Cô tiếp viên liến thoắng một hồi gì đó , chắc hỏi bác Ba Phi ăn món gì trong thực đơn, vậy nhưng bác có hiểu gì đâu , gật lia gật lịa, miệng ôkê, ôkê rối rít. Lát sau cô ta trở lại với khay thức ăn mời bác ba Phi. Món gì thế này ? Hoá ra bánh mì, bò kho , bánh bông lan, bánh kem….đủ thứ mỗi thứ chút chút gói giấy thiếc. Hai ông khách ngồi hai bên cũng nhận suất ăn nhưng lại có cái đùi gà tổ chảng, mẹ cha nó chắc lúc nãy con nhỏ hỏi mình ăn đùi gà hay bò kho, mình không biết cứ ô kê, ô kê, lần sau phải nói rõ ra mới được. Quả nhiên không đầy 20 phút sau cô tiếp viên khác cầm cái bình đi qua miệng cứ liên hồi “coffee…coffee…” bác Phi vội vẫy lại, rối rít :” đui ga….đui ga…”
Cô tiếp viên chẳng hiểu gì nhưng thấy bác vẫy vẫy cũng đi tới rót cho bác ly cà phê. Rõ chán, kêu "đùi gà" nó lại cho mình "cà phê". Thôi cũng được, bác nhấm nháp rồi nhăn mặt, cà phê gì nhạt hoét, thua xa cà phê Ban Mê Thuột bác vẫn uống hàng sáng, thôi đành gọi thêm sữa để thành "pặc xỉu" vậy . Cô tiếp viên vẫn cầm bình cà phê đi lui đi tới miệng mời chào, bác vội vẫy tới đưa ra chiếc ly, miệng dõng dạc :
" pắc xiu...pắc xiu...sưa...sưa...".
Cô tiếp viên tưởng bác không uống nữa liền cầm ly đi mất tiêu làm bác tưởng cô đi lấy sữa nên cứ chờ, chờ hoài. Mãi khi biết chắc cô ta một đi không trở lại, bác nổi cáu :
" Con bé này láo, nó không lấy sữa cho mình thì thôi, lại còn mang đi cả ly càphê mình uống dở . Thật chẳng coi Thượng đế ra cái gì...".
Bác Ba Phi cáu sơ sơ vậy thôi, nỗi bất mãn chỉ thoáng qua, sau đó tìm ngay ra lý do để lại đắc ý :
"Vậy càng hay, nó mà mang thêm vài muổng sữa bắt mình thanh toán cả chục đô la thì ...lỗ".
Bác lại so sánh chuyện đi máy bay với đi xe đò ngồi lèn cá hộp và ăn cơm tù ở Việt Nam. Ôi chao ôi, lần đó bác có việc ra miền Trung. Chiếc xe đò bốn chục ghế mà nó lèn tới trăm khách. Đã vậy cứ quãng lại dừng đón khách. Rồi chạy giữa đồng không mông quạnh xe tấp vào một quán có rào dây thép gai xung quanh để không một ai thoát khỏi đút đầu vào cái máy chém : 5000 đồng một ly trà đá, 50 ngàn một đĩa cơm sườn chỉ rắc mấy sợi da heo cứng ngắc....Bị nhà xe xử đểu vậy mà không một ai trên xe dám phàn nàn. Anh nào anh nấy im thin thít chỉ sợ nó quăng cả người lẫn hành lý xuống giữa đường.
Bác Ba Phi nở một nụ cười mãn nguyện. Có so sánh vậy mới thấy đi máy bay thế này là "ưu việt", sướng gấp trăm lần đi xe đò , vậy còn phàn nàn, còn đòi hỏi gì nữa ? Nghĩ thế bác Ba Phi chẳng những quên giận cô tiếp viên mang ly càphê đi mất mà còn vui vẻ tự thưởng cho mình cục kẹo sôcôla .
Không biết bây giờ người anh em phương Bắc – tức mấy anh ba Tàu, có còn dùng "phép thắng lợi tinh thần" kiểu AQ của Lỗ Tấn :"mày đánh tao tức là mày đánh bố mày" để mà tự an ủi nữa không, chứ "người Việt đằng mình" hiện nay, trong hoàn cảnh nào, dù đáng bất mãn đến đâu cũng tìm ra một lý do để chấp nhận , cam chịu một cách ...vui vẻ.
Chẳng hạn khi được hỏi với mức lương hưu hiện nay chỉ đủ đong gạo mắm, làm sao mà sống, nhiều cụ hưu trí không hề tỏ ra bất mãn, ngược lại còn vui vẻ :
" Tất nhiên là khó khăn lắm rồi, nhưng so với những thằng bạn đã chết trong chiến tranh thì mình hãy còn...may mắn lắm, còn ...sướng lắm. Thôi được thế này cũng là...tốt lắm ...chẳng còn mong gì hơn ".
Cái "phép so sánh" với thời chiến tranh, với thời bao cấp quả thực từ lâu giống như thứ thuốc an thần để "người Việt đằng mình" cam chịu bất kỳ cảnh ngộ bất công, thiếu thốn, thắt buộc nào. Người nước ngoài tới Việt Nam thường ngạc nhiên vì tính cách "lúc nào cũng cười" của dân bản xứ . Họ hoàn toàn không hiểu cái "lạc quan lấy được " ấy bắt nguồn từ "phép so sánh " nói trên đã làm mất đi tính phản kháng lẽ ra phải có để tự hài lòng với cảnh ngộ họ đang cam chịu mà thực ra rất đáng buồn phiền.
Cô tiếp viên trở lại trong tay không có ly sữa mà lại tập tờ khai nhập cảnh phân phát cho hành khách. Bác Ba Phi chẳng biết là cái giấy gì vì nó viết toàn tiếng Anh nhưng vẫn cứ nhận bừa một tờ. Bác thấy xung quanh mọi người lấy bút ra lúi húi viết . Quái, họ viết cái gì lên đó mà ai cũng viết thế ? Bác tò mò mở ra đọc nhưng chẳng khác gì nhìn vào bức vách nên cứ coi đi coi lại, cố đoán nó là cái giấy gì ?
Sau cùng bác vỗ trán ...à phải rồi, hay là ...họ khai lý lịch ? Bác thầm reo lên, đúng rồi, giống như ở Việt Nam người ta vẫn thường khai sơ lược lý lịch để xin nhập hộ khẩu, lấy chứng minh nhân dân, lấy hộ chiếu, xin việc... Nhưng ở đây, đang trên máy bay, mọi người đồng loạt khai lý lịch để làm gì ? Chắc chắn không phải để...xin vô Đảng rồi và cũng chẳng phải xin hộ chiếu vì đã ngồi máy bay ai cũng phải có cái đó rồi.
Bác Ba Phi không biết mình sẽ khai báo thế nào khi tiếng Anh một chữ bẻ đôi chẳng biết. Mà không khai thì có sao không ? Ngộ nhỡ nó phạt cả đống tiền thì...thấy mẹ . Bác Ba Phi cứ lo ngay ngáy vậy cho đến khi mắt ríu lại, buông mình vào giấc ngủ. Chỉ lát sau tiếng ngáy của bác đã lại vang lên khiến hai ông tây ngồi bên phải cau mặt, lắc đầu. Tuy nhiên, bác Ba Phi không biết điều đó, bác cứ ra sức kéo bễ một cách hùng hồn. Nhìn bác ngủ, vẻ vất vả, gian truân hiện đầy trên nét mặt nhăn nhúm khiến người ta không nỡ trách chỉ buồn rầu tự hỏi biết đến bao giờ bác Ba Phi mới vô lo vô nghĩ để hưởng trọn niềm vui của chuyến du lịch như những người ngoại quốc xung quanh bác ? Biết đến bao giờ bác Ba Phi mới đoàng hoàng xách cặp lên máy bay, tự tin yêu cầu cô tiếp viên những thứ bác cần, thông thạo sử dụng mọi tiện nghi giành cho hành khách trên máy bay và nhất là hồn nhiên, vui vẻ, trong đầu không còn canh cánh những lo nghĩ ẩm ương như lo tờ khai nhập cảnh vừa rồi.
Bác Ba Phi thức dậy đúng lúc hành khách vỗ tay râm ran khi máy bay hạ cánh. Bác vui vẻ gật đầu, tây họ văn minh vậy đó, hoan nghênh những người lái máy bay đã điều khiển con chim sắt khổng lồ an toàn đưa cả mấy trăm con người vượt qua đại dương. Ngẫm ra việc đó quả là kỳ công đáng vỗ tay hoan nghênh lắm chớ. Còn ở ta, bác chỉ thấy người ta vỗ tay hoan hô ca sĩ và cán bộ lãnh đạo chứ giả dụ có người lao vào đám cháy cứu người sức mấy đã được vỗ tay ?
Bác Ba Phi theo dòng người qua cái ống lồng đi tới quầy thủ tục trình giấy cho một ông da đen giương cặp mắt trắng dã lên xì xồ gì đó làm bác cứ OK, OK rối rít rồi đưa ra cả xấp giấy vé máy bay, hộ chiếu và rất may trong có cả tờ khai nhập cảnh cô Út khai sẵn cho trong lúc cô còn ở Việt Nam. Qua được ông da đen rồi tới chỗ lấy hành lý và đẩy tới quầy làm thủ tục hải quan. Một bà Mỹ to béo ngồi bên chiếc bàn cũng xì xồ gì đó chẳng biết , bác Ba Phi lại cứ OK, OK, chân cứ đi bừa làm bà ta phải chạy tới lôi bác lại. Bà lại hỏi một tràng bác Ba Phi vẫn chẳng hiểu gì, nhưng lần này bác bỏ chữ OK, miệng "thánh kiu, thánh kiu" rối rít. Tuy nhiên, bà to béo vẫn lắc quày quạy, giơ cả hai tay lên trời tỏ vẻ bất lực; vừa may có một ông áng chừng Việt kiều đi qua đứng lại nhắc bác Ba Phi :
" Người ta hỏi bác có mang hạt giống, cây giống gì vào Mỹ không ? Có hàng hoá gì đặc biệt phải khai báo không ?"
Bác Ba Phi vội "nô...nô..." rối rít và sau khi ông Việt kiều xổ ra một tràng tiếng Anh, bà to béo mỉm cười ra hiệu cho bác đi tiếp. Thôi thế là xong, từ lúc này đặt chân lên đất Mỹ rồi
Từ xa bác Ba Phi đã trông thấy cô Út trong đám người đón thân nhân vẫy rối rít. Đứng cạnh cô là anh chàng Mỹ cao lớn, râu quai nón rậm rì rậm rịt che kín , í mèn ôi, chắc là thằng "Tô Mì" – con rể của bác đây.
" Tía...tía...con đây nè..."
Cô Út nhào tới ôm chầm lấy bác Ba Phi rồi chẳng hiểu sao cô khóc rưng rức làm bác phải gắt lên :
" Tía đây mà...tía tới phải cười chớ sao khóc...ủa, mà đây đã phải nước Mỹ chưa ?"
Cô Út đang khóc cũng phải bật cười :
" Mỹ thiệt rồi tía...không phải Mỹ...Tho nữa đâu...."
Anh con rể đi tới bắt chặt tay bác Ba Phi, liến thoắng một hồi làm bác ngớ người :
" Phải thằng chồng mày đó không ? Nó hỏi thăm sức khoẻ hay nó chửi tao vậy ?"
Anh chàng Mỹ ngơ ngác không biết bố vợ nói gì ? Cô Út cười rũ :
" Anh Tommy hỏi tía có thấy thoải mái trên chuyến bay không. Anh hy vọng tía sẽ hưởng thụ nhiều điều thú vị trong những ngày trên đất Mỹ..."
Bác Ba Phi gật gật :
" Mày bảo nó cái điều tao mong muốn nhất là hút thuốc ! "
Cô Út dịch lại với chồng, anh chàng này nghe xong lắc đầu lia lịa, giơ hai tay lên trời ra vẻ bất lực. Cô Út lại đành phải dỗ dành :
" Ảnh sợ nhất khói thuốc đó tía. Tía chịu khó nhịn, ở đây cấm hút thuốc đó tía !"
Bác Ba Phi cãi :
" Mày nói sao ấy chớ, từ lúc xuống máy bay tao để ý coi không thấy cái bảng cấm hút thuốc nào hết trơn..."
Cô Út huơ tay xung quanh :
" Tía nhìn coi, người qua người lại đi tới đi lui vậy mà có ai hút thuốc đâu. Tía chịu khó về nhà rồi ra ngoài vườn tha hồ tía hút...."
Chàng rể Mỹ kéo tới một đứa bé chừng hơn chục tuổi cho cô Út rối rít giới thiệu :
" Cháu ngoại tía đây. Cháu tên là Jimmy. Tía coi nó có giống...con không ?"
Cô Út lại nói một tràng tiếng Anh với con trai ý nói con tới chào ông ngoại đi. Thằng bé rụt rè tiến lại gần và tránh người ra khi bác Ba Phi ôm lấy nó.
" Con mình không giống mình còn giống ai. Cháu đứng yên ngoại coi có giống người Việt đằng mình chút nào không ? Í mèn ôi, mắt xanh lè, da trắng bóc, tóc xoăn như vỏ ốc thế này, may còn có mỗi cái mũi là tẹt thôi..."
Bác Ba Phi cứ giữ chặt lấy thằng bé nói oang oang làm nó bất mãn ra mặt. Bất chợt bác reo lên :
" í quên...ngoại có quà cho con đây...quà con vợ thằng Đậu nó cất công xuống tận Mỹ Tho mua lận..."
Bác Ba Phi rút trong túi ra chiếc bánh "pía" nhân đậu xanh, hột gà , sầu riêng dúi vào tay thằng bé. Nó đưa lên mũi ngửi ngửi rồi cầm gói bánh lùi lũi bỏ đi. Bác Ba Phi ngơ ngác :
" ủa...cháu nó đi dâu vậy cà ?"
Cô Út chạy theo con trai. Hoá ra mùi sầu riêng làm nó ghê ghê nên đi tìm thùng rác và vứt tọt gói bánh vào đó. Cũng may bác Ba Phi không thấy nên lúc nó quay về , bác vui vẻ :
" Cháu ăn hết bánh rồi hả ? Ngon không ? Trong vali ngoại còn cả hộp nữa kìa, lát nữa về nhà mở ra cho cháu ăn đã thì thôi..."
Thằng bé không hiểu ông ngoại nói gì. Bất chợt nó quay sang mẹ nó buông thõng một câu :
" Dirty old man..."
Cô Út hoảng hồn bịt miệng thằng Jimmy kéo nó ra xa khỏi bác Ba Phi. Bác chẳng hiểu gì, ngơ ngác :
" Cháu nó nói gì đấy ?"
Cô Út luống cuống :
" Nó bảo....nó bảo...ngoại trông ...ngộ quá à...".
(còn tiếp)
* Lão gìa bẩn thỉu
0 nhận xét