Open top menu
Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013



                                                CHƯƠNG 2

                        Thời điểm Sài Gòn giữa thập niên 60
                     
                                         TẠP CHÍ  “VẤN ĐỀ” 
           ĐẶT VẤN  ĐỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

  

nhà văn NHẬT TIẾN và ông KHAI TRÍ - xuất bản sách

                     
                     *****

          Tạp chí Vấn Đề xuất bản ở Sài Gòn, số ra Tháng 2 -1966 có nêu ra một chủ đề mang tên “ Một vấn đề trọng yếu : Vấn đề Văn Hóa” để qua đó, tòa soạn thực hiện một cuộc phỏng vấn với một số nhân vật đang hoạt động trong ngành văn hóa như Thượng tọa Thích Minh Châu, Nhà văn Nguyễn văn Trung, nhà văn Nhật Tiến, Kịch sĩ Hoàng Trọng Miên, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch..v..v…
Vấn đề mà tòa soạn tạp chí này đã nêu ra như sau :
“ Chúng ta phải xây dựng, phát huy Văn hóa – Văn hóa theo quan niệm của chúng ta, những người bên này vĩ tuyến 17. Tất cả chúng ta đều đồng ý như vậy. Nhưng nếu những người trong cuộc- những người làm văn hóa  nhiều khi cảm thấy bực bội, thiếu điều kiện, đôi lúc  hoang mang, thì những người khác, kể cả chính quyền, khi nghĩ đến vấn đề văn hóa  chắc chắn phải mang ấn tượng lạc vào địa đạo, một thứ chiến khu Đ.
Chúng ta đã làm gì ? Chúng ta còn phải làm gì ? Những vấn đề nào phải được dành quyền ưu tiên giải quyết ? Phần việc nào là phần việc  của chính quyền ? Có nên có một chính sách  văn hóa, một kế hoạch hoạt động văn hóa ngắn và dài hạn, nơi đây tại phần đất tự do ?
 Chúng tôi nghĩ rằng vẫn phải tự chỗ bắt đầu, thâu thập ý kiến của nhiều người trong giới có thẩm quyền. Đó là ý nghĩa của cuộc phỏng vấn mà chúng tôi bắt đầu từ số báo này. Cuộc phỏng vấn sẽ tiếp diễn ở những số báo tiếp và sẽ đặt trọng tâm vào hai điểm: nhận định hiện tại và  xây dựng tương lai. Hai điểm nêu lên như vậy  sẽ không gò bó người trả lời vào những cương mục nhất định. Trả lời một cách tổng quát hay giới hạn vào vấn đề ở địa hạt chuyên môn của mình, người trả lời mang cảm tưởng đối thoại tâm tình. Những ý kiến nêu lên sẽ được tập trung và vô tư, sẽ được đúc kết.
Và biết đâu…có thể một giải pháp sẽ được trình bầy. Giải pháp của các bạn, của chúng tôi, giải pháp của chúng ta.
Dưới đây là hai câu hỏi dựa vào hai điểm nêu lên ở trên :
 - Nhận định về sinh hoạt văn hóa miền Nam.
- Ý kiến về sự xây dựng và phát triển văn hóa miền Nam 
               (Tạp chí Vấn Đề- Số Tháng 2-năm 1966)
* ***
      
                                 Phần trả lời của
          
                                NHÀ VĂN NHẬT TIẾN
           
Tuy câu hỏi đề cập đến vấn đề văn hóa, nhưng chỉ xin trả lời thu hẹp trong lãnh vực sinh hoạt Văn học Nghệ thuật. Bởi vì bàn đến Văn Hóa thì miên man quá, sợ với  cương vị một người viết tiểu thuyết như tôi sẽ không có đủ điều kiện mà nhận định toàn diện về một lãnh vực rộng lớn của Văn Hóa. 
Về sinh hoạt Văn học Nghệ thuật năm 1966 vừa qua, tôi có mấy nhận xét hoàn toàn chủ quan như sau:
  l) Nhận xét thứ nhất : là có sự thay đổi đáng mừng về phía độc giả. Nghĩa là độc giả năm 1966 đã chịu khó mua sách và đọc sách. Trong 10 năm sinh hoạt Văn học Nghệ thuật trở lại đây, chưa bao giờ có hiện tượng tác phẩm xuất bản chỉ  trong vòng  2 tuần lễ mà đã được tái bản. Vậy mà năm vừa qua, có nhiều trường hợp như thế đã xẩy ra (tác phẩm của Nhã Ca, của Duyên Anh, của Phan Tùng Mai.. v.v.) Cuốn Đêm Dài Một Đời của Lê Tất Điều đã tiêu thụ 200 cuốn trong ngày đầu tiên phát hành tại một hiệu sách. Tác phẩm Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng mở đầu cho loạt văn nghệ phẩm  in dầy, bán đắt mà vẫn có độc giả tiêu thụ.
 Chính vì độc giả băt đầu chịu mua sách và đọc sách mà các nhà xuất bản đã hoạt động được rất đều. Như nhà Trình Bầy, Văn, An Tiêm, Lá Bối, Nhân Chứng, Mai Anh, Những Tác Phẩm Hay, Thứ Tư Tuần San…v..v…Phải chăng vì quá mệt mỏi trước tình trạng  xáo trộn ghê gớm trong xã hội trước ảnh hưởng của chiến tranh mà độc giả quay về với thế giới tương đối thầm lặng hơn, tương đối còn đôi chút tươi mát hơn ngoài đời, ấy là thế giới tiểu thuyết ??
Tuy vậy đó chỉ là một hiện tượng tương đối khả quan hơn so với những năm trước chứ chưa phải là một sự tiến triển đáng mừng.  Bởi vì nhu cầu đọc tiểu thuyết văn nghệ chưa chiếm được một vị trí thiết yếu đối với độc giả.  Nếu chịu khó quan sát tình hình xuất bản ở đây trong vòng mấy năm trở lại, người ta thấy một dạo thiên hạ đổ xô nhau đi đọc Kiếm hiệp. Truyện Chưởng của Kim Dung trở thành một cái mốt của tầng lớp trí thức trong những lúc trà dư, tửu hậu, hình như ai thiếu hiểu biết về vấn đề Chưởng này (như không biết tên nhân vật, không biết câu chuyện xẩy ra đang tới hồi nào, không thuộc tên vài thế võ bí truyền...v.v..) thì người đó trở nên lạc hậu và phát sinh cái mặc cảm thua kém, ngỡ ngàng. 
Rồi giai đoạn Chưởng qua đi, người ta bắt đầu đổ xô đọc Gián điệp mà dẫn đầu là loại sách Z28 với bút hiệu Người Thứ Tám, tên thực của tác giả là Bùi Anh Tuấn. Truyện  Z28 không biết ăn khách đến độ nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, tiểu thuyết gián điệp được tung ra tràn ngập, gây cảnh nhộn nhịp gấp mấy lần sinh hoạt tiểu thuyết văn nghệ. Mỗi tác giả lại khai sinh một tài hoa trong ngành gián điệp (bắt chước kiểu Z28) như N24, Z33, FA 007, U 42 v.v….
Như thế, nhu cầu đọc sách và truyện của độc giả có vẻ thất thường. Nếu độc giả giã từ kiếm hiệp chuyển qua gián điệp, từ gián điệp trở về địa hạt tiểu thuyết văn nghệ như năm vừa qua, thì trong năm nay, chưa biết tiểu thuyết văn nghệ có đủ bản lãnh để giữ vững được lòng ham chuộng của độc giả hay không ? 
 2) Nhận xét thứ hai :  là khuynh hướng phản chiến hiện ra..
( Sở Kiểm Duyệt bỏ 1 dòng)
….nhất là những tác phẩm in trên các tạp chí hay rải rác trên mặt báo. Đề cập đến  danh từ “phản chiến” lúc này nhiều người cho rằng đã phản bội sự hy sinh xương máu của anh em chiến sĩ ngoài mặt trận đồng thời đã chứng tỏ trình độ chính trị ngây thơ đối với thủ đoạn của C.S. Có lẽ cũng vì quan niệm như thế mà nhân viên  phòng kiểm duyệt năm 1966 đã phải trải qua một năm làm việc mỏi tay và mệt nhọc. Có lẽ cũng vì sợ bị kết tội như thế mà trong thâm tâm ai cũng mong mỏi chiến tranh chấm dứt nhưng ít người lại dám phát biểu ra.
Nhưng tôi nghĩ rằng quan niệm của văn nghệ sĩ đối với vấn đề này không chỉ nhằm vào đối tượng đơn thuần là  những người đứng trong hàng ngũ ở bên này vĩ tuyến. Bởi vì khi đề cập đến chiến tranh, đến tàn phá, đến thương vong và những xác chết chôn vùi  ở đồi núi hay đồng bằng, người cầm bút đã cố gắng thức tỉnh con người ở mọi phía, ở mọi bình diện chính trị, mọi mầu sắc tôn giáo, họ đứng trên lập trường  nhân bản, dưới ánh sáng của lương tri mà nói lên tiếng nói của họ, với bên này, với bên kia, với mọi dân tộc trên thế giới để mong cho ánh sáng văn minh của nhân loại mau chóng soi tỏ vào khoảng đất đen tối và thê thảm nhất ở thế kỷ Hai Mươi này, đồng thời để cho những cái nhơ nhuốc đó khỏi tái diễn ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào đối với bất cứ dân tộc nào  trên thế giới.
Chiến tranh trên đất nước này có thể còn kéo dài, hay còn phải kéo dài. Người cầm bút không phải là những người có cái đũa vạn năng điều khiển được sách lược của  hai khối lớn nhất trên thế giới hiện nay là Tự Do và Cộng sản để bắt họ phải làm như thế này hay thế kia. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, ở vị trí nào, ở mầu sắc chính trị nào thì người cầm bút  cũng không thể cổ võ cho một cuộc chiến tàn sát, ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, bất cứ vì mục đích gì. Cho nên, cái gì cần nói vẫn phải nói, cho dù tiếng nói của văn nghệ sĩ sẽ bị nhu cầu nhất thời của chính trị lên án và kết tội. Nhưng người văn nghệ sĩ vẫn tin tưởng rằng ở  mức cuối cùng, tiếng nói của họ vẫn toàn thắng. Vì họ nói lên tiếng nói của lương tri, của nhân đạo, của quyền sống tối hậu của con người. 
Cho nên, trong năm vừa qua, nhiều người cũng đã thất vọng không ít trước những lời cổ võ phải đánh mạnh, đánh lâu dài, đánh vài thế hệ nữa nếu cần của văn hào John Steinback, giải thưởng Văn chương Nobel 1966. Lời nói ấy nếu phát xuất từ một vị tướng lãnh, một nhà chính trị  thì còn có thể chấp nhận được nếu đứng trên quan điểm của nhu cầu quân sự của họ, nhưng nếu lại được nói ra từ một nhà cầm bút lớn lao như J. Steinback thì quả là một sự mỉa mai, chua chát.
Tuy vậy, người VN không lấy thế làm buồn lòng hay bực tức. Bởi vì dù là văn hào được giải Nobel như ông John Steinback, thì tiếng nói của ông cũng chẳng thay đổi được gì về đời sống tinh thần của người VN và tác phẩm của  ông, nếu ông sẽ viết về chiến tranh VN sau mấy tuần thăm viếng VN, thì cũng chẳng nói lên đuợc gì nhân danh cho VN cả. Điều rõ ràng nhất là ông không phải người VN, ông cũng không sống nếp sống của người VN, ý nghĩ của người VN và ông đã ở VN quá ít, thì giá trị tác phẩm của ông sẽ chỉ có giá trị trên một phương diện nào đó mà thôi (chẳng hạn ông viết về người lính Mỹ ở VN thì được).
Đã đề cập đến văn hào John Steinback thì không thể không đề cập đến học giả Hồ Hữu Tường, bởi ông Hồ Hữu Tường đã công khai viết thư cho John Steinback nhân danh một người cầm bút VN. Sự quan trọng của vấn đề  này không phải là ở sự đấu trí hay đấu lý giữa hai người, nhưng chính là ở cuộc đối thoại của Hồ Hữu Tường với John Steinback đã được nhiều người chú ý, không những ở VN  mà cả ở ngoại quốc nữa.  Đáng lẽ nhân dịp hiếm có này, học giả Hồ Hữu Tường  nên đặt vấn đề một cách có hệ thống mạch lạc hơn, rõ rệt, sắc bén hơn, nhưng ngược thế, ông lại dùng cách hành văn lòng vòng, kể chuyện con cà con kê hình như chỉ cốt kéo ra cho thật dài để phô trương cái tài viết nhiều, viết nhanh và uyên bác của mình.  Kết quả, lá thư của Hồ Hữu Tường  gửi John Steinback đã biến thành  một bản khai sinh cho cho truyện dài “Người Mỹ không thầm lặng” (The unquiet American ) kiểu chơi chữ với cuốn The Quiet American của Graham Green. Trong khi ấy niềm hy vọng  tin tưởng của lớp trẻ đặt vào kinh nghiệm và uy tín của Hồ Hữu Tường tiên sinh trong việc đối thoại với văn hào John Steinbach, những tưởng Hồ tiên sinh sẽ nói lên được một vài cái gì đặc sắc trước nhân dân thế giới trong cuộc chiến tranh ở VN mà rút cục niềm hy vọng và tin tưởng ấy đã trở nên tàn lụi một cách buồn bực.

                             ( còn tiếp)

0 nhận xét