Tương quan giữa lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
(Tham luận Hội nghị lý luận phê bình Tam Đảo 4- 5 /6-2013
Đây là hội nghị “Lý luận phê bình văn học”, có nghĩa là nó thiên trọng về lý luận phê bình của giới phê bình văn học.
Tôi là người sáng tác văn học, đương nhiên có quan hệ với các nhà phê bình. Sự có mặt của tôi trong hội nghị này chủ yếu là để nghe, để học hỏi và hơn hết là cảm thông nhau.
Sở dĩ tôi nói để cảm thông nhau là bởi từ xa lắc ở xứ ta sáng tác và phê bình đã từng là đôi bạn thiếu tri kỷ, đồng thanh bất tương ứng, đồng khí bất tương cầu.
Có một câu chuyện đã trở thành giai thoại tuởng là chuyện vui, lại hóa chuyện buồn. Từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, nghe nói có nhà báo muốn tìm hiểu vào bếp núc của nhà văn. Bữa nọ anh đến thăm nhà văn Nguyễn Công Hoan, hỏi han đủ mọi chuyện, lúc sắp ra về anh nhà báo trẻ đặt một câu hỏi cuối: “Thưa bác, bác thường sáng tác vào lúc nào ạ?”
Nhà văn Nguyễn Công Hoan mỉm cười đáp: “Đêm! Tôi viết vào ban đêm”.
“Dạ, chắc là đêm yên tĩnh, bác viết có năng suất phải không ạ” - “Không phải thế đâu anh bạn trẻ. Tôi chọn viết vào ban đêm, bởi vì lúc đó các nhà phê bình họ đã đi ngủ”.
Bây giờ nếu ai có thì giờ mở xem lại báo và tạp chí từ 1955 đến 1975 sẽ thấy không khí cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa các nhà văn và các nhà phê bình văn học. Tuy vậy nó vẫn còn tỏ ra có sinh khí.
Từ bấy tới nay trải hơn nửa thế kỷ, nối tiếp bao thế hệ, họ vẫn chung sống với nhau trong một ngôi nhà, ấy là Hội Nhà văn Việt Nam.
Và ngày nay tình hình phê bình văn học hầu như đã khác hẳn với nửa cuối thế kỷ 20. Rằng anh đường anh, tôi đường tôi. Sáng tác làm việc của sáng tác, phê bình làm việc của phê bình. Chẳng ai động chạm đến ai. Chúng ta sống chung với nhau trong không khí “ dĩ hòa vi quí”.
Vì vậy, không khí sinh hoạt văn chương phẳng lặng như mặt nước mùa thu.
Tôi xin đi thẳng vào vấn đề ít lâu nay dường như đã có sự quan tâm của xã hội và các cơ quan có trách nhiệm như Bộ giáo dục, Hội Nhà văn, Hội đồng lý luận về văn học nghệ thuật Trung ương… Đó là vấn đề quan hệ giữa lịch sử và văn học viết về đề tài lịch sử. Trong đó Hội đồng lý luận về văn học nghệ thuật đặt ra như quan hệ giữa lịch sử và văn học viết về đề tài lịch sử; quan niệm về giải thiêng. Văn học lấy đề tài từ dã sử khác với văn học lấy đề tài từ chính sử như thế nào. Và nữa tỉ lệ hư cấu trong tác phẩm viết về đề tài lịch sử là bao nhiêu phần trăm cho thỏa đáng.
Những vấn đề này tôi đã phát biểu khá kỹ trong tham luận trình bày tại Hội thảo ngày 15 tháng 12 năm 2012 do Hội đồng lý luận Trung ương về Văn học nghệ thuật tổ chức.
Trước hết ta phải khẳng định một vấn đề có tính muôn thuở là đối tượng của văn học là con người. Vậy thì anh viết theo kiểu gì, bút pháp nghệ thuật theo trường phái nào cũng đều phải lấy con người làm đối tượng. Điều đó có nghĩa là tiểu thuyết đương đại hoặc tiểu thuyết lịch sử cũng không thể đi ra ngoài khuôn thước đó. Nếu rời bỏ con người cũng có nghĩa là văn học đã đến hồi cáo chung.
Điều thứ hai được nhiều người quan tâm là chính sử có tác dụng chi phối tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử như thế nào.
Ở đây không đề cập tới vấn đề lý luận mà tôi chỉ nói về thực tiễn bản thân. Đương nhiên kinh nghiệm không phải là qui luật. Song từ các hệ thống kinh nghiệm sẽ cho phép ta rút ra một điều gì đó có thể soi chiếu vào sáng tác.
Như mọi người đều biết, đối tượng của văn học là nghiên cứu về con người để từ đó có con người văn học. Vậy đối tượng của sử học là gì ? Đối tượng của sử học là nghiên cứu về hệ thống các sự kiện. Do đó, tư duy của văn học là tư duy hình tượng. Tư duy của sử học là tư duy lô-gích. Rõ ràng đó là hai lĩnh vực chuyên biệt, chẳng bên nào phụ thuộc bên nào.
Văn học sử dụng các sự kiện lịch sử làm phương tiện sáng tác. Một khi đã sử dụng nó làm phương tiện, tựa như người ta dùng các loại vật liệu kiến trúc để xây dựng một ngôi nhà, do đó ngôi nhà ấy phụ thuộc vào chủ thể xây dựng. Tức là vai trò của kiến trúc sư, ở đây là vai trò của nhà văn.
Từ đó suy ra nhà văn dùng các sự kiện lịch sử làm phương tiện xây dựng tác phẩm, cho nên họ làm chủ các sự kiện lịch sử đó. Vì vậy các sự kiện lịch sử phải phụ thuộc vào nhà văn, chứ nhà văn không hề phụ thuộc vào sự kiện, dù đó là sự kiện lịch sử.
Ai đó khi viết tiểu thuyết lịch sử phụ thuộc vào các sự kiện lịch sử tới mức để nó chi phối, cũng có nghĩa là nhà văn đã từ bỏ vai trò chủ thể để đóng vai trò phụ thuộc, tức là nhà văn phải làm nô lệ cho các sự kiện lịch sử.
Vậy tôi đã xử lý các sự kiện lịch sử từ trong chính sử như thế nào khi viết tác phẩm.
Ví dụ Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trong thành làm chùa Hưng Thiên ngự và lầu Ngũ Phượng tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía nam… Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại”. Đó là các sự kiện thuộc về năm Canh Tuất (1010).
Tới năm Kỷ Mùi (1019)Toàn thư lại ghi: “Xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm tăng”.
Nhân các sự kiện này, sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn như sau: “Lý Thái tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn miếu chưa dựng, Xã Tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của và sức dân về việc thổ mộc biết chừng nào mà kể? Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư! Vét máu mỡ của dân, có thể gọi là làm việc phúc chăng?...”
Bản thân các sự kiện lịch sử như làm chùa, sửa chùa, cấp độ điệp chưa nói lên điều gì. Nhưng lời bình của sử gia, coi như là định hướng về mặt nhận thức cho hậu thế.
Các sự kiện trên vào những năm đầu của chính quyền Lý Công Uẩn, sử ghi chép quá sơ sài. Tôi triển khai các sự kiện này trong tiểu thuyết khác hẳn với lời bình có định hướng của sử gia. Trái lại, tôi mô tả các đạo tràng để đào tạo sư tăng như là một hệ thống trường sư phạm. Và việc dựng hàng ngàn các chùa làng tựa như các mô hình trường hương sư. Dựng một ngôi chùa làng bằng tranh tre gỗ lạt ở nông thôn cách đây hơn ngàn năm, là điều quá thuận lợi. Bởi lẽ thời ấy, rừng và đất rừng có thể chiếm tới 90% hoặc hơn thế nữa về diện tích đất đai cả nước. Vậy dựng ngôi chùa đất đâu phải là việc tốn kém quá sức đối với dân làng. Sử còn cho ta biết các vua nhà Lý thường có những cuộc săn voi bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay). Và cái tên làng Trích Sài còn lại đến bây giờ, chứng minh rằng nơi đó xưa là cửa rừng.
Tôi nghĩ rằng việc giáo hóa nhân dân tiến bộ về mặt tâm linh cùng với việc khai trí cho con em nông dân là một bộ phận cấu thành trong tổ chức xã hội thời nhà Lý.
Tại ngôi chùa làng, nhiệm vụ của vị tu sĩ có ba chức năng. Thứ nhất là hoằng dương chánh pháp, hướng dẫn dân chúng tu tập để tiến hóa về mặt tâm linh, an định tâm thức. Bởi một xã hội chỉ có thể ổn định được khi cái tâm của dân chúng được ổn định. Chức năng thứ hai của vị tu sĩ là làm nhiệm vụ một ông thầy giáo, dạy chữ để khai trí, khai tâm cho đám trẻ nhỏ con em người nông phu trong làng xã. Chức năng thứ ba của vị tu sĩ trong chùa làng là làm nhiệm vụ của người thầy thuốc. Nhà sư vừa trị bệnh cho dân, vừa hướng dẫn họ biết cách sử dụng các loại cây cỏ để trị bệnh.
Tất cả các chức năng chuyên môn này của nhà sư đều được dậy dỗ trong ba năm học tại các đạo tràng.
Dưới triều Lê Long Đĩnh và đầu triều Lý Thái tổ, phần lớn các xã trưởng còn lập sổ đinh, sổ điền bằng những cuộn dây với những hệ thống nút thắt làm chỉ dấu. Thử hỏi, lúc đó Lý Thái tổ cho mở mang hệ thống trường học trong cả nước như các sử gia mang quan điểm nho giáo giáo thuần túy đòi hỏi, thì lấy đâu ra học trò để học, lấy đâu ra thầy giáo để dạy.
Vị thầy tu chùa làng của nhà Lý thời đó tựa như một cán bộ cơ sở của ta ngày nay. Ta có thể tìm thấy hình mẫu này trong số các quân nhân biên phòng tại các vùng cao như Cao Bằng, Hà Giang. Rất nhiều các đại úy, thiếu tá về xã làm bí thư đảng ủy, chủ tịch xã , giáo viên v.v…
Nhà Lý lấy Phật giáo làm quốc giáo, và sư tăng gắn bó mật thiết với đời sống mọi mặt của người dân, nên mới có cơ sở để nói “ Từ ngàn năm nay Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc”.
Chỉ nói riêng việc giáo dục, từ bước vỡ lòng tới khi có một hệ thống trường học, và hoàn thiện đào tạo tài năng đến bậc tiến sĩ, nhà nước phải hoàn tất rất bài bản trong 65 năm (từ 1010 đến 1075 ).
Bây giờ ta thử khảo sát xem việc Lê Văn Hưu lên án các việc làm của Lý Thái tổ là “vét máu mỡ của dân, có thể gọi là việc làm phúc chăng?”.
Tôi ngờ rằng đây là lời chỉ trích thái quá mang tính vu cáo lịch sử. Và cái tội của sử gia là đã làm thiên lệch nhận thức của nhân dân trong nhiều trăm năm. Ta thấy dưới thời Lê Long Đĩnh dân bị bóc lột tàn tệ, phải bỏ quê quán phiêu dạt đi các nơi làm ăn.
Lý Công Uẩn lên ngôi đã: “Xuống chiếu khiến trong nước những người trốn tránh phải về quê cũ. Đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu, đều tha cho cả” ( ĐVSKTT trang 261, bản in 2004 NXB Văn hóa Thông tin) .
Trong 18 năm cầm quyền, Lý Công Uẩn đã ba lần tha tô thuế, trong đó hai lần tha 3 năm liền, lần thứ 3 cũng tha 3 năm nhưng chỉ tha một nửa. Thử hỏi trong lịch sử cổ kim có chính quyền nào thân dân, thương dân đến như vậy. Và suốt 4 đời vua từ Lý Thái tổ đến Lý Nhân tông(1010- 1128) trải dài 118 năm, dù Lê Văn Hưu có ghét nhà Lý đến đâu cũng không thấy ghi có nạn bóc lột tàn nhẫn, nạn đói rợn người như mấy năm cầm quyền của Lê Long Đĩnh.
Vì vậy cái mà sử gia gọi là “ vét máu mỡ của dân” không thể đánh lừa được người đọc. Càng không lừa nổi người viết tiểu thuyết lịch sử.
Trong khi viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “ Bão táp triều Trần” tôi phải cưỡng lại, nếu không nói là đối lập lại với quan điểm thiên lệch của các sử gia khá nhiều.
Ta phải tin vào lịch sử thông qua sự ghi chép của các sử gia. Nhưng chớ đặt trọn niềm tin vào đó. Đúng như Mạnh Tử đã nói: “Tín tận thư như vô thư” (Hết lòng tin vào sách thà đừng đọc sách còn hơn). Thử hỏi những vấn đề lịch sử nước ta từ cận đến hiện đại mà ta là chứng nhân, vậy ta có thể tin những gì được ghi chép lại trong hệ thống sách vở mà ta gọi là lịch sử được không?
Đó là kinh nghiệm tôi rút ra về việc khảo sát lịch sử trong quá trình sáng tác về đề tài lịch sử.
Cách đây độ một tháng, có một vị Tổng biên tập một Tạp chí khá nổi tiếng có phỏng vấn tôi: “Tư liệu và thông tin lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử có độ tin cậy như thế nào?”.
Tôi trả lời: “ Những tư liệu lịch sử và thông tin lịch sử khi còn yên nghỉ trong chính sử, nó thuộc loại nguyên liệu thô. Còn các thông tin lịch sử trong tác phẩm văn học viết về lịch sử có độ tin cậy cao hơn, nếu xét trên bình diện tổng thể về qui mô mà nhà văn giải mã lịch sử, chứ không đóng đinh vào các sự kiện chết”.
Ta có thể chứng minh điều này qua lời phát biểu của Pautovski sau khi ông đọc tiểu thuyết lịch sử của Alexis Tolstoi viết về Pie Đại đế: “ Xin các nhà sử học đừng giận tôi, nhưng quả tình rằng tiểu thuyết của Alexis Tolstoi đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích về thời kỳ Pi-e Đại đế hơn nhiều công trình nghiên cứu lịch sử”.
Chúng tôi là những người sáng tác, mong sao giới phê bình chỉ ra cho những điều cần thiết từ trong lý luận cổ kim mà các bạn dầy công nghiên cứu. Tôi từng ao ước có những nhà phê bình có tầm cỡ là người thầy của mình. Tiếc thay đó vẫn chỉ là mơ ước. Tuy nhiên tôi vẫn chưa nguôi hy vọng, mặc dù chỉ còn 25 năm nữa là tôi tròn trăm tuổi.
Thật tình trong những năm gần đây đọc một số bài viết của một số cây bút phê bình khiến tôi băn khoăn, không biết nên đặt niềm tin vào đâu. Quả tình là có người đọc chưa thông văn bản đã đặt bút phán một cách hết sức võ đoán, chứng tỏ một tầm hiểu biết rất ư là nông cạn. Lại có người viết phê bình còn không phân biệt nổi thể loại tác phẩm. Cứ thấy trong truyện tác giả viết về cái xưa cũ, liền cho đó là tiểu thuyết lịch sử.
Ngoài ra phải nói không ít cây viết phê bình rất thông tuệ, đủ sức khuấy động văn đàn, đủ sức làm bạn, thậm chí làm thầy cho các nhà văn, nhưng họ không còn đủ hào hứng nhập văn đàn nữa.
Tiếc thay!
Láng Thượng 25.5.2013
(Tham luận viết cho Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ III )
0 nhận xét