Open top menu
Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013




HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA –TẬP II
Sự Thật  không  thể  bị chôn vùi


LỜI  NÓI  ĐẦU

Như đã thông báo trong Hành Trình Chữ Nghĩa cuốn I , cuốn II của tập sách này đã tới tay bạn đọc với  tên  “SỰ THẬT KHÔNG THỂ BỊ CHÔN VÙI”.

Tựa đề này hẳn gây thắc mắc cho bạn đọc : “Sự thật nào đã bị chôn vùi ?”
Xin nói ngay, kể từ khi miền Nam bị mất vào tay Cộng sản, đã có hàng ngàn, hàng vạn con người mang theo những kinh nghiệm sống chất chứa rất nhiều sự thật  hãi hùng trước khi họ bị vùi thây trong rừng sâu, nơi biển cả, hay trong các trại cải tạo..v…v…Những Sự Thật ấy tuy riêng lẻ, tuy xẩy ra ở những thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, nhưng  trong một ý nghĩa nào đó, có thể gói chung vào hai chữ “vận nước” mà phạm vi cuốn sách nhỏ bé này không có ý định đề cập tới.
Ở đây, người viết chỉ nói đến một vài Sự Thật, tuy không lớn lao và hãi hùng như đã xẩy ra trong vận nước, nhưng trong sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại, triền miên trong nhiều năm ròng rã, cho đến nay nó vẫn bị chôn vùi.
Đó là sự thật về những thiện chí của nhiều người muốn đóng góp tâm sức vào công cuộc chung của Cộng đồng nhưng rồi đã bị xuyên tạc, bôi nhọ do ý đồ đen tối của nhiều kẻ chỉ muốn gây chia rẽ hàng ngũ cầm bút hoặc triệt hạ những nhân vật có thiện chí để khiến cho tiềm năng chống Cộng  của người Việt hải ngoại trở nên suy yếu đi.
Nhưng cái hậu quả tệ hại nhất sinh ra bởi những mưu đồ triệt hạ liên tục không ngơi nghỉ này, là nhiều người Việt   đã nẩy sinh lòng  thắc mắc,  nghi hoặc, tâm trạng hoang mang, thậm chí đến nỗi tuy nhìn nhau mà không còn phân biệt được ai là bạn, ai là thù.
Sở dĩ để xẩy ra cái tình trạng đau lòng như vậy là vì ta đang sinh sống ở một xứ tự do. Đã có nhiều kẻ lợi dụng sự tự do quý báu này để  làm xáo tung hàng ngũ những người Việt hải ngoại lên bằng đủ mọi thủ đoạn đê hèn qua những lời lẽ hạ cấp, ti tiện  để xuyên tạc, chụp mũ, dựng chuyện lên đời tư của nhiều người khiến cho trong một thời gian dài cả nhiều chục năm, nhiều người chân chính tuy đứng trong cùng một hàng ngũ, tuy cùng chia sẻ với nhau lý tưởng chống CS và xây dựng lại quê hương nhưng lại đã nhìn nhau ngỡ ngàng, lắm khi còn sinh ra đến cả sự khinh bỉ hay hận thù.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho Cộng đồng VN hải ngoại trong nhiều thập niên qua, tuy vững mạnh về mặt đời sống nhưng rất yếu kém trong thành quả chống lại CSVN.
Xin lấy một ví dụ cụ thể :
Vào cuối thập niên 80, đất nước đã tới thời điểm cực kỳ  đen tối : Đổi Mới hay là Chết, nên Tổng Bí Thư của Đảng CSVN là Nguyễn văn Linh vào khoảng năm 1987 đã phải chấp nhận một sự đổi mới và để cho văn nghệ sĩ trong nước được tự do phần nào viết lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Nhờ thế mà ở trong nước, vào thời điểm đó đã nổi lên một cao trào mà ở hải ngoại mệnh danh là “cao trào văn chương phản kháng”.
Trên phương diện sách lược chống lại Cộng sản, thì dù có đặt nghi vấn là “phản kháng thật hay phản kháng giả” thì mọi người cũng nên thổi vào đám lửa “phản kháng” đó cho nó bùng rộng thêm và khiến cho sự kiện đó hóa ra“lộng giả thành chân” thì mới phải.
Biết đâu, trong hàng ngũ những nhà văn, nhà thơ gọi là phản kháng đó lại chẳng có những con người khát khao tự do thực sự, viết ra những lời tâm huyết thực sự và muốn tâm tư, tình cảm của mình được tất cả mọi người Việt trên toàn thế giới lắng nghe?

Đây là lý do mà nhiều anh chị em trong làng văn, làng báo ở hải ngoại hồi cuối thập niên 80 đã ngồi lại với nhau, bỏ công sức biên soạn một cuốn sách mà chính chế độ CSVN khi hết “cởi trói văn nghệ sĩ” lại cũng muốn đem vùi giập.

Cuốn sách mang tên ‘TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG”, lấy ý tưởng của nhà biên khảo Hoàng văn Chí hồi cuối thập niên 50’s viết cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Quê Hương khi nói về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Khi nhóm biên soạn chúng tôi sử dụng những chữ “Vẫn Nở” là có ngụ ý rằng tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm của văn giới trong nước hồi thập niên 50, sau hơn ba chục năm sau vẫn còn tồn tại, và do đó đã tạo nên phong trào Văn Chương Phản Kháng để cho ta thấy rằng từ hồi Nhân Văn Giai Phẩm đến nay, sau biết bao nhiêu vùi giập mà  Trăm Hoa VẪN NỞ .....
Ý hướng của nhóm thực hiện rõ ràng như thế mà vẫn bị đám tay sai nhà nước cộng sản hợp sức cùng một vài  tên lộn sòng vào hàng ngũ cầm bút khác, nhất loạt xuyên tạc nội dung của cuốn sách để dẫn dắt dư luận cộng đồng đi theo một hướng khác, đến nỗi nhiều người chỉ mới nghe thấy tên cuốn sách “Trăm Hoa Vẫn Nở….” là đã nghĩ ngay đó là sản phẩm tuyên truyền cho Cộng Sản rồi.
Cho nên, đã tới lúc phải để cho Sự Thật không bị chôn vùi, phải có một hợp lực đồng loạt lên tiếng để xóa tan những ngộ nhận, vạch mặt chỉ tên những bàn tay lợi dụng ngòi bút để phá hoại Cộng đồng ngõ hầu vừa làm sạch mội trường chữ nghĩa, vừa trả lại công bằng cho những người công chính.
Biên soạn cuốn sách này, ngoài việc góp phần cho mục đích kể trên, tôi còn tiếp tục ghi lại vài dấu ấn trong cuộc hành trình chữ nghĩa của tôi, và nhân dịp này tôi cũng mong muốn góp phần vào công cuộc dọn dẹp sạch sẽ môi trường chữ nghĩa tại hải ngoại vốn đã từ lâu bị bôi bẩn bằng những thứ văn phong tục tĩu, vô văn hóa của một số ngòi bút vẫn tự phong cho mình vai trò ngự sử văn hóa, văn nghệ,  nhân danh lý tưởng chống Cộng để vùi giập, hạ nhục rất nhiều con người công chính.
Thành quả chống Cộng chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy bọn này đã  làm lợi rất nhiều cho Cộng sản. 
Như đã thưa trước trong Lời Mở Đầu,  việc tôi biên soạn cuốn sách này, ngoài việc làm sáng tỏ thêm những ngộ nhận đã từng bao trùm lên cuốn sách Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương cùng một số tác phẩm của riêng tôi , tôi còn  mong muốn góp phần vào công cuộc dọn dẹp sạch sẽ môi trường chữ nghĩa tại hải ngoại vốn đã từ lâu bị bôi bẩn bằng những thứ văn phong tục tĩu, vô văn hóa của một số ngòi bút vẫn tự phong cho mình vai trò ngự sử văn hóa, văn nghệ,  nhân danh lý tưởng chống Cộng để vùi giập, hạ nhục rất nhiều con người công chính. Đây là một hậu quả bi thảm của tình trạng Tự Do trong địa hạt Chữ Nghĩa đã bị lạm dụng tối đa bởi những kẻ không biết “ liêm sỉ”  hay  “tinh thần trách nhiệm” là cái gì. Bọn chúng chỉ viết cho sướng tay, cho thỏa mãn tự ái cá nhân và đầu óc bệnh hoạn vốn chỉ chất chứa những hình ảnh tục tĩu để lúc nào cũng sẵn sàng văng ra trên bài viết của mình.
Tôi nói không ngoa!
 Thí dụ có mấy  ai biết rằng Nguyễn Hữu Nhật với bút danh Chém Đá, phụ họa với Nguyễn Hữu Nghĩa với bút danh Mõ Làng Văn trong một bài viết về một nhân vật già khả kính là bà Khúc Minh Thơ, Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị, mượn cớ thằng nhỏ phải mặc quần rộng vì nghịch ngợm cứ phải xốc lên, để đưa ra 2 câu thơ với ý đồ bệnh hoạn, tục tĩu không thể che giấu: “Xốc quần quần tụt tụt quần. Xốc sao cho bọn cù lần mỏi tay”  ( Trong cuốn Đá đổ mồ hôi, của Sắc Không tức Nguyễn Hữu Nhật ở Na Uy do Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada xuất bản).
Người Việt chân chính hỏi ai mà không phẫn nộ khi nhận ra rằng môi trường văn hóa hải ngoại đã  bị bọn chúng quấy hôi bôi nhọ đến như thế !
Trên đây chỉ là một ví dụ trong hằng hà sa số những bài viết hạ thấp Nhân phẩm cũng như bôi đen Chính nghĩa    chống Cộng xuất hiện đầy rẫy trên báo chí, trên Internet trong hàng chục năm vừa qua.
Tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta không thể tiếp tục cho phép tình trạng viết lách hỗn loạn , tục tĩu, vô luân ấy được duy trì mãi để khiến cho người Việt ở hải ngoại cứ bị mang tiếng xấu xa chỉ vì từ lâu đã  dung dưỡng những loại cầm bút vô trách nhiệm, kém đạo đức và thiếu lương tâm này.
Ước mong những nỗ lực chính đáng và chân thành của tôi sẽ không trở thành tiếng kêu trong sa mạc.. ..

                                                            NHẬT TIẾN
                                    California , tháng 5 năm 2012

************
PHẦN  I :
Cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương

Cái nhìn của một người trong cuộc về cuốn
TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG



TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG là nhan đề một cuốn sách được biên soạn bởi 27 người viết ở hải ngoại vào cuối thập niên 80 khi ở trong nước có vấn đề “đổi mới” và “cởi trói cho văn nghệ sĩ”.
Chính nhờ đường lối cởi mở này (dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi rồi lại bị khép lại) mà nhiều tâm tình thầm kín, nhiều ước vọng tự do của cả người viết lẫn người đọc có dịp được bung ra, in ấn tràn lan trên nhiều trang báo trong nước.
Là những người sinh hoạt trong giới Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hay biên khảo đã cảm thấy mình có liên đới trách nhiệm đến sự kiện kể trên và nhất là thấy nội dung vấn đề rất gắn bó với nhu cầu đấu tranh cho Tự Do và Dân Chủ trên đất nước. Vì thế, một số đông đảo anh chị em cầm bút đã ngồi lại với nhau trong những buổi gặp gỡ cuối tuần  ròng rã trong cả gần hai năm trời để :
1) Tìm hiểu cặn kẽ diễn tiến của phong trào văn chương đổi mới mà chúng tôi gọi tên là Văn chương Phản kháng, có mục tiêu “không chấp nhận loại văn chương cung đình” vốn đã tồn tại trước đó ở trong nước.
2) Góp phần phổ biến những lời tâm huyết, những sáng tác mang đầy những ước mơ về quyền làm người của nhiều văn nghệ sĩ trong nước, điển hình như:
- “ Mình trót nói dối hết hai phần ba thì cũng phải tự phủ định hai phần ba ấy. Đến tuổi này, lúc này, không nói dối được nữa.” (nhà văn Nguyễn Khải).

- “ Không phải cứ là nhà chính trị thì cao hơn nhà nghệ sĩ. Nhà văn lớn phải là nhà tư tưởng lớn. Chính trị có nhiều cấp độ, thật đáng buồn khi người ta đòi văn nghệ trở thành sự vụ.... tức là hạ chính trị xuống những cấp độ thông tục nhất và bắt văn nghệ "phục vụ" ở cấp độ ấy.” (Tạ văn ThànhHọc viện Nguyễn Ái Quốc).

-“ Kiểu bảo trợ có nhiều mức, nhiều dạng, nhưng mức cao nhất là đẻ ra nghệ thuật quan phương, như kiểu "tao đàn" của Lê Thánh Tông. Dạng nghệ thuật này khó mà có giá trị cao, vì nó gắn với "cảm hứng nhà nước" diễn đạt tư tưởng của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước. Trong khi đó, nghệ thuật chân chính phải phát ngôn ý thức nhân dân, ý thức thời đại, phải diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc.
(Nguyễn Đăng Mạnh- Đại Học Sư Phạm)                                                                                                                                                ….v…v…
3) Nhóm biên soạn cũng muốn gióng lên lời đáp ứng nhiệt thành rằng: những nguyện vọng chính đáng của anh chị em cầm bút trong nước nói riêng, và toàn thể đồng bào nói chung đã được bên ngoài nước lắng nghe và được hỗ trợ bởi khối đông đảo người Việt hải ngoại, tất nhiên trong đó cũng có giới cầm bút.
4) Chúng tôi gom góp các tài liệu văn học nghệ thuật được sáng tác trong thời gian đó kèm thêm những bài nhận định, tổng hợp hay phê phán do chúng tôi viết để in thành cuốn “Trăm Hoa Vẫn Nở trên Quê Hương”.
***
Một công việc làm với đầy đủ ý nghĩa như thế tất không thể là một sự “quỵ lụy, lòn gối, lấy lòng CSVN” như một số dư luận từ xưa tới nay đã nghĩ, do nhiều người đã bị  hướng dẫn bởi vài kẻ cầm bút thiếu lương tâm, sách thì chưa đọc, chưa biết sự thể Ất Giáp thế nào đã nhào vô chửi bới với lời lẽ rất vô văn hóa để chứng tỏ ta đây mới là người đích thực chống Cộng và có quyền vùi giập bất cứ ai không vừa ý mình.
Nhưng có biết đâu, càng chống cuốn “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” bao nhiêu thì càng rơi vào ý muốn của đám lãnh đạo CSVN bấy nhiêu. Bằng cớ là chỉ vài năm sau, tất cả những tâm tư, nguyện vọng về tự do sáng tác ghi gói trong phong trào văn chương phản kháng đều đã bị chính quyền trong nước dẹp bỏ.
Bây giờ, thời gian đã trôi qua trên 20 năm, tưởng cũng đã đủ để nhìn lại sự việc một cách chính xác, và nhất là để làm sáng tỏ những sự kiện xoay quanh cuốn sách này vốn vẫn còn gây thắc mắc trong tâm trí nhiều người mà vì lý do sách đã tuyệt bản, không mấy ai còn lưu giữ để có thể tìm hiểu cặn kẽ.
Riêng cá nhân tôi, nhân danh một người đã góp phần biên soạn cuốn sách này, tôi thấy cần phải lên tiếng trả lời những luận điệu xuyên tạc đã có từ nhiều năm qua (và cho đến bây giờ nó vẫn còn được sử dụng mỗi khi thấy cần bêu tên cuốn sách để làm luận chứng chống Cộng)  để một phần làm sáng tỏ vấn đề và phần khác, trả lại sự công bằng cho những thiện chí của nhiều người cầm bút, cả trong lẫn ngoài nước ở vào thời điểm cuối thập niên 80’s.
Xin  nêu một luận điệu chống đối hàm hồ sau đây do Nguyễn Thiếu Nhẫn đã viết:
“Mấy ông văn nghệ sĩ lưu vong tỵ nạn chắc vì nhớ cái cũi sắt của “nền văn chương cũi sắt” ở trong nước  mà họ đã liều sống, liều chết thoát ra, bèn ra báo Hợp Lưu và xuất bản sách “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương ” đem về nước để dâng Đảng lập công....”...
Tôi sẽ chứng tỏ lối phê phán kiểu này chỉ là sự bất lương cầm bút vì sự thực ra sao, nội dung cuốn sách sẽ tự nó nói lên . Xin mời độc giả tiếp tục đọc những  phần kế tiếp.
Trước khi đi vào phần nói về sự ra đời của cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, một công trình biên soạn của 27 tác giả ngoài nước viết về 79 tác giả trong nước, được ấn hành vào tháng 9-1990 ở Nam Cali, xin mời độc giả đọc trước một số cảm nghĩ của các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo..v..v.. ở VN vào thời kỳ của những năm 1986-1989 mà ta vẫn thường gọi là “Thời Kỳ Đổi Mới” với “Phong trào Văn Chương Phản Kháng”.


CẢM NGHĨ CỦA GIỚI VĂN HỌC
NGHỆ THUẬT TRONG NƯỚC TRƯỚC
CHỦ TRƯƠNG “ĐỔI MỚI”

1) Ngày 7 tháng 10 năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh đã có một cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ.
Nhà văn Nguyên Ngọc, khi đó đang là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, tức là người có trách nhiệm duy trì đường lối của tờ báo và tuyển chọn các bài vở để cho in lên mặt báo, đã phát biểu một bài dài  trong có đoạn như sau :
Một nguyên nhân khác, theo tôi, là đẻ ra từ hệ tư tưởng bao cấp nặng nề thống trị trong suốt thời gian rất dài, kể cả “bao cấp về tư tưởng”. Có những thời kỳ dài, tôi xin nói một cách hình ảnh, cứ hàng quý đến kỳ anh tuyên huấn cấp dưới lại khăn gói lên tuyên huấn cấp trên, lĩnh một ít tư tưởng do cấp trên cấp phát cho, về để tiêu dùng cho mình và đơn vị mình trong suốt quý. Hết quý, lại đi lĩnh suất khác. Nếu chẳng may đến kỳ rồi mà giao thông trắc trở chưa đi lĩnh được suất tư tưởng mới thì đành lúng túng ngồi chờ vậy, chẳng thể tự mình nghĩ ra được và dám nghĩ ra cái gì khác. Bởi đã quen: quyền suy nghĩ là quyền của cấp trên!
Tôi e rằng tình trạng này đến nay cũng chưa hết hẳn đâu.
Trong văn học nghệ thuật, tình trạng này cũng nặng nề. Mãi gần đây, một hôm tôi được chứng kiến một nhà văn có tên tuổi hẳn hoi và đang giữ một cương vị khá quan trọng trong bộ máy lãnh đạo văn học ta, lên chỗ Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương của đồng chí Trần Độ, nằng nặc đòi: “Trung ương phải chỉ đạo cho chúng tôi nên xây là chính hay chống là chính chứ! Lúc này văn học nên ca ngợi cái tốt là chính hay đấu tranh chống tiêu cực là chính? Phê bình đấu tranh đến mức nào? Tỷ lệ như thế nào?... Yêu cầu Ban của Đảng phải chỉ đạo cho chúng tôi!...”.
Riêng tôi, hôm ấy, tôi nghĩ: nếu tự anh không biết được trước cuộc đời hôm nay anh cần ca ngợi cái gì, đấu tranh chống cái gì, anh yêu ai ghét ai, anh phải yêu như thế nào và ghét như thế nào... thì anh còn là nhà văn cái nỗi gì!”
(Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu trong cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ, ngày 7-10- 1987)
Nguồn
http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi/NguyenNgoc_CanPhatHuyDayDu.htm

2) Ngày 28 tháng 1-1988, tại tòa soạn báo Văn Nghệ ở Hà Nội có một cuộc hội thảo bàn tròn giữa nhiều văn nghệ sĩ, có thể kể : các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, các nhà phê bình nghiên cứu văn học Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Phong Lê, Bùi Công Hùng (Viện Văn học), Hà Xuân Trường (Tạp chí Cộng sản), Tạ Văn Thành (Học viện Nguyễn Ái Quốc), Từ Sơn, Nguyễn Nghĩa Trọng, Tú Ngọc (Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương), Phan Hồng Giang (Nhà xuất bản Văn Học), Lại Nguyên Ân (Nhà xuất bản Tác phẩm mới), Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du), Hồ Ngọc, Ngô Thảo (Hội nghệ sĩ Sân khấu), Nguyễn Đăng Mạnh, Phương Lựu, Lã Nguyên (Đại học Sư phạm I Hà Nội), Hà Minh Đức (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Báo Văn Nghệ trong 2 số 9 và 10 ra những ngày 27-2 và 5-3-1988 có tường thuật buổi thảo luận này.
 Xin trích vài ý kiến đã phát biểu :
- NGÔ THẢO (Hội nghệ sĩ Sân khấu):
Nếu thời gian qua ta chưa làm được những gì lẽ ra có thể làm được thì cái chính là vì chúng ta đã quá gắn với một xã hội lấy chính trị làm thống soái.
           
            LÃ NGUYÊN (Đại học Sư phạm I Hà Nội):
 Có ý kiến nói nếu người lãnh đạo hiểu biết văn nghệ thì tình hình sẽ tốt đẹp. Không phải thế đâu. Phạm sai lầm trong các vụ việc trước đây là những người rất hiểu văn nghệ. Ai đã cấm văn nghệ dân gian chống tiêu cực trước đây ? và gọi nó là phản động? Ai đã cấm Hà Nội Trong Mắt Ai? Chính là những người rất hiểu văn nghệ. Lập trường quan phương đương thời khiến họ không chấp nhận những nghệ thuật nhân danh ý thức phi quan phương. Giải tỏa điều này thế nào, xin chốt lại ở dân chủ hóa, ở tự do sáng tác, mà tựu trung là chống bao cấp, nhất là bao cấp về tư tưởng. Vì bao cấp tư tưởng trong văn nghệ chính thống, quan phương, không cho nó bung ra để phát ngôn cho ý thức nhân dân, cho sự tự ý thức của lịch sử.

TẠ VĂN THÀNH (Học viện Nguyễn Ái Quốc):
Không phải cứ là nhà chính trị thì cao hơn nhà nghệ sĩ. Nhà văn lớn phải là nhà tư tưởng lớn. Chính trị có nhiều cấp độ, thật đáng buồn khi người ta đòi văn nghệ trở thành sự vụ....tức là hạ chính trị xuống những cấp độ thông tục nhất và bắt văn nghệ “phục vụ” ở cấp độ ấy.

NGUYỄN KHẢI (Nhà văn):
Ai bảo là từ 75 mới phát sinh tiêu cực, chứ thật ra nhiều cái đã có nguồn gốc từ trước đó lâu rồi, ví dụ như quan niệm hiện thực là phải tốt đẹp. Đã có những chủ trương giả, dẫn đến bố trí cán bộ giả, chính sách giả, kết quả cũng giả nốt. Viết theo sát cái đó thì thành văn chương nói dối, ba anh nói dối đối đáp nhau. Đến khi người ta nhận ra cái giả ấy, thay bằng chính sách khác, thì chính sách mình còn đó sờ sờ chịu trận, không trốn được. Mình trót nói dối hết hai phần ba thì cũng phải tự phủ định hai phần ba ấy. Đến tuổi này, lúc này, không nói dối được nữa.

HỒ NGỌC  : (Hội nghệ sĩ Sân khấu)
Đọc Mác-Lênin, tôi không thấy chỗ nào nói văn nghệ phục vụ chính trị cả. Chỉ nói gắn bó, nói mật thiết, chứ không nói phục vụ.
Đồng ý là không có tự do tuyệt đối. Nhưng bản chất của nghệ thuật là sáng tạo tự do. Sáng tạo tức là anh làm ra cái đầu tiên, duy nhất, không lặp lại (chứ không phải hàng gia công hàng loạt). Tính chất công việc đòi hỏi phải có tự do. Thứ hai là động cơ sáng tạo: phải có thôi thúc bên trong - nó cũng tự do. Thứ ba, mục đích sáng tạo - cũng tự do.

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH :
(Đại học Sư phạm I Hà Nội)
Nhưng khía cạnh mà tôi cho có vấn đề hơn cả, có vấn đề một cách lâu dài, thường xuyên, ấy là quan hệ giữa nhà chính trị cầm quyền với các nghệ sĩ, trí thức. Đây cũng là vấn đề quan hệ giữa hai thứ “bá quyền”: quyền lực chính trị và “quyền” của các giá trị văn hóa, tri thức khoa học.
Về quyền lực chính trị, càng ngược về quá khứ ta càng thấy quyền lực tuyệt đối của người cầm quyền, cá nhân họ được tôn lên thành đối tượng của sự sùng bái. Nhưng xã hội càng văn minh thì càng tìm ra được những thể chế thích hợp, người cầm quyền chỉ là người quản lý, điều hành trên cơ sở những “khế ước” do cả xã hội đề ra làm quy tắc chung. Về “quyền” của các giá trị văn hóa, khoa học, có lẽ không cần biện giải là có hay không, bởi ngay xã hội văn minh vẫn có những nghệ sĩ lớn, những trí thức lớn được mọi người hâm mộ, nể trọng.
 Trong khi đó, nghệ thuật chân chính phải phát ngôn ý thức nhân dân, ý thức thời đại, phải diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc. Những nghệ sĩ lớn bao giờ cũng phải “bung ra” khỏi ý thức ấy: độ lớn về tư tưởng và nghệ thuật của họ, đến thời đại còn chưa dễ chấp nhận, nói gì đến cái khung hẹp và thực dụng của tư tưởng và nghệ thuật cung đình.
(Những ý kiến trên được phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn tại tuần báo Văn Nghệ,  Hà Nội ngày 28-1-1988 do Vân Trang lược ghi)
                                               ( còn nữa)

0 nhận xét