Open top menu
Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013




                                     
                         (tiếp theo)


Sự hỗn hào, vô ơn bạc nghĩa này của đứa cháu thân yêu là một đòn chí tử đánh mạnh vào tinh thần bạc nhược của ông. Nỗi đau đớn ngấm ngầm cấu xé tuổi già làm ông trở bệnh luôn luôn và nhiều khi biến ông thành một kẻ dở điên, dở khùng. Ông trốn tránh mọi người, trốn tránh gặp thằng Dụng. Giang sơn của ông riết rồi chỉ thu hẹp trong một căn buồng xép ẩm mốc và tối mò quanh năm. Lẽ dĩ nhiên, một nếp sống như thế thì không còn thể nào “cản đường cách mạng” được. Thằng Dụng nhờ vậy đã được đền bù bằng những tấm bằng ban khen do tận cấp tỉnh gửi về trao tặng. Nhiệm vụ của nó bây giờ là rình mò những chuyến xe di chuyển qua quốc lộ, cung cấp tin tức để hướng dẫn cán bộ, du kích hoạt động trong khu vực.
Căn hầm bí mật ở nhà nó vẫn là chỗ được dùng làm một trạm giao liên quan trọng. Rất ít khi có những cuộc bố ráp vào sâu tận vùng um tùm hẻo lánh ở khu xóm nhà nó. Hoặc giả có một đôi lần dấu chân của lực lượng quốc gia có đặt tới thì cũng chỉ là những cuộc lục soát qua loa. Vào thời kỳ này nhiều mặt trận đã lan rộng, nhiều trận đánh ác liệt đã bắt đầu xẩy ra, những toán quân thuộc chủ lực Miền đã bắt đầu xuất hiện, tuy vậy bom đạn cũng chưa thực sự tàn phá những thôn ấp xa xôi, hẻo lánh. Duy chỉ có một điều là nếp sống bình thường ở mọi nơi, mọi chỗ, đã bắt đầu bị bật rễ. Ở cùng một làng một xã, sự xâu xé, tương tàn đã bắt đầu rõ rét. Trong cùng một gia tộc, có người đăng lính bên này, có kẻ chiến đấu ở bên kia.

                                                             *
                                                            **
.
Đêm hôm kích cầu, ngoài thằng Bình bỏ xác, còn có thằng Sách bị đạn bắn xuyên qua bắp chân. Nó được gửi nằm trong hầm nhà ông Năm Điếc trước khi bọn thằng Đực, thằng Há và đồng bọn rút đi qua Đầm Tròn.
Sách nằm rên rỉ được một buổi thì vết thương sưng vù lên. Nó sợ phải cưa mất một chân nên năn nỉ nhờ Dụng dẫn tới nhà ông anh họ làm y-tá trên cầu chợ. Sách ghét Mỹ, ghét Quốc gia nhưng nó lại rất ao ước thèm muốn những loại thuốc trụ sinh. Nghe lời đồn, nó nghĩ thuốc trụ sinh là một môn thuốc vạn năng, trị được hết thẩy các thứ bệnh, kể cả bệnh tê thấp, kiết lỵ vì ăn uống thiếu thốn. Nó nghĩ chỉ một liều trụ sinh là sẽ lành lặn hẳn. Nó sẽ không phải nằm ép rệp trong căn hầm ẩm thấp chôn sâu dưới đáy chuồng heo nhà thằng Dụng. Thế là nó liều lĩnh tập tễnh lần mò lên chợ, có thằng Dụng lén lút theo sau. Trong cạp quần, nó bện một quả lựu đạn nội hóa. Nó nghĩ là sẽ có thể bảo vệ cho thằng Sách nếu động dụng có chuyện gì xẩy ra.
Và nó đã tung quả lựu đạn này thật. Nó đã ném vào ngay cửa phòng đọc sách để gây ồn ào náo nhiệt và tạo cơ hội cho thằng Sách lẩn trốn. Quả nhiên thằng Sách vượt qua được tầm súng ngần ngừ của thằng Hoanh nhưng chính nó, chính thằng Dụng lại nằm sóng sượt cách chỗ lựu đạn nổ không đầy bốn thước. Đó là lần đầu tiên Dụng thực hành mớ lý thuyết nó được học về cách xài lựu đạn. Vật giết người này đã phát nổ quá nhanh so với phản ứng vừa run rẩy vừa chậm chạp của nó. Vì thế mình mẩy của nó đã bị ghim đầy những mảnh vụn. Nó nằm sóng soài trên mặt đất. Máu của nó loang đỏ cả trên nền cát khô nóng bỏng.
Cạnh đấy, một cánh cửa gỗ bị phá bể, một cái xe gắn máy gẫy tan tành, và một anh dân vệ chết banh ruột. Kẻ xấu số là một thanh niên vừa cưới vợ được gần tròn hai tháng. Anh ta tên là Xê, nhưng bạn đồng đội vẫn thường gọi đùa là chú Út bởi vì đáng dấp của Xê đã bé nhỏ, nước da lại trắng trẻo mịn màng và cử chỉ thì lúc nào cũng rụt rè như con gái. Ngày Xê cưới vợ là một dịp cho toàn thể đơn vị chọc ghẹo, cười đùa. Bởi vì với những kẻ nhút nhát, e lệ quá đỗi như Xê, người ta không thể ngờ được rằng có ngày dám lấy vợ, lại lấy vợ hầu như sớm hơn hết thẩy mọi người. Năm nay tuổi Xê vừa tròn mười chín. Vợ Xê nhỉnh hơn một chút tức là hai mươi. Hai mươi thôi, với non hai tháng hương lửa mặn nồng, ngần ấy chưa đủ để sánh với nỗi đau thương bỗng chốc úp chụp lên đầu người đàn bà góa trẻ.
Bây giờ chị Xê đứng chết lặng ngay chỗ xẩy ra tai nạn. Mặt chị trắng nhợt, hai con mắt thất thần mở to nhưng như không nhìn, không thấy gì hết nữa cả. Mãi đến lúc người ta tìm được mảnh chiếu đắp kín lên thi thể bầy nhầy của người xấu số thì chị Xê mới chồm lên, lăn xả vào gào thét cấu xé, giẫy giụa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một buổi chiều nóng bức ngột ngạt, chị Xê đã biến đổi hoàn toàn. Đôi mắt bồ câu đen lay láy bây giờ đã đỏ ngầu những gân máu, mái tóc óng ả dài thượt bây giờ rối bù, bê bết bụi, cát và máu. Còn trên khắp mình mẩy của chị, những mảnh quần áo rách bươm tơi tả, phô ra làn da mịn màng đầy những vết sây sát, tím đen do sự lăn lộn trên suốt quãng đường từ chợ về nhà. Chung quanh chị, mọi người chỉ nhìn nhau nghẹn ngào và thấy mình hoàn toàn bất lực không giúp được gì cho nhau cả. Trong khi ấy trên bầu trời vẫn có những chuyến máy bay nặng nề đi qua, trên quốc lộ vẫn có những đoàn xe đầy lính di chuyển, và quanh quất đâu đó, trong những lùm cây um tùm vẫn có những toán du kích lén lút, rình mò.
Quyển sổ bộ đời sống, tức là lão Đối lại thêm một tên mới được ghi thêm. Vào buổi tối ngày hôm kế tiếp, sau khi chôn cất Xê xong xuôi, lão Đối vừa ngồi nhâm nhi ly rượu đế vừa ngậm ngùi nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa về “thằng Xê ở đợ”. Tre già khóc măng là như vậy đó. Lão nói:
-               Tính nết nó rất khá. Nó ăn mòn đũa mòn bát chính ngay nhà ông Năm Điếc chớ ai. Nó đã từng cõng cả thằng Dụng đi học trong trường làng. Ông Năm vẫn đe nó là "Mầy coi em cẩn thận, nhất hạng là về xe cộ. Nó có bề gì thì mầy cũng không sống nổi với tao đâu, con ạ”. Thằng Xê cuốn gọn thằng Dụng trên lưng, nhăn nhở cười: “Nó ngồi vậy, từ đây tới trường, tôi có chết thì nó mới chết được!”. Ai ngờ, thế mà đúng thiệt. Cả hai đứa cùng đi một lúc, một chỗ. Chỉ có điều là Xê đã chết trong cái hoàn cảnh thật khó mà ai có thể tin.
-                     Một người hỏi:
-                     - Phải nó mồ côi cả bố lẫn mẹ không?
-                     - Không phải đâu. Bố nó tập kết hẹn hai năm về nhưng rồi đi luôn. Còn mẹ nó nghe đâu lấy một anh tài xế nào đó chạy xe đường liên tỉnh. Kể cũng dị chớ, không biết nghĩ thế nào nó lại xung vô dân vệ. Ngộ mai mốt bố nó trở về, hai bố con đối nghịch nhau, rồi làm sao đây? Có bắn nhau thiệt tình không?
-                     - Cái đó ai mà biết. Mũi tên hòn đạn trong chiến tranh thì có chừa ai mà kể bố, với con. Mà điều bắn nhau thiệt tình thì chắc là không đâu.
-                     - Ông nói gì lạ vậy kìa. Làm sao ông biết được thế nào là bắn nhau không thiệt tình?
-                     - Mầy tin tao đi. Tao già bằng đây tuổi rồi mà còn nói xàm với mầy sao. Người ở đâu thì tao không biết, chớ nội quanh đây, khu vực khắp năm xã, mười bốn ấp nầy, dân mình đều chất phác hiền lành hết thẩy. Tao sống cả một đời, có bao giờ chứng kiến một vụ cố sát nào đâu!
-                     - Ngày xưa khác, bây giờ khác, ông ơi. Bây giờ là chiến tranh, là có phe này phe kia rõ rệt.
-                     - Đồng ý là vậy đi. Nhưng giết nhau là giết, chớ nhất định không có cái vụ thiệt tình vô đó. Bây giờ mày vô lính quốc gia, rồi một thằng cha căng chú kiết nào đó ở trên trời rớt xuống làm lính cộng sản. Mày biết nó ở đâu, thế nào mà đòi giết nó thiệt tình? Giết là giết, bắn là bắn vậy thôi chớ, có thù gì nhau ở đâu.
-                      Một người khác xen vào:
-                     - Chà! Thiệt tình cũng chết, hổng thiệt tình cũng chết. Chết rồi, ở đó mà nhỏm dậy nói chiện “thiệt tình”.
-                     Câu nói của gã làm mọi người cười ầm lên, khiến lão Đối bẽn lẽn ngồi im, nhưng lòng vẫn hậm hực. Một lát, lão lại nói:
-                     - Mà điều cũng có khác chớ. Nếu chỉ vì những cái gì đâu xui khiến cho người ta dễ bắn giết nhau thì rồi cũng có cái xui khiến để cho người ta dễ hòa bình trở lại với nhau chớ. Cùng làng, cùng nước, chớ ai đâu xa lạ gì mà thù với oán để giết nhau thiệt tình..
-                     - Hay lắm. Phải lắm. Mà điều cái đó bao giờ xẩy ra đây?
-                     Lão Đối cười chua chát:
-                     - Bao giờ hả? Mầy có hỏi đến ông cố nội tao thì ổng cũng không biết lối mà trả lời.
-                      Câu chuyện đến đó bỗng rơi vào một khoảng trống im lặng, nặng nề. Bầu không khí buổi nhá nhem tối như xua đi những niềm vui ngắn ngủi ban ngày để đem về những nỗi lo âu thấp thỏm về đêm. Trong bóng tối, từng đôi mắt sâu đen của mỗi người như mở to thêm, mỗi người đều mang một tâm trạng khắc khoải, lo âu, chẳng ai có thể biết được chuyện gì sẽ xẩy ra trong đêm nay


                                        (còn tiếp)

0 nhận xét