Hiện tượng này phần nào giống như việc sử dụng thật nhiều những phiếu “bé ngoan” trong một lớp mẫu giáo để kích thích các cháu chăm ngoan, đúng giờ giấc , giữ vệ sinh và quả nhiên chỉ sau một thời gian không dài các cháu đã tiến bộ trông thấy và đạt kết quả rất tốt.
Gia đình cô – gồm má với dượng và cô trong thời kỳ trăng mật của má và thời kỳ má sinh em bé quả là một minh chứng cho sự thay đổi tính cách con người qua hai môi trường Mỹ và Việt Nam.
Suốt trong năm trăng mật của má và em bé ra đời, nhà cô lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười của người lớn và tiếng khóc oa oa của bé mới sinh. Vốn không phải đi làm việc 8 tiếng, ngoài giờ uống cà phê và đọc báo, dượng dành hết thời gian sửa sang, sắp đặt nhà cửa tiện nghi, sơn lại mảng tường đã cũ, thay ổ khoá mới, đặt ti vi tại khắp các phòng trong nhà để cô và má có thể ngâm mình thật lâu trong bồn tắm mà không bỏ qua những show ti vi yêu thích.
Mảnh vườn nhỏ ngày xưa xơ xác toàn cỏ lác thì bây giờ dượng đã biến nó thành một vườn hoa khoe sắc với đủ các thứ hoa lan, cúc, hồng thậm chí cả hoa sen…Ngoài ra dượng còn lắp đặt cả hòn giả sơn, hồ cá, thác nước nhân tạo….Nhà cửa của má con cô hoàn toàn đổi khác kể từ khi có dượng, đâu đâu cũng có dấu vết của bàn tay chăm chỉ , khéo léo của người đàn ông.
Thế rồi như một bài hát cổ “ ngày vui ngắn chẳng tày gang”, bão tố giáng xuống gia đình cô mà dấu hiệu của nó cô đã bỏ qua từ cái hôm cô tắm bị dượng nhìn trộm. Vào một đợt rét tới 15 F, má cô lại quên không đóng tiền gaz, thế là nhà bị cúp ga nguyên một đêm, hệ thống sưởi không làm việc, lò sưởi điện không đủ ấm như mọi khi , người lớn thì chẳng sao nhưng đứa em trai lúc đó mới 4 tháng bị nhiễm lạnh, viêm phổi ngày hôm sau phải đi bệnh viện cấp cứu.
Suốt mấy đêm má nằm bệnh viện với em bé, dượng tuy không ngủ lại nhưng hầu như suốt ngày quanh quẩn bên hai mẹ con. Cô vẫn đi học bình thường và chiều nào cũng chạy xe tới bệnh viện ngồi trò chuyện với má, chơi với em bé  tối mới chịu về. Bệnh tình của em bé đã bớt nhiều, má rất vui chắc chỉ vài ba hôm nữa má sẽ cho em bé về.
Tối hôm đó như mọi khi, dượng đang trong bệnh viện, cô vừa ở đó  về  sục ngay vào phòng ăn mở tủ lạnh và dốc ngược chai Coke vào cổ họng đang khát khô. Cảm thấy trong người hơi mệt mỏi , cô ăn qua loa lát bánh mì với quả trứng ốp lết rồi trở về phòng bật tivi lên coi.
Cô bỗng ngạc nhiên vì trước mắt cô không phải là một mà  hai cái tivi…cô thấy mắt mình díu lại. Buồn ngủ quá. Quái…sao buồn ngủ đột ngột thế này. Cô không kịp tắt tivi cứ thế loạng choạng về giường. Khi sắp sửa ngủ thiếp đi cô bỗng thấy cửa bật mở và …oh my God ..dượng đi vào với cái miệng cười nhăn nhở. Chân tay cô nặng trịch và yếu  xìu,  cô đành nhắm mắt phó thác thân thể cho lão già  nhảy bổ lên người cô, miệng hộc lên vì thèm khát.

                             (còn tiếp)


0 nhận xét