"... thế thời phải thế ..."
nhà văn Hồ Trường An
Đỗ Phương Khanh đã làm quen với độc giả qua vài truyện ngắn như "Đi Mua Giầy”, "Giận Nhau” trên tập san Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương. Chị xuất hiện đồng thời với Duy Lam, Nhật Tiến, Tô Hoàng, Tuyết Hương. Sau đó trên tập san Tân Phong, chị còn cho đăng một vài truyện ngắn nữa, như truyện "Con So " chẳng hạn.
Từ khi làm vợ Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh hầu như ngưng sáng tác. Chị Nguyễn thị Vinh thường than thở: Cô Phương Khanh thông minh, duyên dáng, viết hay lắm cơ. Tại cô ấy bận rộn con cái nên không chịu viết nữa. Vả lại cô ấy thấy chồng mình thành công trên văn đàn là cô ấy mãn nguyện rồi. Khi chị Nguyễn thị Vinh thực hiện tuyển tập truyện ngắn “Mười Hoa Trổ Sắc” gồm mười truyện ngắn của mười tác giả nữ thì chị Đỗ Phương Khanh cũng đóng góp vào đó một truyện, lấy tựa đề là “Vàng Son” một truyện xã hội, văn phong tuy dịu dàng, chải chuốt, nhưng thật đắng như vị quế chi, lưu hội.
Nhà văn Đỗ Phương Khanh - ảnh Cao Lĩnh
Đỗ Phương Khanh viết về truyện nam nữ yêu nhau, truyện đời sống lứa đôi trong gia đình. Xã hội trong tác phẩm của chị là xã hội trung lưu. Nhân vật của chị là những nhân vật bình thường, tầm thường. Thế nhưng câu văn dí dỏm, lối diễn tả hoạt bát, bố cục chặt chẽ đã làm cho các tác phẩm truyện ngắn của chị lôi cuốn thao thao như lạch nước chảy siết vọng tiếng ngân thánh thót.
Tôi được biết chị Đỗ Phương Khanh vào năm 1967, trong buổi tiếp tân tại nhà chị Nguyễn thị Vinh. Hôm đó, bên phía đàn ông có Nhật Tiến, Phổ Đức, Tô Thùy Yên, Thục Vũ, Duy Thanh, Anh Hoàng Tổng. Bên nữ có: Nguyễn thị Thụy Vũ, chị Trúc Liên (vợ họa sĩ Duy Thanh), nhà thơ nữ Diễm Phúc. Và có thêm một số thân hữu không phải là văn nghệ sĩ, trong đó có Đoàn Yên Linh và tôi. Sau màn trà nước, mọi người dùng tiệc theo kiểu self-service. Chiếc bàn dài chất đầy rượn, sôi gấc, nộm sứa, chả rán, ai thích ăn gì tùy thích mà lấy. Mãi tới lúc bữa ăn gần tàn, chị Đỗ Phương Khanh mới bồng con tới. Chị mặc bộ áo xẫm màu huyền bóng loáng rắc bông đỏ tía lấm tấm. Vóc chị hơi đẫy, nhưng gọn và tươi mát. Chị ăn nói thật duyên dáng, lời nói đơn giản nhưng dí dỏm, ý nhị. Chị vui vẻ nhưng vẫn đóng khung trong thước ngọc khuỏn vàng.
Cách đó năm năm sau, một hôm tình cờ theo chị Thụy Vũ đến trụ sở Trung Tâm Văn Bút, tôi gặp chị và nhận không ra chị. Chị mảnh dẻ, tha thướt hơn trong chiếc áo dài màu xám mịn màng óng ả điểm những mặt tròn cỡ đồng xu màu đen. Chiếc aó vừa đẹp vừa nổỉ choáng lộn dù chỉ có hai màu vừa buồn vừa nguội lạnh nhưng nền và bông hòa hợp một cách xôn xao. Chị xài son phấn thật ít, tóc chải óng ả tự nhiên chứ không xịt keo. Cái đơn giản vừa phải làm chị đẹp phong lưu hẳn ra.
Năm 1973, có lần trời vừa chạng vạng, nhân dịp đi ngang qua nhà chị, ngó vào thấy đèn lửa leo lét (vì hôm đó khu nhà chị bị cúp điện), tôi nảy ý định vào thăm anh Nhật Tiến và chị. Phải chờ đèn điện khắp khu sáng trở lại, tôi mới dám gọi cổng. Tôi xưng là em trai của Thụy Vũ, anh Nhật Tiến mừng lắm, vội pha trà. Anh tặng cho tôi cuốn tập truyện "Tặng Phẩm Của Dòng Sông" và cuốn "Thuở Mơ Làm Văn Sĩ", một tự truyện của anh. Còn chị Đỗ Phương Khanh vào trong một lúc lâu chừng lúc trở ra phòng khách, lễ mễ ôm một chồng tuần san Thiếu Nhi, tờ báo do ông Khai Trí (tên thật là Nguyễn Hùng Trương) làm chủ nhiệm, anh Nhật Tiến làm chủ bút, chị Đỗ Phương Khanh giữ phần trả lời độc giả. Tờ báo in đẹp, nhiều bài vở có ý thức, rất bổ ích cho kiến thức thanh thiếu nhi.
Song song với việc trông nom tờ Thiếu Nhi, chị Đỗ Phương Khanh giúp đỡ chồng trong việc điều động nhà xuất bản Huyền Trân, đã xuất bản một số lớn các tác phẩm của Nhật Tiến.
Gió thời cuộc đổi chiều. Sau ngày 30-4-75, tôi có gặp chị Đỗ Phương Khanh tại đường Nguyễn Du. Chị đứng bên chiếc xe đạp dựng cạnh gốc me. Chị bảo tôi:
- Những gì Phương Khanh mong đợi, "cách mạng”' đã làm hết rỏi. (Sau này tôi mới biết chị nói để dò ý tôi).
Có lần, chị Nguyễn thị Vinh lặn lội từ Sài Gòn lên thăm cụ thân sinh của tôi, tôi có bảo chị:
- Em chẳng hiểu "cách mạng”, chẳng hiểu xã hội chủ nghĩa gì ráo. Nhưng coi bộ họ "đía" thì giỏi, nhưng nhúng tay vào việc làm thì dỡ ẹt.
Không hiểu khi ra về chị Vinh nói với chị Đỗ Phương Khanh sao đó, trong buổi học tập của khóa bồi dưỡng chính trị, chị Đỗ Phương Khanh viết mảnh giấy nhỏ quăng cho Thụy Vũ, rằng: "Thụy Vũ ơi, mình tưởng chị cùng Hồ Trường An giống ông cụ.”. Nhưng đâu phải vậy. Ông cụ tôi thiên Cộng, mê Cộng ai mà không biết.
Trong buổi học sau, tôi dọn chỗ để ngồi gần hai ông anh tiểu thuyết gia hiền lành của tôi là Trọng Nguyên và Thanh Thủy. Họ cùng ngồi một dãy với chị Vinh, anh Nhật Tiến và chị Đỗ Phương Khanh. Họ xếp tôi ngồi gần chị Đỗ. Tôi cứ ngủ gục hoài làm anh Trọng Nguyên cứ gọi từng chập :
- Mày cứ ngủ hoài, họ để ý mày đó.
Vào cái hôm một nhà văn nữ làm màn tự phê tự kiểm, thấy đương sự vật vã van xin cộng sản cho mình cầm bút trở lại, chị Đỗ Phương Khanh đứng dậy dõng dạc:
- Cô muốn xin viết lại thì nên xin cho riêng cô, đừng xin cho chúng tôi làm gì.
Cũng trong buổi hôm đó,có tên cán bộ cộng sản tên Mai Quốc Liên, dù là kẻ dự thính, nhưng hắn đã khinh miệt bảo phe cầm bút loại trên:
- Xin các anh chị đừng tiếc rẻ cái văn nghệ miền Nam nữa. Đó là thứ văn nghệ chợ trời, hiện đem bán solde chẳng ai mua.
Lập tức, chị Đỗ Phương Khanh đứng lên:
- Anh Liên! Anh nhân danh ai mà nói câu ấy? Anh đọc “Những Giọt Mực" của Lê Tất Điều chưa?
Chị vừa thét vừa khóc nức nớ, làn cơn buồn ngủ tôi tan biến đâu mất.
Giờ thì vợ chồng con cái Nhật Tiến định cư Ở California . Đã quá lâu, tôi không có liên lạc với họ. Vào năm 1979, tôi đã nhận thư anh Nhật Tiến, lúc anh còn ở tại trại Song Khla với cặp ký giả Dương Phục Vũ Thanh Thủy. Thoắt chốc đã chín năm qua rồi. Được biết cặp Nhật Tiến - Đỗ Phương Khanh hăng say phụ giúp với Quyên Di coi sóc tờ báo Tuổi Hoa là tôi mừng. Họ là những kẻ có đầu óc lý tưởng những Idéalistes làm tôi ngưỡng mộ như đã từng ngưỡng mộ họ cùng anh Phan Lạc Tiếp, cặp Phục - Thủy. Đã lâu rồi người ta không thấy chị Đỗ Phương Khanh xuất hiện trên văn đàn, tuy nhiên giới thân cận chị cho biết rằng từ ngày ra hải ngoại chị ăn trường trai và chỉ chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Chị viết nhiều bài khảo luận giá trị về đạo Phật đăng trên một vài tờ báo ở Cali dưới bút hiệu Liên Hương.
(Trích Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An- trang 232-235 )
0 nhận xét