In lần đầu ở Sài Gòn năm 1962
Tái bản lần đầu ở hải ngoại năm 2002
***********
DƯ LUẬN VĂN GIỚI TRÊN BÁO CHÍ NĂM 1962
VỀ CUỐN NGƯỜI KÉO MÀN
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN : Nhật Tiến đã dùng một kỹ thuật mới mẻ đối với tiểu thuyết Việt Nam và rất thích hợp cho việc tạo không khí cho Người Kéo Màn, cuốn truyện liên quan nhiều đến sân khấu. Chuyện đối thoại xen lẫn đoạn tả cảnh, gồm có ngoại cảnh, trong hậu trường, trên sân khấu, sau cánh gà, trong phòng hóa trang, tại giàn nhạc, trong phòng xép, ở chỗ kéo màn, dưới hầm nhà..v..v…Mỗi góc cạnh đó tựa như mỗi cái cánh của chiếc chong chóng xoay tít trên một cái trục vô hình là cuộc đời.
DƯƠNG NGHIỄM MẬU : Trong Người Kéo Màn, chính kỹ thuật làm cho người đọc cảm đến rợn người lên về những khia cạnh “thực” chung quanh vở kịch “giả”, mà nếu diễn tả những chỗ đó ra có khi trở thành lố bịch, ngô nghê.
THƯỢNG SỸ: Người Kéo Màn là một tác phẩm rất khá, khá đủ mọi phương diện: bố cục chặt chẽ, văn viết gọn, sáng sủa, nhận xét sâu sắc, trình bầy nhân vật mới mẻ, vô cùng linh động.
BÙI ĐÌNH : Thể tài này tuy không mới lạ gì với văn gia quốc tế, nhưng ở Việt Nam chưa ai dùng. Nhật Tiến đầu tiên đã dám sử dụng nó và biết sử dụng nó.
***********
N G O Ạ I C Ả N H
Thời gian vào lúc xẩm tối. Con đường nhựa từ trung tâm thành phố dẫn đến nhà hát Trung Ương chạy qua những khu thương mại sầm uất rực rỡ ánh đèn và náo nhiệt người qua lại. Xe cộ chạy trên hai chiều nhộn nhịp. Những tà áo mầu phấp phới trong gió mát trên hè phố. Nhiều nhóm người đang rải rác đi về phía rạp hát. Có đôi vừa đi vừa ngả đầu vào nhau thủ thỉ. Có đôi dừng lại hôn nhau trong một góc tối. Tình yêu. Thanh bình . Thế thì phải chăng dĩ nhiên là có hạnh phúc ?
Rạp hát Trung Ương sừng sững chắn ngang ở cuối con đường huyết mạch. Đèn ở đây rọi chói lòa cả một khu vực rộng rãi bao la. Trên những bậc thềm đá từ hè đường dẫn tới cửa rạp, đã thấy xuất hiện nhiều hàng quà bánh xen lẫn với đám khán giả tới sớm tụ tập lố nhố. Bên cánh trái của cửa rạp hát, một tấm bảng quảng cáo rực rỡ nhiều mầu , trên vẽ một tấm màn nhung đã được kéo lên, chính giữa có một hàng chữ cực lớn, viết bằng những nét tài hoa, bay bướm:
Ban Kịch ÁNH SÁNG
lần đầu tiên long trọng trình diễn :
NGƯỜI KÉO MÀN
kịch phẩm bất hủ của tác giả VĂN....( gì đó )
Đằng sau chữ Văn lúc này không đọc được vì bị che khuất bởi bóng đen của cái đầu một thằng bé. Nó mới chừng lên sáu lên bẩy, quần áo rách rưới, chân dẫm đất, một tay nó sờ soạng một cách tò mò trên tấm bảng quảng cáo, còn tay kia bị khoèo chỉ còn thấy đu đưa lúc lắc. Nó bé loắt choắt, cả cái chiều cao của nó chỉ với tới đúng vào cái chỗ có tên tác giả. Mầu sắc lòe loẹt như mê hoặc thằng bé. Nó thích thú xòe cả năm ngón tay ra xoa xoa lên lớp bột mầu. Những mảng mầu bong ra. Bàn tay thằng bé lấm lem và cái chữ đằng sau chữ Văn, tên của tác giả cũng bị nhòe nhoẹt. Vừa lúc đó, ở phía đầu kia của những bậc thềm có tiếng la bải hải :
- Cưng ơi ! Cưng !
Thằng bé hốt hoảng quay người lại nhớn nhác. Một tia sợ hãi vụt thoáng qua vẻ mặt xanh xao, hốc hác. Nó vội vã giơ cái bàn tay lấm lem bột mầu lên trước mặt, rồi sấn tới một đám người đứng ở gần đó, cất giọng lải nhải rền rĩ :
- Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !
Vài người ở sát gần nó vội co cụm lại như tránh né để nó khỏi làm dơ bẩn bộ quần áo dạ hội lóng lánh những hạt cườm. Phía đằng kia vẫn có tiếng gọi, nhưng lần này mang vẻ nóng nẩy, giận dữ hơn :
- Cưng ơi! Tiên sư cha thằng nhãi con mất biến đâu rồi ! Cưng ơi !
Trong chớp mắt, một mụ đàn bà xanh xao, quắt queo, một tay xách cái bị rách, một tay cầm cái roi tre xốc tới. Thằng bé tính vùng lên chạy nhưng đụng phải đôi mắt trắng dã, tóe lửa của mụ đàn bà nên nó dúm người lại, hai cẳng chân run rẩy như bị dính cứng. Tuy thế nó vẫn thều thào được :
- Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !
Mụ đàn bà bây giờ đã túm được nó. Mụ rê nó đi như người ta lôi một con chó ốm. Đến một góc tối, giọng mụ rít lên :
- Tổ cha nhà mày, ham chơi. Từ nẫy được đồng nào chưa ?
Rồi không chờ cho nó trả lời, mụ khoắng một cách thô bạo vào cái túi vải nhỏ đeo ở trước bụng của nó. Chẳng có một đồng xu teng nào trong đó cả. Điều này khiến cho mụ càng điên tiết lên hơn. Mụ quất bất kể chỗ nào lên mình thằng bé và lớn giọng:
- Sư mày! Sư mày! Chỉ là cái giống ăn hại, suốt từ tối mà chưa ra đồng nào. Mày mà còn thế nữa thì tao vặn nốt cái tay kia cho mày biết !
Vừa nói mụ vừa phết cho nó một roi quắn đít cuối cùng và đẩy nó ra khỏi bóng tối. Thằng bé bị du chúi đầu về phía trước loạng choạng suýt ngã. Nhưng nó gượng đứng vững lại được và lủi thủi đi về phía đám đông. Tiếng của nó lại rền rĩ cất lên :
-Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !
TRONGVƯỜN HOA , KHU CÔNG VIÊN
KẾ BÊN RẠP HÁT
Phía cửa công viên, ánh sáng mờ nhạt. Ngọn đèn héo úa lơ lửng trên chiếc cột sắt cao. Thấp thoáng sau khóm lá, bức tượng đá nhô lên giữa mặt sỏi. Từng lớp bụi
nước qua những cái miệng vòi phun lên cao. Tiếng nước lõm bõm rơi vào yên lặng. Âm thanh thánh thót.
Hai người vẫn ngồi hờ hững bên nhau. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ dằn vặt. Phía trước mặt, hí viện vẫn chói lòa ánh sáng.
Thiếu phụ áo đỏ: Thế mà cũng hơn bẩy giờ rồi. Mình đứng lên đi.
Tác giả: Bây giờ anh mới thấy hối.
Thiếu phụ áo đỏ: Mình bảo sao ?
Tác giả: Về vở kịch . Đáng lẽ không nên kết như thế.
Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, rõ vớ vẩn chưa! Mình có nhớ là chỉ có mỗi cái đoạn kết ấy thôi mà mình cũng trầy trợt đến ba, bốn tuần. Tưởng đã xong xuôi, thế mà vẫn lại còn chưa ổn. Chẳng bao giờ em thấy mình bằng lòng với mình cả.
Tác giả: Làm sao anh có thể tự bằng lòng được khi anh biết rõ là mình hãy còn thật là nông cạn.
Thiếu phụ áo đỏ: Ôi, nông sâu biết thế nào mà dò. Em thấy chỉ có chính mình làm khổ mình vì những chuyện không đâu ấy thôi
Tác giả: Sao lại không đâu ! Chính những cái đó mới là nền móng cần thiết cho một tác phẩm.
Thiếu phụ áo đỏ: Hừ, nếu cứ như thế thì mãi mãi mình cũng chỉ đến như thế mà thôi !
Tác giả: (thừ người ) Mình ạ, đáng lẽ anh nên nghiền ngẫm vở kịch lâu hơn nữa mới phải.
Thiếu phụ áo đỏ: Ròng rã trên một năm rồi chưa đủ hay sao !
Tác giả: Càng để lâu anh càng tìm thấy nhiều cái mới lạ.
Thiếu phụ áo đỏ: Thế thì mình cứ ngồi mà ôm khư khư lấy bản thảo suốt đời. Đừng có oán trách ai nữa hết !
Tác giả: Oán thì anh chẳng oán ai hết. Nhưng sự thực là phải như thế. Dục tốc bất đạt !
Thiếu phụ áo đỏ: Em chịu không hiểu được mình.
Tác giả: Anh cũng không hiểu anh nữa. Anh tự hỏi tại sao anh lại có thể trao cho họ một vở kịch như thế.
Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng có sao đâu ! Họ đã nhận lời trình diễn rồi mà.
Tác giả: Bởi thế anh mới hối. Giá như họ khó tính hơn nữa. Phải rồi, đáng lẽ họ nên khó tính hơn nữa.
Thiếu phụ áo đỏ: Em thấy mình luôn luôn tự mâu thuẫn. Ừ, giả thử nếu họ từ chối vở kịch của mình thì sao.
Tác giả: Thì càng.....
Thiếu phụ áo đỏ: Thôi đừng có tự dối mình. Em tin chắc nếu quả thật là như thế thì mình sẽ lại dằn vặt, lại chán chường và lại than thở rằng tìm khắp gầm trời thiên hạ chẳng có lấy được một cặp mắt xanh.
Tác giả: Ồ...mình....
Thiếu phụ áo đỏ: Đó là sự thật, mình ạ.
Tác giả: (im lặng)
Thiếu phụ áo đỏ: Cho nên nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Trên đời này chẳng có cái gì gọi là toàn bích hết. Đúng không ?
Tác giả: Mình nói đúng. Anh không thể viết ra được một cái gì gọi là toàn bích. Anh đã thấy cái nhược điểm đó của anh. Đó là nhược điểm của những kẻ bất tài.
Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, em xin lỗi. Em không có ý ám chỉ mình là như thế.
Tác giả: Đó là sự thực. Mình đã nói sự thực mà.
Thiếu phụ áo đỏ: Có nhiều sự thực chẳng nên nói ra.
Tác giả: Anh không đồng ý. Giữa chúng mình chả có điều gì không nên nói thực với nhau.
Thiếu phụ áo đỏ: Em thì nghĩ khác, Biết sự thực mà không thay đổi được gì thì biết cũng là vô ích. Vậy thì can cớ gì cứ bắt người ta phải nói ra.
Tác giả: Ấy đấy ! Đó chính là nỗi băn khoăn ám ảnh suốt một đời anh. Cứ đánh vật mãi với hai chữ “Sự thực” nên con người cứ trở nên chán chường trong cái thế giới dằn vặt, cô đơn là thế đấy.
Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì tại sao người ta không thể sống vô tư hơn được. Chính sự vô tư mới là điều cần thiết để cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Và cuộc đời cũng chỉ cần những kẻ vô tư như vậy thôi.
Tác giả: Vô tư theo cái kiểu ấy của mình thì có khác gì kẻ sáng mà cứ giả bộ làm đui. Mà nói thế chứ, anh cũng đã làm đui chính mình trong bao nhiêu lâu nay rồi.
Thiếu phụ áo đỏ: Thiên hạ người ta cũng đều như thế hết cả đấy, mình ơi !
Tác giả: Thiên hạ khác, anh khác. Mọi người có thể ai cũng đều biết dối trá, nhưng không phải ai cũng là người cầm bút cả. Cầm bút mà lại dối trá thì đó là một trong những điều tệ mạt nhất ở trên cõi đời này !
Thiếu phụ áo đỏ: Thôi.. thôi... Mình lại sắp sửa tự mâu thuẫn mất rồi. Bởi vì, nói thế chứ nếu như có ai khuyên mình, bắt mình bẻ bút đi thì mình sẽ lại gầm thét như kẻ đã bị xô đẩy oan ức vào trong vòng ngục tù. Thôi, em đã chán ngấy lên vì cái tính cách trái khoáy ấy của mình rồi. Mình đứng dậy đi. Sắp đến giờ trình diễn rồi.
Tác giả: Anh chưa muốn đến. Anh chưa muốn phải chứng kiến những nhân vật trong vở kịch đã bị ruồng bỏ trong ý nghĩ của anh.
Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng em có cảm tưởng nếu ngồi rốn thêm chút nữa thì chúng mình lại gấu ó nhau. Rồi chuyện này qua chuyện kia, cái nhỏ qua cái lớn, mọi sự đều bỗng nhiên trở nên bất ổn hết.
Tác giả: Hạnh phúc của chúng mình chỉ mỏng manh đến thế thôi sao? Mình lúc nào cũng sẵn sàng có ý nghĩ là chúng ta luôn bất đồng ý kiến với nhau !
Thiếu phụ áo đỏ: Em nhận thấy bao giờ thì mình cũng cứ trách người ta trước mà không bao giờ tự xét chính mình.
Tác giả: A ! Vậy thì anh sai ! Vậy thì anh phải tự xét mình ! Em bao giờ cũng luôn luôn đúng !
Thiếu phụ áo đỏ: Thôi, em xin. Cứ coi như là em nói sai. Mình không phải cứ tự đem mình ra mà dằn vặt như thế.
Tác giả: ( Ôm đầu , cúi gục xuống hai bàn tay đặt trên đùi. Một giây im lặng , rồi ngẩng đầu lên, đôi mắt đục ngầu) Cái đau đớn nhất của anh là anh không biếtphải hành động thế nào cho hợp lý cả. Anh vẫn muốn làm vừa lòng mọi người mà không thấy bị dằn vặt . Anh vẫn có thiện chí.
Thiếu phụ áo đỏ: Mình cứ việc làm theo ý muốn của mình. Có ai bó buộc đâu. Tại sao mình cứ tự làm khổ mình như thế ?
Tác giả: Mình không hiểu. Không hiểu gì hết !
Thiếu phụ áo đỏ: Vâng, có lẽ là như thế. Cái đám mây mù cứ lẩn quẩn bao phủ giữa hai chúng ta chính là vì em đã không hiểu gì hết. Em đã cảm thấy quá mệt mỏi về những điều đó rồi.
Tác giả: Mình nói thế là mình đã bắt đầu có ý nghĩ chối bỏ thương yêu và hạnh phúc giữa hai chúng ta à?
Thiếu phụ áo đỏ: Mình tin là em đang có hạnh phúc à ?
Tác giả: ( quay sang nhìn sững thiếu phụ với đôi mắt thảng thốt, rồi sau một lúc lâu im lặng, cất tiếng thở thật dài) : Thôi được, mình đứng dậy đi vào rạp trước đi. Anh còn muốn ngồi lại đây thêm một chút nữa.
Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, không ! Em không tới đó nữa đâu.
Tác giả: Cái gì? Mình nói sao? Mình định không thèm xem vở kịch của anh trình diễn kịch ngày hôm nay sao ?
Thiếu phụ áo đỏ: Em đã tính như thế. Nhưng nhất thiết là không có vấn đề thèm hay không thèm. Anh đừng dùng những từ ngữ như thế cho nó nặng lời !
Tác giả: Dù nói cách nào thì vẫn là em không muốn vào xem một vở kịch do chính người thương yêu nhất của mình đã viết ra. Hừ ! Anh biết mà. Anh biết là đã bị phủ nhận ngay từ người thân cận nhất của mình .
Thiếu phụ áo đỏ: Đừng nghĩ như thế. Em đâu có nhiều đầu óc gì để mà nói chuyện phủ nhận với không phủ nhận. Ngôn ngữ của em rất đơn giản, không có gì rắc rối khó hiểu để cho mình phải ngộ nhận đâu. Em chỉ không chịu được cái hơi người ngột ngạt trong suốt ba tiếng Ïđồng hồ liên tiếp. Thế thôi !
Tác giả.:Mình không phải là loại người không biết chịu đựng để chia sẻ. Mà lại là sự chia sẻ trong một dịp trọng đại như thế này. Nhưng thôi, anh biết rồi, anh đồng ý với mình là vở kịch chẳng có gì hay ho để bó buộc được ai. Anh chỉ buồn có một điều là mình đã không còn nồng nàn ngay cả trong sự ẵn sàng chia sẻ với anh về những hậu quả chắc là chẳng hay ho gì của vở kịch sẽ tạo ra.
Thiếu phụ áo đỏ: Ô! Mình đừng có bi quan. Em tin là vở kịch sẽ thành công. Tên tuổi của mình sẽ lừng lẫy!
(còn tiếp)
0 nhận xét