(tiếp theo)
Bác Ba Phi im lặng, lắc đầu khiến ông hoạ sĩ kêu lên :
“ Các bác phải năng động lên chớ ? Tôi mà có mấy tấn cá sẽ không để cá chết, tôi sẽ cho người mang ra chợ bán, sẽ mang tới từng nhà hàng hải sản mời chào, thậm chí bỏ cả tiền ra mở nhà hàng chỉ chuyên bán cái thứ cá mình có...”
Bác Ba Phi cười đau khổ :
“ Nói dễ lắm nhưng làm mới khó ạ...các nhà hàng đều có mối riêng mình khó chen vào lắm, còn mở nhà hàng chuyên bán cá của mình ? Khó lắm. Tiền đâu ra ? Địa điểm đâu ? ”
Ông hoạ sĩ kêu lên :
“ Tiền vay ngân hàng chớ ? Mọi thứ khác phải chạy chớ ? Cứ ngồi một chỗ mà than thở sao cứu được cá .Phải chạy ngược chạy xuôi tìm bằng được đầu ra chứ ?”
Bác Ba Phi nhìn quanh phòng thấy tranh treo la liệt, ngổn ngang, bật cười :
“ Thì ngay cả ông cũng có tìm được đầu ra cho những bức tranh kia đâu ?”
Ông hoạ sĩ bật cười :
“ Bác so sánh vậy kể cũng hay .Nhưng tranh của tôi không phải cá basa . Tôi vẽ tranh không nhằm bán ...”
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
“ Vẽ tranh không bán thì vẽ làm gì ?”
Ông hoạ sĩ nói giọng tỉnh bơ :
“ Để chơi...để mọi người thưởng thức...tôi mời bác coi tranh của tôi nhé...”
Bác Ba Phi miễn cưỡng theo chân ông hoạ sĩ đi coi những bức tranh lớn nhỏ, đủ mầu sắc và hình vẽ la liệt xung quanh tường. Tới một bức tranh lớn chiếm gần hết bức tường, ông hoạ sĩ dừng lại :
“Bác thử ngắm bức tranh này coi ...”
Bác Ba Phi trợn ngược cả mắt chỉ thấy xanh xanh đỏ đỏ, những đường nét rối bù mặt cứ ngẩn ra.
“ Bác có thấy gì không ?”
Bác Ba Phi trợn cả mắt ngắm cũng chẳng biết , đành lắc đầu.Ông hoạ sĩ kéo tay bác :
“ Bác phải đứng xa ra mới đủ độ lùi coi tranh...”
Bác Ba Phi lại lùi xa ra mấy bước cho tới sát bức tường đối diện rồi trợn tròn cả hai mắt lên ngắm bức tranh. Ông hoạ sĩ lại hỏi :
“ Bác thấy gì chưa ?”
Bác Ba Phi đành thú nhận :
“ Chịu, tôi nhìn đến rách cả mắt cũng chẳng hiểu bác vẽ cái gì ?”
Ông hoạ sĩ gật đầu :
“ Bác không thấy gì là đúng rồi. Bởi lẽ tôi không vẽ cái cụ thể , tôi vẽ cái...hỗn độn...”
Bác Ba Phi kêu to :
“ Vẽ cái hỗn độn ? hình dáng nó ra sao ?”
Ông hoạ sĩ chỉ tay vào bức tranh :
“ Đó ...hình dáng nó là những gì tôi vẽ đấy...”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Chịu ...từ bé chưa bao giờ nhìn thấy cái hỗn độn cả. Bởi vậy ông vẽ thế này hay vẽ thế khác và bảo đó là cái hỗn độn thì tôi cũng phải chịu...”
Ông hoạ sĩ bật cười :
“ Thôi được rồi...bác đi theo tôi...”
Bác Ba Phi líu ríu theo chân ông hoạ sĩ lên gác.Căn phòng rất rộng, không có bất cứ thứ đồ đạc gì, chỉ thấy trên tường treo la liệt tranh đủ kích cỡ khác nhau. Và cũng giống như bức “Hỗn độn” treo nhà dưới, những bức này cũng rối mù vậy. Riêng có một bức to bằng nửa bức tường vẽ một người con gái khoả thân đang đứng sau một tấm màn mỏng có rủ xuống những băng vải. Ông hoạ sĩ chỉ tay vào bức tranh :
“ Bác có thấy tôi vẽ gì đây không ?”
Bác Ba Phi ngập ngừng :
“ Có phải ông vẽ người đàn bà đang tắm không ?”
Ông hoạ sĩ gật đầu :
“ Không phải đang tắm mà đang khoả thân giữa trời mưa...”
Bác Ba Phi kinh ngạc :
“ Nhưng có thấy mưa đâu, cứ như đứng trong mùng ?”
Ông hoạ sĩ bật cười :
“ Không phải đứng trong mùng mà đứng giữa trời mưa...mưa axít...”
Bác Ba Phi giật mình :
“ Mưa axit ? Vẽ gì mà kinh vậy ?”
Ông hoạ sĩ gật đầu :
“ Đúng...mưa axít ...bởi vậy trên làn da trắng muốt của cô gái có những vết lở loét do axít ăn mòn ...”
Bác Ba Phi kêu lên :
“ Ông vẽ sao gớm guốc quá vậy ?”
Ông hoạ sĩ lên giọng giảng giải :
“ Tôi muốn gửi đi một thông điệp về huỷ hoại môi trường. Mưa a xít chính do các nhà máy nhả khói lên trời với nồng độ hoá chất lớn khi gặp mưa sẽ tạo thành a xít...”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Chuyện này chắc chỉ có ở Mỹ...ở Việt Nam chưa có...”
Ông hoạ sĩ kêu lên :
“ Mưa a xít có thể chưa có nhưng môi trường Việt Nam cũng huỷ hoại khủng khiếp. Nạn chặt phá rừng gây lũ lụt , các dòng sông nhận nước thải chưa qua xử lý...rồi các đập thuỷ điện phá vỡ cân bằng môi sinh...Rồi thì tại các thành phố mật độ xe máy đông khủng khiếp vừa nhả khí độc vừa thả bụi than vào không khí. Ở bên Mỹ này bác có thấy cái xe máy nào không, bởi vậy không khí lúc nào cũng trong lành, đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh môi trường, chứ đâu có giống như ở Việt Nam...”
Bác Ba Phi gật đầu :
“ Hèn chi cô Út nhà tôi ở bên này không sao, cứ về tới Sàgòn là nhảy mũi , rồi ngứa cổ, ho sù sụ...”
Ông hoạ sĩ Tụng đồng tình :
“ Đúng vậy đó...Việt kiều sống trong môi trường trong lành quen nên về Việt Nam sợ nhất là không khí bị ô nhiễm...”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Cứ nói Việt kiều về nước sợ đủ thứ, nào không khí, nào thực phẩm, nào công an hoạnh hoẹ...nhưng nói vậy thôi, năm nào cũng cứ gần tết ùn ùn kéo về là sao ?”
Ông hoạ sĩ Tụng gắt :
“ Thì mồ mả cha ông vẫn còn đó nên tết nhất phải về thắp nén nhang chớ...Còn ở bên này, đa số có thờ cúng mấy đâu. Mấy ông bà già may ra còn nhớ giỗ chạp mà cúng kiếng chớ tới lớp trẻ thì quên sạch...”
“ Sống bên này quen khí hậu tốt rồi hèn chi cô Út nhà tôi mỗi lần về Việt Nam mắt trước mắt sau lại đòi đi Vũng Tàu, Phú Quốc với Đà Lạt...”
Ông hoạ sĩ Tụng rối rít :
“Đúng đấy...tôi cũng vậy đấy...không khí Sàigòn ô nhiễm đã tới mức báo động . Chính quyền không công bố đấy thôi, các chỉ số về mẫu không khí chắc chắn vượt xa giới hạn cho phép ...Tôi về Sàigòn vài ngày người đã khó chịu mặc dù cứ ru rú trong khách sạn máy lạnh, máy làm sạch không khí...”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Lại có cả máy làm sạch không khí nữa kìa ?”
“ Có chớ...máy hút hết bụi với khí độc hại rồi tạo oxy nên trong phòng lúc nào cũng mát mẻ dễ chịu...”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Về Việt Nam mà suốt ngày cứ trong phòng máy lạnh thì về làm gì cho tốn tiền máy bay. Cứ ở nhà chẳng hơn ư ?”
Ông hoạ sĩ cũng cười theo :
“ Vậy mới là người Việt Nam đó ạ. Đi đâu cũng không dứt được quê hương bản sở, lâu lâu lại cứ muốn về. Nhưng ở xa thì nhớ chứ về tới quê thì lại chỉ muốn bỏ đi ngay. Phi lý vậy đó...”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Vậy sao bà con không kéo nhau đi du lịch châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc ... lại cứ chăm chăm về Việt Nam ?”
Ông hoạ sĩ Tụng cười to :
“ Thì ông cha ta vốn dĩ ngày xưa cũng chỉ quanh quanh cây đa, bến nước, mái đình với luỹ tre xanh vậy thôi. Bây giờ cũng vậy, gọi là sống ở Mỹ nhưng tôi thấy nhiều ông bà già sinh sống ở Little Saigon này cũng chỉ loanh quanh hết khu Phước Lộc Thọ, sang Lee Sandwich rồi lại đến vườn hoa có tượng đài liệt sĩ Việt Mỹ là hết.”
“ Sao kỳ vậy ? Tôi tưởng sang đây ngày nghỉ cuối tuần đi đây đi đó thuận tiện lắm ...”
“ Đúng rồi...ở Mỹ đủ thứ giải trí, tiêu khiển cho già đến trẻ. Trẻ thì leo núi, trượt tuyết, chơi banh, chơi nhạc, nhảy nhót..già thì chùa chiền, đánh bạc, lên núi tu thiền...muốn gì cũng có...Vậy nhưng nhiều người lại chỉ thích ngồi túm tụm trò chuyện trong nhà ngoài ngõ đặc biệt là chuyện “hồi ấy”.
Hết mấy lớp tranh treo dưới nhà, ông hoạ sĩ Tụng lại mời bác Ba Phi lên coi tầng trên. Oi chao ôi, tranh đâu ra nhiều vậy, treo la liệt kín bốn bức tường lại còn đặt nằm dưới đất . Tới một bức tranh vẽ một cái bàn dài giống như bàn tiệc trên có nhiều người ngồi, mặt mũi vẫn còn để trống chưa rõ ra là loại người nào . Ong hoạ sĩ giới thiệu :
“ Bức này tôi đang vẽ dở. Bác có biết tôi vẽ gì không ? “
Bác Ba Phi trợn mắt không hiểu ông hoạ sĩ vẽ cái. Không lẽ vẽ quán nhậu ? Mà quán nhậu phải có nhiều bàn chớ, sao chỉ có mỗi cái.
Ông hoạ sĩ tiếp lời :
“ Bác không biết tôi vẽ cái gì thì cũng đúng thôi. Nếu bác là người công giáo chắc bác sẽ đoán tôi vẽ bức tranh “bữa ăn cuối cùng” hay còn gọi “tiệc ly” của danh hoạ Leonard de VinCi vẽ Chúa Giêxu với 12 ông thánh tông đồ trước khi Chúa bị đóng đanh trên cây thánh giá, trong đó có một ông là Giuđa, phản Chúa . ..”
Bác Ba Phi lẩm nhẩm đếm rồi lắc đầu :
“ Nhưng tranh ông vẽ đâu chỉ có 13 người ? ”
Ông hoạ sĩ gật đầu mỉm cười :
“ Bác nói đúng đó ...tranh của tôi vẽ những 15 người kia...hay đúng hơn là 15 con ma...ma ăn cỗ ...”
Bác Ba Phi tò mò :
“ Ma đâu ra mà lắm thế ? “
Ông hoạ sĩ Tụng bật cười :
“ Tôi nói thật cho bác biết nha. Tôi bị công an cộng sản giam 15 năm trong tù cải tạo. Khi được thả gia đình tan tác hết, vợ lấy chồng khác, con bỏ nhà đi bụi đời, nhà bị cướp trắng. Trong diện HO sang đây, có thể nói tôi là một trong những người căm thù cộng sản nhất. Bởi vậy tôi mới vẽ bức tranh “ma ăn cỗ” này mô tả 15 tên trong Bộ chính trị của Đảng cộng sản đang tham nhũng, đục khoét, ăn tàn phá hại đất nước...”
Bác Ba Phi lè lưỡi :
“ Ông to gan thật. Bức tranh này mà lọt về tới Việt Nam thì ông rũ tù...”
Ông hoạ sĩ Tụng gân cổ :
“ Tù sao được. Tôi là công dân Hoa Kỳ, quốc tịch Mỹ, tôi không mang bom, đạn về khủng bố, giết người, sức mấy được quyền bắt tôi...”
Bác Ba Phi gật gật :
“ Nhưng liệu rồi ông có biết mặt đủ 15 người để vẽ vào đó không ?”
Ông hoạ sĩ Tụng cười hề hề :
“ Cần gì phải vẽ mặt cho giống...mà 15 cái mặt đó mặt nào chẳng giống mặt nào...”
“ Ông nói vậy đâu có được. Mỗi người mỗi mặt chớ ... có ai giống ai đâu . “
Ông hoạ sĩ Tụng cười phá :
“ Bác nói vậy là chẳng hiểu gì nghệ thuật hội hoạ. Tôi có phải thợ chụp ảnh đâu ...có khi vẽ thật đúng mặt mũi từng người lại không ra được cái vẻ “ma ăn cỗ” nên bôi trắng hết cả 15 cái mặt...”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Như vậy ông không vẽ cái miệng ? “
Ông hoạ sĩ Tụng bật cười :
“ Tất nhiên không vẽ mặt thì lấy đâu ra miệng ?”
Bác Ba Phi cũng cười theo :
“ Nhưng không có miệng thì sao mà...ăn cỗ ?”.
Ong hoạ sĩ bật cười ha hả, miệng rối rít :
“ Chí lý...chí lý...chí lý...”
(còn tiếp)
0 nhận xét