Open top menu
Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

(tiếp theo)

Ý kiến của Nhà văn Phan Nhật nam :

Chúng ta có thể bàn qua người bạn kế tiếp,
Huynh Trưởng Hướng Đạo Sinh - Nhà Văn Nhật Tiến.




                                                     Nhà văn Phan Nhật Nam

Mạnh mẽ, rõ ràng hơn thái độ còn đôi chút ngập ngừng do “chưa” đi hết biển..” của Nguyễn Mộng Giác, sau câu hỏi ẩn ý thăm dò (kèm thoáng mỉa mai- pnn) của Trần Văn Thủy (“Thế thì anh hẳn gắn bó với nơi chốn nầy (đất Mỹ) lắm nhỉ?”), Nhật Tiến xác nhận: “Vậy mà không đấy. Về mặt tâm cảm, tôi chưa nhận nơi nầy làm quê hương. Nói một cách cụ thể: Tôi biết ơn nước Mỹ đã cưu mang toàn bộ dân tỵ nạn kể từ sau tháng 4 năm 1975, đã đem lại cho gia đình tôi đầy đủ cơ hội an cư lạc nghiệp. Nhưng nhìn lại cuộc chiến vừa qua, tôi vẫn thấy ám ảnh về sự bất hạnh đã áp đặt lên số phận dân tộc mình..”(TVT sđd, trg 68)
                                   
Với trả lời như trên của Nhật Tiến, Trần Văn Thủy rất nhanh nhạy “đạo diễn” ngay để có một câu hỏi khác theo mẫu mực “chống Mỹ cứu nước”: “Từ năm 1990, nghe nói anh vẫn có dịp thường về thăm quê nhà (Bạn đọc lưu ý, về thăm “quê nhà” chứ không phải cụm từ thông thường “về Việt Nam” khi trò chuyện - pnn)”(TVT sđd, trg 68).
            Nhưng không như Trần Văn Thủy “hy vọng”, Huynh Trưởng Hướng Đạo - Nhà Văn Nhật Tiến định giá “đất Mỹ” và “quê nhà” cùng một lần với chân thật và chính xác:
            “Nỗi ám ảnh (về sự bất hạnh) này đã khiến cho tôi cảm thấy luôn luôn là kẻ lưu vong, trên xứ Mỹ cũng như ngay trên cả quê hương mình..”(TVT sđd, trg 68)
            Đạo diễn Trần Văn Thủy hỏi: “Điều gì đã khiến cho anh (NT) cảm thấy mình bị lưu vong ngay cả trên quê hương mình?”(TVT sđd, trg 68).
Và đây là câu (thật) trả lời:
            “Cảm giác xa lạ, sự không thể hòa nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một nền kiêu hãnh rằng: “dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”. Là một người xuất thân từ Miền Nam trước đây làm sao tôi có thể hòa nhập được..?”(TVT sđd, trg 68)
            Trần Văn Thủy hỏi tiếp (về cái “key” mà người Miền Nam thường tránh né (theo ý của người Miền Bắc) là do “mặc cảm thua trận”, như đã có người nói cùng học giả Nguyễn Hiến Lê): “Vậy cuộc chiến đã lùi xa, dưới cái nhìn của anh bây giờ, nó ra sao?”(TVT sđd, trg 69); hoặc vấn đề gây “đụng chạm” hơn: “Với anh (NT), tôi không ngại luận bàn những vấn đề chính trị tuy đã cũ nhưng cảm nhận của tôi có đôi chỗ khác anh. Nếu những người bộ đội, những người lính tham gia chiến tranh mà tới nay vẫn thực sự ý thức là họ hy sinh cho chính nghĩa, thì quả là điều đáng mừng. Nhưng tôi nghĩ, đối diện với cuộc sống hiện nay, tâm trạng thực trong cuộc đời thực, số đông không hoàn toàn như thế. Còn những người đã nằm xuống, tức là những người đã hy sinh như anh nói, chúng ta chẳng thể biết chính xác họ nghĩ gì khi xung trận”(TVT sđd, trg 69)

            Nhật Tiến không tránh né nhưng vào thẳng vấn đề trên một cách tự tin (cách của người tin vào Tính Thiện, Sự Thật):
            “Dĩ nhiên tôi không có thẩm quyền để phát biểu về tư duy của bộ đội miền Bắc trước 1975, nhưng nếu nói về những người lính VNCH đã nằm xuống, đã hy sinh mà bảo rằng chúng tôi chẳng biết chính xác về họ nghĩ gì khi xông trận thì không thể chấp nhận được. Đành rằng quân đội nào thì cũng có những mặt trái của nó như lính nhát gan, lính cướp bóc, lính đào ngũ.. nhưng với quân đội miền Nam, đó không phải là tính chất tiêu biểu..”(TVT sđd, trg 69-70)
            Câu trả lời của Nhật Tiến đã đề cập rất đầy đủ, không chỉ riêng đối với người lính, chiến tranh, mà phê phán đến cái gọi là “tinh thần dân tộc” của cả hai phe cầm quyền nơi miền Nam, lẫn miền Bắc thường nại ra để làm cớ sự giải thích cho lần tranh quyền, đoạt lợi của họ. Nhưng bởi anh không thuộc giới chuyên nghiệp quân sự nên tôi có thể bổ sung thêm những chi tiết: “Vâng, thưa ông đạo diễn Trần Văn Thủy, quân đội miền Nam có đủ tất cả những khuyết điểm (mà bất cứ tập thể quân đội nào trên thế gian nầy đều mắc phải - và cụ thể với lần thất trận vào năm 1975 - nên những khuyết điểm nầy đã trở nên hiện thực). Nhưng đấy là một quân đội gồm nhiều Người Lính Khắc Kỷ Hy Sinh và Cao Thượng Chịu Đựng hơn bất cứ người lính nào đã có mặt trong tập thể quân đội của các cộng đồng dân tộc trên thế giới - Và họ gánh chịu nỗi bất công uất hận nầy một cách có ý thức - Ý thức về Trách Nhiệm-Nghĩa Vụ với lòng Tận Tụy-Hy Sinh. Nếu ông được chứng kiến cả một thế hệ thanh niên Miền Nam (phần lớn là sinh viên của các phân khoa đại học chuyên nghiệp, đang được miễn dịch vì lý do học vấn) thay vì đến giảng đường, đã leo lên dãy GMC đậu dọc dài theo đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8, Sài Gòn) đến tận Ngã Sáu (Quân Vụ Thị Trấn) để đi lên trại Nhập Ngũ Quang Trung trong thời kỳ xẩy ra trận chiến Mùa Hè 1972.”
Với trình bày nầy có thể Trần Văn Thủy bảo chúng tôi đã “hư cấu và cường điệu” về sự kiện tuổi trẻ miền Nam “ý thức chọn nghĩa vụ người lính”, vậy tôi xin nhắc lại trường hợp điển hình: Phạm Huy Phong (con trai còn lại độc nhất của Ông Phạm Văn Bính, cựu Tổng Trưởng Thanh Niên, Thủ Hiến Bắc Việt, nội các Bảo Đại, 1949-52). Vốn đang là sinh viên cao học ở Sorbone, Pháp, Phong tự nguyện về nước nhập học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức; đậu thủ khoa khóa sĩ quan, buổi mãn khóa có đủ hàng chục đơn vị thuộc tất cả các quân binh chủng để chọn lựa - Nhưng Chuẩn Úy Phạm Huy Phong đã tình nguyện về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, và tử trận tại mặt trận Quảng Trị, Vùng I Chiến Thuật nơi đối diện với miền Bắc qua tuyến lửa phi quân sự. Tôi có thể kể ra danh tính hằng trăm, hàng ngàn người tuổi trẻ rất có ý thức để sống-chết với Quê Hương Miền Nam - Không nơi đâu xa, chỉ với đơn vị của chúng tôi - với mỗi Người Lính Nhảy Dù QLVNCH. Chúng tôi mong được lắng nghe về một trường hợp tương tự như của Phạm Huy Phong trong số đông những con em thuộc gia đình quan chức cộng sản ở Hà Nội. Hãy kể cho chúng tôi nghe tên về một người tuổi trẻ con của các quan chức lớn của Đảng Cộng Sản tình nguyện đi B (mặt trận Miền Nam), hay sau này khi phải đánh nhau với hai nước Cộng Sản láng giềng Trung Quốc và Cao Miên. Chỉ cần một người thôi.
            Trước khi từ giã người trung trực Nhật Tiến, chúng tôi nhận thấy cần đề cập đến một thái độ không mấy “fair play” của Trần Văn Thủy (để tiếp mở đầu cho phần tới). Đấy là, Trần Văn Thủy không bỏ lỡ một cơ hội nào để mở lối “tấn công chính trị (!)”, điển hình với cách đặt vấn đề: “Rõ ràng hòa hợp, hòa giải là cần, là “sinh lộ” cho dân tộc ta như anh (NT) nói, nhưng tôi không nghĩ nó là thần dược chữa bách bệnh như mất dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến.. (rồi bỗng dưng chuyển qua).. Anh (NT) nghĩ sao về những “khuynh hướng cực đoan” trong cộng đồng VN ở hải ngoại như những chủ trương không du lịch về VN, không gởi tiền về trợ giúp thân nhân, cũng như các công tác từ thiện...”(TVT sđd, trg 71-72).
            Hai vấn đề (“Mất dân chủ ở trong nước” và “Khuynh hướng cực đoan trong cộng đồng người Việt - Không chịu về VN du lịch”) hoàn toàn không liên hệ gì với nhau cả. Mất dân chủ là do cơ cấu “Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-Nhân dân làm chủ”, còn “khuynh hướng cực đoan không muốn du lịch về VN” là của riêng những ông, bà nào đấy muốn “biểu diễn lập trường” với chính họ, hoặc vì một lý do nào khác, cụ thể như tự bản thân cá nhân - không thích thấy những ông công an hậm họe nơi phi trường. Những người có “khuynh hướng cực đoan” ấy không hù dọa, trấn áp được ai - kể cả những người thân cận trong gia đình (ngoại trừ những đứa nhỏ vị thành niên không được phép đi xa một mình, hoặc không đủ tiền mua vé máy bay). Thế nên đã có kết quả như lời Nhật Tiến rành rọt kể ra: 
            “Từ nhiều năm qua.. Tôi thấy du lịch về VN không còn là một điều phải giấu diếm (Ai giấu ai? Để làm gì? Tại sao phải giấu? pnn); các nhóm thiện nguyện đem tiền bạc và kỹ thuật về làm công tác từ thiện trong nước càng ngày càng nhiều.. Việt kiều hải ngoại gủi về mỗi năm lên tới hàng 2,3 tỷ đô-la thì đủ thấy người Việt hải ngoại gắn bó thế nào với quê hương, đất nước..”(TVT sđd, trg 73)
                                                                            (ngưng trích)

                                       (còn tiếp)


0 nhận xét