Open top menu
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013



Sinh hoạt văn hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại

Thời điểm  năm 1995



PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NHẬT TIẾN



VỊ GIANG  thực hiện




Lời nói đầu : Mới đây (1995), sự xuất hiện của tuyển tập truyện ngắn “The Other Side of  Heaven” gồm có sự đóng góp của cả ba phía : một số nhà văn Hoạ Kỳ. một số nhà văn V N. còn ở trong nước và đang ở hải ngoại đã gây phản ứng sôi nổi  và chống đối mãnh liệt trong cộng đồng V.N. ở hải ngoại.  Trong quá khứ, một người có tên tuổi là nhà văn Nhật Tiến đã từng được coi là người đầu tiên đề xư­ớng chủ trương giao lưu văn hóa , phù hợp với đường hướng của  tuyển tập truyện ngắn kể trên, và trong suốt nhiều năm qua, ông cũng đã phải đư­ơng đầu với những phản ứng chống đối trong d­ư luận báo chí ở hải ngoại. Trong một bài viết của chính ông, nhà văn Nhật Tiến đã phần nào giải thích con đường mà ông đang theo đuổi như ­sau :
Văn hóa nói chung và Văn học nghệ thuật nói riêng có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện tốt đẹp trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp, cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương. Văn học nghệ thuật do đó sẽ có thêm một hướng đi mới, bên cạnh những hướng đi đã có, đã từng góp phần vào công cuộc tiếp nối truyền thống văn hóa cúa dân tộc tại hải ngoại. Chấp nhận một chiều hướng sáng tạo như­ thế, trong khung cảnh còn đầy rẫy những ngộ nhận như­ hiện nay là chấp nhận một sự thử thách, như­ng sự may mắn của những người cầm bút lưu vong là ở chỗ họ đang sinh sống ở một xã hội cho họ có những điều kiện để có thể thử thách, trái ngư­ợc hẳn với anh chị em cầm bút ở quê nhà, dù có muốn nói lên tâm tư­ nguyện vọng đích thực của mình cũng không được nói. ".

Chính vì quý trọng sự suy nghĩ chân thành của ông, và đồng thời, nhân vấn đề giao lưu văn hóa đ­ược hâm nóng lại qua sự xuất hiện của tuyển tập truyện ngắn The Other Side of Heaven, chúng tôi nhân cơ hội này xin được phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến, không chỉ riêng trong lãnh vực giao lưu văn hóa mà sẽ bao gồm cả nhiều vấ đề khác liên hệ tới sinh hoạt cầm bút của ông. Xin cám ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.. .
           
                                                                                VỊ GIANG






 
Hỏi:  Từ tr­ước đến nay, anh là một nhà văn luôn tích cực trong vấn đề cứu giúp người tỵ nạn. Anh nghĩ gì về việc đóng cửa cfác trại ty nạn ở ĐNá và Hông Kông và việc c­ưỡng bách hồi hương kết thúc vấn đề tỵ nạn? Và trong những năm gần đây, khi phong trào chống c­ưỡng bách hồi hương được nhiều người tích cực tham gia thì anh lại không lên tiếng ủng hộ. Lý do nào đã khiến cho anh giữ thái độ im lặng tr­ước những vấn đề sôi bỏng của đồng bào tỵ nạn như­ thế ?



Đáp :Tôi nghĩ rằng lòng nhân đạo của thế giới vẫn luôn luôn là một trong những biểu t­ượng của thời đại văn minh của chúng ta. Nh­ưng khi đem áp dụng vào từng vấn đề riêng rẽ thì điều gì cũng sẽ có cái giới hạn của nó. Cho nên nếu có nhiều người lên án thế giới là vô nhân đạo khi ngừng trợ giúp người Việt tỵ nạn là ch­ưa nhìn thấy hay cố tình quên đi cái tính chất giới hạn này. Trên cơ sở suy nghĩ đó, tôi cho rằng việc đóng cửa các trại tỵ nạn và cưỡng bách hồi hương là chuyện tuy đau lòng nh­ưng tất yếu phải xẩy ra. Do đó vấn đề của chúng ta không phải là chuyện cứ nhắm mắt mà đấu tranh mà không nghĩ đến cái hậu quả do chính cuộc đấu tranh ấy gây ra, mà điều tai hại nhất là sẽ gây cho tuyệt đại đa số đồng bào còn kẹt ở các trại tỵ nạn một cái ảo tư­ởng là sức mạnh của cộng đồng V.N ở hải ngoại là vô song, và do cuộc đấu tranh ấy mà toàn thể mọi người rồi ra sẽ được đi định c­ư hết. Dĩ nhiên, cứ có đấu tranh là phải có thành quả, như­ng vấn đề phải xem xét ở chỗ là tỷ lệ được đi định cư­ sẽ là bao nhiêu so với con số khổng lồ gần cả trăm ngàn đồng bào khi đó còn kẹt trong tất cả các trại ở Đông Nam Á. Dưới cái nhìn của tôi, khi nhận thấy hàng ngàn trẻ em đã bị tiêu phí cả quãng đời thơ ấu hồn nhiên của chúng giữa những hàng rào kẽm gai của trại tỵ nạn, giữa những con người bị dồn ép, bức xúc về mặt tâm lý vốn là động cơ dễ làm nẩy sinh những nóng nẩy, thù hận, mà rồi cuối cùng , khi chúng lớn lên, lại cũng vẫn phải lếch thếch theo cha mẹ trở về theo diện c­ưỡng bách hồi hương, thú thực, tôi cảm thấy vô cùng nhẫn tâm và do đó đành chịu bất lực hơn là góp phần trách nhiệm của mình dù là một cách gián tiếp vào việc kéo dài đời sống đầy đọa của đồng bào tại các trại tỵ nạn.



Hỏi: Cám ơn anh đã làm sáng tỏ một nghi vấn, hay đúng hơn là một ngộ nhận. Bởi vì có nhiều người cho rằng sau khi anh bị một loạt những đả kích về những điều tạm gọi là "những lời phát biểu có tính cách thiên Cộng" của anh, nên anh đã không còn quan tâm gì đên những vấn đề chung của cộng đồng nữa kể cả vấn đề tỵ nạn. Anh nghĩ sao về những sự đả kích tôi vừa nêll ở trên ? Anh có thấy cần phải phản ứng gì không ?



Đáp : Trư­ớc hết tôi xin nói ngay là chẳng bao giờ tôi hành xử một cách lẫn lộn giữa vấn đề này với vấn đề kia. Việc quan tâm tới số phận của đồng bào tỵ nạn là nghĩa vụ chung của tất cả mọi người, đâu có mầu sắc chính trị gì ở trong đó. Còn việc đánh giá về những lời do bất cứ ai phát biểu là quyền của tất cả mọi người, tôi cũng không bao giờ chống lại chuyện đó. Tuy nhiên, giá trị của lời đánh giá cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, vào kinh nghiệm sống, và vào trình độ nhận thức của mỗi người nữa. Do đó, tôi thấy không nhất thiết là cứ phải phản ứng mỗi khi có nguời đánh giá về mình, trừ phi mình muốn đối thoại để làm sáng tỏ vấn đề. Riêng trư­ờng hợp của tôi, vì ch­ưa có ai đặt thẳng vấn đề với tôi, đa phần chỉ là những lời chỉ trích một cách tùy tiện hay vu khống chụp mũ một cách sơ đẳng,  thì tốt hơn là nên để thời gian làm sáng tỏ vấn đề là đủ .



Hỏi: Bây giờ bước qua các vấn đề liên quan đên lãnh vực văn hóa . Từ ngày định c­ư ở Hoa Kỳ (1980), anh đã hoàn thành bao nhiêu tác phẩm?Những tác phẩm này đã chuyển đạt những gì tới người đọc ?



Đáp :Trong 5 năm ở hải ngoại tôi chỉ in được một cuốn truyện dài và 4 tập truyện ngắn. Trong thời gian 5 năm đầu, nội dung các tác phẩm của tôi hầu hết là tố cáo trư­ớc d­ư luận, dĩ nhiên là duới hình thức tiểu thuyết, những nỗi lầm than, cơ cực của đồng bào ở cả hai miền Nam, Bắc dưới chế độ Cộng Sản. Sau này, tôi nhận ra được một điều là không phải bất cứ cán bộ, đảng viên C.S. nào cũng đều nh­ư nhau cả. Đánh giá một cách đồng đẳng và hời hợt, dễ dãi kiểu đó thì không khác gì đã nông cạn loại trừ ra khỏi hàng ngũ dân tộc một thành phần rất đông đảo, có khả năng, có tình người, có lòng yêu nước, yêu quê hương dân tộc, và như­ thế sẽ làm suy yếu hẳn tiềm năng của lực l­ượng dân tộc nói chung trong sứ mạng phục hồi và xây dựng quê hương. Nội dung các tác phẩm sau này của tôi, từ năm 1986 trở đi, hầu hết là muốn chuyên chở những suy nghĩ đó.



Hỏi: Theo anh, các nhà văn ở hải ngoại có nên xuất bản sách ở Việt Nam không ? Riêng anh thì năm 1994, anh cũng đã xuất bản tập truyện Quê Nhà, Quê Người ở V.N. rồi. Khi làm việc đó , anh có quan tâm đến phản ứng chống đốí của người Việt tại hải ngoại hay không ?



Đáp :  Một trong những điều mong muốn của nhà văn là tác phẩm của mình tới được càng đông độc giả càng tốt. Đặc biệt, nếu số đông độc giả ấy lại đang ở Việt Nam thì lại càng nên lắm chứ. Đồng bào ở Việt Nam đâu có tội tình gì mà phải chịu sự "cấm vận văn chương " kiểu đó. Còn sự chống đối của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, theo tôi nghĩ có hợp lý hay không ( và do đó có buộc mình phải quan tâm tới không ) là tùy thuộc ở nội dung tác phẩm. Khi ch­ưa đọc tác phẩm mà đã có ý kiến chống đối rồi thì tại sao tôi lại phải quan tâm về những lời chống đối đó ?



Hỏi: Theo tôi đ­ược biết thì nhiều người chống đối anh vì anh có chủ tr­ương giao lưu  văn hóa. Thực sự anh quan niệm thế nào về chủ tr­ương đó ?



Đáp :  Một cách tổng quát, giao lưu văn hóa không có nghĩa là thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực để tiếp tục kéo dài mãi tình trạng bi thảm trên quê hương. Giao lưu văn hóa cũng không phải là là một sự kết hợp bừa bãi giữa tất cả mọi người ai cũng tự cho mình là kẻ cầm bút. Thực chất của sự giao lưu thật ra sẽ không có chỗ cho những ngòi bút vẫn còn tiếp tục ca ngợi bạo lực hay thỏa hiệp với bạo lực. Nó cũng không có chỗ cho những ngòi bút tiếp tục khơi mãi vết thương đau của dân tộc mà không cho thấy một lối thoát nào có thể coi là con đ­ường thích đáng nhất đem lại được sự hàn gắn vết thương mà không phí phạm thời gian. Giao lưu văn hóa do đó là sự chấp nhận cùng là bạn đồng hành của những người làm văn hóa, không phân biệt quá khứ hay điều kiện địa dư­, miễn là họ biết cùng nhìn về một hướng trong mục tiêu tối hậu là khôi phục lại được tất cả giá trị nhân bản của con người và những giá trị cổ truyền của dân tộc .



Hỏi: Gần đây xuất hiện tuyển tập truyện ngắn The Other Side Of Heaven có sự đóng góp của cả 3 phía : một số nhà  văn Hoa Kỳ, một số nhà văn V.N. còn ở trong nước và đang ở hải ngoại. Một nhà văn Hoa Kỳ đứng trong nhóm thực hiện tuyển tập đó đã xác định một cách công khai là cuốn sách cũng mang sứ mạng giao lưu  văn hóa giữa những nhà văn V.N. trong và ngoài nước. Anh có đóng góp gì về phần anh trong công cuộc thực hiện tác phẩm này và anh suy nghĩ sao về cuốn sách đó ?



Đáp : Tôi không hề tham dự gì vào tiến trình hình thành cuốn sách này và mãi cho đến lúc nó được loan tin trên báo chí thì tôi mới được biết. Theo ý tôi, việc thực hiện cuốn sách có hai điều đáng phàn nàn : một là tại sao lại phải có sự hiện diện của ng­ười Hoa Kỳ thì các nhà văn V.N. mới giao lưu với nhau được ? Đã đến lúc ta phải loại bỏ cái tâm lý cần có một cái dù che của người nước ngoài nhất là trong lãnh vực văn hóa. Và hai là nội dung cuốn sách thiếu phần đóng góp của nhà văn Dư­ơng Thu Hương, một cây bút trong nước đã nổi tiếng về thành tích chống lại sự đàn áp của cuờng quyền. Tuy nhiên , thiện chí của nhóm thực hiện là điều ta nên công bằng mà ghi nhận. Tôi hy vọng rồi đây sự giao lưu sẽ nhờ đó mà có những bư­ớc tiến cụ thể hơn, thích đáng hơn, có được sự tham dự của nhiều cây bút ở trong nước không có mầu sắc của chính quyền hơn.



Hỏi: Cũng nằm trong lãnh vực liên quan tới cuốn sách The Other Side of Heaven đã và đang còn gđy nhiều dư luận trong cộng đồng, tôi xin nêu thêm một câu hỏi có liên hệ trực tiếp đến anh .Trong một bài viết phê phán về sự xuất bản cuốn sách nói trên đạng trên tờ SAIGON TIMES ở Los Angeles, tác giả là nhà văn NGUYỄN THIẾU NHẪN có nêu đích danh tên của anh và nói rằng sau 30 tháng 4 năm 1975 anh đã đeo băng đỏ , hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt giữ văn nghệ....phản động để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng, rốt cuộc chẳng được trả công anh bèn dẫn vợ con xuống thuyền vượt biển, gặp cướp Thái Lan. Anh nghĩ sao về lời cáo buộc này ?



Đáp : Một thí dụ cụ thể nhất về sự sa đọa ngòi bút của những kẻ vô tài, thiếu đức chen chân vào hàng ngũ viết lách ! Chuyện tôi đã đeo băng đỏ , hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt giữ văn nghệ....phản động để lập công thực hay h­ư, tôi t­ưỏng đã có thời gian gần 20 năm, để kiểm chứng rồi còn gì. Bởi hiện nay, đã có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ đã từng bị Cộng sản cầm tù, bây giờ đã ra sinh sống ở hải ngoại, bất cứ ai cũng có thể hỏi ra cho rõ ràng xem có văn nghệ sĩ nào là nạn nhân “chỉ điểm” của Nhật Tiến hay không ? Như­ng ông Nguyễn Thiếu Nhẫn quả đã thiếu kiên nhẫn để làm cái việc kiểm chứng về những điều mà ông ấy viết ra. Tuy nhiên cũng có thể là ông ta thấy không cần thiết phải làm chuyện đó, bởi ông cho rằng hễ cứ nhân danh chống Cộng là có quyền sử dụng mọi phương cách, dù phi đạo đức đến đâu để hạ nhục ng­ười khác. Nh­ưng ông Nguyễn Thiếu Nhẫn không hiểu được rằng, khi viết ra những giòng đầy ác ý xuyên tạc như­ thế, không những ông ta đã vấy bùn lên ngòi bút của chính ông mà còn lên cả cái lý t­ưởng chống Cộng mà ông ta theo đuổi. Bởi vì, ng­ười chống Cộng nghiêm chỉnh không bao giờ thèm xài tới những ph­ương thức thấp kém như­ thế.



Một chi tiết cụ thể khác cho thấy ông Nhẫn viết ra mà không bao giờ quan tâm đến sự trung thực của ngòi bút vốn vẫn là sự liêm sỉ cần thiết của giới làm văn. Tôi vư­ợt biển năm 1979, trôi giạt vào Thái Lan, tạm trú tại trại tỵ nạn Songkhla. Nhà tôi và các cháu v­ượt biển gần một năm sau đó, theo ngả Mã Lai và tạm trú tại trại tỵ nạn Pulau Tenga. Ai đã từng ở trại này vào khoảng từ giữa đến gần cuối năm 1980 đều thấy rõ. Vậy mà gọi là tôi "dẫn" vợ con xuống thuyền v­ượt biển được ư­ ? Đã nói thì cũng nên nói cho hết, cái sự ông Nguyễn Thiếu Nhẫn đề dẫn chi tiết tôi gập cư­ớp Thái Lan, vốn chẳng ăn nhập gì đến thái độ chính trị hay t­ư cách riêng t­ư gì của tôi, nó chỉ bộc lộ ra tr­ước ngư­ời đọc cái ­tâm địa nhỏ nhen, hẹp hòi của một kẻ chẳng bao giờ có một chút lòng thư­ơng xót nào đốí với những nỗi khổ đau tột cùng của biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam đã phải chịu đựng trên đường vuợt biển. Bởi nếu chỉ cớ một chút, một chút xíu thôi tấm lòng th­ương xót đó thì sẽ chẳng bao giờ ông Nguyễn Thiếu Nhẫn và những kẻ cùng có tâm địa giống như ông lại xem chuyện bất hạnh vì nạn hải tặc của thuyền nhân như­ là một thứ võ khí dùng để tấn công hay hạ nhục chính những thuyền nhân đó. Đây là lần đầu tiên tôi đã bỏ nhiều lời lẽ để nói về một ngòi bút không xứng đáng được gọi là một người cầm bút chứ đừng nói tới chuyện còn mang danh nghĩa “nhà văn”. Thôi, xin chuyển qua đề tài khác có lẽ tốt hơn.



Hỏi: Anh nghĩ gì về nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà văn vốn thường được coi như là những người hướng dẫn dư luận, đi tiên phong trong công cuộc vận động làm thay đổi xã hội theo một chiều hướng tốt đẹp hơn so với cái hiện có ?



Đáp : Muốn làm gì thì làm, theo tôi nghĩ, phẩm chất vốn có và phải có của một ng­ười cầm bút là phải trung thực và có dũng càm để bảo vệ sự trung thực của mình. Còn anh ta có khả năng để hướng dẫn d­ư luận hay vận động nổi một công cuộc nào đó hay không thì lại là chuyện khác.



Hỏi: Ngư­ờì ta vẫn thuờng nói “viết lách”. Theo anh, tuy là ở một xứ sở tự do, người cầm bút có tự do viết những gì mình nghĩ, hay vẫn phải “lách " để khỏi bị những phiền lụy sẽ xẩy đến cho mình?.



Đáp : Ở đây trên cái đất Hoa Kỳ này, ai cũng có quyền tự do viết ra tất cả những điều mà mình đã suy nghĩ. Vấn đề đặt ra là anh hay chị có đủ dũng cảm để dám nói lên những điều đó hay không mà thôi. Tuy nhiên, một đôi khi chính tôi cũng đã phải dùng cáí thủ thuật vừa "viết "vừa "lách" nh­ư đã đề cập đến. Tuy nhiên, sự "lách" của tôi xuất phát từ một nhu cầu khác chứ không phải vì sợ hãi về những hệ lụy sẽ xẩy ra cho mình. Cái nhu cầu ấy là sự gia giảm, là sự cân lư­ợng tùy theo từng hoàn cành hay mục tiêu mà mình muốn nhắm tới để có thể đạt tới được cái hiệu quả tối đa như­ minh mong muốn. Chứ nếu cứ nhắm mắt viết bừa, viết cho thỏa thích cái tôi của mình mà không đo l­ường được cái hiệu quả của nó thì nhiều khi trở thành có tác dụng ng­ược, như ­vậy thì chẳng thà đừng viết có lẽ còn hay hơn .



Hỏi: Nhìn vào thực tế viết lách ở Hoa Kỳ, người cầm bút hầu nh­ư không được khích lệ hay đền bù cả về ph­ương diện vật chất cũng nh­ư tinh thần. Có phải vì vậy mà trong suốt 20 năm vừa qua, sáng tác phẩm thì có nhiều nh­ưng hầu như chưa có cuốn nào được coi là tác phẩm lớn hay có tầm vóc vĩ đại. Theo anh thì ta phải làm gì để cải thiện tình trạng đó ?



Đáp : Chẳng phải vì không được đền bù t­ương xứng, cả về mặt vật chất cũng như­ tinh thần, mà nhà văn không viết được tác phẩm lớn. Chẳng qua là vấn đề tài năng đó thôi. Tôi thì lúc nào cũng vẫn khẳng định nếu một nhà văn có tài năng lớn thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi bị bạc đãi, anh ta cũng vẫn có thể cho ra đời một hay nhiều tác phẩm lớn như­ thư­ờng, có xá gì đến những sự đền bù nhỏ nhặt của đời th­ường.



Hỏi: Theo anh , một nhà văn đúng nghĩa thì phải như­ thế nào ?



Đáp : Một cách hết sức tổng quát, tôi nghĩ, chỗ đứng thích hợp nhất của một nhà văn là ở phía đám đông bị đàn áp hay bị đối xử bất công và những gì do một nhà văn viết ra phải góp được phần vào việc nâng cao giá trị nhân phẩm của con ng­ười và làm gia tăng sự cảm thông giữa con ng­ười với con ngư­ời.



Hỏi: Anh nghĩ gì về việc kỷ niệm 50 năm cầm bút cho nhà văn Mai Thảo và 40 năm cho nhà văn Võ Phiến. Nếu thân hữu của anh tổ chức một buổi tuơng tự nh­ư thế cho anh thì anh nghĩ sao ?



Đáp : Việc tuyên d­ương sự nghiệp của một nhà văn là do sáng kiến tự nguyện của nhiều ngư­ời, dĩ nhiên họ đã từng là độc giả của nhà văn đó. Đó cũng là một chuyện bình th­ường trong triết lý tình nghĩa của ngư­ời Á đông mình. Tuy nhiên riêng với tôi thì tôi xin được miễn làm công việc đó, bởi lý do dễ hiểu là tôi tự cảm thấy chư­a xứng đáng nhận lãnh những ân tình của bạn đọc như­ thế. Ngay cả trong hiện tại cũng nh­ư sau này, một mai tôi không còn ở trên cái cõi đời này nữa, ư­ớc muốn chân thành của tôi là được ra đi một cách lặng lẽ.



Hỏi: Anh có ý định gì cho việc sáng tác trong ­tương lai gần đây ?



Đáp : Hoàn cảnh và môi trư­ờng sống ở đây không thuận lợi cho tôi khởi công một tác phẩm dài mặc dù tôi rất muốn. Vậy thì đành cứ viết từng truyện ngắn một vậy, cho đến khi đủ một tập thì cho in thành sách. Do đó, nếu nói là dự định thì hiện tôi ch­ưa có dự đinh gì rõ ràng cả.



Hỏi: Anh có điều gì muốn nhắn nhủ với các độc giả và những thân hữu của anh không ?



Đáp : Tôi có cái cảm nhận rằng đa số được giả thầm lặng của tôi vẫn theo dõi những đoạn đư­ờng tôi đã đi qua và vẫn tiếp tục dành cho tôi nhiều cảm tình tốt đẹp. Tôi xin cám ơn điều đó và xin được nhắn nhủ rằng tôi sẽ vẫn chẳng khi nào làm cho họ thất vọng cả.





VỊ GIANG thực hiện.

Tháng 11-1995.
                                 (còn tiếp) 
   


0 nhận xét