Open top menu
Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

                                 (tiếp theo)

         
                                     
Lão già kể lể :
“ Thì tôi đã nói tốt hơn hết là chị về Việt Nam, mẹ con gặp nhau ở quê có hơn không ? Đằng này cứ bày đặt chuyện phải đón bằng được cụ sang Mỹ kìa…”
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Thì tôi cũng muốn mẹ hưởng chút không khí nước Mỹ dối già mà, Nhưng không ngờ sức khoẻ cụ xuống nhanh vậy. Lúc anh sửa soạn về Việt Nam tôi đã hỏi rất kỹ sức khoẻ mẹ sao, có ngồi được suốt 20 tiếng trên máy bay không ? Cụ bảo được mà.”
Lão già gật gật :
“ Thì ngay  hôm đầu tới gặp, cụ mừng lắm , cụ còn bảo hoá ra số cụ may, sắp chết rồi còn được đi thăm nước Mỹ…”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Vậy chắc ông không xin được VISA cho cụ ?”
Lão già lắc đầu :
“ Dễ ợt…tôi chỉ ghé xe tới cổng lãnh sự quán Mỹ ở Sàigòn là có ba bốn anh cò chạy tới nhao nhao  hỏi có muốn VISA đi Mỹ không ? Tôi đưa tất cả hồ sơ giấy tờ của hai mẹ con chị Kelly Thi cho họ coi, họ bảo trường hợp này vào phỏng vấn đậu là cái chắc..”
Bác Ba Phi :
“ Vậy rồi sao ông không đưa được cụ sang đây ?”
Lão già nhún vai :
“ Cái đó có trời biết. Sau khi tôi nộp giấy tờ cho cò, hẹn vài ngày nữa tới lãnh sự Mỹ phỏng vấn thì bỗng dưng cụ khăng khăng không đi nữa…”
“ Tại sao vậy ?”
Lão già trề môi :
“ Cụ bảo cụ bịnh…không đi dược ? Hỏi bịnh gì cụ bảo bịnh già. Tôi bảo vậy sao cụ không nói trước để tôi cất công sang tận đây ?” Cụ bảo thì tiện thể ông về thăm quê đâu có sao. Nghe con gái tôi nói mấy chục năm nay ông chưa về . Tôi chán quá bảo cụ tôi đã tính không bao giờ về  nhưng vì chị con gái cụ nhờ cậy nên tôi mới phải về. Chứ biết thế này tôi về làm gì ?”
 Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Vậy cụ không đi Mỹ đâu phải bịnh tật gì ? Đúng không ?”
Lão già gật đầu :
“ Đúng như vậy, cụ mới 75 , đi lại nhanh nhẹn lắm mà…”
Bác Ba Phi đoán già đoán non :
“ Vậy chắc ông nói năng thất hố nên cụ tự ái chứ gì ?”
Lão già lắc quày quạy :
“ Không phải…không phải…cụ không bịnh, cũng không tự ái…cụ chỉ tiếc tiền. Cụ nghe nói vừa đi vừa về tính sang tiền ta mất cả năm sáu chục triệu nên cụ xót của nhất định không đi nữa…”
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
“ Nhưng con gái cụ lo tiền cơ mà. Cụ có bỏ ra cắc nào đâu ?”
“Cụ không bỏ ra cắc nào nhưng con gái cụ phải bỏ ra nên cụ mới xót…”.
Bác Ba Phi gật đầu :
“ Kể ra xót tiền cho con gái vậy cũng tốt…”
Lão già bật cười :
“ Không phải vậy…cụ cho rằng con gái cụ bỏ tiền ra mua vé máy bay thì tức là số tiền đó nó cho cụ rồi.Cụ không đi thì số tiền ấy thuộc về cụ…”
Bác Ba Phi vỡ lẽ :
“ Hiểu rồi…hiểu rồi…tóm lại cụ không muốn đi Mỹ nữa vì muốn giữ lại tiền mua vé máy bay chứ gì  ?” 
 Lão già gật gật :
“ Đúng rồi…cốt lõi ở đó.”
Bác Ba Phi cười cười  :
“ Vậy đưa cụ tiêu số tiền đó rồi bỏ tiền khác ra mua vé máy bay cho cụ đi vậy ?”
Lão già hất hàm về phía chị Kelly Thi :
“ Bác hỏi chị ấy chứ hỏi gì tôi …”
Chị Kelly Thi lên tiếng :
“ Tôi có bỏ ra mấy lần tiền thì má tôi cũng cứ đòi đưa cho má tiêu việc khác  chứ  mua vé máy bay đi Mỹ, phí tiền lắm…”
Lão già ngắt lời :
“ Như vậy đó, tôi đành phải nộp hết cho cụ tiền máy bay khứ hồi chứ còn biết làm sao ? Chỉ tiếc mấy trăm đô tiền cò mua VISA cho cụ phải bỏ…”
Bác Ba Phi quay sang chị Kelly Thi :
“ Chị cũng chịu vậy à ?”
Chị Kelly Thi bật cười :
“ Không chịu còn biết làm sao ? Cụ mà đã không đi không lẽ khiêng cụ lên sứ quán Mỹ để phỏng vấn cho cụ nói :” không, tôi không đi à ?”
Bác Ba Phi quay sang lão già :
“ Cụ không đi nữa sao bác không ở lại chơi thăm quê hương xứ sở ít lâu mà đã vội quay về ?”
Lão già lắc đầu :
“ Tôi cũng định ở lại vài tuần nhưng mà không chịu nổi ông ạ …”
Bác Ba Phi trố mắt :
“ Không chịu nổi ? Có ai làm phiền bác à ?”
Lão già lắc đầu :
“ Không không…không ai làm phiền tôi cả…ngược lại có nhiều điều tôi lo lắng từ bên này nhưng đều không gặp phải. Chẳng hạn như xuống sân bay Tân Sơn Nhát người ta bảo tôi phải kẹp tờ 10 USD vào hộ chiếu nhưng tôi không làm, vậy mà cũng chẳng sao ? Hay tôi lo về ít ngày rồi công an sẽ gọi lên hỏi han, nhưng rồi cũng chẳng thấy gì cả. Hay người ta cứ doạ tôi về Việt Namăn uống dễ ngộ độc lắm, vậy nhưng tôi có thấy gì đâu . Toàn là đồn hão cả.…”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Nếu chẳng có gì phiền toái sao không ở thêm vài tuần nữa thăm thú  cho biết đất nước ngày nay đã thay đổi so với trước như thế nào ?”
Lão già cười cười :
“ Đất nước thay đổi sao thì rõ quá rồi. Chỉ có điều tôi thấy tuyệt đại đa số người trong nước phải sống trong một điều kiện sống dưới mức con người, mình sống theo họ thì chịu không thấu mà sống theo đúng như nhu cầu của mình thì thành ra lại tách biệt với xung quanh …”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Ong nói vậy là sao ? Cái gì là điều kiện sống dưới mức con người ?”
Lão già suy nghĩ một giây lát rồi lên giọng giảng giải :
“ Tôi chưa nói về vấn đề ô nhiễm môi trường, tôi chỉ nói riêng nhiệt độ trong nhà nơi người ta sinh sống. Chẳng hạn ở bên này mặc cho trời nóng hoặc rét lạnh đến đâu nhưng trong nhà vẫn có điều hòa duy trì nhiệt độ luôn luôn ở mức độ dễ chịu mát mẻ từ 18 đến 24 độ. Còn ở Việt Namthì không ạ. Hôm tôi về tới Sàigòn, trời nóng lắm, nhiệt độ ngoài trời phải tới 34 độ. Tất nhiên tôi ở khách sạn 3 sao thì có máy lạnh chạy suốt ngày , mặc cho nhiệt độ ngoài trời có lên tới 40 độ cũng chẳng sao. Tuy nhiên tuyệt đại đa số người Sàigòn thì không có thế. Rất ít nhà có máy lạnh, đa số dùng quạt nhưng cũng chẳng mát mấy tý. Sau đó tôi lại ra Hà Nội đúng vào ngày có gió mùa đông bắc tràn về. Nhiệt độ ban đêm xuống tới 8 độ, lại thêm cái kiểu rét ở Hà Nội là rét buốt đến tận xương. Tôi ở khách sạn có lò sưởi nên nhiệt độcó xuống tới dưới không độ cũng chẳng sao .Chỉ thương người Hà Nội, tuyệt đại đa số không có lò sưởi, chống rét chỉ bằng chăn bông áo bông. Chính vì vậy các cụ già phải đi viện cả loạt. Nhiều người già chết trong đợt rét. Nếu ai ai cũng được sống trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn thì làm gì  có chuyện cụ già chết rét nhiều thế. Tôi nghe  nói chỉ quan chức và gian thương mới có máy lạnh khi trời nóng và máy sưởi khi trời rét thôi. Đó đất nước ta tuyệt đại đa số sống dưới mức con người là như vậy đó.”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“Chẳng riêng gì Việt Nam, khối nước còn sống dưới mức con người  kìa.Như Lào, Campuchia, Miến Điện, Trung Quốc…gạo còn chẳng đủ ăn lấy đâu ra máy lạnh với cả máy sưởi ?”
Lão già cười nhạt :
“ So với ba nước đó so làm gì ? Tôi nói giả dụ như Hàn Quốc chẳng hạn, trước 1975 nó còn man di mọi rợ hơn nước mình. Vậy mà bây giờ hả, nếu cứ còn cái Đảng cộng sản này thì Việt Nam vĩnh viễn không bao giờ đuổi kịp nó…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Hoá ra chỉ vì người dân trong nước chưa có máy lạnh, máy sưởi mà bác không thèm du lịch Việt Nam?”
Lão già bật cười :
“ Tôi không đến nỗi lẩm cẩm thế đâu..Chỉ có điều so với những gì còn lại trong ký ức, Việt Nam ngày nay có nhiều cái “chướng tai gai mắt” đến lộn mửa khiến tôi phải mau mau chuồn cho nhanh …”
Bác Ba Phi tò mò :
“ Cái gì làm bác chướng tai gai mắt phải “dọt” cho lẹ vậy ?”
Lão già nhăn mặt :
“ Trước hết là cái…tên phố…Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, phố phường hang hốc thuộc lầu lầu, ấy thế mà bây giờ trở lại cứ ngơ ngơ ngác ngác như bò vào thành phố. Chẳng phải do xây dựng hoặc mở rộng gì , chẳng qua là tên phố đổi lung tung cả. Bao nhiêu tên phố hàng Bột, hàng Lọng, hàng Đẫy…xoá đi hết thay vào đó là những Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh …rồi gì gì nữa…toàn những tên tuổi lạ hoắc chẳng biết có công hay có tội với dân với nước …”
Chị Kelly  Thi cười cười :
“Ay ba cái tên đó còn nổi tiếng nhiều người biết đấy. Chứ trong Sàigòn có những tên phố may ra chỉ mấy cha Sở văn hoá thông tin may ra mới biết. Bác Ba Phi là người sống trong nước,tôi đố bác những cái tên như Hồ Hảo Hớn, Thái văn Lung , Nguyễn thị Gấm…là ai, có công trạng gì  đấy.”
Bác Ba Phi thú nhận :
“ Chị hỏi thế tôi cũng chịu. Chắc lại mấy ông du kích mấy bà giao liên ở xã ở phường được mấy anh nhà báo thổi lên nên mới lưu danh đặt tên hẳn phố thôi…”
Lão già càm ràm :
“ Đi ngoài đường ngoài phố ớn nhất là nhìn thấy cờ búa liềm chăng khắp nơi, đỏ loè đỏ loẹt, rồi thì khẩu hiệu “ mừng Đảng mừng xuân” cứ nhan nhản chăng ngang phố xá. Đọc lên cứ tức anh ách. Chẳng lẽ Đảng còn hơn cả mùa Xuân à ? Chính ra phải mững Xuân trước rồi mới tới mừng Đảng sau chớ ?”.
Chị Kelly Thi cười rinh rích :
“Thì ở Việt NamĐảng là tối cao , đặt trên cả mùa Xuân là đúng rồi”
Lão già tiếp tục lên giọng :
“Tôi còn nhớ hồi hai vợ chồng Tổng Thống Clinton sang thăm Việt Nam về khen rằng người Việt Nam rất thân thiện, tôi lại thấy ngược lại. Chẳng nói đâu xa, cứ vào quán ăn, quán càphê hay khách sạn mà coi. Các cô tiếp viên mặt cứ như cái tủ lạnh . Sợ nhất là đi đường. Oh My God…cứ gọi là tranh cướp nhau mà đi , hơi va chạm một chút là văng tục, chửi nhau. Rồi thì đèn đỏ ngã tư ngã năm nếu không có cảnh sát đứng đó thì cứ vượt thoải mái…”
Chị Kelly Thi cắt ngang :
“ Hà Nội còn đỡ đó, phố xá Sàigòn mới kinh khủng, xe cộ cứ đến giờ tan tầm là ùn ùn thay nhau …đứng giữa đường. Tôi chắc chỉ ba năm nữa là Sàigòn kẹt cứng không còn đi lại được …”
Lão già tiếp tục :
“ Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất về Hà Nội cũ chính là những quán nước chè chén vỉa hè. Ngày xưa vào mùa rét, cứ rảnh rỗi là ra ngồi quán nhấm nháp  chén chè nóng, thanh kẹo lạc, ngắm phố phường. Bây giờ quán chè chén lác đác vẫn còn nhưng mà Oh My God… dân ngồi uống nước toàn lóc nhóc con trai con gái nhao nhao nói chuyện, văng tục, chửi bới nhau loạn xạ. Tôi ngồi giữa cái đám chí choé đó mà nhớ tới thơ ông Xuân Diệu ngày xưa :” Có nhiều thiếu nữ buồn không nói …tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì ?”. Lúc này mà đọc hai câu thơ đó cho mấy cô ấy nghe thì chắc chắn mấy cô sẽ chửi “ mẹ mày đéo nghĩ gì “. Thế đấy…ha ha ha…”
                                          (còn tiếp)


0 nhận xét