Open top menu
Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013



Những cuộc trao đổi giữa Nguyễn Hữu Đang và Heinz Schütte tại Hà Nội

                                                                                                  Heinz Schütte

      Heinz Schütte  - tác giả công trình “nghiên cứu về phong trào Nhân văn – Giai phẩm “ – bản dịch của TT

                                           (Trích)

                                                                 
                                                                         Ảnh Heinz Schütte

 

Chiều 21 tháng 5 năm 1999, ông Nguyễn Hữu Đang đã gửi lại nhà tôi ở Hà Nội lời nhắn sau:
“Ông Heinz Schütte thân mến,
Nhờ có sự sốt sắng của nhà thơ Vũ Cận mà tôi được biết ông có nhã ý muốn gặp tôi trong thời gian ông lưu lại Hà Nội. Tôi xin lập tức thưa với ông rằng tôi rất vui lòng gặp một người bạn của G. Boudarel, người mà tôi rất kính trọng. Xin ông toàn quyền sắp xếp các chi tiết của buổi gặp gỡ trừ việc chọn thời gian và địa điểm là việc hai chúng ta phải thoả thuận, có thể qua một cuộc điện đàm do ông chủ động. Xin gọi số máy 7.560.391, tốt nhất là từ 14 đến 21 giờ hàng ngày.
Xin chúc ông mọi sự tốt đẹp.
(ký tên) Nguyễn Hữu Đang”
Sau đó là nhiều cuộc gặp gỡ…

.......

Heinz Schütte: Tôi có thể đề nghị ông nói về cuộc sống hàng ngày trong nhà tù?
Nguyễn Hữu Đang: Người ta thường hỏi tôi bí quyết nào đã giúp tôi sống một cách trọn vẹn cuộc đời mình trong nhà tù. Tôi khoẻ mạnh, tôi lạc quan, tôi tiếp tục biện luận về triết học, chính trị, v.v… nghĩa là tôi giữ một cuộc sống bình thường trong nhà tù một cách thoải mái. Tôi không biết đến phiền não, mệt mỏi, buồn đau, ân hận, thù hằn, không, không, không hề. Tôi sống một cách bình thường như ở nhà mình, cùng với những người tù khác.
Heinz Schütte: Với sách báo?
Nguyễn Hữu Đang: Không! Không! Đó là nhà tù khắc nghiệt nhất của Việt Nam.
Heinz Schütte: Ở đây, ở Hà Nội ư?
Nguyễn Hữu Đang: Không, ở Hà Giang, cách biên giới Trung Hoa 20 km, trên đỉnh núi cao 1000m – người ta mặc áo bông quanh năm, nhiệt độ trung bình xuống đến 10, đến 5 độ, ban đêm là 0 độ. Thế đó, nhà tù khắc nghiệt nhất.
Heinz Schütte: Vậy là không có sách…
Nguyễn Hữu Đang: Chẳng có gì hết! Không có chế độ cho tù chính trị, không, chúng tôi bị giam giữ như những tên tội phạm hình sự… Chính sự dửng dưng đã triệt tiêu mọi tác hại của nhà tù, mọi khổ não của nhà tù. Nhà tù, tôi không biết; sự đàn áp, tôi không biết. Sống và chết ở đây, với tôi cũng như nhau.
Heinz Schütte: Theo Schopenhauer (1819) thì thế giới là ý chí và biểu tượng (tưởng tượng) (Die Welt als Wille und Vorstellung)
Nguyễn Hữu Đang: Chính xác! Với tôi, trong tù, với tư tưởng của tôi, mọi hình thái sống, mọi cấp độ của văn minh trong mỗi sự sống, thật đa dạng – có hàng ngàn cách sống. Nhưng mọi cách sống đều giống nhau về bản chất. Tôi sống ở nhà mình, tôi sống với tư cách ông thứ trưởng, với tư cách nhà xuất bản, với tư cách nhà giàu, nhà nghèo – mọi hình thái sống. Với tôi chân lý ở trong Đạo học chứ không ở trong chủ nghĩa Marx.
Ngay khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết. Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm – các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết. Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. Vì lòng khoan dung, độ lượng, nhân đạo, mà chính phủ để cho các anh được sống, nhưng trả tự do cho các anh – không bao giờ! Trả tự do cho các anh là trả tự do cho hùm beo – các anh sẽ ở đây cho đến chết.
Heinz Schütte: Đó là diễn từ của Tố Hữu…
Nguyễn Hữu Đang: Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận… Tôi biết và được thông tin rõ về thái độ cuồng tín, cực kỳ chuyên chế, tàn bạo, bất nhân của Tố Hữu. Ông ta có mối đại thù với nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Chính Nhân văn – Giai phẩm đối với Tố Hữu là một kẻ thù không đội trời chung, nói như một thành ngữ Việt Nam… Tố Hữu và những người nhân văn và các giai phẩm không thể đội trời chung – là kẻ thù của nhau… Tố Hữu và Trường Chinh đầy thù hận.
Heinz Schütte: Vì sao?
Nguyễn Hữu Đang: Vì họ đã bị phong trào ấy phê phán. Phong trào ấy phê phán một thực trạng, nhưng thực trạng này được đại diện bằng con người Tố Hữu và Trường Chinh – sự độc tài, chuyên chế, sự chật hẹp của đường lối chính trị văn hoá… Tôi không biết người ta có diễn đạt sai bài xã luận mà tôi viết cho tờ báo số 6 không được phát hành hay không. Có thể đó là sự diễn đạt sai, diễn đạt lầm – một sự diễn đạt thổi phồng. Sự thổi phồng, hiểu sai ấy đã quan trọng hoá bài xã luận. Tôi đã nói về hiến pháp Trung Hoa, nó đề cao quyền tự do hội họp, biểu tình – với cả điều kiện mà chính quyền tạo cho người dân các phương tiện để hội họp, để tổ chức biểu tình. Điều đó được viết trong hiến pháp Trung Hoa. Vậy là tôi đã dẫn một đoạn để khẳng định rằng ngay cả trong các nước xã hội chủ nghĩa, các quyền tự do dân chủ có thể được tôn trọng. Thế là người ta vu khống bài xã luận, coi nó là một lời kêu gọi lật đổ, và với sự thổi phồng ấy hay là với một sự diễn dịch vu khống – tôi không biết đó là thiện ý hay ác ý, tôi không biết. Nhưng cuối cùng, chính cái xã luận ấy đã quyết định việc đóng cửa tờ báo và là mấu chốt buộc tội để toan tính một vụ xử án người chỉ huy của một phong trào ly khai. Sau khi tạm giam tôi ở nhà tù Hoả Lò Hà Nội, người ta đã muốn biến phiên toà xử tự do báo chí thành phiên toà xử gián điệp. Người ta đã dự phóng một phiên toà theo hướng ấy, nhưng lúc đó tôi không biết – người ta bảo tôi ăn mặc tử tế, cho tôi một bữa cơm no kềnh để đưa tôi ra trước toà với mấu chốt buộc tội là tội gián điệp. Nhưng tôi không biết có sự can thiệp nào – chờ đợi 7 tiếng, chờ đến 8 giờ, rồi đến 9 giờ, rồi đợi đến 10 giờ – ôi, hoãn rồi, hoãn rồi, về lại xà lim. Vậy là người ta thay đổi tội trạng – không có chuyện gián điệp. Mà chỉ đơn giản là một vụ phá hoại bằng những xuất bản phẩm: Trong các xuất bản phẩm, Nguyễn Hữu Đang và vài tên khác đã thực hiện một vụ phá hoại chính trị, theo nội dung bản án. Nhưng tuyên truyền không bỏ lỡ dịp nói về vụ gián điệp – người ta nói về nó, nhưng không truy cứu nó trước toà. Không có cáo trạng, không xét xử, người ta tiếp tục tuyên truyền cho mọi người tin rằng có một vụ, có những hoạt động gián điệp trong vụ án này. Đó là phương pháp cốt yếu của cộng sản. Nghĩa là người ta đưa ra những thông tin lập lờ – để anh tự do hiểu cách này hay cách khác.
Heinz Schütte: Ông đã tìm cách chạy vào Nam?
Nguyễn Hữu Đang: Chạy ra nước ngoài, không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện: Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù – tôi từ chối. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài – tôi đã nói thẳng với Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi. Câu hỏi thứ nhất mà Trường Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe đế quốc, anh nói tôi nghe (ông ta cười). Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: Tôi rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp, và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản, tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản. Thế là người ta đã sửa soạn… Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi đến được một nước khác, nhưng không phải là vào Nam! Anh ấy đã hứa, nhưng chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác – hoặc là phe tư bản, hoặc là phe xã hội chủ nghĩa – nhưng nhất định không phải miền Nam là nơi tôi nhắm! Tôi đã nói, hoặc là vượt qua biên giới Việt Nam – Lào, rồi qua Lào tôi đến Thái Lan, đó là lộ trình mà tôi mơ ước, nhưng không bao giờ tôi đi qua ngả miền Nam, dù chỉ một ngày – không! Nhưng để tô vẽ bản cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam. Khi đó tôi trả lời toà án: Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài. Và người ta hỏi tôi: Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì? “Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam.” Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… phiên toà bao gồm những người ủng hộ chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau – thế là, vì tất cả bọn họ đều phản nhân văn, họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi: Nhưng người ta chỉ có thể đấu tranh cho thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng – mà anh, anh đi ra nước ngoài và lại hòng đấu tranh cho thống nhất đất nước, thật lố bịch! Người ta phá lên cười – tôi mặc kệ sự mỉa mai của những người ấy. Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…
Phải nói rằng chế độ nhà tù dành cho tù chính trị dưới ách thống trị thực dân nhân đạo hơn chế độ nhà tù cộng sản rất nhiều. Vì sao? Vì chế độ nhà tù thực dân ít nhiều cũng được kiểm soát bởi chính phủ chính quốc Pháp, tức là dưới sự kiểm soát của dư luận, tức là một bộ phận của sự kiểm soát ấy thuộc về công chúng và các tổ chức dân chủ, thí dụ như Liên đoàn Bảo vệ Quyền con người và Quyền công dân, và các tờ báo… Thật phi lý, nhưng là thực tế! Và chế độ tù chính trị trong các nhà tù cộng sản thì khắc nghiệt hơn chế độ dành cho thường phạm. Trong tù tôi đã tuyên bố với những người bên cạnh rằng nếu tôi biết có sự phân biệt ấy, tức là tù thường phạm (những người lầm đường lạc lối trong quần chúng) với tù chính trị (kẻ thù của nhân dân), nếu tôi biết có sự khác biệt ấy, thì tôi đã biến mình thành trộm cắp, lưu manh, sát nhân chứ không phải người cách mạng. Tôi sẽ không tham gia cách mạng mà tham gia các hoạt động của những kẻ phản xã hội kia. Tôi có khá đủ khả năng sống trong các nhà tù (ông cười). Trước hết, nét chủ yếu là thiếu lương thực. Có thể nói rằng trong nhà tù khắc nghiệt nhất, tù chính trị bị kết án phải chịu đói và rét triền miên. Chính cái đói, cái rét và bệnh tật – ba tác nhân làm suy kiệt sức khoẻ của những người tù chính trị. Tức là những người tù chính trị bị kết án phải chết từ từ. Kiệt sức vì đói, rét, bệnh tật, đó là một cái chết chậm – người ta chỉ chờ có cái chết. Theo quan điểm văn hoá tối thiểu trong tương lai hay trong cuộc sống thông thường của mọi người, những người tù chính trị của nhà tù, nhà tù của tôi, không có một tý thông tin nào, dù là qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, dù là qua báo chí, suốt trong 15 năm – không gì hết, không gì hết. Mỗi tuần lễ, toàn bộ thông tin là ông tổng giám thị tổ chức một cuộc họp tất cả tù nhân. Trong cuộc họp ấy tổng giám thị đưa ra những thông tin về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, những thắng lợi giành được đối với các lực lượng quân viễn chinh Mỹ – đó là thông tin duy nhất qua tiếng nói của tổng giám thị.  Và tất cả là thế. Gia đình các tù nhân chính trị không biết số phận của con cái, anh em mình. Các thành viên gia đình còn sống hay đã chết – người ta không biết. Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ tưởng anh đã chết lâu rồi. Không tiếp xúc tí nào với bên ngoài. không tiếp xúc tí nào với gia đình, với bạn bè, với bất kỳ ai… Thế giới đối với chúng tôi là tập họp 200 tù nhân trong một vòng vây bằng tường đá, một bức tường thành bằng đá cao bên trên có dây thép gai – đó là thế giới của chúng tôi; không có thế giới nào khác.
Heinz Schütte: Trong làng ông, từ năm 1970, ông có liên lạc với “thế giới”?
Nguyễn Hữu Đang: Có, một chút thôi, một chút liên lạc – không cả sách báo, không có những cuộc họp mặt, chuyện trò, tiếp xúc… một chút liên lạc với thế giới, không nhiều và không đáng kể gì.
Heinz Schütte: Khi ra tù ông có tìm lại được gia đình?
Nguyễn Hữu Đang: Trước khi ra tù người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình. Trước khi rời nhà tù, người ta cho phép hai người em của tôi lên thăm, mang cho tôi bánh trái, thịt, lương thực.
…..
Ông NHĐ mất ngày 8 tháng 2 năm 2007. Tôi tự thấy mình từ nay không còn bị ràng buộc bởi lời hứa không công bố gì hết về những cuộc gặp gỡ của chúng tôi.

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

Tagged

0 nhận xét