(tiếp theo)
Ong hoạ sĩ Tụng gật đầu :
“ Thì hôm đó nó định thế nhưng có việc đột xuấtnhư thằng chống muốn về nhà bố mẹ, hoặc cả hai muốn tới resort đón lễ Tạ ơn nó thay đổi kế hoạch là thường chứ ?”
Bác Ba Phi trợn mắt kinh ngạc :
“ Vậy nó cho tôi leo cây , không về nhà dự lễ Tạ Ơn ?”
Ong hoạ sĩ Tụng cười :
“ Không phải cho bác leo cây. Mà …thay đổi kế hoạch …Bác để tôi gọi cô Ut xem sao !”
Ông mở cell phone bấm bấm xì xồ tiếng Anh . Bác Ba Phi buồn rười rượi. Trời đất, không thể tưởng tượng nổi con gái bác, gọi bác về dự lễ Tạ ơn trên đất Mỹ lại bỏ đi ngang xương . Tình cảm bố con, ông cháu trên cái đất Mỹ này sao nhạt nhẽo . Bác cứ nghĩ ngợi lan man. Suy cho cùng chính bác cũng có lỗi khi bác cứ bỏ đi biền biệt hết người này người khác chẳng chịu ở nhà hỏi han trò chuyện con cháu trong nhà.
“ Lỗi tại mình” – bác Ba Phi thở dài . Giá đừng ham vui theo chị Kelly Thi với “lão già” mất cả tháng thì dư thời gian ở nhà ông cháu tha hồ trò chuyện. Nhưng mà…ngôn ngữ bất đồng trò chuyện sao ? Không lẽ lúc nào má nó cũng phải kè kè bên cạnh phiên dịch ? Không được, cô Ut bận tối ngày , sao ở nhà thông ngôn cho hai ông cháu được ? Vả lại hai ông cháu hai phương trời, quá khác biệt tuổi tác đã đành, lại sinh ra và lớn lên ở hai nơi chênh lệch đủ phương diện, có chung điểm gì mà trò chuyện ? Chẳng có gì cả, giả tỉ bác Ba Phi có suốt ngày ngồi nhà chắc cũng không có cơ hội thân thiết với thằng cháu ngoại.
Ong hoạ sĩ Tụng quay sang bác Ba Phi :
“ Chuyện nhỏ…no problem…hai vợ chồng cô Ut nhận lời mời đột xuất của bà mẹ chồng nên đã đánh xe đi Las Vegas dự lễ Tạ Ơn. Cô Ut nói tôi đưa bác về nhà tôi dự. Có hai anh già làm cái lễ Tạ Ơn kể cũng vui.
Bác Ba Phi nói dỗi :
“ Thôi thôi…tôi có nhận ơn huệ gì ở đây đâu mà phải tạ ơn ?”
Ong hoạ sĩ cười cùng cục :
“ Đúng rồi…người Mỹ tạ ơn…đó là những người đến Mỹ vào những ngày đầu tiên được thổ dân bầy cho cách sống sót qua mùa đông rét cắt thịt không cái ăn. Bởi vậy gà tây và bí đỏ vốn là hai loại thực phẩm cứu sống con người hồi đó nên được đưa vào thực đơn truyền thống của lễ Tạ Ơn. Hôm nay mình không tạ ơn dân bản xứ thì cũng làm cái lễ tạ ơn…ông thần khẩu…”
Bác Ba Phi nghe bùi tai lại leo lên xe ông hoạ sĩ rời khỏi nhà cô Ut. Xe vào khu siêu thị bác sực nhớ ra chuyện bán tranh lấy 3000 đô giúp vợ chồng thằng Đậu nuôi ba ba, bác nói :
“ Ta tới cái gì li…li đi…”
Ong hoạ sĩ Tụng trợn mắt :
“ Li li là ở đâu ?”
Bác Ba Phi tưởng ông hoạ sĩ muốn lơ chuyện , bực mình :
“ Thì là chỗ ông triển lãm tranh của tôi đó…”
Ong hoạ sĩ Tụng vỡ lẽ :
“À…gallery…phải rồi triển lãm tranh ở gallery…”
“ Tôi với ông tới đó …coi tranh tôi bán chưa ?”
Rõ đúng vạ miệng. Hôm đó hứng chí nói chuyện bán tranh, ngờ đâu ông bạn già tưởng thật khăng khăng bám câu nói đó. Trời đất ơi sao giảng giải cho ông bạn hiểu chơi được hội hoạ trừu tượng phải là các hoạ sĩ tài năng chứ người mù tịt như ông . Ong hoạ sĩ hoãn binh :
“ Hôm nay ngày lễ, gallery đóng cửa hết, để qua lễ đã…”
Bác Ba Phi nửa tin nửa ngờ :
“ Tôi tưởng ngày lễ càng phải mở cho người ta vào coi chứ ?”
Ong hoạ sĩ lắc đầu :
“ Không không…ở bên Mỹ này khác…cứ ngày lễ là nó nghỉ tuốt luốt chứ không nhập nhằng như ở Việt Nam . Mà tôi hỏi này…sao bác nôn nóng bán tranh dữ vậy ? Thiếu tiền tiêu à ? Tôi tưởng cô Ut lúc nào chẳng để sẵn tiền cho bác tiêu ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Tôi không cần tiền tiêu. Ở bên này cái gì cũng sẵn trong tủ lạnh cả rồi, có gì phải tiêu tiền ? Tôi cần tiền để gửi về cho vợ chồng thằngĐậu nuôi ba ba kìa ?”
Ong hoạ sĩ tròn mắt :
“ Oh My God…tôi nghe nói vợ chồng nó nuôi cá tra lỗ sạch vốn rồi, giờ còn định nuôi ba ba…thất bại nữa thì sao ?”
“ Thì lại tìm con khác nuôi chứ sao ?”
Ong hoạ sĩ bất đồ cười ha hả làm bác Ba Phi bực mình :
“ Sao ông cười ?”
Ong hoạ sĩ cố nhịn cười :
“ Thảo nào tôi nghe người ta nói ngày xưa ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi đâu cũng hỏi :” tỉnh ta nuôi con gì ?”. Hoá ra là chuyện có thật. Cứ nuôi con này thất bại lại nuôi con khác. Cuối cùng chỉ có nuôi con “cave” là giầu nhất. Dân mình lạ thật, chắc nghe theo ông cha xui dại …”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Ong cha mà xui dại ?”
“ Thì đấy…”thua keo này ta bầy keo khác” chẳng xui dại là gì ? làm ăn phải tính toán thiệt hơn, ăn chắc mới làm, cứ bầy keo khác vậy chẳng mấy chốc mà đi ăn mày.”
Bác Ba Phi ngẩn người rồi quả quyết :
“ Lần này chắc hai vợ chồng thằng Đậu trúng lớn. Bước đầu nó bỏ ra khoảng trăm triệu đào hồ , quây lưới xung quanh, làm đảo giữa hồ cho ba ba leo lên ăn uống ngủ nghỉ . Rồi ba mươi ngàn một con ba ba giống , bước đầu thả một ngàn con vốn mới có 30 triệu, nuôi hai năm được ký ba, ký tư bán cho nhà hàng 600 ngàn một ký. Vậy là lời lớn rồi…”
Ong hoạ sĩ cười giòn :
“ Nói vậy nhưng không ngon ăn đâu. Nào nguồn thức ăn, nào môi trường, nào dịch bệnh…không lường trước có giải pháp khắc phục lại trắng tay lần nữa. Lúc đó không biết là nuôi con gì nữa đây ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Ong nói làm tôi nản quá. Nhưng làm gì cũng phải liều một chút chớ…ăn chắc trăm phần trăm thì thiên hạ ai cũng giàu…Chuyện gì cũng phải làm thử mới rõ …”
Ong hoạ sĩ tròn mắt :
“ Tức là 50/50 ? Thảo nào tôi thấy ở Việt Nam chuyện gì cũng đang…thử nghiệm hết. Cả nước biến thành cái trại thí nghiệm cho mấy cha lãnh đạo thử hết mô hình này với đường lối nọ. Đất nước cứ nháo nhào qua các cơn thử nghiệm. Đến ông Tổng Giám đốc ngành than nói về khai thác bâuxite Tây Nguyên cũng cứ đòi làm đi rồi khắc biết kết quả, còn giờ chỉ dự đoán năm ăn năm thua …”
Bác Ba Phi thấy ông hoạ sĩ đi quá xa đề tài nuôi ba ba của vợ chồng thằng Đậu nên nhắc khéo :
“ Tôi không biết bâu xít bâu xiếc ở đâu…riêng chuyện nuôi ba ba là ăn chắc. Con vợ thằng Đậu nó nói rồi , nó chỉ cần 60 triệu tức khoảng 3000 đô la chỉ một năm sau nó sẽ lời gấp 3 …”
Ong hoạ sĩ ngạc nhiên nhìn sâu vào mắt bác Ba Phi. Bác ta có cái vẻ rất tự tin vào điều bác nói. Thứ tự tin đó ông hoạ sĩ không bao giờ có được. Trong bất cứ chuyện gì, ông cũng tính lui tính tới, ngập ngà ngập ngừng, chuyện gì ông cũng thấy còn có rủi ro, chẳng bao giờ chắc ăn trăm phần trăm, bởi vậy chẳng bao giờ ông quyết đoán được chuyện gì, cứ đắn đo, do dự nên để vuột mất bao cơ hội trong đời.
Ong cười cười :
“ Tôi mà tin chắc được như bác, tôi sẵn sàng bỏ tiền túi cho vợ chồng thằng Đậu mượn để nuôi ba ba…”
Bác Ba Phi sung sướng reo lên :
“ Vậy hay quá rồi…ông cho tôi mượn tiền đi…đảm bảo sang năm sẽ hoàn trả cả vốn lẫn lời…”
Ong hoạ sĩ lắc đầu :
“ Đó là tôi giả dụ thôi. Làm sao tôi tin được vợ chồng nhà nó, nhất là tôi đã biết mặt mũi ra sao đâu ?”
Bác Ba Phi tiu nghỉu :
“ Vậy mà tôi cứ tưởng ông cho tôi mượn tiền. Vậy nếu con Ut nhà tôi đứng ra bảo lãnh ông có cho tụi nó mượn tiền không ?”
Ong hoạ sĩ lại lắc đầu :
“ Không có chuyện đó đâu. Nếu cô Ut bảo lãnh thì thà cô trực tiếp đưa tiền cho bác từ lâu rồi , từ hồi nó nuôi cá ba sa kìa, chẳng phải đợi đến tận giờ đâu…”
Nhìn vẻ thẫn thờ của bác Ba Phi, ông hoạ sĩ bật cười :
“ Thôi thôi bác ơi…”quẳng gánh lo đi mà vui sống”, quên chuyện con ba ba đó đi, vợ chồng thằng Đậu không có tiền của bác đã chết ngay đâu mà sợ. Giờ tôi với bác kiếm đồ mồi về nhà làm lễ tạ ơn…ông thần khẩu cái đi…”
Bác Ba Phi đành miễn cưỡng gật đầu. Ong hoạ sĩ đánh xe vào khu Phúc-Lộc-Thọ, dăn bác cứ ngồi yên trên xe để ông vào mua đồ mồi loáng cái ra ngay. Thế rồi chờ mãi cả nửa tiếng không thấy ông hoạ sĩ quay ra. Bác Ba Phi sốt ruột mở cửa xe suýt đâm bổ vào một người đang đẩy chiếc xe chất đầy hàng . Bác vội vàng xin lỗi rối rít. Nhìn lại hoá ra cô gái rất trẻ, ăn mặc diêm dúa, phấn son loè loẹt giống mấy cô cave Sàigòn. Cô nhìn lom lom vào mặt bác Ba Phi rồi reo lên :
“ Phải bác trong nước mới sang không ?’
Bác ba Phi ngạc nhiên :
“ Sao cô biết hay quá vậy ?”
Cô gái cười vui vẻ :
“ Thì cháu chỉ nhìn qua là biết ngay thôi. Nom bác vẫn còn hương đồng cỏ nội…Bác quê đâu, cháu Long Xuyên nè…”
Bác ba Phi buột miệng :
“ À…vậy ra là gái miền Tây …”
Cô gái bật cười :
“ Sao bác nói vậy ? Gái miền Tây dễ thương lắm mà…”
Rồi cô đổi thái độ, buồn buồn :
“ Nói vậy thôi … gái miền Tây tai tiếng lắm. Sang đây cháu nghe đầy cả tai rồi. Nào là ham ăn, ham diện, làm biếng, không chịu lo lắng gì , chỉ nhăm nhăm phá , còn tiền thì còn tình nghĩa, hết tiền là bỏ, kiếm thằng khác…”
Bác ba Phi cười cười :
“ Thì cô cứ suy từ cô ra. Thiên hạ đồn vậy có đúng không ?”
Cô gái lắc đầu :
“ Trật hết trơn. Cháu lấy chồng sang đây được nửa năm rồi. Suốt ngày lo nấu nướng món Việt Nam cho chồng đi làm về ăn. Mà toàn món Bắc Kỳ oái oăm thôi…”
“ Vậy chồng cô người Bắc ?”
Cô gái láu táu :
“ Bắc Kỳ 54 đấy bác. Sang Mỹ cả hai chục năm rồi mà toàn nhớ món ăn Hà Nội thôi…”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Toi tưởng chồng cô là thế hệ sau mấy ông bà 54 chắc đẻ trong Nam sao nhớ món ăn Hà Nội được ?”
Cô gái đỏ mặt lắc đầu :
Không…cháu lấy một ông già Bắc Kỳ 54…chênh nhau tới cả 40 tuổi lận…”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Chèn đéc ôi..trẻ trung xinh đẹp như cô sao lấy ông già ?”
Cô gái đáp gọn lỏn :
“ Vậy mới được định cư ở Mỹ…không lại lấy ba thằng xì thẩu Đài Loan..mệt lắm…”
(còn tiếp )
0 nhận xét