Open top menu
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013




                                                (tiếp theo)
                                       
                                    CHƯƠNG 7
 
Thời điểm : California năm 1991

NHÀ VĂN NHẬT TIÊN TRỞ LẠI Mỹ
SAU BA TUÂN THĂM VIỆT NAM:
                          
                     Phỏng vấn của NGUYỄN VẠN HÙNG
                                                               
                                                          Nhà văn Nhật Tiến bên cầu Cốc Lếu



SANTA ANA.- Nhà văn Nhật Tiến vừa từ Việt Nam trở lại Hoa Kỳ. Trong thời gian ba tuần lễ,  ông đã ở Sài Gòn và ra Bắc, về Phú Thọ xây mộ thân nhân. Trong cuộc phỏng vấn của ký giả Triều Giang trước ngày lên đường, nhà văn Nhật Tiến cho biết mục đích chuyến đi của ông như sau: “Lý do chính là tôi muốn về để thấy tận mắt, nghe tận tai những vấn đề mà tôi vẫn chọn làm đề tài cho những sáng tác của tôi. Tôi không chú trương tất cả mọi nhà vãn phải trở về. Tùy theo khuynh hướng của mỗi người nhưng nếu một nhà văn vẫn còn gắn bó với đề tài Việt Nam như tôi, thì sự trở về cần thiết cho những phản ảnh trung thực trong sáng của họ. Thú thật, tôi xa Việt Nam đã quá lâu (l0 năm) bây giờ mỗi lần cầm bút thấy khó viết và những vấn đề tôi diễn tả tôi cảm thấy nó không thực. Viết theo trí nhớ thì thấy nó khô cằn mà viết theo tin đồn thì không phải là cung cách làm việc của tôi”.

Chủ nhật vừa qua, chúng tôi đã gặp nhà văn Nhật Tiến. Dưới đây là cuộc nói chuyện về chuyến viếng thăm Việt Nam của ông mà chúng tôi đã ghi lại.

   Nguyễn Vạn Hùng: Khi về Việt Nam, anh nhân danh một người ty nạn du lịch thăm quê hương hay một người có quốc tịch Mỹ ?



   Nhật Tiến: Trên phương diện giấy tờ xin hộ chiếu, tôi là một người tỵ nạn đi về thăm lại gia đình và quê hương. Tuy nhiên,chủ đích chuyến về của tôi là trong tư cách một nhà văn đi tìm chất liệu để sáng tác.



   Nguyễn Vạn Hùng: Thế khi vượt biển anh khai với Hoa Kỳ tư cách gì để xin được định cư.



   Nhật Tiến: Tôi không phải là một nhà chính trị. Tôi chỉ là một nhà văn.



   Nguyễn Vạn Hùng: Báo Sài Gòn Nhỏ tuần qua loan tin có một số nhà văn Việt Nam ở hải ngoại về nước họp với các nhà văn trong nước. Tên những nhà văn này, báo Sài Gòn Nhỏ viết tắl đứng đầu danh sách là NT, có phải là Nhật Tiến không?



Nhật Tiến: Tôi có đọc bản tin này, tôi khẳng định đây là một bản tin hoàn toàn bịa đặt và có ác ý. Bản tin nói là trích dẫn từ tờ Văn Học Nghệ Thuật và tờ Tuổi Trẻ ở Sài Gòn, trong khi đó ở Sài Gòn không có tờ báo nào mang tên Văn Học Nghệ Thuật, còn tờ Tuổi Trẻ thì không được nêu rõ số báo ra ngày nào. Và sẽ chẳng có ai nêu được xuất xứ bởi lẽ tin đó không có thật.



Nguyễn Vạn Hùng: Anh có gặp những nhà văn cộng sản và những nhà văn miền Nam trước 1975 không?



   Nhật Tiến: Vì bị công an Văn hóa theo dõi từng đường đi nước bước nên tôi phải giới hạn tối đa những cuộc gặp gỡ các bạn bè văn nghệ trước 1975. Một vài nhà văn ở phía cộng sản có tự ý đến tìm gặp tôi ở khách sạn nơi tôi cư ngụ trong đó có người thuộc phong trào văn chương phản kháng. Riêng nhà văn Việt Nam trước 1975 tôi được gặp hai người. Tôi có đề nghị xin được gặp thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ (hiện đang ngồi tù) nhưng không được chính quyền cho phép.

  

Nguyễn Vạn Hùng: Việt Nam sau 10 năm anh ra đi, nay trở lại anh thấy những điểm nào nổi bật nhất?

  

Nhật Tiến: Bất công, tham nhũng, thối nát, thất nghiệp trầm trọng và tình trạng xã hội vô luật pháp là những điều gây cho tôi nhiều ấn tượng buồn bã. Có thể ví guồng máy tham nhũng ớ Việt Nam hiện nay như một bầy đỉa xúm xít rút tỉa sinh lực của cả một dân tộc vốn đã nghèo khó kiệt quệ. Và bầy đỉa đó mỉa mai thay, lại nhân danh một đảng vừa có tính cách Stalinist vừa có tính cách Maoist. Một đảng cộng sản đã lỗi thời.



   Nguyễn Vạn Hùng: Hiện tại, theo anh Việt Nam đã có chỗ đứng nào cho các nhà văn muốn tôn trọng sự thật viết theo lương tâm chưa?



Nhật Tiến: Khi chủ trương cởi mở của nhà nước đã khép lại thì không một nhà văn nào ở Việt Nam còn được tự do phổ biến công khai những tác phẩm mang trọn vẹn nội dung mà mình muốn viết. Tuy nhiên, tôi vẫn được đọc một vài tài liệu mới đánh máy và phổ biến một cách hạn chế. Điều đó có nghĩa là tâm tình và khát vọng tự do của những người cầm bút chân chính vẫn còn mạnh mẽ và âm ỉ.



   Nguyễn Vạn Hùng: Dưới con mắt nhà văn, anh thấy xã hội Việt Nam hiện nay thế nào?

.

   Nhật Tiến: Việt Nam là một quê hương của nghèo đói, chậm tiến và bất công, được cai trị bởi một thiểu số đầy tham vọng về quyền lực.



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh có nghe gì về phong trào Nguyễn Đan Quế khi anh về thăm nhà?



   Nhật Tiến: Theo sự hiểu biết của tôi, trong thời gian hạn hẹp trong ba tuần, tôi không thấy có một ảnh hưởng nào trên mặt nổi, đối với đồng bào trong nước.



   Nguyễn Vạn Hùng: Những người làm văn học trong nước nghĩ gì về những người làm văn học nghệ thuật hải ngoại?



   Nhật Tiến: Tôi nghĩ rằng mọi người muốn nói: “Hãy nhìn cho rõ thực trạng và những vấn đề thiết thực của quê hương trước khi làm bất cứ một nỗ lực nào để cứu quê hương ra khỏi cảnh lầm than, kiệt quệ như hiện nay”. Đừng bỏ qua động lực kinh tế hiện nắm một vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Tôi nghĩ rằng khi bao tử còn trống rỗng hoặc đời sống quá thấp kém ở mức chỉ đủ để sinh tồn, người ta khó có điều kiện phát huy nhu cầu tinh thần cao xa khác. Ngoài ra cũng xin đừng quên rằng bao vây kinh tế địch là mục tiêu tuy chính đáng nhưng đồng thời cũng có tác dụng đầy đọa  thêm đời sống vốn đã  khốn khổ của mọi người, bởi chính  người dân chịu đựng hậu quả trước tiên và trực tiếp nhất.



   Nguyễn Vạn Hùng: Như anh vừa nói, anh có ý thăm những nhà văn miền Nam trước 1975 đang ở trong tù?



   Nhật Tiến: Vâng. Dù muốn tôi cũng không được phép. Điển hình là nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Tôi có đề nghị xin đi thăm nhưng bị từ chối.



   Nguyễn Vạn Hùng: Về vụ “Văn nghệ phản kháng” , sau khi anh về  thăm quê hương, anh có  ý nghĩ gì khác so với trước đây ?



Nhật Tiến: Không. Nó chỉ khẳng định những điều mà chúng tôi đã thực hiện ở ngoài này, chẳng hạn ấn hành tuyển tập “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương”, là đúng ! Phong trào văn nghệ phản kháng  là có thực và những người cầm bút trong nước tham dự phong trào ấy là những người cầm bút can đảm và trung thực. Tuyệt đối không có vấn đề văn nô viết theo chỉ thị. Đấy là một nhận định thô thiển và hẹp hòi.



   Nguyễn Vạn Hùng: Về cuốn phim “Chuyện Tử Tể”, anh nghe như thế nào ở trong nước?



   Nhật Tiến: Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ở Tây Đức, chính đạo diễn Trần văn Thủy, tác giả của cuốn phim đã cho biết, cuốn phim Chuyện Tử tế  đã gặp nhiều khó khăn  khi thực hiện. Tuy nhiên nó vẫn được ra mắt vì hai lý do.Một là nó được ẩn giấu dưới dạng phim tài liệu (phim tài liệu dễ dàng được cho phép hơn phim truyện), hai là nó được lén đưa đi tham dự Đại Hội Điện Ảnh ở Đông Âu và đã giật được Huy chương vàng ở đấy. Với vinh dự công khai này, nhà nước không có lý do gì mà cấm trình chiếu. Dĩ nhiên khán giả hoan nghênh nhiệt liệt vì nội dung đầy tính chất dân lộc và nhân bản của nó.



   Nguyễn Vạn Hùng: Theo anh Việt cộng chủ trương gửi văn hóa phẩm ra nước ngoài nhằm mục đích gì?



   Nhật Tiến: Vừa tuyên truyền vừa khai thác lợi nhuận.



   Nguyễn Vạn Hùng: Khi.về nước, anh có nghe có những sách báo từ hải ngoại gửi về không? Nếu có, phản ứng như thế nào?



   Nhật Tiến: Số sách báo gửi từ nước ngoài về trong nước rất hạn hẹp, chưa gây được tiếng vang nào đáng kể trong quần chúng. Có lẽ hầu hết tin tức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài chỉ lọt về Việt Nam qua đài BBC và VOA, trước đây qua tờ Đoàn Kết ở Pháp, Đất Mới ở Canada.

(Ghi chú của người phỏng vấn: Đoàn Kết và Đất Mới là hai tờ báo của Việt cộng hải ngoại).



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh có biết người dân trong nước nghĩ gì về các cuốn có nội dung “phản kháng” như Ly Thân, Những Thiên Đường Mù?



   Nhật Tiến: Tôi không có cơ sở để đánh giá những cảm nghĩ của độc giả, ngoại trừ được biết tất cả những tác phẩm kể trên đều đã được bán hết trong một thời gian ngắn. Riêng cuốn “Ly Thân” thì bị tịch thu chỉ sau ba ngày vừa được phát hành. Tôi không thể kiếm cả hai cuốn đó ở Sài Gòn.



   Nguyễn Vạn Hùng: Những văn nghệ sĩ miền Nam trước năm 1975 hiện sống ra sao?



Nhật Tiến: Một số thất nghiệp, sống bằng tiền viện trợ của gia đình ở nước ngoài. Một số ra lề đường sống bằng đủ mọi thứ nghề như bán sách “son”, buôn thuốc lá lẻ, đạp xích lô, làm yaourt. bồi bàn... Một số khác sống bằng ngòi bút núp dưới những tòa soạn báo như “Sân Khấu “, “Điện Ảnh”...

  

   Nguyễn Vạn Hùng: Như thế thì việc xuất bản ở trong nước hiện không còn hoàn toàn trong tay nhà nước kiểm soát?



   Nhật Tiến: Trên danh nghĩa thì nhà nước hoàn toàn kiểm soát. Nhưng có nhiều khe hở để cho thấy tư nhân đã nhúng tay vào trong thực tế. Khi có được giấy phép xuất bản một số sách, tư nhân có thể thuê in và tự phát hành. Một ví dụ cụ thể, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (trước 1975) đã vừa cho in một tác phẩm dày 500 trang có tựa đề “Nhật Ký Của im Lặng” và do nhà Phù Sa xuất bản. Nội dung cuốn sách là những tâm tình hoàn toàn cá nhân riêng tư, không mảy may liên hệ đến nhà nước. Tôi có mang ra ngoài được một cuốn, nếu anh muốn “điểm” cuốn sách này, tôi có thể cho mượn. Tuy nhiên, nó được độc giả đón tiếp rất thờ ơ vì nội dung lạc lõng của nó. Ngay cả những cuốn sách khác có nội dung rất đặc sắc mà ở ngoài nước chưa có cũng vậy, thí dụ như cuốn “Hành Trình về Chân Lý” của Trần Đình Bá, “Người Đẹp Tỉnh Lẻ” của Lê Quốc Minh, “Tiếng Kêu của Loài Chim Gõ Kiến” của Trúc Chi và Nguyễn Công Thắng. Một số tác phẩm dịch của những nhà văn phản kháng Liên Xô cũng rất khó kiếm.



   Nguyễn Vạn Hùng: Vậy có nghĩa là nhà văn trong nước cũng có tự do sáng tác theo những chủ đề và những đối tượng mà họ chọn lựa?



   Nhật Tiến: Viết hay không là tùy sự chọn lựa của mỗi người. Nhưng việc phổ biến công khai lại là chuyện khác. Cho đến nay, không có sự tự do sáng tác dành cho tất cả mọi người cầm bút.



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh có nghe hoặc có nhìn thấy những tác phẩm không do nhà nước cộng sản in ở trong nước không?



   Nhật Tiến: Rất nhiều. Phần đông là những tác phẩm trước 1975 nay do tư nhân bỏ tiền tái bản (kể cả sách Quỳnh Dao, sách kiếm hiệp. Riêng cuốn “Bố Già “ có tới 4 nhà xuất bản cho tái bản). Về sách sáng tác mới thì tôi thấy cuốn “Nhật Ký của Im Lặ ng “ của Nguyễn Thị Hoàng, một tác phẩm dày 500 trang, do nhà Phù Sa ấn hành. Tuy nhiên tình trạng tư nhân tự in lại nay đã tạm ngưng vì chính quyền đã hạn chế việc cấp giấy phép.



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh có gặp những nhà văn mà anh gọi là “phản kháng”? Hiện họ có bị làm khó dễ gì không?



   Nhật Tiến :Tôi được gặp 4 người trong số đó. Họ không bị  trở ngại gì trong sinh hoạt hàng ngày nếu họ biết ngưng phổ biến những tư tưởng phản kháng sau khi sự cởi mở bị khép lại. Tuy nhiên tôi được biết Dương Thu Hương bị cô lập ở miền Bắc sau một buổi thuyết trình ở Sài Gòn trước gần 1,000 trí thức, văn nghệ sĩ thành phố (và tin tức buổi thuyết trình này không được báo chí đăng tải). Một nhà văn khác cũng đang gặp khó khăn vì bài thuyết trình có tư tưởng chống đối trong một dịp khác, rất gần đây. Khi tôi rời Việt Nam, tôi không rõ nhà nước sẽ áp dụng biện pháp gì đối với nhà văn này.



   Nguyễn Vạn Hùng: Trong cuốn “Trăm Hoa Văn Nở Trên Quê Hương “ có phần đóng góp của anh, có tới 79 tác giả trong nước. Nay họ vẫn tiếp tục “phản kháng”?



   Nhật Tiến: Một số trong 79 người đó nay đã rút về khuynh hướng bảo thủ sau khi bị nhà nước khép lại chủ trương cởi mở. Tuy nhiên su thế của phong trào văn nghệ phản kháng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Nó chỉ rút vào bóng tối để chuẩn bị có cơ hội là vùng lên.



   Nguyễn Vạn Hùng: Trước khi lên đường về nước, anh nói là đi tìm những vấn đề làm đề tài cho những sáng tác mới. Vậy, xin anh cho biết nội dung sáng tác mới đó.



   Nhật Tiến: Tôi vừa mới trở về từ Việt Nam trong vòng không đầy một tuần cho nên sẽ là quá sớm để hoạch định cho một nội dung tác phẩm mới. Tuy nhiên tác phẩm mới của tôi sẽ viết về Việt Nam với thời điểm hiện tại.



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh là người Việt hải ngoại, vừa đi thăm cả miền Nam lẫn miền Bắc, theo anh giữa ba khối Nam, Bắc, và hải ngoại có cần phải đặt ra vấn đề thống nhất dân tộc không?



   Nhật Tiến: Thống nhất tình tự dân tộc là một nhu cầu cấp bách và có tính cách chiến lược, lâu dài, đòi hỏi sự vận dụng nhiều phương cách, nhiều nỗ lực để làm việc đó. Dĩ nhiên những tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ đóng góp rất hữu hiệu vào công việc này.  

  

Nguyễn Vạn Hùng: Là một nhà vãn kiêm nhà giáo, anh nhìn thế hệ trẻ Việt Nam trong nước ra sao?



   Nhật Tiến: Đó là những thành phần ưu tú, có khả năng, nhưng rất tiếc với tình trạng giáo dục hiện nay và với hoàn cảnh kiệt quệ của đất nước, rất đông thành phần trong giới trẻ không có cơ hội phát triển tiềm năng của mình. Trong lần về thăm quê nhà, tôi đã thấy rất nhiều thanh niên thiếu nữ đã tốt nghiệp đại học thuộc đủ loại ngành nghề, kể cả kỹ thuật mà không có công ăn việc làm. Một tình trạng phi lý bi đát không thể chấp nhận được.



   Nguyễn Vạn Hùng: Anh có dự anh trở về thăm Việt Nam nữa không?



   Nhật Tiến: Việc trở về Việt Nam đòi hỏi tốn kém tiền bạc và thời gian. Tôi  phải để dành 2 năm để có 4 tuần nghỉ phép. Do đó, trong tương lai gần tôi chưa thể có dự tính trở lại Việt Nam.



   Nguyễn Vạn Hùng: Thế anh có khuyến khích những người khác nên về thăm Việt Nam?



Nhật Tiến: Tôi không khuyến khích mọi nhà văn nên về Việt Nam. Nhưng nếu vị nào chọn Việt Nam làm đề tài sáng tác thì rất nên về một chuyến. Không có gì lợi cho sự phong phú của tác phẩm bằng cách quan sát tại chỗ. Một nhà văn mà không trực diện với sự thực thì sẽ không còn là nhà văn nữa.

                                                 NGUYỄN VẠN HÙNG

                                                                        (28-2-1991)



(Đã in trong cuốn “Việt Nam qua lăng kính 24 Nhân vật thời đại” do Thời Luận ấn hành ở Los Angeles, Nam Cali, năm 1996)

0 nhận xét