Open top menu
Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014



            
       

  Ngày xửa ngày xưa, thời bao cấp, người ta đồn  ở một cơ quan văn hoá cấp tỉnh, có một ông thủ trưởng rất ham phát động thi đua viết…báo tường. Chẳng thế mà ông đưa thành chỉ tiêu mỗi đầu người mỗi tuần phải viết ít nhất một bài . Báo hại chàng lái xe, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu làm sao mà viết báo ?  Cái khó thò ra cái khôn, chàng bèn mượn một đoạn thơ của cụ Nguyễn Du , trong đó có câu “ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…” chép ra giấy, ký tên mình  rồi dán lên tuờng coi như đã hoàn thành chỉ tiêu được một tuần.
Báo tường được treo ngay trong nhà ăn tập thể, cứ mỗi lần xuống ăn trưa, thủ trưởng lại ghé vưà đọc vừa khen “tốt tốt”. Bữa đó, thủ trưởng đọc đoạn thơ ký tên chàng lái xe bèn nổi cơn lôi đình, đập bàn quát :
” Mày chửi tao là “đầu trâu mặt ngựa hả ?”.
Chàng lái xe xanh mặt :
” Dạ không ạ, thơ này là của Nguyễn Du đấy ạ ?”.
Thủ trưởng lại càng giận :
” Nguyễn Du là cái … thằng nào để tao báo công an  gô cổ nó lại…”.
Chuyện tưởng đùa , ấy thế mà hồi đó, khi ông Lý Hải Châu Giám đốc NXB Văn Học xin phép in tiểu thuyết Anna Karênina của cụ Tolstôi thì bị “cấp trên’ là đồng chí Lê Xuân Đồng, Phó Ban tuyên huấn trung ương , tức là chỉ dưới có đồng chí Tố Hữu, phán một câu xanh rờn :
” In làm gì cái chuyện ...con đĩ đó…”.
Nhưng như vậy vốn liếng chữ nghĩa còn là…khá, đồng chí Lê Xuân Đồng còn biết được Anna Karênina là một bà có chồng lại còn đi ngoại tình. Còn bây giờ, vốn liếng học hành của mấy “quan xuất bản” xem ra còn thua thời đó nhiều lắm. Chẳng nói đâu xa, cứ hỏi ngay đồng chí nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học  Nguyễn văn Lưu vốn  “nổi tiếng” về vụ đánh  luận văn Nhã Thuyên,  xào xáo chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn  thì đủ biết.
Tôi xin cam đoan, đố đồng chí Lưu viết được đúng tên nhà văn Victor Hugo thì thăng ngay cho đồng chí lên chức …Bộ trưởng văn hoá thông tin thì đồng chí Lưu cũng đành…chịu. Chuyện thực 100 phần 100 , quý vị nào không tin cứ thử gọi điện cho đồng chí nguyên Giám đốc NXB Văn Học đó coi.
Là vì rằng đồng chí Nguyễn văn Lưu vốn là thương binh, văn hoá lớp 10, được nhận về sửa morrasse tại Nhà xuất bản, rồi cất nhắc đi học hàm thụ văn ( mà người đời đã có câu “ dốt như chuyên tu, ngu như hàm thụ”), học xong đồng chí lập thân bằng viết bài đánh…Dương Thu Hương và nhiều người khác.
Từ đó đồng chí Lưu, vốn quê Thanh Hoá nhờ bợ đỡ Giám đốc Lữ Huy Nguyên lên vù vù, nào biên tập viên, nào Trưởng phòng văn học VN và nhảy tót lên Giám đốc NXB Văn Học quốc gia. Khốn nạn cho đồng chí, ngồi cái ghế sang trọng đó , đầu óc lại mù tịt chẳng biết ông Cam (Camus), ông Sác ( Sartre) …là những ma mọi nào, công sức đấu đá thì nhiều, bổng lộc lại ít nên đồng chí GĐ Lưu đành tháng tháng cắp cặp bay vào Sàigòn mang theo cả giấy phép khống chỉ lẫn con dấu để bán cho các “nhà phát hành”. Hỡi ôi, gọi là “nhà phát hành” cho oai, thực ra là các “đầu nậu” sách, trình độ  văn hoá thường dao động từ lớp 8 đến lớp 10, và một trong “tứ đại gia” làm sách ở Sàigòn là Sơn Minh Khai, văn hoá chưa qua bậc thành chung , vốn là lái xe cho chi nhánh NXB Văn Học, phất lên thành đại gia. “Làm ăn” theo cái lối “bán giấy phép” – chẳng đọc, cũng chẳng biên tập, cũng chẳng biết cuốn sách viết cái chi chi- cứ đóng mộc đút tiền vào túi như vậy, hồi đó đồng chí Giám đốc Nguyễn văn Lưu trở nên nổi tiếng là người nói câu “xin lỗi, xin rút kinh nghiệm” nhiều nhất nước.
Thôi thì bỏ qua vụ xào xáo sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn báo chí đã nói tới khá nhiều, rồi đồng chí GĐ Lưu cũng đã “sorry, sorry” tới năm bảy lần. Nào là sorry nhà văn Nguyễn thị Thu Huệ in tập truyện ngắn không xin phép tác giả, nào là sorry nhà thơ Thế Phong, đại diện dịch giả cuốn “ Những bức thư tình hay nhất thế giới” , xuất bản cũng…không xin phép , nào là sorry Cục xuất bản  vì đã in cuốn “ Chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc”trong đó có cả những đoạn chửi…cộng sản vân vân và vân vân…Tuy nhiên quy tội cho đồng chí GĐ Lưu thì kể cũng “oan” cho đồng chí ấy, bởi bận bịu trăm công ngàn việc , thời giờ đâu mà đọc, mà dù có đọc thì cũng đâu có biết ông Nguyễn Ngọc Ngạn là cái ông “ma” nào, ông chỉ biết có mỗi việc…bán giấy phép thôi chớ. Tôi là tội mấy cha “đầu nậu”, chẳng biết mô tê gì cả, cứ sách nào chạy là tới ông mua giấy phép mới khổ thân ông . Mà đã mua là phải…bán thôi, không bán thì lấy gì mà…ăn. Bởi vậy cả một nền xuất bản sách đều được in ra do chọn lựa của mấy ông “đầu nậu” kiểu “tứ đại gia Sàigòn” cả , ba ông Giáo sư, nhà văn , nhà lý luận thì xin cứ …đứng vòng ngoài, muốn coi thì bỏ tiền ra mà…mua. Có vậy thôi. Với cả cũng là tại…cấp dưới, chứ đâu phải “trăm dâu đổ đầu…ông Lưu”.
Cấp dưới ông Lưu có ông Phó Giám đốc Nguyễn Cừ, trong vụ xào xáo Nguyễn Ngọc Ngạn ông nói một câu rất chi là “ lập trường tư tưởng” : “ Thì in sách cho mấy anh hải ngoại để chứng tỏ ta cũng có…dân chủ chớ…”. Thôi thì cũng chẳng trách gì ông Phó Cừ, ông vốn là…Phó phòng hành chính bên Nhà xuất bản Giáo dục, chẳng hiểu “ mua chức” hết bao nhiêu, tót ngay lên cái ghế Phó GĐ NXB quốc gia Văn Học.
Còn bà nguyên Trưởng phòng văn học VN của NXB Nguyễn thị Hạnh lại trả lời báo chí về vụ Nguyễn Ngọc Ngạn một câu rất chi là …”yểu điệu thục nữ” :
” Thì in có…vài trăm cuốn thôi mà, ai đọc…”.
Thôi thì cũng lại thông cảm cho bà Hạnh, bà vốn xuất thân xứ Nghệ, lên được Hà Nội học văn rồi “chạy” được vào Nhà xuất bản Văn học đã là…mệt mỏi lắm rồi. Về được nhà xuất bản, bà Hạnh còn bận việc chồng con, hồi  bao cấp còn phải xếp hàng mua thịt mua sàbông, thời gian đâu mà…đọc sách, bởi vậy chuyện ma chuyện quỷ, ông Ngạn ông Ngọc gì cũng cứ là …duyệt hết, cứ anh GĐ Lưu đã ký bán giấy phép rồi  là bà ký theo liền. Bởi vậy bà mới được anh Lưu o bế, sắp xếp cho cái ghế Phó GĐ chớ.  Mai kia  không hiểu nhà nước có “sắp xếp lại tổ chức” không, chứ cứ để mấy ông mấy bà cỡ này cầm cân nảy mực cho cả một nền xuất bản văn học  quốc gia như thế này, không khéo họ cho in cả “ Những bí mật thành Paris”” Cậu Chó”” Cô giáo Hạnh”….cũng nên.
Nhà xuất bản Văn Học đã thế, đến lượt Nhà xuất bản Hội nhà Văn thuộc Hội Nhà văn VN cũng “lắm chuyện” buồn lòng…cấp trên. Đồng chí Giám đốc kiêm nhà văn Nguyễn Phan Hách vốn sự nghiệp văn chương may ra trong giới còn nhớ được mỗi cái tên truyện ngắn “ Tổ chim sẻ”. Thế rồi khi đồng chí cho xuất bản truyện “ Thượng đế thì cười” của nhà văn Nguyễn Khải tưởng là…ăn chắc rồi, ấy thế mà trên cũng ra lệnh thu hồi, không cho phát hành. Mới đây người ta lại phát hiện ra đồng chí Hách bán giấy phép cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “ Câu chuyện của dòng sông” của Hermann Hersse, dịch giả Phùng Khánh  tức Ni sư Thích nữ Trí Hải,  hồi đó còn sống ở Sài Gòn , thì lại in là Bùi Giáng dịch. Không biết có phải mấy cha “đầu nậu” mượn tên người đã khuất để trốn trả nhuận bút không , chứ ông Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đâu có biết ông Hermann Hersse, bà Phùng Khánh, ông  Bùi Gíang là những…ai ai ? Mà ai đứng tên dịch giả chẳng được, miễn là cứ trả đủ nhuận  bút là OK rồi. Mấy bác “độc giả” cứ tò mò, thóc mách bới ra làm gì . Cứ để yên cho mấy chả còn ngồi vững trên  ghế các Nhà xuất bản chớ. Rõ rách việc…


Tagged

0 nhận xét