Open top menu
Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014




                                 (tiếp theo)

Anh Tấn kín đáo ra dấu cho tôi dìu thằng Minh đi về hướng khác. Lần lượt từng người tản ra. Tôi, Dũng và thằng Minh đi trở về chỗ nằm cũ. Gió buổi ban mai từ hướng biển thổi vào bờ mát lạnh. Chỉ vài tiếng sau tôi đã biết sơ về hòn đảo. Nó nhỏ hơn hòn đảo ngày hôm qua khi ghe chúng tôi ghé vào và cũng có các nguồn nước ngọt từ trong các hốc đá chẩy ra. Cây cối trên đảo thưa thớt nhưng đều là loại cây khá lớn. Các chùm lan Ngọc Điểm hoa tím mọc tầm gửi đó đây trên các cành hoặc trên thân cây cao. Bình thường mà trông thấy hoa phong lan thì chắc chắn tôi sẽ tìm cách để trèo lên gỡ nó xuống cho bằng được nhưng ở hoàn cảnh này thì cũng chẳng thiết gì đến chúng. Gần trưa, ai nấy đều cảm thấy đói bụng. Đi trở lại chỗ chiếc ghe bị sóng đánh tan hoang, vài người chúng tôi cố men theo các ghềnh đá ra được chỗ ghe bể để thu nhặt tất các túi xách phụ nữ, nồi niêu chén bát và ít gạo còn sót lại trong các thùng nhựa. Gạo mang lên bờ, anh Tấn đổ ra đong được cả thẩy là 33 chén vừa đúng với số 33 người chúng tôi có mặt trên đảo. Bây giờ lại ngay cơn nước ròng, trơ ra các bãi cát, bờ đá. Anh Tấn liền phân công chúng tôi người thì đi thu nhặt ốc biển và lật các hòn đá để bắt Cua bắt Còng hoặc Cá nhỏ mắc cạn, người thì thu gom củi khô và nhóm bếp để nấu cháo ăn ngay. Anh Tấn nói mọi người:

- Mỗi bữa chúng ta chỉ nấu một chén gạo thôi. Ba bữa cháo cho một ngày ăn cầm chừng xem sao đã. Chúng ta phải chấp nhận chịu đói một chút. Nhớ là gặp trái cây lạ trên đảo thì đừng có ăn ngay. 

Không có bàn tay phụ nữ trong việc nấu ăn, đám nam giới chúng tôi chật vật khá lâu mới gầy được nồi cháo cho cả bọn. Cũng giống như lúc ở hòn đảo ngày hôm qua, chúng tôi bắt được khá nhiều ốc, cua, cá trong các chỗ cạn. Tuy vậy nồi cháo vẫn loãng vì ít gạo. Ngồi gần bếp lửa, tôi hỏi anh Tấn về vệt máu ở trên mũi và vết bầm nơi gò má anh thì anh cho biết ngay lúc vừa lên tới sàn tàu, khi bọn hải tặc giở trò, anh đã đánh trả lại chúng ngay và chỉ bị khuất phục bởi họng súng lục của gã đầu đảng. Anh nói: " Vết bầm ở gò má là do thằng đầu đảng dùng báng súng đánh vào đó, tới giờ mà anh vẫn còn rêm ". Như vậy chỉ có anh Tấn là người duy nhất trong ghe bị bọn hải tặc đả thương. Cháo nấu chín, chúng tôi múc đều ra cho từng người ăn lần lượt và anh Tấn là người ăn sau cùng. Xong, tôi kiếm một chỗ khuất để xem lại túi xách của Ánh Phương. Hai bộ quần áo cùng các áo ngực, quần lót của nàng còn đây mà bây giờ tình cảnh nàng ra sao không biết nữa? Mở xem lại chiếc bóp nhỏ xinh xắn của nàng, tôi thấy có hai thỏi son môi, một bút chì kẻ mắt, một cái gương soi bé tí nằm lẫn lộn với chai dầu gió Song Thập cùng vài viên kẹo và một lọ nhựa nhỏ đựng ít viên thuốc cảm, thuốc chống ói bên trong. Một phong bì cũ với địa chỉ của anh trai nàng ở bên nước Úc. Tôi cầm xem tấm thẻ Chứng Minh Nhân Dân của nàng. Hoàng Thị Ánh Phương số nhà... phường 12, quận 10. Ánh Phương! Ánh Phương ơi! Tôi gọi nhỏ tên nàng. Ánh mắt của em khi nhìn tôi trong những giây phút cuối trên con tàu Thái Lan cũng như sự đau nhói trong tim tôi khi đó, chúng ta đã là một phần đời của nhau, ít nhất là trong lúc này. Sẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh của em. Bỏ quê hương, xa lìa người thân ruột thịt để trốn chạy bọn Cộng Sản vô luân mà đâu ngờ chúng ta lại sa vào tay bọn hải tặc Thái Lan hung ác. Tội nghiệp thân em quá! Tôi xem lại ảnh của Ánh Phương trên tấm thẻ rồi nhớ lại khuôn mặt nàng trong ngày hôm qua. Ánh Phương hiền lành khả ái mà không lẽ phần số em lại bất hạnh quá vậy sao! Tôi ngồi im, thẫn thờ nhìn ra hướng biển. Con tàu hải tặc Thái Lan khốn kiếp đó đã mang em đi nơi nào rồi? Tôi đã giữ tấm Chứng Minh Nhân Dân đó và nhờ nó cùng các vật dụng trong cái bóp nhỏ mà gần mười năm sau tôi mới tìm lại được Ánh Phương. Nhưng đó là chuyện về sau. 

Cũng theo phân công của anh Tấn, chúng tôi chia nhau thành hai nhóm năm người đi ngược về hai phía để thám sát hòn đảo. Mong rằng trên đảo hoang sẽ có loại cây nào cho trái chín để chúng tôi ăn thêm. Chúng tôi cũng trông thấy các vỏ kem đánh răng hiệu Như Ngọc, vỏ chai xì dầu hiệu Nam Dương ... vất rải rác ở vài chỗ trên đảo. Chúng tôi còn gặp một cái bếp làm bằng ba hòn đá chụm lại nằm trong một chỗ kẹt kín gió. Tro đen, các mẩu củi nấu dở vẫn còn sót nguyên. Trên một tảng đá bằng phẳng ở dưới một tàng cây bóng mát, nằm trơ trọi hai cái chén và một cái nồi nhỏ đầy nước cùng rêu xanh bám chung quanh. Một cái áo kiểu Thanh Niên Xung Phong được máng chặt vào kẽ cành cây ở gần ngay đó. Chiếc áo cũ mốc cứng ngắc. Nó được tay người nào đó máng ở đây từ rất lâu rồi. Những người Việt vượt biên nào đã dùng bữa cơm trên tảng đá ở đây? Chúng tôi đi dọc theo bờ hòn đảo như vậy cho đến khi cả hai nhóm gặp lại nhau. 

- Đảo nầy ở gần bờ thì không có cây trái gì ăn được hết. Không biết bên phía trong thì sao nữa? Một người trong nhóm kết luận. 

Quay trở về chỗ cũ, loay hoay không làm gì mà trời đã bắt đầu xế chiều. Bữa ăn chiều của chúng tôi cũng chỉ duy nhất là món cháo ốc hoặc ăn thêm vài con cua, cá bắt được thôi. Một người chép miệng than phải chi ghe giữ lại được một tay lưới thì bây giờ còn có cái để bắt cá mà ăn. Đương không lại đem cho ghe Phú Quốc hết tất cả. Ai cũng tiếc rẻ nhưng có ai biết trước chuyến đi để mà liệu được!

Hai ngày trôi qua rồi ngày thứ tư và hôm nay là ngày thứ năm chúng tôi đã sống trên đảo hoang. Mỗi khi chiều xuống thì từng con dơi lớn bay ra kiếm ăn từ tàng cây cao nào đó trên đảo. Đây là loại dơi quạ. Thân hình chúng thật to với sải cánh khá rộng. Khi chúng bay vút qua gần chúng tôi, ai cũng thấy rõ đầu chúng như đầu con chó nhỏ với cái miệng há lớn đỏ lòm cùng răng nanh trắng bóc. Có người thắc mắc những con dơi đó bay đi kiếm ăn ở đâu? Nghe tiếng kêu, tiếng vỗ cánh của chúng làm ai cũng sợ chúng đáp bám lên người rồi hút máu của mình. Đêm về trời lạnh, có người lôi còn cả quần áo sót lại của nữ giới ra đắp lên người thay cho chăn nữa. " Có úm chút hơi hám của các em thì thấy ấm hơn nghe mấy cha ", một người trong ghe nói đùa. Hai người tài công cho là sẽ gặp lại vợ họ vì sau khi bọn hải tặc chán chê với đám đàn bà-con gái trên ghe thì chúng sẽ đem họ trở về đây. Nhưng năm ngày trôi qua rồi mà vẫn không thấy bóng hai chiếc tàu Thái Lan đâu, giờ trông mặt họ buồn bã thấy rõ. Ai cũng quả quyết hải tặc bắt đám đàn bà-con gái ở ghe vượt biên thì không đời nào có vụ chúng quay trở lại để trả người. Thêm vào chuyện cháu bé trai con chị Ân nữa. Cứ chiều đến là cháu bắt đầu khóc đòi mẹ vì nhớ và vì đói bụng. Do vậy mà chúng tôi mới biết còn có một thanh niên em ruột của chị Ân đi cùng ghe nữa. Hoàng, tên người thanh niên này cho biết về cháu ruột mình: 

- Tên nó là Sang. Cha nó năm năm trước đây vượt biên mà không ai nghe được tin tức gì cả. Chắc ghe đã chìm hay bị hải tặc gì đó. Giờ thì đến phiên mẹ của nó. Tội nghiệp cho thằng nhỏ! Sang ơi Sang! Mầy đừng khóc nữa. Mầy càng khóc thì càng làm cậu thêm đau lòng, rối trí lắm mầy biết không?

Không còn ghe, chuyện vượt biên của chúng tôi coi như tắt lịm. Bây giờ chúng tôi chỉ cầu mong có ghe, tàu nào đó ghé vào đây để giải cứu chúng tôi. Nếu gặp được tàu ngoại quốc rồi họ sẽ đưa chúng tôi đến một trại tị nạn trong vùng thì càng tốt nhưng trong vùng vịnh Thái Lan này và nhất là chúng tôi đang ở trên một hòn đảo nhỏ xa khuất thì chuyện hy vọng có tàu ngoại quốc ghé vào là điều rất mong manh. Cầu có ghe, tàu nào đó biết có người lâm nạn kẹt trên đảo để đến cứu dù biết sự giải cứu này có thể sẽ dắt chúng tôi vào nhà giam. Thà là vậy mà còn đường sống hơn là chết đói dần mòn ở đây nên, sau khi tập họp tất cả 32 người lại bàn bạc anh Tấn đã quyết định phải đốt các đống lửa thật lớn. Chúng tôi lấy thêm dầu từ dưới lòng ghe bể rồi tản nhau ra đi thu gom các cành cây khô và làm thành hai đống củi khá lớn ở gần bờ biển rồi bắt đầu đốt lửa cho cháy liên tục. Cứ kiếm thêm được củi thì vất ngay vào hai đống lửa để giữ cho nó khỏi tắt. Anh Tấn cũng nói chúng tôi căng các sợi dây để treo quần áo của đám đàn bà-con gái bỏ lại để mong có ghe, tàu trông vào sẽ nghĩ là có phụ nữ trên đảo thì có nhiều cơ may được họ giải thoát hơn. " Mình phải làm vậy thôi ", anh Tấn kết luận. Sau, mới biết suy tính của anh Tấn rất chính xác.

Sáng sớm ngày thứ bẩy có ai đó báo cho anh Tấn biết có bóng tàu lảng vảng ở ngoài khơi xa. Chúng tôi vội vất thêm củi vào các đống lửa đốt chúng cháy to hơn. Bóng tàu hướng vào bờ và cả thẩy là hai chiếc một lớn một nhỏ. Chiếc nhỏ cỡ ghe chúng tôi nhưng là loại tàu đi biển. Hai chiếc này có màu xám đen và không có vẻ gì là ghe đánh cá. Rồi khi chúng đến gần, chúng tôi biết đây là tàu nhỏ của hải quân. Một cây súng đại liên 12 ly 7 gắn ở ngay đầu mũi chiếc lớn và một lá cờ nửa đỏ nửa xanh dương với hình 5 ngọn tháp vàng trên nóc buồng lái của chiếc nhỏ. Vậy, đảo hoang chúng tôi tá túc thuộc lãnh hải của nước Khmer rồi. Chúng tôi chạy vội núp sau các gốc cây lớn trong nỗi lo sợ khi nhìn thấy bốn người Khmer tay võ trang súng AK 47, B 41 và RPD đang từ chiếc tàu nhỏ bước lội từng bước vào bờ. 

Ngay khi vừa đặt chân lên được bờ đảo. Gã Khmer thủ cây súng RPD quỳ một chân xuống, tay y hướng nòng súng lên ngọn các hàng cây gần chỗ ẩn nấp của chúng tôi và khạc một tràng liên thanh. Tiếng súng nổ đinh tai cộng với tiếng cành cây rơi gẫy cùng tiếng kêu táo tác của những con chim trên đảo đã làm cho chúng tôi càng sợ thêm. Chuyện gì sẽ xẩy ra nữa đây? Chúng tôi đốt lửa để mong có ghe tàu biết tình cảnh người lâm nạn trên đảo mà đến cứu. Giờ có người đến thì chúng tôi lại sợ. Kỳ lạ chưa !

Chúng tôi mạnh ai nấy chạy tuốt vào rừng tìm các chỗ kín đáo dưới các gốc cây, hốc đá để trốn. Tôi, Dũng và anh Tấn ngồi núp chung một nơi không xa chỗ hàng ngày chúng tôi thường nấu cháo mà gần đó là hàng dây phơi quần áo mầu mè của đám đàn bà-con gái. Ngồi đây nhìn bốn người Khmer đó mà không biết họ lành dữ như thế nào? Sau loạt đạn súng trường RPD thị uy, bốn người Khmer đi thẳng lại chỗ đặt bếp của chúng tôi. Họ nhìn vào cái nồi cháo trống trơn sau đó đi đến hàng dây phơi quần áo và lật vài chiếc áo chiếc quần ra xem xong họ nhìn chung quanh, miệng thì thào nho nhỏ. Không thấy bóng một người nào trong số chúng tôi, bốn người Khmer chụm vào nhau bàn bạc trong chốc lát rồi một người hướng mặt vào trong rừng gọi lớn:

- Nghe đây, tất cả người Duôn (người Khmer gọi người Việt là Duôn) phải ra bên ngoài ngay. Hai tay đưa phải lên đầu, nghe rõ chưa. Người Khmer nói bằng tiếng Việt và y lập đi lập lại: " Chúng tôi đến đây là để giúp người Duôn. Đừng sợ hãi. Ra ngay đi. Hai tay đưa lên đầu. Nghe chưa? ".


                                   (còn tiếp)

0 nhận xét