Open top menu
Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013




                                                       (tiếp theo)
CHƯƠNG 5

Bà mẹ Hoanh nghe con nói chưa hết câu đã rụng rời, run rẩy:

- Mầy đi thiệt đó sao?

Hoanh gật đầu quả quyết:

- Con đi thiệt đó má. Con suy nghĩ kỹ rồi. Vô biệt kích Mỹ là con dứt được cái vùng đất quái gở này. Má không sợ có ngày rồi con với thằng Há giết nhau ngay trước bàn thờ tổ tiên sao?

Bà cụ bỗng sụt sịt khóc. Tiếng khóc bất ngờ làm Hoanh vừa bối rối vừa khó chịu. Hắn định tìm một câu an ủi nhưng rồi chỉ lẳng lặng đứng dậy bỏ ra ngoài hiên. Hắn không dám nhìn mẹ lâu hơn, vì cái hình ảnh còm cõi, tiều tụy, chồng chất những nỗi khổ đau trên đôi vai gầy của bà có thể làm hắn đổi ý. Hắn gặp Thư ở ngoài sân đất đi vào, vẻ mặt lạnh lùng. Hoanh nói:

- Mình ra đằng sau, tôi có chuyện muốn nói.

Thư nhún vai:

- Chuyện đó tôi biết rồi. Anh tính vô biệt kích Mỹ chớ gì!

Thái độ bình thản của Thư khiến Hoanh thấy dễ dàng đối xử. Hắn nhận ra việc báo tin cho vợ biết không khó khăn như hắn tưởng. Hoanh nói ngay:

- Không phải tính toán gì nữa đâu. Mai sáng tôi đi rồi.

Mắt Thư bỗng long lên:

- Anh đi luôn bây giờ cũng được, ăn nhằm gì tới tôi.

- Tại sao lại nói vậy. Dẫu sao mình cũng là vợ chồng mà.

- Hừ, anh nói chi hai tiếng vợ chồng cho nó tủi. Nếu là vợ chồng thì anh đã không bỏ tôi ngang xương mà đi như vậy.

- Tôi đi rồi mai mốt tôi lại về chớ tôi đi luôn sao?

- Thời buổi này biết thế nào mà nói. Mà điều nói vậy thôi, chớ tôi đâu có giữ. Tự do của anh mà.

- Tôi nhờ Thư trông coi má giùm.

- À! Điều đó thì tôi không hứa được.

- Làm sao không hứa được?

Thư tròn mắt, giọng cong cớn:

- Chứ làm sao. Trời đất này, biết ai chết trước, ai chết sau. Một cuốc xe lôi, một quả mìn là rồi đời, biết thế nào mà hứa.

Hoanh thở dài:

- Nói vậy thì vô cùng. Nhưng kể là kể lúc bình thường ấy chứ.

- Không còn cái gì bình thường nữa hết. Nếu bình thường thì thằng Há đã chẳng ra bưng, anh đã chẳng vô biệt kích, và tôi đã chẳng trở thành cô độc cô quả như thế này. Thôi, anh cứ việc anh, anh lo. Đừng nghĩ chi nữa cho thêm mệt.

Nói rồi Thư bước vụt lên thềm, lách qua thân hình cao lớn của gã đàn ông rồi đi vào buồng đóng sập cửa lại. Hoanh chết điếng người, đứng chôn chân ở chỗ cũ, tâm thần bấn loạn, không còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì, kể cả tiếng khóc sụt sùi của bà mẹ già rấm rứt ở đằng sau vách gỗ.

Chiều tối hôm ấy, Hoanh không trở về đồn canh. Hắn xách chai rượu qua nhà lão Đối định say với lão một lần cuối cùng trước khi ra đi. Nhưng lão Đối đã xanh mặt nhìn hắn, và xua hắn như xua tà:

- Bộ hết cách giỡn rồi sao mà tính ở nhà luôn đêm nay. Đi vô đồn ngay cho nó chắc cái thân. Tụi nó về bất tử biết đằng nào mà tính.

Nỗi chán nản làm Hoanh trở nên ù lì. Hắn cười nhởn nhơ:

- Tụi nào thì cháu cũng không ngán. Ngày mai cháu đi rồi. Cháu muốn thở hít không khí ở nhà một đêm. Rồi mai mốt có chết ngoài trận địa thì cũng không còn gì hối tiếc.

- Mày chỉ nói dại mồm dại miệng. Người ta đi đâu thì cũng có số mệnh cả.

- Vậy đó! Nếu bác tin ở số mệnh thì số cháu có chết đêm nay thì ở đâu rồi cũng chết. Nằm trong đồn sơ ý sút cái cò súng cũng chẳng có toàn mạng gì. Tốt hơn là cháu với bác đánh ngã hết chai rượu này cho quên phứt cái sự đời đi cái đã.

- Tao chẳng thể uống đâu. Nuốt làm sao vô khi mầy còn chình ình ở đây. Rủi nửa khuya tụi nó về tao biết tính làm sao?

Hoanh cau mày:

- Bác tưởng rằng cháu ngán thằng Đực đó sao?

- Thằng con nít gì thì cũng phải ngán hết, chớ đừng nói thằng Đực. Súng ống bom đạn mà, nào phải chuyện chơi. Mầy không thấy thằng Xê chết banh xác vì đứa nhãi con là thằng Dụng đó sao?

- Điều bác nói thì cũng hợp lý. Mà điều sao linh tính của cháu chẳng thấy có gì lạ hết trơn. Trời hôm nay lại có chút trăng nè. Lát nữa sáng phải biết. Khung cảnh này làm cháu nhớ ngày xưa, hồi còn cắp sách đi học.

- Hồi đó khác, bây giờ khác.

- Thì lẽ dĩ nhiên rồi. Cả bọn con trai còn đông đủ cả. Thằng Há này, thằng Đực này, thằng Sách này, thằng Lương này. Ôi đá banh vui quá a bác. Bận nào trở về bác cũng cho ăn cháo kỳ nhông hết đó.

Lão Đối thở dài:

- Tao mong mỏi cho yên lành, lại nấu cháo kỳ nhông cho tụi bay ăn nữa.

Hoanh chép miệng:

- Chừng đó cũng chả còn đầy đủ được như trước đâu bác ơi. Mỗi một ngày qua đi lại thêm một đứa nữa ngã xuống. Chỉ sợ tất cả bọn người lớp tụi cháu, riết rồi chẳng còn đứa nào sống sót để ăn cháo kỳ nhông của bác nữa.

- Tao cầu Trời khấn Phật cho tao được chết trước tụi bay. Để khỏi phải qua mãi cái cảnh tre già khóc măng, nó thê thảm lắm, Hoanh à.

Ngừng một giây lát để nén cơn xúc động đang dâng trào lên cổ, lão Đối lại tiếp:

- Như ông Năm Điếc kia mới thật là thảm. Thằng Dụng chết hôm kia, làm ông ta kêu gào biết bao nhiêu. Như vậy là tre khóc tới hai đời măng, đã bố nó rồi lại đến nó, hỏi có thời buổi nào cơ cực hơn bây giờ không. Sống lâu làm chi cho thêm tội nợ.

- Chưa ăn nhằm gì đâu bác. Mặt trận ác liệt kể ra chưa thực sự lan qua khu này. Nhưng súng thì nghe cũng đã gần lắm rồi. Cháu nghe đồn tụi nó còn rèn cán, chỉnh quân ở trong mật khu mé giáp bìa núi kia kìa.

Giọng lão Đổi trở nên lo lắng:

- Vậy rồi sẽ còn đánh nhau dữ hơn nữa sao?

- Chắc chắn là như vậy.

- Nhưng vùng này có gì đâu mà lo. Tụi nó có đánh chiếm là muốn đánh chiếm ở những đâu kia chớ.
- Quốc lộ số 1 kia là con đường huyết mạch. Mà ấp Vĩnh Hựu của mình nằm cách đó đâu bao xa. Trong vòng một cây số mà bác.

Lão Đối thở hắt ra một hơi thật dài. Trời bây giờ đã tối hắn. Tất cả cảnh vật đều chìm trong làn ánh sáng nhờ nhờ của con trăng đầu tuần. Mọi lùm cây bờ cỏ, mái lá, vách tường đều như đan khít với nhau, quện thành một khối khổng lồ, láng ướt một màu sáng đục như sữa. Hoanh châm một que diêm định giục lão Đối thắp lên ngọn đèn thì lão đã cản lại:

- Ngồi thế này yên tâm hơn. Rủi tụi nó có mò về, mày còn có đường mà lủi.

- Nhưng tối thui thế này, ngồi nhấm nháp đâu còn thú vị gì.

- Có cái gì đâu mà cần đèn với đóm. Chờ nồi kỳ nhông chín rồi xẻ ra hai cái tô. Mỗi người một tô là xong chớ gì. Để tao đi xem thử coi. Không chừng chín rồi cũng nên.

Nói rồi lão Đối đứng dậy. Lão đi một cách quen thuộc và nhanh nhẩu trong bóng tối từ nhà trên xuống bếp. Một lát, lão lại hiện ra với mùi nước mắm chín ngạt ngào. Hai ông cháu lép nhép ăn nhậu với nhau trong âm thầm. Hơi rượu tỏa ra cay nồng bầu không khí mát mẻ và dễ chịu về đêm. Một lát có tiếng Hoanh nhắc lại chuyện xảy ra hôm trước:

- Nếu cháu vững tay một chút thì thằng Sách ngã rồi. Không hiểu sao lúc nhắm nó, cháu lại run.

- Tao mong tất cả chúng mày lúc cầm súng đều run tay như thế cả. Nếu đừng có kẻ nào nhúng tay vô thì thằng Há với mày, thằng Sách với mày, thằng Đực với mày, chẳng có chi mà phải giết nhau hết.

Lão Đối vừa nói dứt lời thì có tiếng chân người dẫm sột soạt trên lớp lá khô ngoài cổng ngõ. Lão vội vàng nín bặt và đẩy vội Hoanh lùi thêm vào bóng tối. Nhưng có ngay tiếng người cất lên làm lòng lão nhẹ nhõm hẳn đi:

- Ông Đối ơi!

Lão Đối đứng hẳn dậy, quơ chân vào đôi đép rồi bước xuống thềm. Một hình ảnh quen thuộc hiện ra dưới ánh trăng mờ làm lão kêu lên:

- À! Ông Năm!

Lão tiến nhanh lại, ghé vào tai người bạn già nói:

- Trời đất nầy, mò mẫm đi đâu vào lúc tối tăm thế này?

Ông Năm Điếc hất hàm về phía trong đồng rồi đáp:

- Ngoài mộ thằng Dụng từ chiều về đây.

Trên tay ông, cái giỏ lủng củng những chai lọ, bát đĩa va vào nhau lách cách. Ông nói tiếp:

- Tội cho con vợ thằng Xê. Nó không chịu về. Dễ chừng nó ngủ luôn ở ngoải.

Lão Đối la lên:

- Bộ nó khùng sao mà tính ở luôn trong đồng. Chẳng tên bay đạn lạc thì thời tiết này cũng ốm mà chết.

- Tôi kéo nó về nó còn la tôi. Rồi nó chạy tuốt vô Đầm Tròn. Mai sáng ông nhờ mấy người đi kiếm nó về.

Nói rồi ông Năm bỏ đi luôn. Bóng dáng gầy gò thiểu não của ông mất hút ngay trong ngõ tối. Lão Đối đứng tần ngần giây lát, vừa quay lại thì đã đụng ngay Hoanh đứng ở mé sau từ bao giờ. Giọng Hoanh lo lắng:

- Vợ chú Xê ấy hả?

Lão Đối thở dài:

- Phải. Nó còn lẩn quẩn ngoài đó. Tội nghiệp quá chừng.

Hoanh nói:

- Không thể được. Phải đi đón cô ta về.

Lão Đối kinh ngạc:

- Bộ mầy cũng tính khùng như nó sao. Vô đồng bây giờ là chết!

- Ôi! Ông quá lo xa. Mình sợ, tụi nó cũng sợ, chớ có ba đầu sáu tay gì đâu. Cháu phải ra kêu cô ta về. Tội nghiệp chú Xê, nó vẫn tự nhận là em út mọi người mà.

Ngẫm nghĩ một lát, lão Đối nói:

- Thôi thế để tao đi một mình. Mày đừng có vô tao ngán lắm.

Hoanh gạt đi:

- Cháu không có để bác lụy vào việc đó đâu. Đối với tình nghĩa của chú Xê thì đó là bổn phận của cháu mà.

Loanh quanh một hồi, rút cục cả hai bác cháu cùng dò dẫm đi về mé đồng. Trời quang đãng, mây kết thành từng vẩy phản chiếu ánh trăng mờ úa. Gió hun hút thổi trên những lớp cỏ may rì rào. Phía đằng xa, đồn Phi Mã nằm im bất động trong một vùng ánh sáng vàng yếu. Những ngọn phi lao ở đó chen vào nhau tạo thành những khối đen thẫm in trên nền trời. Đường đi mỗi lúc một thêm gồ ghề. Những cụm duối thấp bắt đầu mọc lên như những gò nhỏ. Con nước đang lên mạnh, loang dần dần và giải chan hòa trên một khoảng rộng lút tầm mắt.

Bỗng lão Đối giơ tay ra hiệu cho Hoanh ngừng lại. Trước mặt hai người là một căn chòi nhỏ. Mái lá nghiêng xuống thật thấp và cỏ dại vây quanh um tùm. Hồi còn bình yên, những căn chòi kiểu này vẫn thường là chỗ trú chân của lũ mục đồng, bọn đi câu ếch hay các toán người đi bắt kỳ nhông. Lâu ngày không xài đến, có những túp lá sụp xuống hoàn toàn, cũng còn vài ba túp siêu vẹo nằm rải rác đâu đó từ đây xuống mé Đầm Tròn. Trong căn lều trước mặt, bóng tối che phủ hoàn toàn, nhưng lão Đối có vẻ đánh hơi thấy có tiếng động lạ. Hoanh sấn lên vài bước nữa, nghiêng mình lắng tai nghe, và bây giờ thì hắn biết là trong chòi có người thật. Đó là tiếng ú ớ vẳng ra rất mơ hồ, tiếng cọ sột soạt trên lớp cỏ khô, và quanh quất đâu đó có những tiếng côn trùng vang lên từng hồi rỉ rả. Hoanh bỗng nghĩ đến chị Xê và tuổi trẻ đầy sinh lực của chị. Hắn rùng mình liếc ra vùng bóng tối bao bọc chung quanh. Bọn thằng Há, thằng Đực nào khác chi những con cáo quen thuộc rình mò trong đêm tối. Và chị Xê đâu có khác gì một miếng mồi ngon. Ruột gan của Hoanh bỗng nóng sôi lên. Hắn bước soẹt qua một vũng nước và xoay một vòng là đã áp tới được mô đất bên cạnh lều. Đằng sau hắn, lão Đối líu ríu chạy theo bén gót. Tiếng động trong lều mất bặt hẳn và bốn bề đè trĩu một sự im lặng nặng nề. Nhưng chỉ một lát, kẻ lạ bên trong đã đạp vách từ mé lều bên kia băng mình chạy ra. Bóng dáng của nó mất tăm ngay sau những bụi duối dại.

Tiếng ú ớ khi trước lại vẳng lên. Hoanh tấp ngay vào cửa lều và hắn nhận ra có cả tiếng cựa quậy của người bị trói chặt. Một phút im lặng nữa trôi qua. Lão Đối cũng đã đến bên Hoanh từ lúc nào. Lão đứng chênh vênh ngay giữa cửa lều và nói to:

- Tao là Đối đây. Tụi bây đừng có bắn xàm.

Tiếng la của lão chìm lỉm ngay vào bóng tối vì không có tiếng trả lời. Cũng không cả tiếng súng mà Hoanh chờ đợi. Lão Đối được thể châm ngay một điếu thuốc ở giữa đầu gió rồi bước vào trong lều. Mãi tới lúc đó Hoanh mới dám bật lóe thật nhanh một ánh đèn pin. Luồng ánh sáng xanh lét quét ngang một thân thể tả tơi gần như lõa lồ. Một niềm uất nghẹn dâng lên chẹn ngang lấy cổ gã đàn ông. Hắn nghĩ đến người bạn đồng đội nhỏ bé và những kỷ niệm thân yêu sau những ngày chung sống. Bây giờ Xê đã nằm xuống và vợ Xê thì đang đến nông nỗi này. Hai giọt nước mắt bỗng ứa ra làm Hoanh thấy cay xè. Hắn đắp lên người nàng tấm áo của hắn, xốc nàng dậy trên đôi tay, rồi lầm lũi bước ra. Trên đường chập choạng trở về, khuôn mặt của hắn đầm đìa nước mắt.
                                       (còn tiếp)
                

0 nhận xét