Open top menu
Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Những ai tham gia vào công cuộc
sưu tập và số hóa
bộ báo Phong Hóa - Ngày Nay ?

 




Bài tham luận “ Sinh hoạt văn hóa của NHẤT LINH, giai đoạn cuối đời với Hội BÚT VIỆT và Giai phẩm VĂN HÓA NGÀY NAY” sau khi được đăng tải trên một vài trang Web thì tôi nhận được Email của nhà văn Phạm Phú Minh có kèm theo một tài liệu mang tên: Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay: Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông”.

Trong thư, nhà văn Phạm Phú Minh đã ngỏ ý :

“ tôi xin gửi đến anh một bài viết của tôi, coi như một sự bổ túc về lai lịch của việc "số hóa" Phong Hóa Ngày Nay vừa rồi”….

và:

… “ tôi nghĩ anh có thể điều chỉnh cho đúng luôn.”

Với những lời góp ý nêu trên, tôi nhận thấy cần phải quay trở lại phần bài viết của mình, đoạn có liên quan đến vấn đề “số hóa” đề rà soát những sơ xuất (nếu có), đồng thời cũng là để công bố thêm những chi tiết mới, hoặc do nhà văn Phạm Phú Minh cung cấp, hoặc do tôi sưu tập thêm từ những nguồn thông tin khác.

Ước mong công việc này sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề và cũng để không làm buồn lòng các vị liên đới, có công lao dù ít dù nhiều trong nỗ lực “Sưu tầm và Số hóa” rất đáng được trân trọng này.

1) Bài viết của Nhật Tiến : trong phần đề cập đến những nhân sự đã có công lao đóng góp vào việc số hóa hai tờ Phong Hóa –Ngày Nay, vì không phải mục đích chính của bài nên tôi đã chỉ nêu vài chi tiết tổng quát như sau:

“ Riêng công việc số hóa toàn bộ 2 tờ Phong Hóa - Ngày Nay, vì có tài liệu trên Internet nên người đọc mới có thể biết được nhóm thực hiện, trước hết là bà Phạm Thảo Nguyên (nhũ danh Phạm Thị Thảo), con dâu của nhà thơ Thế Lữ- một trong những thành viên chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn. Kế đó là ông Nguyễn Trọng Hiền, quý nam của họa sĩ Cát Tường (1912-1946). Họa sĩ Cát Tường trên tờ Ngày Nay còn lấy biệt danh là Lơ-muya (Theo tiếng Pháp thì Le mûr là bức tường), đã tham gia việc trình bầy và minh họa cho 2 tờ báo cùng các họa sĩ khác như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, và cả Nhất Linh ký bút hiệu Đông Sơn.

Vốn là một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, Ông Nguyễn Trọng Hiền đã bỏ nhiều công trình cho việc ứng dụng kỹ thuật nhiếp ảnh cho toàn bộ bản số hóa này với sự góp sức về kỹ thuật của các vị như Lê Thành Tôn, Đỗ Thị Kim Dung, Lê HuyềnThanh. Ngoài ra, trong công trình sưu tập còn có thể các vị khác như Martina Nguyễn Thục Nhi, Đỗ Tuấn Khanh, nhà văn Vu Gia (trong nước) và đặc biệt, có ông Nguyễn Tường Thiết, quý nam nhà văn Nhất Linh, người đã chia sẻ một tư liệu vô cùng quý giá. Đó là Di cảo viết tay “Đời làm báo” của Nhất Linh.
(ngưng trích )

Nguồn mà tôi sử dụng để viết đoạn này là từ trang web :
http://tintuc.hoasen.edu.vn/vi/1300/tin-chuyen-de/tong-quat-suu-tam-hai-tuan-bao-phong-hoa-va-ngay-nay-1932-1940

Nay xin bổ sung thêm những dữ kiện vừa được cung cấp thêm, như sau :

2) Nội dung các thông tin do nhà văn Phạm Phú Minh cung cấp :

a) Nhà văn Phạm Phú Minh viết :

Trích:
Một ngày đông năm ngoái, 2011, chúng tôi ba người: Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Trọng Hiền và Phạm Phú Minh gặp nhau ở Little Saigon, Nam California, và rủ nhau đi ăn phở. …Hôm ấy hình như không ai muốn chia tay sau khi ăn sáng, nên rủ nhau lên thành phố Carson để thăm phòng triển lãm tranh của trường đại học Dominguez Hills, nghe nói có một số tranh của các nhà danh họa Việt Nam, rồi về chơi nhà Hiền cách đó không xa….

….Các bức tranh của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... xem được ở phòng triển lãm hôm đó dường như kéo chúng tôi về khí hậu văn hóa của Hà Nội thời trước.

….Trên đường về nhà, Hiền nói về công việc đang làm của mình, là sưu tầm tài liệu trên báo Phong Hóa và Ngày Nay để viết một cuốn sách về ông bố của mình, là họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, người trong nhiều năm giữ mục Y Phục Phụ Nữ trên hai tờ báo này, đã sáng tạo nên không biết bao nhiêu là kiểu quần áo mới mẻ cho phụ nữ Việt Nam trong buổi giao thời giữa cũ và mới của thập niên 1930. Và cho biết thêm tất cả những số báo Phong Hóa Ngày Nay mà Hiền đang có đều ở dạng điện tử, thông tin này làm lóe lên trong đầu tôi một ý tưởng: tại sao không điện toán hóa tất cả báo Phong Hóa Ngày Nay, rồi phổ biến bằng cách đưa vào đĩa, như công trình tuyệt vời mà Viện Việt Học ở Nam California đã làm với toàn bộ báo Nam Phong mấy năm vừa qua...Thật ra về ý tưởng "điện toán hóa" PHNN, cả ba chúng tôi đều hình dung ngay sự khả dĩ của nó. Sưu tầm các bản in PHNN, hoặc microfilm: có thể được, các nơi như Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris, thư viện đại học Cornell của Hoa Kỳ đều có lưu trữ, vấn đề là thiếu đủ thế nào thì chưa rõ. Và, tại sao không, cả thư viện Hà Nội và Sài Gòn nữa, chắc chắn là có. Về kỹ thuật: chúng tôi có Hiền là người đang giữ 224 số Ngày Nay và 87 số Phong Hóa dạng điện tử để nghiên cứu về các công trình của bố mình, Hiền sẽ là chìa khóa mở cửa để đưa vào nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Về phương tiện, Giang nói ngay: chuyện chính là phải có tiền, mình sẽ kêu gọi anh em, họ hàng, bạn bè đóng góp; chắc chắn là sẽ vượt qua được.

Ngay sau buổi gặp gỡ "lịch sử" ấy, những người trong nhóm đã xúc tiến công việc bằng những e-mail trao đổi cho nhau. Thoạt tiên là e-mail của anh Hiền gửi cho anh Nguyễn Tường Thiết và chị Phạm Thị Thảo, con dâu của nhà văn Thế Lữ, hiện đang sở hữu một số đáng kể Phong Hóa Ngày Nay bản gốc.

b) Nhiếp ảnh gia Nguyễn trọng Hiền viết gần đây : dưới dạng một bản tin để góp thêm thông tin nhân dịp báo PHNN được đưa lên một số website vào ngày 22/9/2012
(phần này cũng do nhà văn Phạm Phú Minh cung cấp ):

Một buổi chiều mùa Đông, năm 2011, trong buổi mạn đàm qua ly cà-phê tại miền nam Califonia, giữa ba người: Ông Phạm Phú Minh Nhà văn, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang – con trai nhà văn Thạch Lam và Ông Nguyễn Trọng Hiền … vô tình bàn đến vấn đề sưu tầm hai bộ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay:

Bác Sĩ Giang có cho biết ở New York có Bà Giáo Sư kiêm văn sĩ Thảo Nguyên, là con dâu cùa nhà thơ Thế Lữ có Sưu tầm được một bộ báo Phong Hóa và Ngày Nay khá lớn, và Ông Giang muốn xin được phép của bà Thảo để tới New York chụp ảnh các tài liệu này…

Trong khi đó Ông Hiền cũng đang có trong tay một số lớn tài liệu về hai bộ Phong Hóa và Ngày Nay đã được số hóa. Bộ sưu tập này do cô Martina Nguyễn Thục Nhi, một sinh viên Tiến Sĩ của Berkely University, trao tặng để giúp Ông có nhiều tài liệu mà nghiên cứu về người Cha là Họa Sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường…

Duyên cơ đã đến, vì chỉ một tuần lễ sau, tình cờ Bà Thảo Nguyên cùng Giáo Sư Nguyễn Tường Lân, con trai Văn Sĩ Hoàng Đạo cùng về California để gập gỡ các cựu học sinh trường trung học Gia Long

Ông Minh đã thu xếp một cuộc họp sơ bộ đầu tiên về việc Sưu Tầm và Số Hóa hai bộ Phong Hóa và Ngày Nay được diễn ra tại Los Angeles ngày 05 tháng 10 năm 2011 với bốn người tham dự: Ông Minh, Ông Lân, Bà Thảo và Ông Hiền.

Quan trọng nhất phải kể đến sự góp sức của bà Phạm Thảo Nguyên (nhũ danh Phạm Thị Thảo), hiện nay đã lớn tuổi. Bà là con dâu của nhà thơ Thế Lữ - một trong những thành viên nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn. Chồng Bà là tiến sĩ toán Nguyễn Thế Học, đã mất, con trai út của cố thi sĩ Thế Lữ. Bà sở hữu bộ báo Phong hóa và Ngày Nay, tuy rất lớn nhưng không hoàn toàn đầy đủ…

c) Nhà thơ Thành Tôn: một chuyện viên khôi phục sách báo cũ:
(vẫn trích theo thông tin của nhà văn Phạm Phú Minh)

Nhưng ở đời có những nhân duyên rất kỳ lạ, cái người có biệt tài khôi phục sách báo cũ đó chính là nhà thơ Thành Tôn, bạn thân của người viết bài này. Thành Tôn đến nhà tôi chơi, thấy có treo bản sao tranh của Nhất Linh và Cát Tường, tỏ ý rất thích, mong muốn có được một bản. Các bản sao đó sở dĩ tôi có được là do Nguyễn Trọng Hiền thực hiện, vì thế tôi nhờ Hiền làm cho tôi một bộ để tặng Thành Tôn. Hóa ra Hiền làm tranh cho đúng người mình đang tìm kiếm mà không hề biết! Nhưng một khi số mệnh đã đem những người cần nhau tới với nhau như thế thì rốt cục cũng phải biết thôi, và Thành Tôn đã thành một người cộng tác tuyệt vời để xử lý các tập báo cũ của chị Thảo mang từ New York qua: tháo tung từng số báo, sắp xếp từng tờ, kết nối các mảnh mục nát, tái tạo từng trang hoàn chỉnh để tiến hành việc điện toán hóa... Không có "tay nghề", không có niềm say mê với vốn liếng văn hóa của đất nước, không yêu văn học nghệ thuật thì chắc chắn Thành Tôn không thể làm công việc tỉ mỉ, nhiêu khê và mất nhiều thì giờ như thế...

(hết trích phần thông tin do nhà văn Phạm Phú Minh cung cấp)

***

Nhờ có sự bổ túc thêm dữ kiện từ những đoạn văn ở trên, hẳn độc giả cũng đã nhận thấy nhóm chủ chốt làm công việc số hóa hai tờ Phong Hóa –Ngày Nay là do 5 vị: Phạm Phú Minh - Nguyễn Tường Giang - Nguyễn Trọng Hiền, Thành Tôn và bà Phạm Thảo Nguyên, mà ý kiến về việc số hóa đã nẩy sinh từ sau một cuộc gặp gỡ của 3 vị: Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Trọng Hiền và Phạm Phú Minh vào tháng 11 năm 2011.

Tuy nhiên, khi vào Internet để truy tìm thêm những nhân sự có thể đã góp phần lớn lao vào công cuộc sưu tập và nghiên cứu hai bộ báo Phong Hóa & Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, tôi lại thấy xuất hiện một công trình bền bỉ, tận tụy trong suốt nhiều năm dài (từ năm 2005 trở về sau) của một nhân vật mà tôi rất tiếc là do sự không cập nhật thông tin, tôi đã chỉ nhắc sơ trong bài tham luận của mình.

Nhân vật ấy là cô Martina Nguyễn Thục Nhi, một người mà đáng lẽ phải được nhắc nhở nhiều hơn nữa trong những trường hợp tổ chức vinh danh công cuộc sưu tầm và nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn.

Xin nhắc lại công trình sưu tập của cô Martina Nguyễn Thục Nhi như sau.

3) Một nhân vật rất có công lao sưu tầm, nghiên cứu về hai tờ Phong Hóa-Ngày Nay, và Tự Lực Văn Đoàn, Tiến sĩ Martina Thucnhi Nguyen:

(Nguồn: Bài đăng từ bản tiếng Anh tác giả gửi cho
BBC Tiếng Việt - Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/viet...ry_group.shtml

"Martina Thucnhi Nguyen sinh trưởng tại Texas, Hoa Kỳ và có thời gian về Việt Nam nghiên cứu. Cô nhận bằng Tiến sĩ Lịch sử từ Đại học California-Berkeley và đang chỉnh sửa luận văn "Nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Chủ nghĩa Hiện đại Thực dân ở Việt Nam 1932-1941" để xuất bản."

Sau đây là phần trích bài viết “Tôi tìm lại Tự lực văn đoàn” của Tiến sĩ Martina Thucnhi Nguyễn:

Chặng đường tìm kiếm

Với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm sưu tầm, bản thân tôi thu thập các số báo của Tự Lực văn đoàn trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007.

Lần đầu tiên tôi biết tới các tác phẩm của nhóm là khi đang theo học cao học tại Khoa Lịch sử, Đại học California ở Berkeley, nơi tôi được sự hướng dẫn của Giáo sư Peter Zinoman.

Tôi không thấy thỏa mãn với các bài viết học thuật về nhóm này của cả các học giả phương Tây và Việt Nam và quyết tâm thu thập tất cả những gì họ viết và đọc cho bằng hết để có kết luận của riêng tôi.

Tôi nhận được học bổng Fulbright-Hays để tiến hành nghiên cứu luận án tiến sĩ và bắt đầu cuộc tìm hiểu.

Tôi tới tám thư viện và kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam để có một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các tờ báo của nhóm. Tôi bỏ ra một năm ở Hà Nội để nghiên cứu bộ sưu tập các báo thời thực dân của Thư viện Quốc gia, ngày nào cũng chụp ảnh các tờ báo đã ố vàng và sờn rách cho tới giờ đóng cửa.

Quá trình nghiên cứu cũng có lúc khiến tôi thất vọng. Qua mạng lưới những người sưu tầm sách báo, tôi được biết một nhà sách ở thành phố Hồ Chí Minh đang bán 200 số báo Phong Hóa và Ngày Nay được bảo quản tốt.

Cơ hội được đọc các số báo bằng bản in thay vì ở dạng phim hay số hóa khiến tôi không cưỡng lại được và ngay lập tức vào thành phố Hồ Chí Minh, đi taxi thẳng từ sân bay tới nhà sách.

Khi tới nơi tôi được biết các số báo đã được bán cho con của Thế Lữ. Tôi không biết rằng tôi vẫn còn duyên với những số báo này.

Vào thời điểm kết thúc tìm kiếm, tôi đã chụp ảnh được hơn 190 số báo Phong Hóa và 224 số báo Ngày Nay. Ngoài ra tôi cũng thu thập được 2.500 bài báo về Tự Lực văn đoàn từ 60 ấn phẩm thời thực dân.

Tôi cũng có được rất nhiều sách do nhà xuất bản Đời Nay của nhóm phát hành trong đó có các truyện ngắn và tuyển tập thơ, các ấn bản đầu tiên và tái bản của các tiểu thuyết, truyền đơn và một số lượng lớn loạt truyện cho thiếu nhi mang tên Sách Hồng.

Cơ duyên

Khi đang viết luận án hồi năm 2008, tôi gặp ông Nguyễn Trọng Hiền, con của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Cát Tường, người đưa ra hình mẫu chiếc áo dài tân thời. Tôi cho ông xem bài viết chưa công bố về công trình của cha ông và ông cho tôi xem tài liệu từ kho lưu trữ riêng của gia đình.

Và để trả ơn cũng như để đáp lại sự hào hiệp và tình bạn của ông, tôi đã cho ông xem toàn bộ bộ sưu tập Phong Hóa và Ngày Nay của tôi.

Ông Hiền liên hệ với bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu của Thế Lữ, người sở hữu những số báo Phong Hóa và Ngày Nay mà tôi đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua.

Bộ sưu tập của tôi đã gần trọn vẹn nhưng một số báo bị mất trang hoặc không đọc rõ.

Ông Hiền đã mất công xem từng số một, bổ sung các trang bị mất, sửa những trang không rõ. Bà Thảo giới thiệu rộng rãi bộ sưu tập và liên hệ với các trường đại học và các tổ chức để đưa các số báo lên mạng.

Hiện bộ sưu tập được cung cấp miễn phí tới độc giả tại trang web của Đại học Hoa Sen:
http://tintuc.hoasen.edu.vn/vi/tin-chuyen-de/phong-hoa-ngay-nay/933

và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=category&id=129% 3Aht-80-nm-th-mi-va-t-lc-vn-oan&Itemid=195&lang=vi.

Bộ sưu tập này là kết quả của sự hợp tác giữa người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ và Pháp với các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam và một thế hệ mới các học giả người Mỹ gốc Việt.

Chúng tôi hy vọng bộ sưu tập sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới về Tự Lực văn đoàn và đóng góp của họ không những chỉ cho văn hóa và văn học mà còn đặc biệt là trong xã hội và chính trị....”...
(ngưng trích)
*****
Kết luận :

Như tôi đã trình bầy ở trên, bài viết này chỉ có tính cách “bổ sung” sau khi tôi nhận được Email góp ý của nhà văn Phạm Phú Minh. Tôi cũng xin cám ơn nhà văn Phạm Phú Minh đã giúp tôi thêm nhiều dữ kiện xoay quanh công trình “Sưu tầm và Số hóa” đối với hai tờ báo quan trọng vừa được nhắc nhở tới trong Buổi Triển lãm và Hội thảo được tổ chức ở Nam Cali vào đầu tháng 7-2013 vừa qua.

Tôi hy vọng phần viết thêm này với tiếng nói của những người trong cuộc sẽ làm cho nội dung các sự kiện được trở nên đầy đủ hơn, và do đó, mặc dù không thể liệt kê ra được hết mọi tên tuổi, nhưng cũng phần nào trả lại được sự công bằng cho những vị đã từng góp công sức vào công cuộc Sưu tập và Số Hóa hai tờ báo Phong Hóa-Ngày Nay, vốn vẫn được coi là hai công trình văn hóa quan trọng của tiền nhân xuất hiện từ Thế kỷ trước.
NHẬT TIẾN
Garden Grove ngày 18-7-2013

Tagged

0 nhận xét