Open top menu
Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013




                                                  (tiếp theo)



Trở lại sinh hoạt của Bút Việt, vào khoảng đầu năm 1959 sau khi tôi đã cho in tác phẩm đầu tay Những Người Áo Trắng do nhà xuất bản Huyền Trân ấn hành thì nhà văn Nhất Linh đã giới thiệu tôi gia nhập Hội. Vào thời gian đó thì danh xưng không còn là Nhóm nữa mà trở thành Hội, Hội Bút Việt, mà công việc tổ chức đã vào quy củ, như có trụ sở riêng, có con dấu riêng, có nhân viên thường trực được trả lương để trông nom trụ sở, hồ sơ, giấy tờ. Việc quản trị mọi thứ được giao cho ông Tổng thư ký Phạm Việt Tuyền khi ấy  đang là Chủ nhiệm nhật báo Tự Do.

Theo nhà báo Nguyễn Hoạt  trong bài “Hoài Niệm Nguyễn Tường Tam” in trên báo Văn số 156, ra ngày 15-6-1970 tại Sài Gòn thì trụ sở đầu tiên của  Hội Bút Việt là ở đường Phan đình Phùng, nhưng khi tôi gia nhập thì Hội đã dọn về số 39 đường Cô Bắc Sài Gòn. Đây là một con phố hẹp, tọa lạc ở ngay khu Chợ Cầu Ông Lãnh, đi khỏi Chợ, tới đường Đề Thám thì có lối rẽ vào.

Căn phố này có 2 tầng, tầng dưới dành cho gia đình ông Nguyễn văn Hinh, là  thư ký của Hội cư ngụ. Vị thư ký này không thuộc giới nhà văn, chỉ là thư ký hành chánh, nhưng cũng đã gắn bó với công việc của Hội bền bỉ cho tới tháng 4 -1975 (tôi đã có dịp nhắc tới công lao của vị này trong một bài viết năm 2009 nói về Trung Tâm Văn Bút)

Tầng trên của trụ sở Văn Bút chỉ kê vỏn vẹn có một cái bàn dài để hội họp, bên vách tường có một tủ kính đựng sách báo và hồ sơ.

Vào thời gian này, việc gia nhập Hội cũng rất giản dị. Tôi cứ y hẹn tới tham dự một kỳ họp của Ban Thường Vụ và được các vị hiện diện hôm đó bắt tay chào mừng. Thế là xong! Tôi đã trở thành một Hội viên của Văn Bút ! Dù vậy, sau buổi họp thì tôi cũng phải điền vào một cái đơn xin nhập Hội, trong kê khai đầy đủ tên, họ, địa chỉ, năm sinh, nơi sinh, bút hiệu, các báo đã từng cộng tác và tác phẩm đã xuất bản.

Theo đúng chủ trương nhận mình là “Một cây cầu vòng nối hai chân trời”, Hội Bút Việt rất chú trọng đến công việc dịch thuật, nhất là việc dịch một số truyện ngắn của các nhà văn VN ra Anh và Pháp ngữ. Truyện dịch xong thì đăng trong tập Kỷ Yếu của Hội. Cũng có vài truyện được gửi đi dự Giải Truyện Ngắn của các nhà văn trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương (Pacific Rim). Hai tác giả VN có tác phẩm được gửi đi dự giải mà tôi còn nhớ là nhà văn Bình Nguyên Lộc ( Ba Con Cáo) và nhà văn Linh Bảo (dường như là Tầu Ngựa Cũ). Về dịch giả thì phải kể tới hai người vẫn tham gia việc phiên dịch bền bỉ cho tới năm 1975. Đó là luật sư Nghiêm Xuân Việt, người chuyên dịch ra Pháp ngữ và dịch giả Lê văn Hoàn chuyên dịch ra Anh ngữ.

Hội Bút Việt cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Văn học-Nghệ thuật thí dụ trong năm 1958 có vài buổi như Ông Vũ Huy Chấn, trong ban Chèo Cổ Đào Duy Từ thuyết trình về Chèo Cổ, nhà báo Phạm Việt Tuyền nói về  “Vấn đề nghiên cứu Văn Hóa Á Châu với ý thức hệ Dân tộc”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương nói về  “Giấc mộng giải thoát của Thi nhân” . Khi Hội chưa có trụ sở riêng khang trang thì các buổi nói thường được tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ hay Hội trường của Đại Học Văn Khoa, còn những năm về sau thì các buổi nói chuyện hàng tháng được tổ chức tại trụ sở của Hội ở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn. 

Hội Bút Việt về sau đổi danh xưng thành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam kể từ nhiệm kỳ Chủ tịch là thi sĩ Vũ Hoàng Chương kế nhiệm nhà văn Đỗ Đức Thu, và Chủ tịch sau cùng là LM Thanh Lãng. Trong những nhiệm kỳ sau này, ban Thường Vụ tăng cường thêm nhân sự, bao gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số Ủy viên như Dịch thuật (Anh, Pháp ngữ), Xuất bản (nguyệt san Tin Sách). Riêng các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ Tịch và Tổng Thư ký thì đều phải thông qua một cuộc bầu phiếu tại Đại Hội Văn Bút được tổ chức cứ 2 năm một lần. Những văn hữu ở xa có thể gửi giấy ủy quyền để tham dự bầu cử. Chương trình hoạt động của Văn Bút do đó ngày càng phong phú với sự tham gia đông đảo của nhiều văn nghệ sĩ trong các hoạt động.

Có thể kể như Hội mở Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Sĩ để các nhà văn, nhà thơ, nhà báo lui tới gặp gỡ nhau bàn chuyện văn nghệ riêng tư; rồi tổ chức các buổi nói chuyện hàng tháng, ra tờ nguyệt san Tin Sách chỉ chuyên loan những tin tức về sách hay các bài phê bình sách, các bài nói chuyện trong tháng. Văn Bút còn lập Giải Văn Chương hằng năm, như năm đầu (1970)  dành cho thể Thi Ca (hai nhà thơ Tường Linh với Sầu Tuổi Đá và Hoàng Lộc với Trái Tim Còn Lại chiếm giải đồng hạng), qua năm sau, thể loại Biên Khảo, tác giả Lê Hương với cuốn Lịch Sử Người Việt tại Kampuchea từ năm 1853 đến 1970 đoạt giải, rồi những năm kế tiếp có thể loại Truyện Ngắn (nhà văn Minh Quân đoạt giải với truyện ngắn Những Ngày Cạn Sữa), thể Truyện Dài (nhà văn Nguyễn Mộng Giác đoạt giải với truyện dài Bóng Thuyền Say). Cho đến năm 1975 dự tính trao giải cho thể loại Kịch thì biến cố 30-4 xẩy đến, Hội đã phải hoàn toàn ngưng hoạt động.

 Ngoài ra, Văn Bút còn đề cử Hội viên ứng cử vào Hội đồng Văn Hóa Giáo Dục, một tổ chức cấp Quốc Gia, theo quy chế Hiến Định. Nhiệm kỳ nào của Hội Đồng cũng có thành viên Văn Bút. Như nhiệm kỳ I (1972-1974) có LM Thanh Lãng, nhiệm kỳ II (1974-1976) có Nhật Tiến, cả hai đều đắc cử nhân danh đại diện cho Trung Tâm Văn Bút VN.








  


 

Trong khuôn khổ bài viết chỉ nói về Nhất Linh nhân dịp triển lãm và hội thoại về hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, tôi xin tạm chấm dứt phần nhắc tới Hội Bút Việt và xin bước qua phần Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương.

                                   (còn tiếp)

                                                    

                                                    *******


Tagged

0 nhận xét