Open top menu
Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013



                                             (tiếp theo)



            
         




3) Nhận xét thứ ba : là vấn đề quy tụ văn nghệ sĩ thành một tổ chức độc lập, có uy tín vẫn là một vấn đề không giải quyết được trong năm 1966. Kiểm điểm lại  thì vẫn chỉ quanh quẩn có mấy hội hoạt động một cách lu mờ. Trung Tâm Văn Bút VN vẫn mang cái sắc thái cố hữu của nó, nghĩa là hoạt động lững thững, đứng bên lề của sinh hoạt văn học nghệ thuật, hội viên thì đông, thực lực thì có nhưng động viên được mọi người tham gia vào công việc để làm nổi bật  lên cái thực lực đó thì lại là một vấn đề khác. Tuy vậy cũng chẳng nên lấy làm lạ, bởi vì cụ Chủ tịch Văn Bút hiện nay  (thi sĩ Vũ Hoàng Chương) vẫn cương quyết với lập trường trung thành với Hiến Chương của Văn Bút Thế Giới, nghĩa là Hội Văn Bút  chỉ là nơi gặp gỡ của anh chị em văn nghệ sĩ để trao đổi kinh nghiệm sáng tác, trước tác, còn mọi hoạt động tham gia khác thì chỉ là công việc làm thêm. Mà Văn Bút VN  thì cũng đã  làm thêm được quá nhiều rồi như tổ chức Giải thưởng Văn chương, tổ chức Nói chuyện hằng tháng, ấn hành Nguyệt san Tin Sách. Trong khi ấy, những Trung tâm Văn Bút trên thế giới, lớn lao như Hoa Kỳ, Anh, Pháp ..v..v…nếu đem so thành tích thì còn thua xa Văn Bút VN, bởi vì một năm họ cũng chỉ ấn hành một tập kỷ yếu ghi những hoạt động của hội viên, và tập này được phát không.  Như vậy, với quan niệm hẹp hòi ấy, hiển nhiên Trung Tâm Văn Bút VN hiện nay không phải là  một cơ sở lý tưởng để có thể là một động cơ phát triển mạnh mẽ Văn học Nghệ thuật trước nhu cầu thiết yếu của dân tộc hiện nay, trừ phi đả thông được với cụ Chủ tịch Văn Bút cái vấn đề “hoàn cảnh sinh hoạt Văn học Nghệ thuật ở xứ người ta khác, và ở xứ mình khác, không thể lấy cái khuôn của người ta mà làm cái khuôn của mình được.”

Năm 1966 người ta cũng nghe nói đến một tổ chức Văn học Nghệ thuật khác, đó là Hiệp Hội Văn Học Nghệ Thuật. Nhưng Chủ tịch là ai ? Chương trình hoạt động thế nào ? Đã làm được những gì ? Thì xin thú thực, về phần tôi, tôi chưa được biết rõ nên không dám lạm bàn.

Một cơ sở khác nữa quy tụ được danh tính của môt số rất đông văn nghệ sĩ, học giả, ký giả cũng xuất hiện mạnh mẽ trong năm 66, đó là Hội Bảo vệ Văn Hóa Dân Tộc.

Nhưng có lẽ vì bị trói buộc trong danh nghĩa “bảo vệ’ mà không có danh nghĩa “phát huy” nên hoạt động của hội chỉ nhắm vào trọng điểm đánh mạnh về phía văn chương đồi trụy, khiêu dâm, ý hẳn Hội quan niệm rằng sở dĩ  tinh thần con người hiện nay xuống dốc thê thảm là đều do một nguyên nhân khiêu dâm, đồi trụy mà ra. Thiện chí của Hội thật đáng quý, cho dù quan niệm như thế thì quá hẹp hòi, nhưng có một hiện tượng sâu xa mà chúng ta  nên lưu ý : Đó là vấn đề sử dụng danh từ đao to búa lớn mà lúc thực hành thì không xứng bao nhiêu với thực chất của danh từ.  Về điều đó, nhìn qua thấy chẳng chết ai (chính phủ không đánh thuế) nhưng thật ra đã hủy hoại lòng tin tưởng và kỳ vọng của biết bao người có thiện chí muốn ủng hộ và đặt  hy vọng vào việc làm của mình. Riết rồi cái môi trường  sinh hoạt Văn Hóa  ở đây biến thành một cái thùng a-xit, bao nhiêu lòng hăng hái, tin tưởng ném vào đều rã rời, tan biến cả.

Ngoài ra, trong năm 1966 danh từ Văn Hóa Dân Tộc cũng gây sôi nổi không ít. Văn Hóa Dân Tộc là cái gì ?  Nếu chỉ quan niệm Văn Hóa Dân Tộc là mấy điệu vũ nhạc mà người ta thường mượn của ban vũ nhạc cổ điển ngoài Huế mỗi khi cần tổ chức cái gì hay là chỉ có mấy điệu hò, điệu trống cùng với diễn viên ăn mặc có mầu sắc thôn quê như đeo yếm, mặc váy, áo dài chít khăn ….như thế thì quả là mỉa mai cho danh từ Văn Hóa Dân Tộc. Bởi vậy, trong năm qua còn nhiều thắc mắc của mọi người  mà chưa được giải quyết thỏa đáng. Đó là những vấn đề:

- Thế nào là Văn Hóa Dân Tộc ?

- Nó ở đâu ? Nó làm sao ? Nó bị cái gì xâm phạm nên phải bảo vệ ?

- Và bảo vệ thì bảo vệ thế nào ? 

Hy vọng qua năm 1967, Hội Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc phát triển mạnh mẽ để đánh tan mọi hiểu lầm, mọi dư luận xầm xì một cách oan uổng trước thiện chí của quý hội viên của Hội và nhất là của quí vị sáng lập viên.

 4) Nhận xét thứ tư :  là trong năm 1966, hàng ngũ văn nghệ sĩ vẫn mang nặng tính chất rời rạc, riêng lẻ của những năm về trước. Anh chị em văn nghệ sĩ không thấy vấn đề ngồi chung lại với nhau là cần thiết. Bởi vì họ quan niệm sáng tác là mục tiêu tối hậu của văn nghệ sĩ. Miễn là có tác phẩm xuất bản đều đặn là đủ rồi. Còn vấn đề bảo vệ quyền lợi  tinh thần và vật chất của văn nghệ sĩ thì  hầu như không ai dám mơ ước tới. Hình như tất cả  đều đã tạo nên thói quen chịu đựng thiệt thòi như thế từ lâu rồi. Còn vấn đề phát triển văn hóa  theo kế hoạch, theo đường lối thì hầu như đa số có cái tâm lý  là khoán trắng cho chính quyền, mặc chính quyền muốn quan niệm thế nào là văn hóa, muốn phát triển văn hóa  theo chiều hướng nào, không ai cần thấy phải góp ý. Mà hình như chính quyền cũng chẳng thâu góp ý kiến của ai, hoặc giả có nghe ngóng được một số dư luận  thì người có thẩm quyền quyết định nếu thấy không hợp ý thì vẫn thi hành theo ý kiến riêng tư của mình. Chỉ đến lúc sự việc đã xẩy ra rồi, hậu quả mang lại không mấy thuận lợi, người ta mới tìm cách chống đỡ, bao biện để rồi kế hoạch chẳng ngã ngũ tới đâu, chỉ mang thêm nhiều xáo trộn vô ích  (vụ trường Tây là thí dụ điển hình)

          Trở về địa hạt sinh hoạt Văn học Nghệ thuật, sự thờ ơ đóng góp ý kiến của văn nghệ sĩ vào vấn đề phát triển Văn học Nghệ thuật càng rõ rệt. Đặc biệt nhất là sự im lặng của văn nghệ sĩ trong vụ Chu Tử lên án Vũ Hạnh là cán bộ văn nghệ CS nằm vùng, phá hoại hàng ngũ quốc gia bằng cách phổ biến những tác phẩm văn nghệ tuyên truyền cho CS. Thật  là động trời, động trời cả về phương diện là giả dụ lời tố giác đó có thật hay là những  lời tố giác đó chỉ là chuyện chụp mũ CS. Bởi vì nếu những tố giác ấy là sự thật thì bằng cách nào  Vũ Hạnh đã vận động để xin ấn hành được những tác phẩm đó, và bằng cách nào cho đến nay, sau lời tố giác của báo Sống, những tác phẩm đó vẫn được lưu hành ? Còn nếu lời tố giác ấy chỉ là luận điệu chụp mũ thì bằng hậu thuẫn nào tờ báo Sống có thể làm chuyện động trời như thế để đánh lừa  mấy chục ngàn độc giả và hạ uy tín  của một cây bút  trong hàng ngũ của văn nghệ sĩ Quốc gia ? Phải chăng điểm này vẫn còn là một nghi vấn trong năm sinh hoạt Văn học Nghệ thuật 1966 ?

            5) Nhận xét thứ năm : Xin lấy làm nhận xét cuối cùng vì vấn đề thật miên man, còn biết bao nhiêu cái cần đề cập tới, không làm sao nói cho hết.

             Nhận xét này xin dành để lạm bàn qua cái chương trình tổng quát của Bộ Văn Hóa do BS Nguyễn Lưu Viên tuyên bố trong buổi phát giải Văn chương do Trung Tâm Văn Bút VN tổ chức tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc, Sài Gòn. Theo lời BS Nguyễn Lưu Viên thì Bộ sẽ phát triển mọi ngành sinh hoạt Văn Nghệ như : thúc đẩy ngành Vũ, thiết lập sân khấu để phát triển ngành Kịch, tạo cơ hội cho văn nghệ sĩ sáng tác và trình diễn, lập Bảo tàng viện để sưu tầm và lưu trữ các sản phẩm Văn Hóa..v..v… Chương trình mang  nhiều điều hấp dẫn và nghe sướng tai, nhất là anh chị em văn nghệ sĩ. Bởi vì trọng tâm của Bộ sẽ hướng về Văn nghệ hơn là Văn hóa. Thế cho nên, đề nghị với chánh quyền nên cho đổi quách tên thành Bộ Văn Nghệ hơn là Bộ Văn Hóa. Danh nghĩa có vẻ phù hợp với chương trình làm việc hơn mà lại không bị ràng buộc bởi những vấn đề quá to tát, nếu sau này chỉ có thi hành được chút đỉnh thì cũng chẳng ai moi móc, nói hơn nói kém gì được.

- Tôi không dám lạm bàn về vấn đề đưa ra kế hoạch và đường lối phát triển Văn Hóa vốn là một công việc của tập thể hơn là của cá nhân. Ở đây tôi chỉ xin nói đến một khía cạnh vốn  là một trong những nguyên nhân sâu xa làm ngăn cản công cuộc phát triển Văn hóa. Đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa “phương tiện đầy đủ của chính phủ”  với “nguồn năng lực dồi dào của những con người đứng ngoài chính quyền, với tư cách một công dân”

Đúng như lời BS Nguyễn Lưu Viên đã nói, chính quyền chỉ có phương tiện và chỉ mang đến cho anh chị em văn nghệ sĩ phương tiện. Còn vấn đề  dùng phương tiện ấy để phát huy mọi công tác văn học, nghệ thuật thì phải cần có sự  đóng góp của anh chị em văn nghệ sĩ. Chẳng hiểu đó có phải là lời tuyên bố xuông xẻ trong một buổi tiếp tân hay không, nhưng dù sao thì đó cũng là một sự thật, một sự thật sẽ phải xẩy ra nếu chính quyền muốn phát triển văn hóa.

Ngược lại, dù có khuynh hướng không ưa thích dính dáng đến chính quyền, nhưng muốn phát triển văn hóa, anh chị em văn nghệ sĩ không thể không nghĩ tới sự kiện là chỉ chính quyền mới có đầy đủ phương tiện và muốn cho cái phương tiện đó không bị sử dụng vô lý, phung phí một cách vô ích  thì vấn đề tương quan giữa văn nghệ sĩ với chính quyền phải được đặt ra, và nên đặt ra trên căn bản một sự thỏa hiệp biết tôn trọng tính chất độc lập của văn nghệ sĩ. Nói rõ hơn, tôi vẫn nhận thấy cái tinh thần khoán trắng  cho chính phủ  làm công việc phát triển văn hóa là cần phải dẹp bỏ và văn nghệ sĩ phải tích cực hơn trong vấn đề tiếp tay với chính quyền trong nhiệm vụ phát triển văn hóa. Tất nhiên tiếp tay với chính quyền không có nghĩa là tình nguyện biến thành một thứ Công chức văn nghệ (xin đừng lầm với Công chức làm văn nghệ vì có thiều gì văn nghệ sĩ làm công chức). Biến văn nghệ sĩ thành “công chức văn nghệ” thì văn nghệ sĩ không còn giữ được cái danh hiệu tốt đẹp là văn nghệ sĩ nữa. Bởi vậy sự tiếp tay với chính quyền phải đặt trên một vài nguyên tắc căn bản. Đó là :

- Văn nghệ sĩ tiếp tay với chính quyền nhân danh nguyện vọng chính đáng của dân tộc. 

- Văn nghệ sĩ không chịu trách nhiệm với chính quyền nhưng chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Khi phương tiện đã có, nhân sự dồi dào, có thiện chí, tất cả những vấn đề khác  chỉ còn là chuyện sáng kiến và kế hoạch mà thôi.

Kỳ sau ; Ý kiến của LM Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, của Kịch sĩ Hoàng Trọng Miên, và Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.

                                                         Tạp Chí Vấn Đề  *  Tháng 2- Năm 1966



                              (còn nữa)

0 nhận xét