Open top menu
Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

PHÁT BIỂU TRONG LỄ TƯỞNG NIỆM
NHÀ BÁO ĐỖ NGỌC YẾN
Tại hội trường Nhật báo NGƯỜI VIỆT(23-8-2006)




                                                                                                           Nhà báo Đỗ Ngọc Yến


Kính thưa Ban tổ chức Buổi Lễ tưởng niệm nhà báo Đỗ Ngọc Yến,
Kính thưa toàn thể quí vị,
Anh Đỗ Ngọc Yến là một nhân vật của cộng đồng, nhất là của lãnh vực truyền thông báo chí. Có thể nói, bất cứ một anh chị em văn nghệ sĩ, ký giả nào, đều cũng có thể nhắc lại được ít hay nhiều kỷ niệm tốt đẹp về anh Đỗ Ngọc Yến.
Vì vậy, trong buổi lễ t­ưởng niệm anh đ­ược tổ chức ngày hôm nay, để có thời gian cho nhiều anh chị em  khác phát biểu, tôi chỉ xin vắn tắt một vài kỷ niệm của riêng tôi đối với anh Đỗ Ngọc Yến.
Phải thành thực mà nói, từ tr­ước năm 1975, tôi ch­ưa có hân hạnh đ­ược quen biết anh Yến. Đó là vì anh là ngư­ời thuộc lãnh vực hoạt động Thanh niên và Báo chí, còn tôi thì chỉ thu hẹp trong cư­ơng vị một nhà giáo, lại không giảng dạy trong lãnh vực văn chương, chỉ vào dịp hè khi rảnh rỗi, thì tìm một nơi xa Sài Gòn để kiêm thêm việc viết văn.
Mặc dù vậy, sau này khi đã ra n­ước ngoài, mỗi khi chúng tôi cần đến anh, bao giờ anh cũng có mặt.
Vào những ngày tháng bi thảm khi còn ở trại tỵ nạn, khoảng cuối 1979 đến cuối 1980, trong vòng rào kẽm gai của trại tỵ nạn và giữa áp lực nặng nề của dân chúng địa phương cũng như của cả chính quyền Thái, cái phao bấu víu duy nhất của chúng tôi khi đó là các tờ báo Việt ngữ đang ấn hành ở hải ngoại. Riêng tờ Ngư­ời Việt Cali của anh Đỗ Ngọc Yến với  hình thức còn sơ sài với 4 trang in đen trắng, đã luôn luôn cho in những bản t­ường trình hay cáo trạng của các thuyền nhân viết từ P.O Box 3 Songkhla Thái Lan để đánh động lương tâm của thế giới.
Sự quan tâm và sốt sắng của tờ Người Việt Cali qua anh Đỗ Ngọc Yến cũng như của nhiều cơ quan báo chí khác ở hải ngoại vào thời điểm đó, đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều an ủi, thêm nhiều khích lệ và làm gia tăng niềm tin cũng nh­ư lòng can đảm của chúng tôi trong công cuộc nói lên trước thế giới những thảm nạn của thuyền nhân mà chúng tôi đang theo đuổi.
Sự ân cần thư từ thăm hỏi và thường xuyên gửi báo Người Việt Cali đều đặn vào trại tỵ nạn Songkhla hẻo lánh xa xôi của anh Yến, đã ghi lại trong lòng tôi rất nhiều thâm cảm.
Lại n­ữa, trong thời gian tòa soạn báo Việt Tide chuẩn bị cho số ra mắt vào tháng 7 năm 2001, chính anh Đỗ Ngọc Yến cũng đã là ngư­ời đã lui tới với chúng tôi trong nhiều kỳ họp để góp ý, để bàn thảo về nội dung tờ báo với tất cả lòng nhiệt thành của một bậc đàn anh trong làng báo. Chính sự quan tâm và sốt sắng chia sẻ kinh nghiệm của anh Yến đã đem lại cho chúng tôi nhiều khích lệ tinh thần khi khởi sự một tờ tuần báo mà cho đến nay nó vẫn còn tồn tại.
Sự việc tư­ởng vừa mới xẩy ra gần đây thôi, thế mà nay anh đã vĩnh viễn ra đi. Tôi chỉ xin quý vị cho phép tôi đ­ược nói với Anh Đỗ Ngọc Yến một lời chân thực:
"Xin vĩnh biệt anh, anh Đỗ Ngọc Yến, con ng­ười suốt một đời quan tâm đến bạn bè, suốt một đời gắn bó với nghiệp báo và suốt một đời nổí trôi cùng với những nỗi thăng trầm của vận n­ước. Tuy đã ra đi, nh­ưng thực sự anh đã để lại trong lòng tất cả chúng tôi một niềm tiếc nuối không bao giờ nguôi."

NHẬT TIẾN
*********
                                                      CHƯƠNG 12
Sinh hoạt văn hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại
 Thời điểm  năm 1995
+++++
Quanh những sáng tác của nhà văn Nhật Tiến
Chào mừng sự đối thoại
BÙI NGỌC ĐƯỜNG
            Lời Toà Soạn (tạp chí Văn Học số 38 -Tháng 3-1989): Những truyện ngắn và truyện dài của nhà văn Nhật Tiến hiện đang trở thành đề tài thảo luận trong giới văn học. Sau khi đăng lá thư  ngỏ của nhà văn Diệu Tần trên Văn Học số Tết, Văn Học đã nhận được bài phát biểu dư­ới đây của anh Bùi Ngọc Đư­ờng, nên xin đăng tôi ngay đe quí bạn đọc tiện theo dõi và nhận định về các lối nhìn khác nhau ấy.

CUỘC ĐỐI THOẠI TRONG NỘI TÂM
CỦA MỖI NG­ƯỜI
Cách đây không lâu, tôi có viết một bài nhận xét về khuynh hư­ớng sáng tác mới của nhà văn Nhật Tiến ( Chấn H­ưng số 11 & 12, tháng 7, 1988). Trong khi viết cũng nh­ư sau khi viết xong, tôi cảm thấy muốn được đọc những bài viết khác từ những cách nhìn khác. Dĩ nhiên không phải tôi không tin những gì tôi đã viết, mà chính vì tôi khao khát một sự đối thoại rộng lớn, nghiêm chỉnh về một vấn đề vốn đã có tính cách nghiêm chỉnh và rộng lớn. Nói là nghiêm chỉnh, bởi vì nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, t­ương lai của dân tộc mà trong đó, trách nhiệm và sự nhận thức của mỗi người, đặc biệt là những người cầm bút, sẽ là một yếu tố then chốt. Gọi là rộng lớn, bởi lẽ đó là một vấn đề mà thời gian và không gian của nó không phải của một người và trong một đời mà bao gồm nhiều thế hệ. Chính với sự khao khát đó, tôi đã cảm thấy phấn khởi khi thấy nhiều bài viết liên tiếp xuất hiện để trao đổi với nhà văn Nhật Tiến về khuynh hư­ớng sáng tác mới được thể hiện trong những truyện ngắn và truyện dài của ông. Cũng chính với sự khao khát đó, tôi thấy không quan trọng phải l­ưu tâm đến mục đích khen hay chê (nếu có) của người viết mà chỉ cần thiết quan tâm đến những nhận định xác đáng, hợp lý (nếu có) của bài viết. Trong đối thoại vốn đã hàm chứa sự đối nghịch. Vấn đề là giữ sự đối nghịch đó ở một mức độ cao đẹp, quân tử để nó có thể là lợi ích chung của nhiều người. Với một quá khứ lơ là, khoán trắng, bỏ mặc vận mệnh đất nước, dân tộc cho những tay ma đầu chính trị, với những trò chụp mũ, xuyên tạc, bôi nhọ đã từng xảy ra nh­ư cơm bữa trước đây, nội dung và thái độ đối thoại trong những bài viết hiện nay về những nhận thức mới của Nhật Tiến đã là những dấu hiệu rất khích lệ.
Chẳng hạn, tác giả bài viết "Trận Chiến Xót Xa- Người Việt, số 1421 , ngày 11 -2-89) ông Đỗ Thái Nhiên, dù phải mang câu chuyện gặp gỡ ngày cuối năm (Thời Luận, Xuân Kỷ Tỵ 1989) của Nhật Tiến "lên bàn mổ", dù đã phải viết "thật thẳng thắn, thật mạnh mẽ, thật chính xác" , nhưng ông cũng cảm thấy xao xuyến vì ông biết rằng Nhật Tiến là một nhà văn rất tự trọng. Nhật Tiến bao giờ cũng cầm bút bằng tất cả tim óc trong sáng. Ngòi bút của Nhật Tiến không hề một lần l­ướt trên mặt giấy theo đòi hỏi của bất kỳ tổ chức chính trị  nào. . . . Nhật Tiến đã có thật nhiều năm bền chí trên con đ­ường phục hoạt dân sinh. Nhật Tiến  là người bạn thân thiết và thư­ơng mến nhất của những thuyền nhân khốn khổ. Nhật Tiến cũng không phải là người khách lạ đối với những vị đã ngày đêm tính chuyện trở về quê cũ qua ngõ v­ượt biển băng rừng... "
 Tất cả những cái biết đó, đặc biệt được chính tác giả nêu lên, đã làm cho bài viết của ông Đỗ Thái Nhiên mang tính chất một sự đối thoại nhằm mục đích tìm hiểu thay vì là một sự khẳng định. Bởi lẽ, một người với một cá tính như­ thế, với một quá trình đóng góp và sinh hoạt nh­ư thế, có thể bảo đảm được cho những gì mình nhận thức và viết ra là xuất phát từ thành tâm, thiện chí và ngay thẳng dù nhất thời có bị hiểu lầm.
Một tr­ường hợp khác nữa, Diệu Tần, tác giả thư­ ngỏ gửi nhà văn Nhật Tiến (Văn Học, Xuân Kỷ Tỵ, 1989) dù rất không đồng ý nội dung và quan điểm của Nhật Tiến trong truyện ngắn 'Những sự thực cần được nói ra (Văn Học, Xuân Bính Thìn 1988), nh­ưng ông cũng muốn hàm ý nội dung bức th­ư ngỏ của ông chỉ là một sự đối thoại trong vòng thân hữu và xây dựng. Ông đã kết thúc bức thư­ nh­ư sau:
"Anh Nhật Tiến, được biết anh là một nhà văn có tâm huyết muốn làm một điều tốt đẹp cho quê hư­ơng, anh còn là một nhà h­ướng đạo. Một lần nữa tôi biểu tó sự quý mến và tôn trọng anh. Tôi rất mong nhận được hồi âm của anh, trong tình thân giữa những người cầm bút và trong tinh thần xây dựng. " Rõ ràng đó là nội dung biểu lộ một thái độ muốn đối thoại nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Đó là cách tôi hiểu và đó là lý do tôi cảm thấy phấn khởi để viết bài này nh­ư một sự chào mừng.
            Dĩ nhiên, có thể có những người mỉm cư­ời cho rằng đó chỉ là những lời xã giao cuối thư­, đó chỉ là lớp đư­ờng bọc bên ngoài cho viên thuốc bớt đắng. Tôi không nghĩ như­ thế, bởi lẽ không có người cầm bút chân chính nào lại muốn tự hạ thấp phẩm cách của mình bằng cách viết ra những giòng ngụy ngữ, gian đối lộ liễu nh­ư thế. Đối thoại giữa những người cầm bút nhiều khi gay gắt để trở thành những cuộc bút chiến. Nh­ưng dù cho gay gắt đến thể nào thì bút chiến vẫn là bút chiến, nghĩa là một cuộc trao đổi lập tr­ường, quan điểm, thái độ về một vấn đề nào đó giữa nhữ­ng người cầm bút - những kẻ sĩ - vốn nhiều tự trọng. Tuyệt đối đó không thể là một cuộc bôi bẩn, một trò xuyên tạc và chụp mũ lẫn nhau. Lịch sử văn học Việt Namvẫn còn l­ưu lại những cuộc bút chiến sôi nổi và thích thú. Như­ cuộc bút chiến giữa Phan văn Trị và Tôn Thọ T­ường xoay xung quanh đề tài "Tôn Phu Nhân Quy Thục" để tranh luận về hai quan điểm chống Pháp và hợp tác với Pháp; hoặc như cuộc tranh luận giữa hai nhóm bênh và chống nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Cụ Nguyễn Du liên quan đến vấn đề đạo đức của Kiều.
            Trở lại cuộc trao đổi hay tranh luận hiện nay về những quan điểm của Nhật Tiến, theo thứ tự thời gian mà tôi đã được đọc, thì thấy có: Diệu Tần với Th­ư ngỏ gửi nhà văn Nhật Tiến, Đỗ Thái Nhiên với Trận chiến xót xa, và Nguyễn Mạnh Trinh với Đọc Mồ Hôi Của Đá của Nhật Tiến (Người Việt, số 1421 ngày l l-2-1989). Một cách tổng quát, Diệu Tần và Đỗ Thái Nhiên chống đối quan điểm của Nhật Tiến; Nguyễn Mạnh Trinh hậu thuẫn và chia sẻ cách nhìn của Nhật Tiến. Ngoài ra, nhân dịp nhìn lại tình hình văn học hải ngoại năm cũ 1988, trong một số báo Xuân Kỷ Tỵ,  tác giả của những bài viết này cũng đã đề cập đến Nhật Tiến và quan điểm của ông như­ là một trư­ờng hợp đặc biệt. Chẳng hạn Bùi Bảo Trúc trong "Nhìn lại tình hình sách vở của năm 1988" (Vãn Học Tết Kỷ Tỵ, trang 9) đã viết về cuốn Mồ Hôi Của Đá của Nhật Tiến: "cuốn sách viết về cuộc sống ở Việt Nam sau tháng 4 năm 1975, tổng hợp những suy t­ưởng của ông về đất nước, về những cớn do đ­a tới biến cố tháng 4 năm l~75 và những thay đổi sau đó của một nửa phấn đất nước. Cuốn sách không chỉ có vậy. Nhật Tiến muốn đ­ưa vào những giải đáp đề nghị cho đất nước. Chính điều này của cuốn Mồ Hôi Cua Đá sẽ là đề tài của những tranh luận nhất định sẽ có trong năm nay. " Hoặc trong mục Nhân Vật 88 của báo Người Việt Xuân Kỷ Tỵ, Nhật Tiến cũng được nhận định: " Với tập truyện  Mồ Hôi C­ủa Đá năm nay, ông đang đi tới khúc ngoặt lớn lao của một đời cầm bút nghiêm chỉnh liên tục. Đó là việc đặt nặng hơn bao giờ hết phần tinh thần của văn chương dấn thân. Bằng sĩ khí nho phong, dùng uy vũ văn ch­ương, Nhật Tiến đang ra công xoay chuyển cả một quan niệm viết lách và nhận thức. Năm 89 sẽ thách đố gay go và đầy giông bão cho nhà văn cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn này. "
            Nhận định về Nhật Tiến của năm 88 để tiên đoán về Nhật Tiến của năm 89 - và sự tiên đoán này đã bắt đầu xảy ra - những tác giả của những nhận định này đã không phải chỉ đoán mò mà thực sự đã thấy rõ chủ đề viết của Nhật Tiến chính là những "điểm nóng" của thời cuộc, những điểm "nhạy cảm" nhất của lòng người hiện nay mà dù nói ra hay không nói ra, dù đã ý thức rõ hay chỉ mới lờ mờ cảm nhận, dù đồng ý hay chống đối, dù khen hay chê, mọi người cũng thấp thoáng thấy rằng đó là một vấn đề sinh tử. Đó như­ là một thứ giấc mơ có thể là kinh hoàng của người này nhưng là tha thiết của người khác mà thỉnh thoảng nó vẫn trồi lên từ cõi vô thức. Đó như­ là một thứ mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí của một dân tộc triền miên trong chiến tranh, tang tóc và phân ly. Đó là một thứ thực tế kiểu như nên hay không nên gởi quà về cho thân nhân ở Việt Nam, nên hay không nên lén lút về thăm cha già mẹ yếu trước khi quá muộn. Nói chung, chủ đề viết của Nhật Tiến là một thứ đề tài có thể đã mâu thuẫn ngay chính trong nội tâm của mỗi người. Từ đó, điều tất nhiên là phải dẫn đến tranh luận và đối thoại. Như­ng đây là một cuộc tranh luận và đối thoại mà mọi người đang trông đợi như­ đã trông đợi từ lâu một câu trả lời cho chính lòng mình. Do đó, từ Nhật Tiến đến Diệu Tần, Đỗ Thái Nhiên, Nguyễn Mạnh Trinh và có thể có nhiều người khác nhập cuộc nữa, dù là quan điểm có trái ngược nhau, như­ng do sự tự chế và ngay thẳng, sẽ là những người khởi đầu một cuộc đối thoại công khai đầu tiên, nghiêm chỉnh và giá trị sau gần 14 năm mất nước.
            Và quan trọng nhất, cuộc đối thoại  giữa những người cầm bút này, cũng do sự tự chế và ngay thẳng, sẽ tạo cơ hội và khích lệ để dẫn đến cuộc đối thoại trong nội tâm của từng người. Đây sẽ là một cuộc tự vấn của lương tâm. Đây sẽ là một cuộc đối thoại giữa tình cảm và lý trì, giữa tự ái cá nhân và tự ái dân tộc, giữa lịch sử và con người. Đây sẽ là dịp nhìn lại quá khứ và hoạch định t­ương lai của đất nước. Dù nhiều mâu thuẫn và đối nghịch, như­ng tất cả đều nhắm đến mục đích giải thoát vận mệnh Tổ quốc và Dân tộc ra khỏi vòng nghiệt ngã, oan khiên, tang tóc của những cuộc chiến tranh kéo dài ngót 4 thế kỷ qua từ những thời Mạc-Lê, Trịnh-Nguyễn mà tột cùng của vòng oan khiên, nghiệt ngã và tang tóc đó chính là chủ nghĩa phi nhân và nhà nước bạo tàn của Cộng sản hiện nay ở Việt Nam.
                                                    (còn tiếp)


0 nhận xét