Open top menu
Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013



(tiếp theo)

Tạp Ghi Văn Nghệ
Nhà văn vẫn đứng ngoài nắng : Nhật Tiến
Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà văn Nhật Tiến là nhà văn của tuổi thơ, của những bức xúc về một cuộc chiến tranh và là một người lưu lạc suy ngẫm về thân phận của mình và của chung một thế hệ phải trải qua những ngày chiến tranh và những ngày hậu chiến tranh mà những bi thảm, những bất toàn của xã hội lại còn đáng sợ hơn thời còn khói lửa. Ông viết với tâm cảm mà những ý nghĩ trung thực được biểu lộ không e ngại và là tiếng nói được lắng nghe từ công luận.
Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hội, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo.

Tôi đã có dịp phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến và ông đã kể về thời gian bắt đầu sáng tác của mình. Lúc còn thơ ấu ông đã đi Hướng Đạo và sau này là một trong những trưởng kỳ cựu của Hướng Đạo Việt Nam. Ông mê thích văn chương và tất cả nỗi đam mê ấy về sau này khi di cư vào Nam ông đã kể lại trong “Thuở mơ làm văn sĩ” do nhà Huyền Trân ấn hành năm 1973 ở Sài Gòn.
Tác phẩm đầu tay của ông là một truyện ngắn được in trên nhật báo Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình ở Hà Nội.  Ông viết tiếp truyện ngắn nhưng cũng sáng tác qua cả lãnh vực kịch.  Vở kịch đầu tiên là một kịch ngắn vui chế giễu về một nhân vật là một nhà thơ háo danh và được đăng trên giai phẩm Xuân của báo Cải Tạo in năm 1953. Tờ báo này có các cây bút khá nổi thời đó như Kim Sinh, Văn Bình, Nhị Lang và do ông Phạm Văn Thụ làm chủ nhiệm. Cùng thời lúc này với ông có nhà thơ Song Hồ, nhà thơ Tô Hà Vân (tức nhà văn Nguyễn Ðình Toàn sau này). .. Nhóm sinh hoạt văn chương ấy hoạt động như những người trẻ yêu văn thơ và đó là thời gian để về sau họ đã thành những cây bút nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam.


Di cư vào Nam, ông xuống Bến Tre dạy học ở trường Quang Trung và cuối tuần ông không về Sài Gòn, ở lại trường nên có thời giờ sáng tác. Ông hoàn tất “Những Người Áo Trắng” lấy không gian và thời gian của Hà Nội kể lại chuyện của một cô nữ tu trẻ nguyện tận hiến dâng đời cho Thiên Chúa. Một giáo sư cùng dạy học với ông là Trương Cam Vĩnh đọc và thích thú với tiểu thuyết này đã mang về cho nhà văn Nhất Linh đọc và cho ý kiến. Văn hào Nhất Linh rất khen ngợi và khuyến khích ông nên xuất bản thành sách. Thế là năm 1959, nhà văn Nhật Tiến đã in tác phẩm đầu tay “Những Người Áo Trắng” và bắt đầu cho một hành trình văn chương kéo dài đến hơn nửa thế kỷ sau. Những tác phẩm tiếp theo là Những Vì Sao Lạc, Tay Ngọc, Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng..
Chuyện Bé Phượng là một cảnh sống được thu gọn lại trong một viện mồ côi và tất cả các nhân vật cùng đóng vai trò trong một tấn thảm kịch. Ở đó, những trẻ mồ côi được phác họa lại bằng một vài nét nhưng lại biểu trưng được bằng những nét nhân bản. Những nhân vật ấy cũng sinh hoạt như ở ngoài đời thường, cũng có những tị hiềm ganh tị, cũng có những vai đạo đức giả vờ, cũng có những trẻ sớm biết suy nghĩ và có thiện tâm nhưng rốt cuộc lại bị những phần thua thiệt. Như bé Phượng, tốt với cả mọi người nhưng lại bị nhiều chuyện rắc rối vì chính lòng tốt ấy. Cái chết của bé Alice, nguyên nhân gián tiếp vì chia ly với người bạn Thu Thu từng giúp đỡ yêu thương mình và là tấn thảm kịch làm những người đa cảm xúc động. Nhân vật cô bé Cúc đi ăn cắp bị mang vào trong cô nhi viện rồi trốn ra ngoài không phải là một cô bé xấu nết hoàn toàn mà vì để chống đỡ lại những ức hiếp của cuộc đời nên có phản ứng như vậy. Những đứa bé mồ côi bất hạnh đâu phải tất cả là những trẻ hư hỏng nhưng nhiều khi vì hoàn cảnh phải tự vệ để sống còn. Ðó là một thực tế.
Tôi đọc và nhớ lại cái cảm giác ngày xưa của mình về truyện dài này.

Tôi đã sống ở một xóm bình dân và cũng đã chứng kiến nhiều đứa trẻ sống trong gia đình như địa ngục, cha say sưa, mẹ cờ bạc và chúng lớn lên tự nhiên như cây như cỏ, tiêm nhiễm thói hư tật xấu như là một chuyện tất nhiên và khi lớn lên lại tái diễn lại những thảm kịch mà cha mẹ chúng đã thực hiện. Chuyện trẻ thơ ấy sao buồn quá! Và cuộc đời cứ đầy dẫy những chuyện như thế! Thành ra, xúc cảm, hay nao nao trong lòng thuở đó cũng là chuyện đương nhiên. Bây giờ đọc lại, dù đã trải qua nhiều chặng thử lửa ở ngoài đời và chứng kiến biết bao nhiêu chuyện thương tâm, nhưng vẫn nao nao khi nghĩ đến những trẻ thơ bất hạnh mà nhà văn Nhật Tiến đã mô tả trong những tác phẩm của ông. Có phải vì những nét riêng của con người muôn thuở lúc nào và bất cứ ở không gian, thời gian nào cũng làm cho mọi người chúng ta phải động tâm?
Chim Hót Trong Lồng cũng là câu chuyện của một cô bé sống nội trú trong trường Nhà Trắng với các bà sơ chăm sóc và hướng dẫn trong cuộc sống hàng ngày. Những cô bé ngây thơ ấy chưa hiểu được cuộc đời và trong những hoàn cảnh ngặt nghèo thương tâm ấy, sự vươn lên khỏi vị trí thấp hèn trong xã hội thật là khó khăn.
Chim Hót Trong Lồng là 14 lá thư của bé Hạnh viết cho mẹ và sau khi người mẹ chết là những dòng nhật ký ghi chép lại nỗi niềm của một người con gửi cho bà mẹ vừa khuất bóng. Những lá thư viết thật thà đến độ não lòng, hỏi người mẹ những câu hỏi thật ngây thơ nhưng gợi lại thật nhiều buốt xót. Mẹ của Hạnh là một người làm điếm và bị chết vì bệnh hoạn trong nhà thương thí. Trong trường nội trú, Hạnh như sống ở trong một cái lồng và cuộc đời bên ngoài đối với cô hoàn toàn xa lạ. Câu chuyện thật buồn, người buồn và cảnh thì toàn là mưa gió u ám với những không gian lạnh lùng của tu viện, đầy cánh lá rơi và tiếng chuông buồn thảm. Hạnh gặp gỡ mẹ với cả nỗi buồn rầu và ngay trong đám tang người mẹ cũng đầy những bi thảm tang thương. Có một sự đau đớn nào hơn khi đứa con gái viết thư hỏi mẹ có phải mẹ làm nghề điếm phải không và sở của mẹ có to không và nhiều người không? Trong tâm hồn ngây thơ của cô bé, làm điếm cũng là một nghề.
Và mẹ cô vẫn có một chỗ đáng kính trọng như những bà mẹ khác!
Chuyện Chim Hót Trong Lồng với cách diễn tả tự nhiên như thế đã gây cho độc giả nhiều xúc động.
Viết về tuổi thơ không phải chỉ có hai nhà văn Duyên Anh, Nhật Tiến, một viết về tuổi thơ đùa nghịch mộng mơ, và, một viết về những tuổi thơ bất hạnh của những cuộc đời đen tối. Mà còn có Lê văn Trương với “Anh em thằng Việt”, có Hoàng Ngọc Tuấn với “Học trò”, và có nhiều người khác. Dĩ nhiên mỗi người có văn phong riêng, có ngôn ngữ diễn tả riêng. Do đó, khó lòng mà so sánh người này với người kia.
Riêng trường hợp nhà văn Nhật Tiến thì quả ông là một nhà văn hay viết về tuổi thơ bất hạnh. Ông viết rất cảm động, đầy nét nhân bản và dễ làm người đọc chia sẻ với xúc cảm mà ông đã có từ những trang sách.Tôi đoán có lẽ tuổi thơ của ông chắc cũng có những nỗi niềm riêng nên mới có những tâm tình sâu xa đến như thế.
Mỗi nhân vật tuổi thơ của ông đều có những nét riêng, gần gũi với người đọc và cả đời sống thường nhật hàng ngày nữa. Tác giả như hòa đồng vào trong khí hậu của tiểu thuyết, của chuyện kể nên chất chủ quan cũng ít đi. Và như thế câu chuyện trở thành có hồn hơn và lôi cuốn được trí tưởng tượng cũng như niềm cảm xúc.
Hồi trước thời tiền chiến các nhà phê bình văn học thường chỉ trích là các nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn khi viết về những người cùng khổ thường đứng ở trên vị trí của một người ở trên cao nhìn xuống thấp. Tới bây giờ cũng có nhiều nhà văn khi tả cảnh thuyền nhân cực khổ nhưng lại đóng vai người quan sát rồi phê phán nên khi mô tả những cảnh đau khổ của con người thì lại thấy ở đó có một chút gì độc ác của những người chỉ tả bất hạnh của người khác để làm nổi bật lên cái hạnh phúc của mình.
Với nhà văn Nhật Tiến, ông đã đem tấm lòng nhân ái của mình để chia sẻ với những nhân vật những nỗi bất hạnh. Ở đó, là sự xúc cảm thật. Ở đó, là nỗi niềm chung mang thật. Và độc giả đã cảm thấy được điều đó qua văn phong của ông. Chất nhân bản lúc nào cũng đầy ắp trong ngôn ngữ và ý tưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Nhật Tiến đã phát biểu rằng công việc ra một tờ báo dành cho thiếu nhi (trong khoảng từ 10 đến 15, 16 tuổi hay trình độ từ cuối bậc tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông) là mơ ước của ông. Nhất là trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta khi xã hội có nhiều hiện tượng băng hoại do văn hóa ngoại lai xâm nhập và cũng do ảnh hưởng chiến tranh. Mãi đến năm 1971 ông mới được sự tài trợ của nhà sách Khai Trí và ra mắt tờ tuần báo Thiếu Nhi vào ngày 15 tháng 8 năm 1971 và đều đặn hàng tuần đến tháng tư năm 1975 thì chấm dứt. Ngoài ra ông còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như tổ chức thư viện cho các em mượn sách về nhà đọc, tổ chức các Gia Ðình Thiếu Nhi ở các tỉnh và các đô thị lớn có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, hay tổ chức các cuộc thi viết văn làm thơ cho thiếu nhi và có giải thưởng khá lớn. Nói chung là phối hợp giữa giải trí và giáo dục để các em có những sinh hoạt vui tươi và bổ ích.
Sau khi vượt biển sống ở hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến cũng làm chủ bút tờ Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di một thời gian và lúc nào cũng chú tâm đến lớp tuổi măng non ở hải ngoại.
Trong tác phẩm “Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam”, nhà văn Mai Thảo đã viết “Nhật Tiến vẫn đứng ở ngoài nắng” Ông nói về những “cơn nắng chói chang dữ dằn đổ lửa” của dân tộc Việt Nam. Những cái nắng của thế kỷ, bỏng cháy trên vai trần của hàng triệu con người lầm than trên trái đất, của những con người bị mất quyền làm người, nạn nhân của thế lực tiền bạc và thế lực bạo lực. Những cái nắng nhễ nhại trên bãi mìn nơi Phan Nhật Nam lê gót tù nhân như đi trên thủy tinh vỡ. Những cái nắng ngùn ngụt ở Gia Trung, nơi những Doãn Quốc Sỹ, những Nguyễn Sỹ Tế, mệt lả mồ hôi mang vác những thân cây nặng nề trong thân phận của người tù khổ sai. Và những cái nắng của ngày vượt biên khát đắng và thiêu đốt con người. Hay cái nắng của đảo hoang Ko Kra, nơi những hải tặc hiện hình làm quỷ sứ. Những cơn nắng thiêu cháy con người, những đỏ lửa hun đốt cõi đời.


                                                         (còn nữa)

0 nhận xét